Trong cuộc hành trình mới nhất của Nguồn cội, ta sẽ được theo chân giáo sư Langdon đến Tây Ban Nha, một đất nước không chỉ có những đội bóng giàu thành tích như Barcelona hay Real Madrid mà còn chứa đựng cả một nền văn hóa và lịch sử có mối liên hệ mạnh mẽ với Công giáo La Mã.
Một quốc gia với 46 di sản thế giới, xếp hàng thứ 3 sau Italy và Trung Quốc, trong đó nhiều di sản được xuất hiện làm bối cảnh cho cuốn sách này.
Edmond Kirch là một người theo thuyết vị lai, một thiên tài máy tính, một tỷ phú nổi tiếng khắp thế giới không chỉ bởi khả năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dự đoán tương lai mà còn nhờ những phát ngôn và diễn thuyết mang tính bài tôn giáo.
Kirch là một trong những lứa sinh viên đầu tiên của Langdon cách đây 20 năm. Anh mời thầy giáo của mình đến bảo tàng Guggenheim Bilbao để chứng kiến cậu học trò cũ công bố một phát hiện được mô tả là “sẽ thay đổi bộ mặt khoa học mãi mãi, sẽ đập tan mọi nền tảng tôn giáo".
Buổi thuyết trình sẽ sáng tỏ hai câu hỏi về bản chất của loài người: “Chúng ta đến từ đâu” và “chúng ta đi về đâu”.
Sự kiện diễn ra giữa hàng trăm quan khách bỗng trở nên hỗn loạn. Edmond bị bắn ngay trong lúc đang diễn thuyết. Kẻ đứng đằng sau vụ ám sát tự xưng “Nhiếp Chính vương”, một nhân vật bí ẩn đầy quyền lực dường như nằm trong chính Hoàng gia Tây Ban Nha.
Vì muốn bảo vệ thành tựu của cậu học trò cũ, Langdon hợp tác cùng Ambra Vidal, giám đốc bảo tàng Guggenheim và cũng là hoàng hậu tương lai của Tây Ban Nha.
Cả hai được sự giúp đỡ của Winston - một trí tuệ nhân tạo (AI) do Edmond lập trình - để chạy trốn khỏi Bilbao. Họ lao vào cuộc hành trình tìm ra mật khẩu gồm 47 ký tự của Edmond để truy cập vào siêu máy tính của anh, qua đó kích hoạt lại video bài diễn thuyết về khám phá vĩ đại của anh cho toàn thế giới biết.
Nội dung cuốn sách xoay quanh việc trả lời hai câu hỏi về bản chất của con người, những tưởng phát hiện của Edmond sẽ phải chấn động lắm, tầm cỡ như việc chứng minh Trái Đất hình cầu hay Mặt Trời là trung tâm. Thế nhưng câu trả lời được Edmond đưa ra dường như không đạt kỳ vọng của độc giả.
Về câu hỏi “Chúng ta đến từ đâu”, thì đáp án của câu hỏi này thực ra không hề mới. Đây là một giả thuyết đã xuất hiện từ hơn 50 năm qua, những ai quan tâm đến các vấn đề khoa học đều ít nhiều nghe đến tên của thí nghiệm này.
Còn đáp án cho câu hỏi thứ hai "Chúng ta sẽ đi về đâu” lại khá đơn giản, chưa đủ sức thuyết phục.
Đọc sách của Dan Brown bạn sẽ vô cùng choáng ngợp trước vô vàn kiến thức về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật… Nguồn cội như một trang Wikipedia về đặc trưng văn hóa Tây Ban Nha.
Đầu mỗi cuốn sách, tác giả luôn khẳng định một câu đại ý "mọi kiến thức trong sách đều là thật". Nhưng khi đọc, người ta có cảm giác không tin tưởng lắm về các kiến thức khoa học, công nghệ trong sách này.
Thế nên một vài độc giả nói vui: “Đọc Dan Brown tin thôi đừng tin quá vì không biết bao nhiêu phần trăm những gì ông nói là sự thật". Chẳng phải CERN đã viết cả một cuốn sách để vạch ra những sai sót về “phản vật chất” trong cuốn Thiên thần và ác quỷ đó sao.
Có thể so với các cuốn khác cùng series, Nguồn cội không được đánh giá cao ở tính hành động, tính trinh thám. Tuy nhiên cách kể chuyện và vấn đề đặt ra trong truyện lại gây được ấn tượng mạnh.
Sự phát triển của công nghệ thông tin, của smart phone, trí tuệ nhân tạo có tác động thế nào đến con người là một chủ đề khá hứng thú và tốn bao bút mực báo chí.
Có thể, khi đọc cuốn này, độc giả của Dan Brown sẽ kêu ca rằng ông đã xuống tay, không còn ở trên đỉnh cao phong độ. Việc lên - xuống, trồi - sụt, hoặc là phong độ đi ngang vốn là lẽ thường. Với mỗi nhà văn, chỉ cần có một đến 2 tác phẩm để đời đã là rất thành công rồi.
Như việc nhắc tới Happer Lee chỉ có To kill a Mockingbird, Conan Doyle được nhớ đến bởi Sherlock Holmes, hay J.K.Rowling nổi tiếng nhờ Harry Potter, và đỉnh cao Dan Brown có lẽ là Mật mã Da Vinci hay Thiên thần và Ác quỷ.
***
Review của Trúc Chi:
Trước khi đọc Nguồn Cội của Dan Brown mình luôn nghĩ Khoa Học và tôn Giáo là hai phạm trù đối nghịch và mâu thuẫn.
Tôn giáo cho rằng Chúa tạo ra sự sống. Còn Khoa học chứng minh rằng sự sống của loài người có được nhờ thuyết tiến hóa của Darwin. Lịch sử ghi lại nhiều cuộc chiến đẫm máu giữa KH và TG bởi những định kiến cho rằng Khoa học chống đối Tôn Giáo.
Nhưng sau khi đọc Nguồn Cội và tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa Khoa học và Tôn giáo mình thấy một điều hết sức thú vị rằng Tôn giáo và Khoa học không hề mâu thuẫn. Thậm chí loài người càng phát triển, khoa học càng phát triển thì Khoa học và Tôn giáo càng tiến đến gần nhau hơn.
Lịch sử cũng ghi nhận các nền văn hóa thực hành tôn giáo tồn tại lâu hơn hẳn các nền văn hóa phi tôn giáo. Do vậy khoa học và tiến hóa hoàn toàn ủng hộ Tôn giáo. Khoa học và Tôn giáo hòa hợp một cách đáng ngạc nhiên.
Dù bạn ủng hộ quan điểm duy vật hay theo quan điểm Sáng tạo luận thì mình nghĩ cũng nên đọc Nguồn Cội. Đừng từ chối đọc những gì sai quấy với tư tưởng của bạn bởi điều đó sẽ càng giúp bạn hiểu sâu sắc hơn những gì bạn tin tưởng.
Ngoài ra, vì trí tưởng tượng tuyệt vời, vì sự thông minh xuất sắc của tác giả và vì danh tiếng có được qua các tác phẩm Mật mã Da Vinci, Biểu tượng thất truyền, Hỏa Ngục…mình cho rằng Nguồn Cội rất đáng đọc.
***
Review của Nguyễn Thành Tiến:
Dan Brown
Nhân dịp vừa cày xong tác phẩm mới nhất: Origin - Nguồn cội của Dan, xin phép có đôi dòng viết về nhà văn nổi tiếng này cũng như review qua về Nguồn cội cho bạn nào quan tâm!
Dan Brown là nhà văn trinh thám đương đại hiếm hoi của phương tây đc độc giả VN hâm mộ, bên cạnh hàng loạt những cái tên đình đám của Trung Quốc, Nhật Bản ????….lý do thì đơn giản thôi: độc giả cả thế giới mong chờ tác phẩm của Dan chứ riêng gì chúng ta ????.
Có thể nói những tác phẩm của Dan đc đón nhận vì nhiều lý do, như: chủ đề nhạy cảm, gợi trí tò mò và gây tranh cãi, phản ứng đa chiều của truyền thông khiến cho tác phẩm đc nhiều ng biết đến, khả năng mô tả chi tiết, cách tạo plot twist gay cấn….và dù sao đi nữa cũng phải công nhận khả năng và kiến thức đa dạng của Dan Brown khiến ng đọc ngưỡng mộ ông cũng như những tác phẩm đồ sộ, có đầu tư sâu của ông!
Chủ đề yêu thích của Dan là những bí ẩn lâu đời, những biểu tượng cổ xưa, những mật mã tôn giáo, nghệ thuật và nổi bật nhất là sự đối chọi gay gắt giữa tôn giáo và khoa học! Đó là cách lựa chọn chủ đề rất thông minh, vì những vấn đề này luôn khơi gợi rất nhiều trí tò mò của độc giả cũng như tạo ra những làn sóng truyền thông rộng rãi đến đại chúng do mức độ nhạy cảm nó gây ra những tranh cãi giữa các bên. Dan Brown cũng rất khéo léo khi hóa thân vào hình tượng giáo sự biểu tượng Robert Langdon, ng mà trong những tác phẩm luôn đứng chênh vênh giữa lằn ranh của tôn giáo và khoa học, để có cái nhìn khiến cả 2 phe đều ko thể phê phán gay gắt ????
Tuy nhiên thì điểm trừ trong tác phẩm của Dan Brown là ông thường viết quá lê thê, sa đà vào việc miêu tả những công trình, khung cảnh hay tác phẩm nghệ thuật nào đó (có thể do ông quá yêu và có kiến thức và cảm quan khá tốt về nghệ thuật và lịch sử kiến trúc, biểu tượng nên viết hơi khoa trương) khiến cho tác phẩm của ông thường quá dày chữ và nhiều chi tiết thừa ko đáng có (điều ko thường xảy ra ở những tác phẩm trinh thám của Nhật, Trung)….điểm trừ thứ 2 là cách tạo plot twist quá nhiều dẫn đến nhàm và phản tác dụng, khiến cho giờ đây mỗi khi đọc truyện của Dan ngta dễ đoán hơn, thậm chí hy vọng là ko có plot twist nữa để bớt nhàm….và gần đây thì sức viết của Dan cũng giảm, có vẻ như chủ đề tủ đã ko còn đất sáng tạo thêm, và việc mỗi truyện đều quá dài khiến cho bản thân tác giả dường như cũng nản khi viết ????
Về tác phẩm Nguồn cội mới nhất của Dan Brown!
Vẫn chủ đề tủ là cuộc chiến giữa khoa học và tôn giáo, vẫn nhân vật chính Robert Langdon, vẫn motif rượt đuổi tạo kịch tính, vẫn tạo plot twist nhan nhản…. và với sức viết giảm sút, tác phẩm này có vẻ đuối hơn, và độc giả cũng ko còn thấy mới mẻ với văn phong cũng như chủ đề của Dan nữa…. tuy nhiên thì tác phẩm này cũng có những điểm đột phá riêng: ko còn nói nhiều đến biểu tượng, mật mã nữa, mà thay vào đó, Dan hướng đến vấn đề đang rất mới, rất hot, cũng rất khó tưởng tượng hiện nay: trí thông minh nhân tạo!…. Dan hướng tác phẩm đến việc giải quyết 2 câu hỏi lớn của nhân loại: chúng ta đến từ đâu? Chúng ta sẽ đi về đâu?….việc đặt vấn đề rất táo bạo, và đề cập đến AI đòi hỏi kiến thức về công nghệ cũng như tính dự đoán rất thông minh của tác giả….có vẻ Dan Brown phải tìm hiểu rất nhiều kiến thức cho tác phẩm mới, và t nghi là trc khi viết nên tác phẩm này, hẳn nhà văn đã phải ngốn ko ít thời gian để đọc sách của những học giả như Jared Diamond, James Barrat và Yuval Harari ????….t rất may mắn khi tình cờ đọc Nguồn cội sau khi đã đọc hết Sapiens và Homo deus của Harari cũng như Phát minh cuối cùng của Barrat ???? nên ko bị khó tiêu hóa khi đọc truyện….
Tóm lại, Nguồn cội là tiểu thuyết mà fan của Dan Brown vẫn nên tìm đọc, hoặc những bạn ham tìm hiểu về AI, về chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa nhân văn hay tò mò về tương lai nhân loại thì cũng nên đọc
Chấm điểm 7,5/10
***
Review của Ngọc Sơn Vũ:
CHỈ LÀ KHÁC CÁCH KỂ CHUYỆN!
Đây là lần thứ 5 độc giả được dịp tái ngộ với giáo sư biểu tượng học của Đại học Harvard, Robert Langdon, một “Harrison Ford trong chiếc áo tuýt hiệu Harris" cùng chiếc đồng hồ chuột Mickey trứ danh của ông. Nếu như "Thiên thần và ác quỷ" đưa ta đến Italia, xuyên qua những con đường, những bức tường, những nhà thờ cổ kính của Toà thánh Vatican, trong "Mật mã Da Vinci" đến Pháp với Bảo tàng Louvre và những kiệt tác nghệ thuật điêu khắc và hội họa thời Phục Hưng. Thì trong cuộc hành trình mới nhất này, ta sẽ được theo chân giáo sư đến Tây Ban Nha, một đất nước không chỉ có những đội bóng giàu thành tích như Barca, Real mà còn chứa đựng trong nó cả một nền văn hóa và lịch sử có mối liên hệ mạnh mẽ với Công giáo La Mã. Một quốc gia với 46 di sản thế giới, xếp hàng thứ 3 sau Italia và Trung Quốc, trong đó nhiều di sản được xuất hiện làm bối cảnh cho cuốn sách này.
Edmond Kirch, một người theo thuyết vị lai, một thiên tài máy tính, một tỷ phú nổi tiếng khắp thế giới không chỉ bởi khả năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dự đoán tương lai mà còn nổi tiếng với những phát ngôn và bài diễn thuyết mang tính bài Tôn giáo. Kirch là một trong những lứa sinh viên đầu tiên của Langdon cách đây 20 năm, đã mời thầy giáo của mình đến bảo tàng Guggenheim Bilbao để chứng kiến cậu học trò cũ công bố một phát hiện mà theo như anh nói là “Sẽ thay đổi bộ mặt khoa học mãi mãi, sẽ đập tan mọi nền tảng tôn giáo.” Buổi thuyết trình sẽ sáng tỏ hai câu hỏi về bản chất của loài người: “Chúng ta đến từ đâu” và “chúng ta đi về đâu”.
Sự kiện diễn ra giữa hàng trăm quan khách chưa kể hàng triệu lượt view trên internet bỗng trở nên hỗn loạn. Edmond bị bắn ngay trong lúc đang diễn thuyết. Kẻ đứng đằng sau vụ ám sát tự xưng “Nhiếp Chính vương” một nhân vật bí ẩn đầy quyền lực dường như nằm trong chính Hoàng gia Tây Ban Nha. Vì muốn bảo vệ thành tựu của cậu học trò cũ, Langdon hợp tác cùng Ambra Vidal, giám đốc bảo tàng Guggenheim và cũng là hoàng hậu tương lai của Tây Ban Nha. Cả hai được sự giúp đỡ của Winston – 1 trí tuệ nhân tạo (AI) do Edmond lập trình giúp đỡ chạy trốn khỏi Bilbao, lao vào cuộc hành trình tìm ra mật khẩu gồm 47 ký tự của Edmond để truy cập vào siêu máy tính của anh, qua đó kích hoạt lại video bài diễn thuyết về khám phá vĩ đại của anh cho toàn thế giới biết.
Nội dung cuốn sách xoay quanh việc trả lời hai câu hỏi về bản chất của con người, những tưởng phát hiện của Edmond sẽ phải chấn động lắm, tầm cỡ như việc chứng minh Trái Đất hình cầu hay Mặt Trời là trung tâm. Thế nhưng tôi lại không đánh giá cao câu trả lời được Edmond đưa ra. Về câu hỏi “Chúng ta đến từ đâu” thì đáp án của câu hỏi này thực ra không hề mới, đây là một giả thuyết đã xuất hiện từ hơn 50 năm qua, những ai quan tâm đến các vấn đề khoa học đều chí ít nghe đến tên của thí nghiệm này. Edmond chỉ đơn giản là người chứng minh được giả thuyết đó là có thật. Còn đáp án cho câu hỏi thứ hai ‘Chúng ta sẽ đi về đâu” lại khá đơn giản, chưa đủ sức thuyết phục.
Không đi theo motif thông thường của các cuốn trước series, luôn mở đầu bằng một cái chết để gây chấn động cho người đọc, sau đó qua mỗi chương sách, tính hành động được đẩy lên cao dần, mỗi chương luôn có những tiwst gây sự quan tâm và bất ngờ. Hơn trăm trang đầu của “Nguồn cội” được tác giả sử dụng chủ yếu để xây dựng bối cảnh và nội dung câu chuyện. Điều này khiến câu chuyện trở nên hơi dài dòng nếu như bạn đã quen với cốt truyện “chạy đua với thời gian” như ở “Thiên thần và ác quỷ” hay “Mật mã Da Vinci”. Tuy nhiên một điểm mới so với các tập trước khiến độc giả cảm thấy hứng thú: thay vì tập trung vào nghệ thuật cổ điển với những Leonardo Da Vinci, Botticelli thì cuốn sách xoay quanh những tác phẩm theo trường phái hiện đại của Frank Gehry, Antoni Gaudi một chủ đề vốn không phải chuyên môn của Langdon… Dan Brown cũng tỏ ra vô cùng thức thời khi đưa vào sách những Uber, những AI thậm chí cả Elon Musk hay tình yêu đồng tính.
Về tuyến nhân vật trung tâm, chắc hẳn nhiều người đồng ý với tôi, ngoại trừ trí tuệ nhân tạo Winston và thiên tài công nghệ Edmond ra, các nhân vật khác, kể cả cặp đôi Langdon-Vidal được xây dựng khá mờ nhạt. Langdon không có nhiều cơ hội thể hiện kiến thức trong tập sách này khi mà Winston đã được lập trình với trí tuệ gần như hoàn hảo chiếm spotlight. Nữ chính Vidal không có gì đặc biệt nếu không muốn nói kém hẳn với các “cộng sự” trước đó của Langdon: Vittoria -thiên tài của CERN, Sophie – chuyên gia mật mã của DCPJ. Cô gần như làm mỗi việc là bám theo ông giáo sư của chúng ta rong ruổi khắp chốn. Kẻ đứng đằng sau, “Nhiếp chính vương” bí ẩn thì tương đối dễ đoán, nếu bạn là fan Dan Brown lâu năm, thì chắc chỉ cần ½ cuốn sách là có thể đoán ra dễ dàng.
Đọc sách của Dan Brown bạn sẽ vô cùng choáng ngợp trước vô vàn kiến thức về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật… “Nguồn cội” như một trang Wikipedia về đặc trưng văn hóa Tây Ban Nha. Nhưng tôi lại không tin tưởng lắm về các kiến thức khoa học, công nghệ trong sách dù đầu mỗi cuốn sách ông luôn khẳng định một câu đại ý rằng “mọi kiến thức trong sách đều là thật”. Thế nên tôi mới hay nói vui là “Đọc Dan Brown tin thôi đừng tin quá vì không biết bao nhiêu phần trăm những gì ông nói là sự thật đâu.” Chẳng phải CERN đã viết cả một cuốn sách để vạch ra những sai sót về “phản vật chất” trong cuốn “Thiên thần và ác quỷ” đó sao.
Đánh giá một cuốn sách cần một cái nhìn tổng thể và đa chiều. Có thể so với các cuốn khác cùng series, “Nguồn cội” không được đánh giá cao ở tính hành động, tính trinh thám. Tuy nhiên cách kể chuyện và vấn đề đặt ra trong truyện lại gây được ấn tượng mạnh với cá nhân tôi. Sự phát triển của công nghệ thông tin, của smart phones có tác động thế nào đến con người là một chủ đề khá hứng thú và tốn bao bút mực báo chí. Các bạn cũng đừng kêu ca rằng Dan Brown đã xuống tay và không còn ở trên đỉnh cao phong độ. Xin thưa với các bạn, các nhà văn cũng là con người bình thường và cả đời họ cũng chỉ có được 1-2 tác phẩm để đời. Happer Lee chỉ có “To kill a Mockingbird”, Conan Doyle được nhớ đến bởi Sherlock Holmes chứ không mấy người biết đến “The Lost World”. Hay J.K.Rowling nổi tiếng nhờ “Harry Potter” chứ không phải “Casual Vacancy”…
Là tập 5 của bộ sách về Robert Langdon, cuốn sách có sự kết nối với 4 tập trước. Langdon được nhắc trên truyền thông là người “Khá nổi tiếng với việc truy tìm Chén thánh” nhiều năm trước. Tuy nhiên có một chỗ sơ sót chưa được Dan Brown xử lý. Nếu như bạn đọc còn nhớ ở cuối tập 4 “Hỏa ngục” thế giới đã gặp phải một vấn đề vô cùng nghiêm trọng và rắc rối bởi “thứ đó” và tới khi kết thúc câu chuyện, vấn đề vẫn chưa thể giải quyết. Thì ở tập 5, hoàn toàn không hề đề cập lại, liệu vấn đề đó đã được giải quyết hay chưa? “Thứ đó” liệu còn tồn tại? Hay tác giả viết “Hỏa ngục” thuộc một “dòng thời gian” khác?
Về vấn đề dịch thuật, cuốn sách này do anh Xuân Hồng người đã dịch 2 cuốn trước đó là “Biểu tượng thất truyền (bản IPM 2009)”, “Hỏa ngục (2014)” dịch thuật. Trong cuốn thứ 3 này anh dịch, tôi không hài lòng lắm ở việc anh Việt hóa quá nhiều các danh từ riêng, các thuật ngữ tin học khiến tôi khá khó khăn trong việc tra google tìm kiếm thông tin. Đặc biệt là mật khẩu 47 ký tự của Edmond được tác giả chơi chữ rất xuất sắc cũng dịch ra làm mất cái “chất” của truyện.
Tuy nhiên, bỏ qua những điểm không vừa ý, với tôi “Nguồn cội” vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc. Nếu hỏi đoạn văn mà tôi thích nhất trong sách thì đó chính là bài diễn thuyết mở đầu của Edmond về vấn đề “Khoa học và tôn giáo” hoàn toàn đối lập với bài phát biểu của giáo chủ thị thần trong tập 1: “Thiên thần và ác quỷ”. Một bên là Tôn giáo và một bên là Khoa học, bạn hãy chọn một. Không, bạn không cần lựa chọn bên nào cả vì “Tôn giáo và khoa học không phải là kẻ thù, mà là đồng minh cũng kể một câu chuyện.”
Đánh giá: 7,5/10
Mời các bạn đón đọc Nguồn Cội của tác giả Dan Brown.