Quyển truyện Thúy Kiều này là một quyển sách kiệt-tác làm bằng quốc-âm ta. Người trong nước từ kẻ ngu-phu ngu-phụ cho chí người có văn-học, ai cũng biết, ai cũng đọc, mà ai cũng chịu là hay. Một quyển sách có giá-trị như thế, mà chỉ hiềm vì các bản in ra, có nhiều bản không giống nhau, rồi có người lại tự ý mình đem chữa đi, chữa lại, thành ra càng ngày càng sai-lầm nhiều thêm ra. Mới đây những bản in bằng quốc-ngữ, tuy có dễ đọc và dễ xem hơn trước, nhưng chưa thấy có bản in nào thật chính-đáng, những điều sai-lầm vẫn còn như các bản chữ nôm cũ, mà chữ quốc-ngữ viết lại không được đúng, và những lời giải-thích cũng không kỹ-càng lắm. Chúng tôi thấy vậy, mới nhặt-nhạnh các bản cũ, rồi so-sánh với các bản mới để hiệu-chính lại cho gần được nguyên-văn. Chúng tôi lại hết sức tìm-tòi đủ các điển-tích mà giải-thích cho rõ-ràng, để ai xem cũng hiểu, không phải ngờ điều gì nữa.
Hiện nay tập nguyên-văn của tác-giả làm ra thì không tìm thấy nữa, chỉ có hai bản khác nhau ít nhiều, là bản Phường, in ở phố hàng Gai, Hà-nội, và bản Kinh của vua Dực-tông bản Triều đã chữa lại.
Bản Phường là bản của ông Phạm Quí Thích đem khắc, in ra trước hết cả. Ông hiệu là Lập Trai, người làng Huê-đường (nay đổi là làng Lương-đường) phủ Bình-giang, tỉnh Hải-dương, đỗ tiến-sĩ về cuối đời Lê, cùng với tác-giả là bạn đồng thanh đồng khí, cho nên khi quyển truyện này làm xong thì tác-giả đưa cho ông xem. Chắc cũng có sửa-đổi lại một vài câu, nhưng xem lời văn thì chỗ nào cũng một giọng cả. Vậy nên chúng tôi thiết-tưởng rằng lấy bản Phường làm cốt, thì có lẽ không sai-lầm là mấy. Còn những chỗ mà bản Kinh đổi khác đi, hoặc những câu mà về sau người ta sửa lại, thì chúng tôi phụ-lục cả ở dưới, để độc-giả có thể xem mà cân-nhắc hơn kém. Lại có một vài chữ người ta muốn đổi đi, nhưng không đúng với các bản nôm cũ, thì chúng tôi cũng thích xuống dưới, chứ không tự tiện mà đổi nguyên-văn đi. Chủ-ý của chúng tôi là muốn giữ cho đúng như các bản cũ, chứ không muốn làm cho hay hơn.
Truyện Thúy Kiều này nguyên lúc đầu tác-giả nhan là : « ĐOẠN-TRƯỜNG TÂN-THANH 斷腸新聲 » Sau nghe đâu ông Phạm Quí Thích đổi lại là : « KIM, VÂN, KIỀU TÂN-TRUYỆN 金雲翹新傳 ». Nhưng vì trong truyện chỉ có Thúy Kiều là vai chính, còn Kim Trọng và Thúy Vân là vai phụ cả. Nếu đề như vậy, thì e không hợp lẽ. Vả chăng tục thường gọi là truyện Kiều, thì chi bằng ta cứ theo thói thường mà nhan là Truyện Thúy Kiều, rồi ở dưới đề thêm tên cũ « ĐOẠN-TRƯỜNG TÂN-THANH », gọi là để tỏ cái ý tồn cổ.
Song đấy là nói về phần hình-thức ở bề ngoài, còn về phần tinh-thần văn-chương trong truyện Thúy Kiều, thì sau này chúng tôi sẽ đem ý-kiến riêng mà bày-tỏ ra đây, họa may có bổ-ích được điều gì chăng. Vậy trước hết xin lược-thuật cái tiểu-sử của tác-giả để độc-giả hiểu rõ tác-giả là người thế nào.
Tác-giả húy là Du 攸, tự là Tố-như 素如, hiệu là Thanh-hiên 清軒, biệt hiệu là Hồng-sơn Liệp-hộ 鴻山獵戶, quán tại làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh, con thứ bảy ông Hoàng-giáp Xuân-quận-công Nguyễn Nghiễm, làm thủ-tướng Lê-triều. Bác ruột là ông Nguyễn Huệ cùng anh là ông Nguyễn Khản đều đỗ tiến-sĩ, làm quan đồng thời. Ông Nguyễn Khản làm đến Lại-bộ Thượng-thư, sung chức Tham-tụng. Còn người anh thứ hai là Điều-nhạc-hầu, húy là Điều, làm Trấn-thủ Sơn-tây. Cả nhà, cha con, chú bác, anh em, đều là người khoa-giáp, làm quan to đời nhà Lê.
Tố-như tiên-sinh là con bà trắc-thất, người huyện Đông-ngạn, tỉnh Bắc-ninh, tên là Thấn 殯. Bà sinh được bốn người con trai tên là Trụ 伷, Nệ 儞, Du 攸 (tức là tiên-sinh) và Ức 億. Tiên-sinh sinh vào ngày nào, thì nay ta không rõ, chỉ biết vào năm ất-dậu là năm Cảnh-hưng thứ 26 (1765), nghĩa là vào đời Lê-mạt.
Xem gia-thế nhà tiên-sinh, thì tiên-sinh là dòng-dõi một nhà thế-phiệt trâm-anh đệ-nhất trong nước lúc bấy giờ. Không rõ tiên-sinh thụ-nghiệp ai, có lẽ là học-tập phụ-huynh trong nhà. Tiên-sinh thủa còn trẻ thiên-tư dĩnh-ngộ, năm 19 tuổi đã đỗ ba trường, tức là đỗ tú-tài.
Tiên-sinh là người có khí-tiết, gặp khi trong nước có biến, nhà Nguyễn Tây-sơn dấy lên, nhà Lê bại-vong, tiên-sinh đã nhiều phen lo-toan sự khôi-phục, nhưng vì sự không thành, bỏ về quê ở, lấy sự chơi-bời săn-bắn làm vui thú. Trong vùng chín-mươi-chín ngọn núi Hồng-lĩnh không có chỗ nào là chỗ tiên-sinh không đi đến. Phải thời quốc phá gia vong, tiên-sinh đã toan bỏ việc đời ra ngoài tai, đem cái thân-thế mà vui với non sông. Ấy là cái chí của tiên-sinh đã định như thế, nhưng đến khi vua Thế tổ Cao-hoàng bản Triều đã thống-nhất được giang-sơn, có ý muốn thu-phục lòng người miền Bắc, xuống chiếu trưng-triệu những nhà dòng-dõi cựu-thần nhà Lê ra lục-dụng. Tiên-sinh phải triệu ra làm quan, hai ba lần từ-chối không được. Năm Gia-long nguyên-niên (1802), tiên-sinh phải ra làm tri-huyện huyện Phù-dực, (nay thuộc tỉnh Thái-bình). Được ít lâu bổ đi Tri-phủ Thường-tín. Sau tiên-sinh cáo bệnh xin về. Đến năm Gia-long thứ năm (1806) lại phải triệu vào Kinh thụ chức Đông-các học-sĩ. Năm thứ tám (1809) bổ ra làm Cai-bạ (tức là Bố-chính) Quảng-bình. Năm thứ 12 (1813) thăng lên làm Cần-chính-điện học-sĩ, sung chức chánh-sứ sang cống Tàu. Đến khi về, được thăng Lễ-bộ Hữu-tham-tri. Năm Minh mệnh nguyên-niên (1820) lại có chỉ sai tiên-sinh đi sứ Tàu lần nữa, nhưng chưa kịp đi thì phải bệnh mất.
…
Mời các bạn đón đọc Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du hiệu khảo Bùi Kỷ &Trần Trọng Kim.