Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 25 - Nhiều Tác Giả

THEO nghị quyết của đại hội Đảng năm 1951, việc biên soạn lịch sử Đảng đã được đề ra. Thi hành nghị quyết ấy, Trung ương đã cử một tiểu ban sưu tầm tài liệu Đảng để chuẩn bị viết lịch sử Đảng.

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Việt-nam lần thứ sáu, chúng tôi xin gợi ra một số ý kiến về việc viết lịch sử Đảng.

1. Chúng ta phải nghiên cứu những đặc điểm của xã hội Việt-nam để tìm ra những đặc điểm của cách mạng Việt-nam và Đảng lãnh đạo nó. Nước ta trước đây là một xứ thuộc địa và nửa phong kiến, do đó, một khi nghiên cứu về tình hình giai cấp, quan hệ giai cấp, thái độ các giai cấp đối với cách mạng và đối tượng cách mạng, chúng ta thấy nó khác với những nước không phải thuộc địa đã đành, mà còn có chỗ khác với cả những nước nửa thực dân nửa phong kiến. Cũng do đó, đảng cộng sản ở một xứ thuộc địa, một nước nông nghiệp cũng có những nét đặc biệt của nó. Đảng của giai cấp công nhân Việt-nam thành lập trong những điều kiện nào của giai cấp, của dân tộc, của tình hình quốc tế, do đó đã phản ánh đến tính chất của nó như thế nào, thành phần của nó ra sao đều là những điểm mà chúng ta phải đi sâu vào. Lịch sử Đảng (Đảng Cộng sản Đông-dương ngày trước và Đảng Lao động Việt-nam ngày nay) gắn liền với lịch sử cách mạng Việt-nam từ khi giai cấp công nhân thành hình, nhất là từ năm 1930 trở về sau, cách mạng Việt-nam thuộc dưới quyền lãnh đạo của Đảng. Nhưng nói thế không có nghĩa là lịch sử cách mạng cận đại Việt-nam từ năm 1930 trở về sau là lịch sử của Đảng, vì lịch sử Đảng, với nội dung và yêu cầu của nó, có khác với quyển lịch sử cách mạng, nói chung.

2. Chúng ta cố gắng nêu lên tính chất và đặc điểm của cách mạng Việt-nam và Đảng lãnh đạo nó. Nhưng nói đến lịch sử Đảng ta còn có những chỗ khác với lịch sử các đảng anh em khác. Chúng ta kỷ niệm ngày sinh nhật Đảng Lao động Việt-nam, nhưng nói đến lịch sử Đảng Lao động Việt-nam không phải chỉ kể từ ngày 3-3-1951, mà còn phải kể từ ngày 6-1-1930, ngày thống nhất các tổ chức cộng sản ở Đông-dương và ngược dòng về trước, những tổ chức cộng sản đầu tiên, những đảng tiền bối của Đảng Cộng sản Đông-dương. Trong quá trình phát triển, từ một đảng của tiểu tư sản có xu hướng cộng sản đến đảng của giai cấp công nhân, đến đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì là một đảng cách mạng trong một xứ thuộc địa nên trường kỳ nằm trong bí mật, nhưng cũng có lúc trong một phạm vi nào, hoạt động công khai hay bán công khai. Về danh nghĩa, Đảng có lúc thay đổi, nhưng đường lối chính trị và hệ thống tổ chức trước sau vẫn là một. Viết lịch sử đảng là dựng lại cả một quá trình biện chứng cách mạng từ hơn ba mươi năm nay trên đất nước Việt-nam.

3. Viết lịch sử Đảng (Đảng Lao động ngày nay và Đảng Cộng sản Đông-dương trước kia) còn phải nhìn đến vị trí quốc tế của Đảng. Những tổ chức cộng sản hay có xu hướng cộng sản tại Đông-dương nói chung, tại Việt-nam nói riêng, ra đời vào lúc mà giai cấp công nhân trong nước đã trưởng thành, cuộc cách mạng toàn thế giới đều thuộc phạm trù cách mạng vô sản do giai cấp công nhân lãnh đạo. Riêng ở Đông-dương, ba nước Việt, Miên, Lào đều thuộc quyền một bộ máy thống trị của thực dân Pháp, do đó, cuộc vận động cách mạng ở mỗi nước đều liên hệ mật thiết với nhau dưới sự lãnh đạo của một bộ tham mưu chung là Đảng Cộng sản Đông-dương, một chi bộ của Quốc tế cộng sản. Về sau, thừa kế Đảng Cộng sản Đông-dương là Đảng Lao động Việt-nam, mặc dầu danh nghĩa có đổi khác, nhưng không phải vì thế mà cuộc cách mạng mỗi nước ly khai với nhau. Đến nay, chúng ta ngày càng thấy rõ cuộc cách mạng Việt-nam là một bộ phận không thể tách rời với cuộc cách mạng thế giới chống đế quốc chủ nghĩa, nước Việt-nam dân chủ cộng hòa nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân trên thế giới do Liên-xô lãnh đạo. Lịch sử Đảng (Đảng Lao động Việt-nam ngày nay và Đảng Cộng sản Đông-dương trước kia) tự bản thân nó có tính chất quốc tế rõ rệt.

4. Nhưng viết lịch sử Đảng chẳng phải chỉ diễn lại một quá trình đấu tranh cách mạng hơn ba mươi năm của Đảng trong việc lãnh đạo nhân dân chống đế quốc chủ nghĩa và phong kiến ; mà chủ yếu là tổng kết những ưu điểm và nhược điểm, khuyết điểm trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, để đánh giá cho đúng và rút ra một bài học kinh nghiệm. Vì là một xứ thuộc địa và nửa phong kiến, Đảng của giai cấp công nhân đã chứa đựng những thành phần gì và rọi ra những tính chất gì, đã nắm độc quyền lãnh đạo cách mạng trong một điều kiện hoàn cảnh như thế nào, tính chất giai cấp và tính chất dân tộc biểu hiện ra sao. Chúng ta rất tự hào nêu lên những ưu điểm của Đảng như thống nhất nội bộ, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, tổ chức lực lượng vũ trang đấu tranh, tự mình đoạt chính quyền từ trong tay địch và kháng chiến thắng lợi. Nhưng chúng ta cũng cần kiểm điểm lại coi chúng ta đã gặp những khó khăn gì trong quá trình đấu tranh và chúng ta đã mắc những sai lầm khuyết điểm gì, những sai lầm gì đến mức nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo cũng như chỉ đạo thực hiện ? Chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa kinh nghiệm đã biểu hiện ở trong Đảng như thế nào ? Trình độ lý luận và công tác tư tưởng của Đảng ra sao ? Bệnh tả khuynh cũng như hữu khuynh do đâu mà có ? Những vấn đề quan trọng nhất phải được duyệt lại như việc tuyên bố giải tán Đảng, đổi tên Đảng, định thành phần của Đảng v.v…

Nói tóm lại, viết lịch sử Đảng là một việc rất quan trọng, rất cần thiết đối với Đảng, với công cuộc cách mạng. Trách nhiệm to lớn này cố nhiên thuộc về các đồng chí trong bộ chính trị Trung ương Đảng, nhưng đòi hỏi ở sự góp sức xây dựng của toàn đảng toàn dân. Đảng ta chính thức thành lập đã 30 năm, đã viết ra những trang sử vẻ vang của giai cấp công nhân, của dân tộc, cần phải xúc tiến hoàn thành quyển lịch sử Đảng. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng ta lãnh đạo từ non 30 năm nay cần phải được tổng kết lại ở quyển lịch sử Đảng. Những đảng viên cũng như nhân dân dưới quyền lãnh đạo của Đảng đương mong có một quyển lịch sử Đảng để nâng cao nhận thức, nâng cao lý luận đặng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc và chuyển lên xã hội chủ nghĩa.

Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 25.