Mae Chee Kaew (1901 -1991) là một phụ nữ nông thôn, đã sống cuộc đời làng quê bình dị tại vùng đông bắc Thái Lan. Cô đã phải vượt qua vô vàn khó khăn khi muốn rời nhà và đi theo con đường cao cả của Đức Phật.
Vô cùng may mắn đã gặp được những vị thiền sư tài giỏi nhất thời đó, Mae Chee Kaew đã nhập lời dạy của các vị thầy đó vào tâm, nỗ lực vun trồng tâm cho hay biết được tự nhiên và trong sáng. Tính bền bỉ, lòng quả cảm và tuệ giác trực kiến của cô đã cho phép cô vượt qua ranh giới của quy ước – những ranh giới mà thế giới bên ngoài đặt ra cho cô và những ranh giới hạn chế tâm cô từ bên trong – và nhờ vậy đã giúp cô giải thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử.
Mae Chee Kaew là một trong số ít các nữ Thánh được biết đến trong thời hiện đại và là bằng chứng cho mọi chúng sinh rằng không kể sắc tộc, giới tính hay đẳng cấp, mục đích chứng ngộ cao cả của Đức Phật mọi người, ai cũng vẫn có thể đạt được.
***
Sau một thời gian đến chùa gần nhà, tôi được một gia đình bạn đạo tặng cuốn Venerable Ācariya Mun Bhūridatta Thera-A Spiritual Biography và cuốn Mae Chee Kaew-Her Spiritual Journey to Awakening Enlightenment của Bhikkhu Dick Sīlaratano.
Nhân lúc có người thân hiểu sai lệch về thế giới vô hình quanh ta, coi đó là những sức mạnh siêu nhiên mà ta phải lệ thuộc vào, tôi đã dịch một, hai chương trong cuốn Mae Chee Kaew-Her Spiritual Journey to Awakening Enlightenment để giúp người đó thay đổi quan điểm. Rồi dần dần, từ việc dịch một, hai chương, tôi đã dịch hết cuốn sách với mong muốn nó sẽ giúp ích được cho nhiều người hơn nữa trong đời sống tinh thần của họ.
Cuốn sách viết về Mae Chee Kaew, một phụ nữ nông thôn bình dị ở vùng đông bắc Thái Lan, người đã đạt tới đỉnh cao trong thiền tập. Mặc dù là một ấn phẩm về Phật Giáo, tôi thấy nó rất gần gũi với đời thường. Các chi tiết mô tả cuộc sống của Mae Chee Kaew thật sống động và gần gũi với cuộc sống nông thôn miền bắc Việt Nam. Các phong tục, tập quán cũng có rất nhiều điểm tương đồng. Thêm vào đó, tác giả sử dụng phần lớn các từ thuần Anh để mô tả cuộc sống của chư tăng ni và giải thích các vấn đề về Phật Pháp làm cho nó trở nên rõ ràng và dễ hiểu đối với đại đa số độc giả.
Do vậy, trong khi dịch, tôi đã cố gắng sử dụng các từ thuần Việt, nhằm giữ phong cách bình dị của cuốn sách. Và để thích ứng với đại đa số độc giả Việt Nam, tác giả đã cho phép chỉnh sửa một vài từ trong bản dịch. Tuy vậy, điều đó không làm thay đổi ý của tác giả, hay nội dung chính yếu của cuốn sách.
Các trạng thái trải nghiệm được khi thiền là ở trong tâm của riêng mỗi người, rất khó có thể diễn tả bằng lời. Chỉ những ai đã trải nghiệm qua rồi mới có thể hiểu được một cách đúng đắn, kể cả khi những trải nghiệm đó đã được diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường, dễ hiểu. Với vốn hiểu biết Phật Pháp nông cạn của mình, việc dịch cuốn sách này là một thử thách lớn đối với tôi, và do đó không thể tránh khỏi khiếm khuyết. Nếu có sai sót nào trong khi dịch, xin quý độc giả lượng thứ và chân thành góp ý để bản dịch được hoàn thiện hơn trong lần tái bản.
Mọi góp ý, phê bình xin email về: [email protected].
Tôi vô cùng cảm ơn P. P. Thủy và B. M. Tâm đã hiệu đính những bản thảo đầu tiên cho ý nghĩa được chính xác và tiếng Việt được lưu loát hơn. Đặc biệt hơn nữa, tôi đã rất hân hạnh được Sư Cô Tâm Tâm giúp đỡ trong lần hiệu đính cuối. Sư Cô đã rộng lượng dành thời gian eo hẹp của mình cho việc chỉnh sửa bản dịch này và cho những lời khuyên xác đáng để có được bản thảo cuối cùng. Tôi cũng vô cùng may mắn được Mae Chee Melita Halim giúp thiết kế, dàn trang và các vấn đề liên quan đến việc phát hành sách.
Thêm nữa, tôi không thể hoàn thành bản dịch này nếu không có sự trợ giúp của những người thân trong gia đình đã hy sinh thời gian quý báu của họ cho tôi. Tôi cũng đã nhận được nhiều lời khích lệ từ bạn bè khi họ bày tỏ lòng mong muốn cuốn sách này được dịch sang tiếng Việt. Nhiều độc giả đã hùn phước với tôi để in cuốn sách này từ rất lâu trước khi bản dịch hoàn tất. Đó là những nguồn cổ vũ động viên vô cùng to lớn giúp tôi hoàn thành công trình này.
Tôi xin nhiệt thành tán dương hảo tâm của các nhà tài trợ và tất cả những ai đã ít nhiều đóng góp vào việc dịch thuật, in ấn và phân phát cuốn sách này. Mong tất cả chúng ta cùng quý độc giả sẽ thức tỉnh và suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống, không còn đắm say trong các thành tựu vật chất, mà hướng tới đời sống tinh thần có chiều sâu và hiểu biết bản chất hơn. Từ đó, ta có thể tự đem lại hạnh phúc cho chính mình và tất cả những người xung quanh một cách thực tế và bền vững.
PT Diệu Hạnh
---o0o---
Khi tôi ở tại thiền viện trong rừng Nakamnoi năm 2007, hòa thượng trụ trì, Ajaan Inthawai Santussako đề nghị tôi dịch một bản tiểu sử về Mae Chee Kaew từ tiếng Thái sang tiếng Anh mà ngài dự định sẽ ấn tống bằng cả hai thứ tiếng.
Mặc dù bản tiểu sử ngài đưa tôi khá tóm tắt, Ajaan Inthawai đã rộng lượng cho tôi tất cả những ghi chép trước đây về cuộc đời của Mae Chee Kaew mà ngài đã sưu tầm được.
Sau khi dịch xong bản tóm tắt về cuộc đời của Mae Chee Kaew sang tiếng Anh, tôi quyết định viết một cuốn truyện đầy đủ dựa trên những tìm hiểu khác nữa về các sự kiện tạo nên cuộc đời cô và đánh dấu mỗi bước đi trên hành trình tới giải thoát của cô.
Thiền viện ẩn lâm Nakamnoi đã cho tôi một môi trường yên tĩnh và động viên tôi làm việc, và các vị sư ở đó đã giúp tôi có những nghiên cứu quý giá. Những lời giảng thu thập được của Mae Chee Kaew mà trích đoạn của chúng được đặt ở đầu mỗi chương là đặc biệt khó vì phần lớn trong số đó được ghi lại bằng tiếng Phu Tai, ngôn ngữ mẹ đẻ của cô. Tôi vô cùng biết ơn các vị sư dân tộc Phu Tai đã giúp tôi giải nghĩa các từ Phu Tai này.
Cuốn sách này cũng không thể hoàn thành được nếu không có nỗ lực của bạn bè và nhiều người trợ giúp. Tôi vô cùng biết ơn họ. Đặc biệt, tôi xin cám ơn Swe Thant, biên tập viên lâu dài của tôi trong việc khéo léo làm mềm mại đi những chỗ thô kệch trong tập bản thảo đầu tiên và giúp thay đổi giọng văn chung của cuốn sách. Rachel Claveau tiếp đó đã rất khéo léo cắt tỉa bớt những từ không cần thiết và chỉnh sửa cấu trúc ngữ pháp cho hay hơn. Rachel cũng yêu cầu tôi phải giải nghĩa nhiều đoạn khó hay không rõ nghĩa để thể hiện đúng ý nghĩa muốn diễn đạt. Tôi đặc biệt cảm ơn Mae Chee Melita Halim, người đã một mình thiết kế bìa trước và bìa sau của cuốn sách, thiết kế bên trong sách và vẽ các bức vẽ chì. Cô đã làm việc không mệt mỏi nhiều tháng trong điều kiện khó khăn để chuẩn bị bản bông để in.
Tôi thấy thật may mắn có được nhà xuất bản nhiệt tình và hảo tâm Silpa Siam Packaging Printing Co., Ltd. Họ không chỉ giúp cho việc xuất bản mà còn giúp gây quỹ tài trợ chi phí in ấn. Không có hảo tâm của rất nhiều người đóng góp, cuốn sách này không thể được ấn tống. Tên họ nhiều không thể kể hết được, nhưng mỗi người trong số họ xứng đáng được chúng ta tán dương nhiệt thành.
Và cuối cùng, xin vô cùng cám ơn Forest Dhamma Books, mạng lưới bạn bè toàn cầu, về thời gian và công sức họ đã bỏ ra giúp đỡ để hoàn thành cuốn sách này.
Bhikkhu Dick Sīlaratano
Tháng Tư năm 2009
Mời các bạn đón đọc Hành trình tới Giác ngộ và Giải thoát của tác giả Mae Chee Kaew.