William Faulkner xuất bản Cọ hoang (The Wild Palms) vào năm 1939 khi danh tiếng của ông chưa có hào quang của giải Nobel văn chương bao trùm và cũng giống như Âm thanh và cuồng nộ, Nắng tháng Tám, Thánh địa tội ác, Bọn đạo chích, tác phẩm này một lần nữa khẳng định rằng người viết ra nó là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của thế kỷ XX.
Với tác phẩm này, Faulkner trở nên độc đáo ngay trong cách ông kể hai chứ không phải một câu chuyện trong cùng một tiểu thuyết, hai câu chuyện riêng rẽ nhưng lại đan xen, tưởng như không liên quan mà lại soi rọi lẫn nhau một cách kín đáo và tinh tế. Đọc xong một chương, độc giả tạm dừng khám phá câu chuyện này để đến với câu chuyện kia, nhưng thật thú vị, mạch của hai câu chuyện vẫn được giữ xuyên suốt và song hành trong sự liên tưởng thầm kín. Một câu chuyện kể về cặp tình nhân lao vào cơn mê cuồng của tình yêu bất chính mà theo như người trong cuộc “chẳng phải vì lý tưởng đầy đam mê của hai kẻ bị nguyền rủa, đầy đọa, bị thế giới và Thượng Đế xa lánh đã lôi cuốn họ mà vì ý niệm về tình yêu bất chính là một thách thức đối với họ, bởi họ có một niềm khao khát không thể cưỡng lại được (và một niềm tin không gì lay chuyển nổi là họ có thể vượt qua thách thức ấy, giống như ai đó tin rằng mình có thể quản lý một nhà trọ vậy), niềm khao khát chấp nhận tình yêu bất chính và biến nó thành tình yêu chân chính” để rồi chấp nhận một kết thúc nghiệt ngã. Câu chuyện còn lại kể về một tù nhân vật lộn trong cơn lũ lụt với “hệ thống cơ bắp phải làm việc liên tục trong nhiều giờ liền… không tuân theo ý chí mà tuân theo sự suy hao vượt trên cả sự kiệt sức đơn thuần, gần như mê dại, như bị thôi miên, tiếp tục hoạt động dễ hơn là dừng lại” để bảo toàn mạng sống cho một người đàn bà mang thai mà anh ta được sai đi cứu để rồi phải chịu cảnh tù đày thêm mười năm. Với hai câu chuyện đều là bi kịch, Faulkner đã thật tài tình, táo bạo trong cách miêu tả cá tính nhân vật cũng như diễn tả tâm lý căng thẳng, phức tạp và giằng xé bên trong con người cùng sự biến động gây choáng váng của ngoại cảnh. Đặc biệt với những nhân vật chính là tù nhân, người ngoại tình, tác giả đã hướng người đọc tới cái nhìn khách quan và tính nhân văn hơn là thành kiến và sự ghét bỏ khi ông để cho độc giả tự khám phá ra rằng những con người bị xã hội coi là tội lỗi ấy lại phần nào giúp chúng ta hiểu hơn về sự phức tạp của cuộc sống, về bản chất, bản năng, mong muốn thực sự của con người, nhất là khi do lựa chọn hoặc vì bất đắc dĩ, họ phải đứng trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa căm ghét và tha thứ, giữa trống rỗng và khổ đau. Cọ hoang là một tác phẩm văn chương xuất sắc xét trên nhiều khía cạnh.
Dịch tác phẩm này là một thách thức lớn đối với bất cứ dịch giả nào. Để chuyển ngữ tác phẩm này, người dịch đã dành nhiều thời gian đọc nguyên tác và các tài liệu nghiên cứu về William Faulkner. Người dịch cũng đã phải nhờ tới sự cố vấn và giảng giải của một số học giả người Mỹ am hiểu văn chương Faulkner cũng như văn hóa miền Nam nước Mỹ để làm sáng tỏ những tình huống đa nghĩa thuộc loại “tảng băng trôi” trong tác phẩm. Trong quá trình chuyển ngữ, người dịch đã cố gắng bảo tồn nội dung cũng như văn phong của tác giả một cách tối đa. Cũng xin lưu ý với độc giả rằng trong tác phẩm này, thỉnh thoảng tác giả sử dụng những câu dài, rất dài, đặc biệt có câu lên tới gần ba trăm chữ. Cho rằng Faulkner dùng câu dài một cách bất thường để diễn tả sự dồn dập của sự kiện, tâm trạng phức tạp hoặc dòng suy nghĩ bấn loạn của nhân vật nên trong bản dịch tiếng Việt, người dịch đã không đặt thêm những dấu chấm, phẩy cho những câu đó mà chỉ cố gắng làm mạch câu trở nên dễ theo dõi hơn mà thôi.
Được dịch tác phẩm này cũng là một vinh dự lớn. Người dịch xin trân trọng cảm ơn các học giả đã dày công nghiên cứu tác phẩm này cũng như phong cách văn chương của Faulkner và chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình một cách rộng rãi giúp ích cho những người dịch nó sang các ngôn ngữ khác. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới tác giả người Mỹ Bill Dunn, người đã nhiệt tình và kiên nhẫn đóng góp thời gian lẫn hiểu biết của mình giúp người dịch vượt qua những thách thức lớn nhất trong quá trình hoàn thành bản dịch.
Cuối cùng người dịch hoan nghênh sự phản hồi của độc giả về bản dịch này, mong các bạn đọc góp ý để cuốn sách trở nên hoàn thiện hơn.
Hà Nội ngày 12/10/2014
***
William Faulkner (1897-1962) là một tiểu thuyết gia người Mỹ. Đoạt Giải Nobel Văn học năm 1949, hai giải Pulitzer năm 1955 và 1963, ông là một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 20. Những sáng tác của Faulkner gây ảnh hưởng sâu rộng lên văn chương châu Mỹ La tinh, Pháp, Nga… nếu không muốn nói là toàn cầu.
Nhắc tới ông, không thể không kể đến tứ đại kỳ thư nổi tiếng:
- Âm thanh và cuồng nộ (The Sound and the Fury -1924) - Khi tôi nằm chết (As I lay Dying - 1930) - Nắng tháng Tám (Light in August -1932) - Absalom, Absalom! (1936)
Một số tác phẩm khác đã được dịch và xuất bản tại Việt nam: