Quang Trung Hoàng đế (chữ Hán: 光中皇帝; 1753 – 1792) hay Bắc Bình Vương, tên thật là Nguyễn Huệ (阮惠), sau đổi tên là Nguyễn Quang Bình (阮光平), là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Quang Trung không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Tây Sơn tam kiệt, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ. Ngoài ra, Quang Trung còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc. Bản thân ông đã cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn, và chưa hề thua một trận nào. Đồng thời. khi ở cương vị hoàng đế, ông cũng tỏ rõ tài cai trị khi đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự… nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.
Sau 20 năm liên tục chinh chiến và 3 năm trị quốc, khi tình hình đất nước bắt đầu có chuyển biến tốt thì Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sau cái chết của ông, nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Người kế vị ông là Quang Toản vẫn còn quá nhỏ (9 tuổi) nên không đủ khả năng để lãnh đạo Đại Việt, triều đình lâm vào mâu thuẫn nội bộ và thất bại trong việc tiếp tục chống lại Nguyễn Ánh. Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Huệ được một số sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn.
***
Trên bầu trời mây bay lảng đảng làm xao nhãng một vừng trăng, ánh sáng không còn lung linh huyền ảo, mà lờ mờ rải xuống thế gian, soi bóng một mẫu người tầm thước lúc ẩn, lúc hiện dưới tàng cây chậm bước và đang men theo ven bờ như muốn tìm về cội nguồn con nước. Vẻ mặt luôn trầm tư, chất chứa khôn xiết nỗi băn khoăn về sự thế đảo điên dân tình lầm than oán thán. Phút chốc, ánh mắt lại cuốn theo từng cuộn sóng nhấp nhô để lòng muốn biết về dòng sông tiếp nước từ sông Ba đổ xuống thượng nguồn, tỏa ra thành ba chi bốn nhánh, phân chia ban phát dòng nước mát cho khoảng trời rộng mênh mông, nuôi dưỡng những cánh đồng trù phú, rồi qui tụ lại đổ ra cửa hạ lưu cảng Thị Nại. Cảng ấy là giao điểm của những con tàu vượt trùng dương vào cửa sông, ngược dòng chảy tìm lên thượng nguồn, trao đổi hàng hóa giữa hai miền xuôi ngược.
Trên ngưỡng cửa thượng nguồn, dòng sông uốn khúc theo thể núi tạo thành thủ long sơn khổng lồ, buông mình lượn theo dòng chảy đổ về biển Đông. Thủ long sơn ấy có những cái vòi vĩ đại trải dài ra tận Hoà Nghĩa, phăng vào Phú Yên, rồi dựng ngược lên miền cao nguyên mênh mông trang trải. Tạo thành thế đứng vững chải cho bao đấng anh hùng tụ nghĩa, mà vẫn chưa thấy sinh sôi nảy nở để gửi gắm một niềm tin. Chợt nghe, tiếng kêu thất thanh đồng loạt vang lên từ phía bến đò:“Ối, làng nước ơi! Có kẻ cướp thuyền, giết người! Ai ơi, cứu người, cứu tôi với”….
Thuận đà, đôi chân phóng thẳng chừng vài chặng đường, thấy con tàu hiện ra phía trước, tư duy liền xác định: Kẻ cướp nom theo đến khúc vắng thì ra tay và đang duy chuyển hàng hóa ở ngoài khơi ư? Nhanh như cắt, người đàn ông cởi áo khoác quần dài vứt lên cành cây, chuồi xuống nước lẹ làng lách mình trong đêm vắng không để lại tiếng động đã lặn dài đến tận nơi, bám lấy mạn thuyền phi thân nhảy phóc lên tàu. Mới hay, tàu chuyến của một thương gia quen thuộc nghĩa tình từ lâu, bị kẻ cướp đánh tan những tay đô bảo vệ đường dài, bắt đàn bà con gái trói gô nhét giẻ vào miệng hết la được. Chỉ còn nghe tiếng lịch kịch, lụi đụi di chuyển hàng hóa từ thuyền lớn qua những chiếc ghe con, chưa kịp nhổ neo, nổi máu anh hùng, người đàn ông quát lớn: “Kẻ nào dời hàng đi sẽ chết với ta!”. Nói đoạn, toán thân phi nhanh vào đối thủ, tay không thủ đá đỡ gạt, chưa xuất chiêu nào đã đoạt một thanh gươm, thừa thế tấn công tả xông hữu đột. Hễ túm cổ được tên nào, thì quăng luôn xuống dòng chảy.
…
Mời các bạn đón đọc Hoàng đế Quang Trung của tác giả Nguyễn Thu Hiền.