Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Năm Người Đàn Bà Si Tình - Ihara Saikaku

Năm người đàn bà si tình là tập sách nổi tiếng của tác giả Ihara Saikaku, một trong những tác giả xuất sắc của văn chương Nhật Bản thời kỳ Edo.
Tập sách gồm năm truyện ngắn, xoay quanh đời sống ái tình đầy dục vọng của năm người đàn bà đẹp.

Trong các truyện ngắn Chuyện về nàng Oshichi si tình, Chuyện về vị phu nhân đa tình và Chuyện nàng Osen đa tình, mỗi nhân vật đều rất đẹp, khiến những người đàn ông xung quanh họ đều phải đắm đuối trong bể tình đầy cám dỗ của họ, nhưng dục vọng vốn là điều dễ khiến con người nảy sinh những suy nghĩ tăm tối.

Những chi tiết xoay quanh tình yêu như ngoại tình, tình dục, đam mê, đau đớn, khổ cực đều được Ihara Saikaku miêu tả rõ rệt. Nghệ thuật kể chuyện cổ điển, tuân theo trật tự thời gian tuyến tính có lẽ phần nào khiến độc giả ngày nay có cảm giác nhàm chán, cũ kỹ. Thế nhưng, ngôn ngữ của Ihara Saikaku lại mang đậm màu sắc của sự khơi gợi, với những biến hóa đầy uyển chuyển, và tạo hình.

Năm truyện ngắn trong tác phẩm này đều mang đậm dấu ấn của giáo lý nhà Phật, với kết cấu nhân – quả, của quy luật tội lỗi và trừng phạt. Mỗi người phụ nữ như nàng Oshichi, nàng Osen, phu nhân Osan, đều gây ra nhiều cám dỗ tội lỗi trong bể tình, vượt ra khỏi đạo lý của thời kỳ phong kiến để sống cho sự si mê đầy nhục dục của mình.

Nhưng tất cả họ đều phải chịu đựng những kết cục bi thương như một lẽ tất nhiên để chuộc lại lỗi lầm về sự phản bội của mình. Trong số những người phụ nữ ấy, kẻ thì bị đâm chết, kẻ tự tử, người lại đi tu… Những xúc cảm nóng bỏng và đầy bản năng của họ là những điều hoàn toàn bị khước từ trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.

***

Thời đại Edo (1603 – 1867) dưới sự lãnh đạo của Mạc phủ Tokugawa kéo dài 264 năm có thể xem là một trong những thời kỳ êm đềm nhất trong lịch sử Nhật Bản. Với chính sách bế quan tỏa cảng, người Nhật dựa vào nội lực của chính mình để phát huy đặc tính văn hóa trên tất cả lĩnh vực từ cá tính dân tộc, tay nghề, mỹ thuật… Giai cấp samurai được khuyến khích coi trọng văn hơn võ; giai cấp thương gia ngày càng trở nên giàu có. Thêm vào đó nhờ vào sự phổ cập các trường tư thục, trường dạy trong chùa (terakoya 寺子屋) và kỹ thuật in ấn phát triển, sách in bằng bản khắc gỗ ra đời nên dân thường có điều kiện tiếp xúc với văn chương. Văn học được đại chúng hóa và văn hóa trở thành văn hóa của thị dân (Chonin bunka 町人文化).

Sinh vào đầu thời Edo, Ihara Saikaku (Tỉnh Nguyên Tây Hạc 井原西鶴) (1642 – 1693) là nhà thơ haiku và tác gia tiêu biểu cho dòng tiểu thuyết “phù thế thảo tử”. Phần lớn cuộc đời ông viết về cuộc sống thị dân Edo với những mối quan tâm về tiền bạc và sắc tình. Với khả năng quan sát nhạy bén và tài năng đa dạng, Saikaku đã khắc họa tinh tế bản chất con người trong một xã hội của kim tiền và sắc dục. Những tác phẩm của ông vẫn còn có giá trị cho đến ngày hôm nay vì cho dù có văn minh đến đâu nhưng tâm lý con người ngàn năm nay vẫn không hề thay đổi. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là “Năm người đàn bà si tình” (Hiếu sắc ngũ nhân nữ 好色五人女).

Ueda Akinari (Thượng Điền Thu Thành 上田秋成) (1734 – 1809) vốn là con hoang của một kỹ nữ, sau được một thương nhân nhận nuôi để nối nghiệp nhưng cuối cùng lại chuyển sang nghề y. Ueda có niềm tin sâu sắc về những truyện huyền bí. “Vũ nguyệt vật ngữ” (雨月物語 Truyện kể trong mưa và trăng) đúng như tên gọi được viết xong vào đêm mưa tạnh trăng mờ năm 1768. Tuy viết về chuyện yêu ma quỷ quái nhưng lại ẩn chứa rất nhiều bài học về thế thái nhân tình.

Hai tác phẩm tiêu biểu “Năm người đàn bà si tình” và “Vũ nguyệt vật ngữ” đặt song song và tương chiếu với nhau giúp chúng ta thấy được cuộc sống và quan niệm nhân sinh của người dân Nhật Bản thời Edo một cáchsống động và chân thực và từ đó có thể rút ra bài học cho chính mình trong cuộc đời hôm nay. Đặc biệt là lời cảnh tỉnh về sắc dục và ái tình. Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu tấn tuồng đời diễn ra với mùi vị của kim tiền. Chính tiền bạc và sắc dục đã biến con người trở thành yêu ma, yêu ma vì tình mà trả thù người, người và yêu ma lẫn vào nhau, chung sống với nhau. Như xà tinh trong truyện “Con rắn tà dâm” vì tình mà uổng phí công tu luyện ngàn năm, nhà sư trong truyện “Chiếc khăn trùm đầu màu xanh” của “Vũ nguyệt vật ngữ” vì tình yêu với chú tiểu mà biến thành một con yêu quái. Chính Ueda Akinari cũng thừa nhận: “Trên núi ái tình mà bản thân Khổng Tử cũng trượt ngã, người đời dễ quên đi nghĩa vụ của mình và cả bản thân mình nữa”[1]. Còn truyện “Năm người đàn bà si tình” thì kết thúc hầu hết là bi thương, nhân vật chính không chết thì cũng đi tu. Ái tình đã biến thành nghiệp chướng. Cả hai tác phẩm này đều đã có bản dịch tiếng Việt dù không đầy đủ. “Năm người đàn bà si tình” của Ihara Saikaku được Phạm Thị Nguyệt dịch, Nhà xuất bản Tiền Giang ấn hành năm 1988. Còn “Vũ nguyệt vật ngữ” được Nguyễn Trọng Định dịch với tên “Hẹn mùa hoa cúc” do Nhà xuất bản Kim Đồng in năm 2000. Những trích dẫn trong bài của chúng tôi là lấy từ hai bản dịch này.

Mời các bạn đón đọc Năm Người Đàn Bà Si Tình của tác giả Ihara Saikaku.