Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Trang Tử Tâm Đắc - Yu Dan

Những điều diệu kỳ từ tư tưởng và triết lý sống Khổng Tử

Sống trong cục diện nhiễu nhương của xã hội cuối thời Xuân Thu, trước thực tế con người chỉ biết nhào nhào chạy theo "lợi kỷ" và những dục vọng vật chất thấp hèn, Khổng Tử đã nêu ra mỹ học về chữ "thiện", về lòng nhân, theo ông chỉ có chữ "nhân" mới có thể cứu vãn xã hôi Xuân Thu, cứu vãn nhân loại. Bản thân Khổng Tử cũng từng nói rằng "Nhân ái có cách xa chúng ta lắm không? Chỉ cần chúng ta muốn đạt đến điều nhân ái, nhân ái sẽ đến bên cạnh chúng ta".

Đạo nhân ái nói cho cùng chính là lòng yêu người, là yêu cầu mỗi người phải hòa chung nhịp đập của trái tim mình vào nhịp đập chung của trái tim nhân loại, thế nhưng cũng chính điểm này đã đem đến cho khái niệm một tầm bao quát cực kỳ rộng lớn. Nhìn lại lịch sử, tính từ khi học thuyết của Khổng Tử ra đời cho đến tận ngày nay, người Trung Quốc, thậm chí cả các học giả nước ngoài chưa bao giờ ngừng việc tìm hiểu về chữ nhân.

Tác giả Yu Dan đi từ việc đọc Khổng Tử, nghiền ngẫm Khổng Tử cho đến giảng về Khổng Tử (Luận ngữ tinh hoa), thế nhưng phải chờ cho đến khi có tuổi, sau khi đã chuyển hẳn sang nghiên cứu Trang Tử, bả mới ngộ ra rằng, có quá nhiều thứ, bao gồm cả điều quan trọng nhất trong hệ thống mỹ học của Khổng Tử, tức đạo nhân, vẫn chưa từng được đề cập.

Khổng Tử Tâm Đắc của Yu Dan gồm bảy chương, trong đó đạo nhân ái được xếp sau cùng, các nội dung được xếp giảng trước như hiếu kính, trí tuệ, học tập, thành tín, trị thế, trung thứ đều là những bước cần thiết, tạo cơ sở vững chắc để tác giả giảng về đạo nhân. Thậm chí, hoàn toàn, có thể nói, năm chương đầu của sách thực ra chỉ là những biểu hiện cụ thể của đạo nhân.

***

Sách Trang Tử, còn có tên là Nam hoa kinh của Trang Chu không chỉ là bộ kinh điển của bách gia chư tử, mà còn là bộ sách hội tụ tinh hoa của triết học và văn hóa Trung Quốc.

Lỗ Tấn, cha đẻ của nền văn học hiện đại Trung Quốc, từng nhận xét về Trang Tử như sau: "Bao la vạn khoảnh, biến hóa khôn lường, trong hết thảy các nhà chư tử cuối đời Chu, không nhà nào có thể vượt qua Trang Tử vậy". Hồi còn là Nghiên cứu sinh tại Đại học Nam Kinh, tôi từng nghe Giáo sư mỹ học Phan Tri Thường nói: "Nếu nội trong một đêm, mọi sách vở về văn hóa Trung Quốc biến mất khỏi mặt đất, trước sự kiện này có một học giả được báo trước, đồng thời cho phép ông ta chọn mười đầu sách kinh điển nhất để lưu lại, thế thì trong mười đầu sách ấy sẽ có Luận ngữ của Khổng Tử, Đạo đức kinh của Lão Tử, Nam hoa kinh của Trang Tử,

Đàn kinh của Huệ Năng, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần,… Nhưng nếu chỉ được phép chọn một đầu sách duy nhất, thì chỉ có thể chọn Nam hoa kinh, vì còn Trang Tử thì còn có thể trùng kiến lại văn hóa Trung Quốc, mất Trang Tử đồng nghĩa với việc văn hóa Trung Quốc diệt vong. Bởi vì triết học nhập thế của Khổng Tử ở đời thường dễ có, triết lý Thiền tông vẫn có thể sản sinh nếu có sự gặp gỡ giữa Phật giáo và tư tưởng của Đạo gia, nhưng triết học ngoạn thế của Trang Tử thì thực không dễ có".

Từ những điều trên đây có thể thấy rõ tầm quan trọng cũng như sức ảnh hưởng to lớn của Trang Tử đối với văn hóa Trung Quốc, thậm chí đối với cả nền văn hóa Đông Á nói chung. Văn nhân Trung Quốc xưa đối với việc xuất sĩ làm quan, trọng tư tưởng nhập thế của Khổng Tử; đối với việc tu tâm dưỡng tính, thường ký thác nơi quan điểm xuất thế của Đạo gia. Cuộc đời con người ta ắt cần đến công danh, nhưng công danh không phải là tất cả; ngoài công danh, con người ta bất cứ lúc nào cũng phải đối mặt với vô vàn vấn đề to lớn, như sống chết, tự do, bất tử,… Chìa khóa để vượt qua tất cả những điều này, theo chúng tôi có lẽ không thể tìm ở đâu khác ngoài Trang Tử.

Giáo sư Vu Đan là một trong những học giả nổi danh ở mảng văn hóa truyền thống Trung Quốc, những bài giảng của bà về Nam hoa kinh của Trang Tử và Luận ngữ của Khổng Tử phát trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc luôn chiếm được rất nhiều cảm tình của người xem.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến độc giả Việt Nam và tin rằng quý độc giả sẽ tìm thấy rất nhiều điều tâm đắc sau khi đọc xong quyển sách này.

Nguyễn Đình Phức

Viết tại Thư trai, Sài Gòn

Mời các bạn đón đọc Trang Tử Tâm Đắc của tác giả Yu Dan.