Trải qua tuổi thơ dữ dội và bi thương cùng quãng đời niên thiếu bươn chải tủi cực, chàng thanh niên Peskov - sau này là đại thi hào của xứ sở bạch dương, nhà văn Maksim Gorky - đã trải qua "những trường đại học đường đời" trong bối cảnh tình hình chính trị nước Nga những năm 80 của thế kỉ XIX vô cùng rối ren, phức tạp. "Những trường đại học" mà "các vị giáo sư" là muôn dạng chân dung đời thường: phường trộm cắp, những kẻ lừa đảo, các bần nông, công nhân và giới trí thức… Một nhân cách lớn của nước Nga đã được tôi rèn ra sao trong "những trường đại học" ấy?
Những Trường Đại Học Của Tôi là cuốn thứ ba trong bộ ba tự thuật của Maksim Gorky: Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi. Tác phẩm đã được dựng thành phim năm 1938.
***
Những trường đại học của tôi là tác phẩm đầu tiên M.Gorky viết trong thời đại mới ‒ thời đại Xô viết. Gorky sáng tác Những trường đại học của tôi chủ yếu vào năm 1922. Đây là tập cuối trong bộ ba tác phẩm tự thuật của ông. Những trường đại học của tôi phản ánh cuộc sống của Gorky ở Kazan (1884 ‒ 1888) và ở làng Krasnovidovo trên sông Volga (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1888).
Khác với Thời thơ ấu và Kiếm sống, Những trường đại học của tôi là một tùy bút ghi nhanh. Có thể gọi Những trường đại học của tôi là một phòng trưng bày các kiểu chân dung người Nga khác nhau. Nhân vật chính liên kết những bức chân dung đó là Peskov, một chàng thanh niên đang đi tìm chân lí của cuộc sống. Chủ động hoặc ngẫu nhiên do hoàn cảnh bắt buộc, Peskov tiếp xúc với rất nhiều người, những cuộc gặp gỡ thường diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Có lẽ điều đó đã quyết định cách phác họa nhân vật của Gorky trong Những trường đại học của tôi. Tuy rất ít miêu tả vẻ bề ngoài, song những chi tiết miêu tả vô cùng sắc nét. Trong mỗi bức chân dung, Gorky chỉ lựa chọn một số nét, nhưng là những nét tiêu biểu; ông xếp đặt và làm sáng tỏ những nét ấy khiến cho mỗi hình ảnh trở nên sinh động, tính cách và thế giới nội tâm của từng nhân vật đều nổi bật.
Tên gọi của cuốn sách ‒ Những trường đại học của tôi ‒ rất đáng chú ý. Trường đại học là nơi người ta được học những kiến thức chuyên sâu về một ngành khoa học. Gorky sử dụng số nhiều (“những trường đại học”) để nhấn mạnh không phải chỉ có một trường mà có nhiều trường. “Những trường đại học” này của Gorky là cuộc sống muôn màu muôn vẻ, hối hả, phức tạp, rắc rối, có những sự kiện nặng nề, đôi khi kì quặc đến quái gở, tươi vui cũng có, mà ảm đạm cũng có.
Tên sách không có ý mỉa mai, cũng không có vẻ hài hước, châm biếm, mà vang lên âm điệu bi thảm. Gorky kể cho chúng ta ông đã trải qua “trường đại học đường đời” gian khổ như thế nào khi còn là một thanh niên. Ngôi trường với những con người có tư chất tinh thần, tâm lí khác nhau một cách kì lạ, có những quan điểm về con người, xã hội, nhà nước… nhiều khi trái ngược hoàn toàn.
Chàng thanh niên Peskov khao khát những kiến thức sâu rộng, muốn lĩnh hội chúng một cách có hệ thống, nhưng thực tế phũ phàng đem lại cho trí tuệ ham hiểu biết nhưng còn chưa vững vàng của anh một mớ hỗn độn những ấn tượng, những quan niệm. Nhiều lần Peskov phải băn khoăn thắc mắc sau những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Anh phải nghĩ nát óc để tự tìm ra lời giải đáp.
Mỗi người Peskov tiếp xúc trong thời kì ở “những trường đại học” đều đem lại cho anh, khi tích cực, khi thụ động, một bài học đường đời bổ ích. Peskov luôn luôn tìm kiếm, trông chờ ở họ những lời giải đáp cho bao câu hỏi quay cuồng trong đầu óc anh. Chính vì vậy, anh đã gần gũi mọi người, nghe ngóng, quan sát họ. Đấy cũng là lí do vì sao ở Những trường đại học của tôi, khác với Thời thơ ấu và Kiếm sống, hầu như hoàn toàn không miêu tả đời sống hằng ngày.
Nhân vật chính của cuốn sách là chàng thanh niên Peskov, nhưng nội dung chính lại xoay quanh những con người mà Peskov tiếp xúc, thế giới nội tâm và thái độ của họ với hiện thực. Peskov không đặt “cái tôi” của mình vào trung tâm của cuộc sống xung quanh. Vấn đề làm anh băn khoăn, lo lắng nhất là làm thế nào để trở thành một người thực sự có ích cho nhân dân mình.
Peskov đã trải qua “những trường đại học đường đời” vào lúc tình hình chính trị nước Nga những năm 80 của thế kỉ XIX vô cùng phức tạp, bắt đầu sau thất bại của phong trào cách mạng dân túy. Vào thời kì này, trong một thời gian nhất định nào đấy, chủ nghĩa Tolstoy trở nên thịnh hành. Một số trí thức dân chủ đã bắt đầu tuyên truyền học thuyết Tolstoỵ.
Nhưng cũng vào những năm 80, học thuyết cách mạng vĩ đại ‒ chủ nghĩa Marx ‒ đã xuất hiện ở Nga và đang trên đà phát triển mạnh mẽ; nó xua tan bóng tối của chế độ phản động, soi sáng con đường đúng đắn duy nhất để tiến lên. Cũng vào những năm ấy, ở Kazan, người kế tục thiên tài học thuyết Marx ‒ Engels là V. I. Lenin đã trưởng thành về mặt tư tưởng và chính trị. Ở một số thành phố đã thành lập những nhóm Marxist đầu tiên. Một trong những nhóm xuất sắc trong thời kì này là nhóm Kazan do nhà cách mạng nổi tiếng N. E. Fedoseev lãnh đạo.
Vai trò của Fedoseev trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Marx và cuộc đấu tranh của ông chống lại phong trào dân túy đã được V. I. Lenin đánh giá cao trong bài báo Mấy lời về N. E Fedoseev, Lenin viết:
“Đối với vùng Povolzhie cũng như đối với một số địa phương thuộc khu vực trung tâm nước Nga, vai trò của Fedoseev rất quan trọng; quần chúng đang ở trong bước ngoặt sang chủ nghĩa Marx và chịu ảnh hưởng rất lớn của nhà cách mạng thiên tài và vô cùng trung thành với sự nghiệp cách mạng ấy.”
Thế giới quan của Peskov trong tác phẩm tuy chưa phát triển thật hoàn thiện, nhưng con đường anh đi đã được phác họa và được xác định. Con đường đó nhất định sẽ dẫn anh đến với giai cấp vô sản, với chủ nghĩa Marx, với cách mạng.
Trong Những trường đại học của tôi, vấn đề nhân dân và giới trí thức chiếm một vị trí quan trọng. Câu hỏi “Làm gì?” thường xuyên được đặt ra trước Peskov lúc còn ở nhà ông ngoại cũng như khi đi kiếm sống giờ đây lại có một ý nghĩa mới mẻ đối với chàng thanh niên.
Thời thơ ấu và niên thiếu, Peskov đã trải qua trường học đường đời gian khổ. Nhưng sau khoảng thời gian cực nhọc ấy, chàng thanh niên đã có ước mơ về cuộc sống tươi đẹp, nhân đạo, với những “con người cao thượng”. Anh đồng ý với lời khuyên nhủ của Yevreinov, một học sinh trung học cũng hay mơ mộng và ngây thơ như anh. Anh đã tới Kazan để thi vào trường đại học. Suốt thời gian khoảng bốn năm sống ở Kazan, trong tâm trí anh luôn diễn ra cuộc xung đột gay gắt giữa ước mơ viển vông và hiện thực khủng khiếp.
Cuối cùng, thay cho việc vào học tại trường đại học, để khỏi chết đói, Peskov đành làm phu thợ trên các bến tàu Volga. Tại đây, sống giữa những công nhân khuân vác, những kẻ giang hồ và kẻ cắp, anh cảm thấy mình “là một thỏi sắt được vùi vào đống than đỏ rực”. Những “vị giáo sư” đầu tiên của anh trong “trường đại học” muôn hình muôn vẻ: Bashkin ‒ kẻ cắp chuyên nghiệp chuyên bịa ra những bài hát “tàn nhẫn”; Chusov ‒ một tay thợ chuyên làm những việc ám muội như tiêu thụ đồ ăn cắp. Nhiều chàng trai đã ngả theo con đường của “những người thầy” như vậy. Nhưng Peskov đã đứng vững.
Cuộc gặp gỡ với nhà cách mạng Guri Pletnyov đã giúp Peskov có ít nhiều cơ sở vững chắc hơn trong nhận thức. Anh bắt đầu tham gia hoạt động trong một nhóm cách mạng bí mật. Nhưng về sau nhóm này lại biểu lộ sự suy đồi về chính trị của giới trí thức.
Sự kiện quan trọng hơn cả trong thời kì Peskov sống ở Kazan là việc anh tham gia vào nhóm dân túy tụ tập tại cửa hiệu của Derenkov. Ở đây, sau khi tiếp xúc với những sinh viên có đầu óc cách mạng, tư tưởng của Peskov thay đổi nhiều. Nhờ hiểu biết thực tế phong phú, quan niệm của Peskov về nhân dân trái ngược với quan niệm của những người dân túy. Tuy vậy, lòng tin của những người dân túy vào phẩm chất của nhân dân mà họ “tạo ra”, lòng yêu mến của họ đối vói nhân dân đã cổ vũ chàng thanh niên, tiếp thêm sức mạnh cho anh.
Peskov bắt đầu thấy rõ hoạt động của giới trí thức tách rời nhân dân sẽ không đưa lại kết quả gì. Lời nói của nhà Marxist Fedoseev đã làm cho Peskov vững tin vào lí tưởng của mình.
Trong những ngày khó khăn đi tìm chân lí ấy, trong lúc nghi ngờ sự đúng đắn của giới trí thức thuộc phái dân tuý, Peskov cũng đã làm quen với “những nhà lí luận” khác của cuộc sống. Tuy họ đối địch hẳn với anh, nhưng những cuộc gặp gỡ ấy đối với anh không phải là vô ích. Anh đụng phải thái độ thụ động của những người thợ làm bánh mì, họ “chịu đựng một cách ngoan cường” tất cả những lời nhạo báng của chủ, có đầu óc vô chính phủ và thái độ hay kêu than. Những lời nói của ông giáo dạy Sử về sự vô nghĩa của cuộc sống và sự vô ích của lao động, rằng người ta đi tìm sự lãng quên, sự an ủi, chứ đâu có phải đi tìm kiến thức ‒ những lời nói ấy đã ảnh hưởng tới Peskov và làm anh sửng sốt. Những cuộc tiếp xúc với người theo chủ nghĩa Tolstoy là Klopsky, lão cảnh sát Nikitorich càng làm cho Peskov thêm bối rối.
Thế là Peskov, vào tuổi thanh niên khó khăn nhất, đã ở giữa “đám sương mù” của những tư tưởng và lí thuyết trái ngược, đôi khi phủ định lẫn nhau. Anh thường lạc lối, cảm thấy bất lực trước những bài toán cuộc đời mà anh không thể nào giải nổi. Trong thời gian ấy, những ý nghĩ của anh về cuộc sống “không kém phần nặng nề so với chính bản thân cuộc sống” (thậm chí năm 1887, trong giây phút tuyệt vọng, Peskov đã có ý định tự tử). Thời kì “những trường đại học ở Kazan” của Peskov kết thúc một cách bi thảm như thế.
Mùa hè năm 1888, Peskov cùng với nhà cách mạng thuộc phái dân tuý là Romass rời tới làng Krasnovidovo. Một giai đoạn mới trên con đường đi tìm chân lí của chàng thanh niên Peskov bắt đầu. Theo kết cấu của tác phẩm, đó là phần hai của Những trường đại học của tôi.
Cuộc sống thực tế ở nông thôn nước Nga hóa ra hoàn toàn không giống như người ta mô tả trong các bản thuyết trình ở nhà Derenkov. Peskov đụng phải chủ nghĩa cá nhân, bản năng tư hữu đã được nuôi dưỡng hàng trăm năm của chế độ nông nô, sự ngu dốt, thất học, thiếu tin tưởng vào giới trí thức. Ở đây, anh thấy rõ tình cảnh của người nông dân Nga do hoàn cảnh lịch sử gây nên. Ở đây, anh gặp nhiều người, muôn hình muôn vẻ, có trình độ nhận thức rất khác nhau. Trong cuộc mưu sinh gian khổ hằng ngày để kiếm một mẩu bánh mì, trái tim và tâm hồn con người trở nên cằn cỗi.
Nhưng đồng thời, ở mỗi người cũng có nhiều điểm tốt đẹp, dịu dàng, đôi khi là tâm hồn ngây thơ thực sự.
Izot, Barinov, Kukushkin là những con người như vậy. Họ làm cho Peskov nhớ lại một cách sinh động những người mà anh đã gặp trước đây trong Thời thơ ấu: ngoài đường phố, sau hàng rào nhà ông ngoại; khi Kiếm sống: trên tàu thủy, ở xưởng làm tượng thánh, ở nhà người thầu khoán. Tất cả những người nông dân Nga này “đều sống mò mẫm như những người mù, tất cả đều sợ hãi một cái gì đó, không tin cậy nhau…”
Trong phần này của cuốn truyện, cảm giác vui mừng trước con đường đã tìm thấy, ý thức tham gia vào công việc thực tiễn chứ không chỉ trên sách vở ngày càng tăng.
Peskov hiểu kế hoạch của Romass có điểm hạn chế, nhưng kế hoạch ấy đã thu hút anh vì anh cảm thấy đó là kế hoạch hành động thực tế. Nhưng thực ra đó cũng vẫn chỉ là ý định thể hiện bằng đường lối hoà bình những lí tưởng cũ của phái dân túy, chưa thể giải quyết những nhiệm vụ cách mạng cụ thể đương thời. Chính vì vậy mà Romass đã không đạt được mục đích. lzot bị giết, cửa hiệu của Romass bị bọn phú nông đốt, những người bần nông mà Romass đặt nhiều hi vọng cũng không ủng hộ anh.
Peskov đã rời khỏi làng Krasnovidovo, cảm thấy cần thiết phải đi tìm một học thuyết cách mạng tích cực có khả năng chiếu sáng con đường cách mạng sau này. Thế là trước mắt chúng ta lại xuất hiện những lớp người mới, những sự kiện mới. Tiếp xúc với tầng lớp sinh viên cách mạng, với nông dân, công nhân, Peskov đã có được lòng tin vào khả năng thực tế cải tạo thế giới.
Những trường đại học của tôi là một bài ca lao động. Là người ca ngợi lao động sáng tạo của con người, trong cuốn sách này Gorky đã miêu tả những hình thức lao động khác nhau: lao động chân tay, trí óc và thẩm mĩ.
Lao động chân tay tuy vất vả, cực nhọc, nhưng đồng thời cũng rất vui thú. Cảnh bốc hàng khỏi một chiếc sà lan bị chìm đã được Gorky miêu tả một cách say sưa và thích thú. Trong đó có cả xúc cảm cao độ lẫn sự hùng vĩ, có cả màu sắc rực rỡ lẫn điệu nhạc hùng tráng. Từ bức tranh ấy toát ra khí thế anh hùng đầy chất thần thoại. Nhìn chung, đó là một bức tranh đồ sộ và là một khúc nhạc giao hưởng.
Tác giả đã trực tiếp tham gia vào bản anh hùng ca lao động ấy; nó để lại trong ý thức ông, trong cơ thể ông một niềm vui dào dạt, bất tận. Lần đầu tiên ông rung cảm với bản trường ca hùng tráng của lao động, hiểu được “thế giới loài người dồi dào biết bao sức mạnh hùng hậu”. Ông cảm thấy những con người ấy là những dũng sĩ trong các truyện thần thoại, họ “có thể nắm lấy những tháp chuông và những gác nhà thờ của thành phố lôi đi đâu thì lôi”.
Bức tranh lao động đã hun đúc tinh thần ông, gây lòng tin không gì lay chuyển nổi vào con người lao động.
Năm 1920, trước những chiến công lao động đầu tiên của nhân dân Xô viết, Gorky đã viết một loạt bài báo và “tọa đàm” về lao động. “Lao động thật là vui vẻ và sảng khoái, không có con đường nào đi tới hạnh phúc đúng đắn hơn là con đường lao động tự do!” Bài báo ngày mồng 1 tháng 5 của Gorky Con đường đi tới hạnh phúc đã kết luận như vậy. Sau khi biết tin ngày mùng 1 tháng 5 công nhân thành phố Kostroma đã xây dựng xong ngôi nhà Nhân dân trong một ngày, Gorky viết trong bài báo Những cuộc tọa đàm vê lao động: “Điều đó gần giống như trong truyện thần thoại” và tuyên bố rằng bằng con đường lao động tự do “có thể đạt được những kết quả giống như trong truyện thần thoại”.
Sự tiên đoán của ông trong Những trường đại học của tôi về tấm gương lao động dũng cảm của những người Nga sống trong xiềng xích của chế độ chuyên chế và tư bản phải chăng cũng giống những lời phát biểu tươi sáng của Gorky: “Dường như không gì có thể chống lại sức mạnh điên cuồng và phấn khởi, sức mạnh có khả năng tạo nên những điều kì diệu trên trái đất đầy thành phố và lâu đài tráng lệ như trong truyện thần thoại tiên tri.”
Thời kì “những trường đại học” là một giai đoạn quan trọng trong bước đường phát triển nghệ thuật của Aleksej Peskov ‒ nhân vật chính trong cuốn sách của Gorky. Qua cuộc đời sáng tác của Gorky, nhất là những năm 90, chúng ta thấy thời kì Kazan là một kho tàng phong phú đối với nhà văn. Những ấn tượng của Gorky do “những trường đại học” ở Kazan đem lại là cơ sở cho những tác phẩm rất nổi tiếng như Konovalov, Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái, Người chủ, Một chuyện xảy ra trong cuộc đời Makar…
Các nhà văn Xô viết và các nhà văn tiến bộ trên thế giới đã nhiệt liệt đón chào Những trường đại học của tôi. L.Seifullina[1], M.Prishvin[2], S.Zweig[3], R.Rolland[4] đã viết cho Gorky về ấn tượng mạnh mẽ sau khi đọc cuốn sách của ông và ý nghĩa của nó đối với nền văn học và văn hóa Xô viết.
Những trường đại học của tôi là một trong những tác phẩm của M. Gorky được V. I. Lenin ưa thích. Ngày 28 tháng Giêng năm 1924, khi kể về những ngày cuối đời của Vladimir llyich Lenin, N. K. Krupskaja[5] đã viết cho Gorky như sau: “Chiều chiều tôi thường đọc cho anh ấy nghe những cuốn sách mà anh ấy chọn trong số sách được đưa từ thành phố tới. Anh ấy đã chọn cuốn Những trường đại học của tôi. Lúc đầu anh ấy đề nghị tôi đọc cho anh ấy nghe Korolenko[6], sau đó là Những trường đại học của tôi.”
Những trường đại học của tôi của M. Gorky là cuốn sách giáo khoa về cuộc sống không bao giờ cũ đối với thanh niên Xô viết và thanh niên toàn thế giới. Đúng như lời M. Prisvin đã viết cho Gorky: “Cuốn sách này là một sự kiện lớn trong nền văn học Nga, lớp thanh niên của chúng ta sẽ học tập theo nó.” Bằng một câu chuyện đơn giản nhưng mạnh mẽ về cuộc đời chàng thanh niên Peskov, cuốn sách dạy chúng ta không sợ khó khăn, dạy chúng ta đấu tranh và chiến thắng.
Khoảng cách giữa thời kì “những trường đại học” của Peskov và ngày xuất hiện đầu tiên của nhà văn M. Gorky trên văn đàn (1892) còn phải trải qua bốn năm gian truân với nhiều chặng đường gian khó, nhưng cuối cùng Peskov cũng đã vượt qua, bởi con người ấy đã bước trên đường đời với “kiến thức đại học” độc đáo ‒ kinh nghiệm sống phong phú, “gói hành lí” trí óc to lớn và lòng tin mãnh liệt vào con người. Với mỗi bước đường đời mới, ở Peskov đã nảy sinh Danko đầy lòng hi sinh, Chim ưng dũng cảm và Bài ca Chim báo bão kiêu hãnh giương cánh tiếp thêm sức mạnh cho anh.
Trần Khuyến
Mời các bạn đón đọc Những Trường Đại Học Của Tôi của tác giả Maksim Gorky.