Trong tác phẩm, Kissinger xuất phát từ Hòa ước Westphalia để phân tích về tương quan giữa các nước, chủ yếu là các cường quốc và các khu vực giữ một vai trò đặc biệt đối với bức tranh địa chính trị thế giới, với những khác biệt trong thế giới quan và vị trí địa lý đã ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của mỗi nước như thế nào. Tác giả dành chương cuối (chương 9) để bàn về vấn đề toàn cầu hoá trong thời đại khoa học công nghệ, đặc biệt là tin học và truyền thông đại chúng lan tràn đã tác động mạnh mẽ đến dư luận, các nhà lãnh đạo và các quyết định chính trị hiện nay.
Theo cách nhìn của Kissinger thì trật tự thế giới ngày nay cần được đặt trên hai yếu tố căn bản:
1. Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia có tính chính danh dựa trên căn bản của các hiệp ước và tổ chức quốc tế;
2. Và để đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới cũng như các khu vực, cần phải dựa trên một sự cân bằng quyền lực mà chủ yếu phụ thuộc vào các cường quốc thế giới và khu vực.
Để có một trật tự quốc tế tồn tại và bền vững, Kissinger cho rằng nó phải liên quan đến “quyền lực có tính chính danh.” Tới cuối cùng, Kissinger, con người thực tế và nổi tiếng, lại có vẻ duy tâm đến mức ngạc nhiên. Thậm chí khi có những sự xung đột giữa các giá trị Mỹ và các mục tiêu khác, ông khích lệ chúng ta hãy tiếp tục đứng lên vì những giá trị đó, không lẩn tránh; đi đầu trong việc trợ giúp các quốc gia dân tộc, các lực lượng chính danh, chứ không chỉ các chính phủ đơn độc, nếu những sự trợ giúp ấy đảm bảo cho cán cân quyền lực có thể chống đỡ trật tự quốc tế, cũng như những giá trị và nguyên tắc của chúng ta có thể được những người khác chấp nhận và hấp dẫn họ.
Hillary Clinton
***
Năm 1961, khi còn là một học giả trẻ, tôi ghé thăm Tổng thống Harry S. Truman nhân dịp tôi có bài phát biểu ở thành phố Kansas. Khi tôi hỏi điều gì trong nhiệm kỳ tổng thống khiến ông tự hào nhất, Truman trả lời: “Đó là chúng ta đã đánh bại hoàn toàn kẻ thù và đưa họ trở lại với cộng đồng các quốc gia. Tôi nghĩ chỉ có Mỹ mới có thể làm được điều này.” Ý thức về sức mạnh khổng lồ của Mỹ, Truman tự hào hơn hết về các giá trị nhân đạo và dân chủ của nó. Ông muốn được mọi người nhớ đến vì những cuộc hòa giải của Mỹ hơn là vì các chiến thắng của nó.
Tất cả những tổng thống kế nhiệm sau Truman đều nói tương tự như vậy cách này hay cách khác, và lấy làm tự hào về các đặc tính tương tự của nước Mỹ. Và trong hầu hết giai đoạn này, cộng đồng các quốc gia mà họ cố duy trì, phản ánh sự đồng thuận Mỹ – không ngừng mở rộng không gian trật tự mang tính hợp tác của các quốc gia trong việc tuân thủ những quy ước và chuẩn mực chung, theo đuổi hệ thống kinh tế tự do, phản đối xâm chiếm lãnh thổ, tôn trọng chủ quyền quốc gia và áp dụng hệ thống nhà nước dân chủ và có sự tham gia của người dân. Các tổng thống Mỹ của cả hai đảng, thường với sự mãnh liệt và thuật hùng biện, đã tiếp tục thúc giục các chính phủ khác duy trì và tăng cường nhân quyền. Trong nhiều trường hợp, việc Mỹ và các đồng minh bảo vệ những giá trị này đã khởi đầu những thay đổi quan trọng trong điều kiện sống của con người.
Tuy nhiên, ngày nay, hệ thống “dựa trên quy tắc” này đang phải đối mặt với những thách thức. Những lời kêu gọi thường xuyên, yêu cầu các nước thực hiện “phần việc công bằng của họ” tham gia theo “quy tắc của thế kỷ 21” hay là “các bên liên quan có trách nhiệm” trong một hệ thống chung, phản ánh một thực tế rằng không có định nghĩa chung về hệ thống này hoặc sự hiểu biết về một đóng góp “công bằng” nghĩa là gì. Bên ngoài thế giới phương Tây, các khu vực – trước đây hầu như không có vai trò nào trong việc hình thành những quy tắc này – đặt câu hỏi về tính hợp lệ của chúng trong hình thức hiện tại, và thể hiện rõ rằng họ sẽ tìm cách để thay đổi chúng. Như vậy, mặc dù “cộng đồng quốc tế” có lẽ là cụm từ được kêu gọi tha thiết vào lúc này hơn bất kỳ thời đại nào khác, nó không hề cho thấy một tập hợp các mục tiêu, phương pháp hay giới hạn rõ ràng hoặc được thống nhất.
…
Mời các bạn đón đọc Trật Tự Thế Giới của tác giả Henry Kissinger.