Khi một triệu phú sắp chết thuê thám tử Phillip Marlowe điều tra kẻ tống tiền một trong hai cô con gái gây nhiều rắc rối của ông ta, chính Marlow đã phát hiện ra những rắc rối còn hơn cả vụ tống tiền. Bắt cóc, khiêu dâm, cám dỗ và giết người chỉ là một trong số ít những rắc rối mà anh ta đã tìm ra.
"Tác giả Chardler dường như đã tạo hình ảnh người hùng Mỹ lên đến cực điểm: khôn ngoan, triển vọng, thâm trầm, phiêu lưu, đa cảm, giễu cợt và nổi loạn".
"Đó là buổi sáng một ngày giữa tháng Mười, khoảng 11 giờ. Mặt trời chưa ló ra sau cơn mưa nặng hạt, bầu không khí quang đãng, sạch sẽ phía chân đồi. Tôi mặc bộ comple màu xanh thuốc súng, với áo sơ mi xanh sẫm, cà vạt và đeo một chiếc khăn quàng cổ, đi đôi giày đen dành cho những người leo núi, bên trong là đôi tất len màu đen có hai chiếc đồng hồ phía trên. Tôi ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, hoàn toàn tỉnh táo và đã cạo râu nhẵn nhụi. Nhưng tôi cũng chẳng quan tâm là có ai biết điều đó hay không. Tôi là vị thám tử tư ăn mặc hoàn chỉnh, lịch lãm nhất với những gì mà một vị thám tử cần phải chuẩn bị. Tôi đang chuẩn bị một công việc trị giá 4 triệu đô la.
Đại sảnh của nhà Sternwood cao hai tầng. Trên cánh cửa lớn có thể dành cho cả một đoàn voi Ấn Độ đi qua, có một tấm kính rộng với hình một hiệp sĩ phía trên trong bộ áo giáp màu sẫm đang cứu một cô gái có mái tóc dài bị cột chặt vào cây không hề có quần áo trên người. Tấm kính che mặt của chiếc mũ được hiệp sĩ đẩy ngược về phía sau tạo vẻ gần gũi, anh ta đang cầm những nút thắt trên sợi dây thừng, công việc ấy chẳng đi đến đâu cả. Tôi đứng đó và nghĩ, nếu mình sống trong ngôi nhà này thì sớm hay muộn tôi cũng trèo lên đó và giúp anh chàng hiệp sĩ. Dường như anh ta không thực sự cố gắng lắm.
Phía sau của đại sảnh có những cánh cửa kiểu Pháp. Phía xa là một dải cỏ lớn màu lục tươi kéo dài tới chiếc gara màu trắng, trước gara, một người lái xe trẻ tuổi, gầy gò với mái tóc sẫm mặc chiếc quần xà cạp màu đen bóng loáng đang lau chùi một chiếc xe Packard có thể bỏ mùi màu hạt dẻ. Cách gara một đoạn, mấy cây cảnh được tỉa rất cẩn thận như những con chó xù. Phía xa là một ngôi nhà rộng, mái vòm màu xanh lá cây. Và có mấy cái cây nữa, xa hơn tất cả là những ngọn đồi vững chãi, nhấp nhô.
Ở phía đông đại sảnh có một cầu thang tự do lát gạch dẫn tới một phòng dài có rào sắt và tới một đồ vật lãng mạn khác làm bằng thủy tinh. Những chiếc ghế lớn đệm nhung lông được khoảng không của chiếc tường xung quanh bao bọc, có vẻ như là chưa ai từng ngồi lên những chiếc ghế đó. Giữa bức tường phía tây có một lò sưởi lớn rỗng với một tấm bình phong bằng đồng trong bốn tấm ván nối với nhau bằng bản lề, mặt lò sưởi nạm đá hoa cương với hình thần tình yêu ở các góc. Trên mặt lò sưởi có một bức chân dung thật lớn, phía trên là hai lá cờ kị binh đã bị mối ăn hay bị đạn xé rách căng ngang khung tranh bằng thủy tinh. Đó là bức chân dung một quân nhân thuộc trung đoàn trong thời kì chiến tranh Mexico đang đứng trong tư thế rất cứng nhắc…".
***
Raymond Chandler, là người đồng thời với Agatha Christie và Dashiell Hammett, hai đại diện lớn của tiểu thuyết trinh thám, có thể nói ông là người thứ ba có vị trí “ngang ngửa” so với hai tác giả này mặc dầu 45 tuổi mới được biết đến và tác phẩm để lại không nhiều như các đồng nghiệp khác.
Tên đầy đủ của ông là Raymond Thornton Chandler. Ông sinh ngày 23/7/1888 tại Chicago, bang Illinois. Năm 18 tuổi, ông sang Paris (Pháp), rồi sang Đức nghiên cứu ngôn ngữ và luật quốc tế. Mùa xuân năm 1907, ông nhập quốc tịch Anh.
Trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, Chandler làm đủ nghề: đầu tiên ông làm phóng viên cho tờ Tin nhanh hàng ngày ở London, rồi làm thơ, viết kịch ngắn, viết báo, dịch thuật cho các tạp chí. Năm 24 tuổi, ông về Hoa Kỳ, đi khắp Los Angeles làm những việc lặt vặt. 25 tuổi, qua một khóa học thủ thư, ông giữ chân thủ thư và kế toán cho một hãng bột sữa. Vào nửa cuối Thế chiến I (1917 – 1918), ông đăng lính trong lực lượng viễn chinh Canada, sang Pháp, rồi lại chuyển sang Không quân Hoàng gia. Sau khi giải ngũ, ông làm việc cho một ngân hàng Anh ở San Francisco. Ba năm sau, ông lại làm thủ thư và kiểm toán cho tập đoàn dầu mỏ Dabney, và nhanh chóng được thăng chức Phó chủ tịch.
Thế nhưng 10 năm sau, ở tuổi 44, ông bị đuổi việc vì uống rượu và hay bỏ việc. Phải đến tuổi 45, sau khi công bố truyện trinh thám đầu tiên Vụ tống tiền không tiếng súng, ông mới chấm dứt giai đoạn lang thang làm đủ mọi nghề để chuyên tâm viết văn. Năm 31 tuổi, ông quan hệ với một người đàn bà đã có chồng, tên là Pearl Cecily Hurburt, và 5 năm sau, họ mới kết hôn. Lúc này Hurburt đã ở tuổi… 54, hơn ông 18 tuổi. Họ sống với nhau đúng 30 năm thì bà mất (1954).
Các nhà viết tiểu sử Chandler sau này đều thừa nhận rằng cuộc đời ông còn rất nhiều khoảng trống bí ẩn, nhất là vì ông cứ nay đây mai đó, thay đổi chỗ ở liên tục. Hơn nữa, ông lại là người có hai quốc tịch, là dân Anh đến 49 năm, và chỉ ba năm trước khi mất (1956), ông mới trở lại quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng ai cũng thừa nhận rằng ông kiếm sống khá vất vả, nhất là trong những năm đầu trở thành nhà văn trinh thám chuyên nghiệp. Vì hai lý do: ông chưa bao giờ là một văn sĩ viết nhiều và thời gian đầu, khoảng năm sáu năm sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế, nhuận bút cũng rất thấp. Những hóa đơn, chứng từ thanh toán của ông còn sót lại, cho thấy năm 1936, ông kiếm được 1.500USD nhuận bút từ 5 truyện ngắn.
Mời các bạn đón đọc Giấc Ngủ Dài của tác giả Raymond Chandler.