Bộ tứ 4H (Hân, Hằng, Hoa, Hạ) của lớp 12A đã “làm mưa làm gió” không chỉ trên thị trường sách mà cả trong điện ảnh và âm nhạc trên dưới 20 năm. Ca khúc Vĩnh biệt mùa hè của nhạc sĩ Thanh Tùng viết năm 1992 một thời là ca khúc phổ biến của giới học sinh, sinh viên, nhất là các bạn năm cuối cấp với những ca từ thiết tha đầy nỗi nhớ: “Mùa hè bâng quơ, Bâng quơ nỗi nhớ, Những chiếc lá non vươn trên cành cây khô… Mùa hè đi qua rồi, Tình yêu cũng qua rồi…”
Không chỉ có vậy, tác phẩm đã được hãng phim Giải phóng dựng thành phim nhựa năm 1992 và sau đó đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuyển thể thành phim truyền hình dài 4 tập 12A và 4H.
Câu chuyện về 4 cô học trò Hằng, Hân, Hoa và Hạ.
Hằng xuất thân là con nhà giàu, xinh đẹp, thông minh, học giỏi. Cứ ngỡ rằng cuộc sống sẽ trải thảm dưới chân cô. Thế nhưng việc người mẹ bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tình yêu đã đẩy Hằng vào nỗi cô đơn đến tột độ. Và cô ngã vào vòng tay của thầy Minh – một người đàn ông đầy thủ đoạn. Để rồi khi cha cô đối mặt với vòng tù tội do có liên quan đến vụ án tiêu cực thì Hằng nhận ra mình chẳng còn gì: không mẹ, không cha, và người tình cũng cao chạy xa bay. Và nếu cô không may mắn gặp được Đoàn Hùng – người thanh niên xung phong năm xưa thì chưa biết cô sẽ trôi về đâu.
Hạ là con gái của gia đình có cha mẹ làm bác sĩ. Cô học trò giỏi văn, bí thư chi đoàn lớp có một mối tình đẹp đẽ và thơ mộng với Long – con trai một sĩ quan chế độ cũ. Vì sự không “môn đăng hộ đối” này mà mẹ Hạ đã quyết liệt ngăn cản. Mọi thứ trong Hạ dường như vụn vỡ khi cô phát hiện ra thủ đoạn mẹ mình đã dùng để chia rẽ hai người.
Hân giàu tình cảm, Hoa hồn nhiên. Chính vì vậy mà có lẽ cuộc đời đã dành cho hai cô gái này những ưu ái hơn. Hân tiếp tục học vào đại học, còn Hoa được mẹ giao lại cho gian hàng ở ngoài chợ.
Bên cạnh 4 cô gái là Thiện chính trực, dũng cảm bảo vệ lẽ phải, Long giàu nghị lực. Đối lập là Ngôn – một học sinh cá biệt, du côn và kết thúc đời học sinh của mình bằng những nằm tù dài đăng đẳng. Và thầy Minh – một kẻ thủ đoạn.
Câu chuyện dẫn dắt người đọc đi qua năm tháng học trò, có những giây phút hồn nhiên đùa nghịch, và cũng có những nỗi buồn đau của đời thường. Và kết thúc với chút buồn man mác.
“Hân bước vào sân trường. Khoảng sân giờ đây bỗng rộng mênh mông, trống vắng đến lạnh lùng, đầy những lá rụng và hoa tàn.Mùa hè đang đi qua. Cái mùa hè cuối cùng của đời học sinh trong một năm học đầy biến động….Lần đầu tiên trong cuộc đời, Hân bắt đầu ý thức được sự tạm bợ và phù du của kiếp người. Cô cảm thấy buồn man mác. Tại sao người lớn cứ sống như vậy, khác hẳn những điều mà người trẻ được dạy dỗ, để cuối cùng không còn ai biết tin vào ai nữa.
Mùa hè đã vĩnh viễn đi qua”
***
Nhà văn Nguyễn Đông Thức sinh ngày 18 tháng 10 năm 1951 tại Từ Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1988).
Sau ngày miền Nam giải phóng, Nguyễn Đông Thức tham gia thanh niên xung phong và làm báo, viết văn. Hiện nay anh công tác tại báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm chính đã xuất bản
Ngọc trong đá (tiểu thuyết, 1986)
Mưa khuya (truyện ngắn, 1987)
Tình yêu thường không dễ hiểu (truyện ngắn, 1987)
Trăm sông về biển (tiểu thuyết, 1988)
Con gái vốn phức tạp (truyện ngắn, 1988)
Mối tình đầu tiên và cuối cùng (truyện ngắn, 1989)
Bản án trước khi chào đời (truyện ngắn, 1989)…
…
Giải thưởng
Giải A cuộc thi sáng tác do thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh với tác phẩm Một bông hồng cho cô bộ đội.
Giải nhì cuộc thi sáng tác do thành đoàn Hồ Chí Minh cho tác phẩm Truyện rất khó viết.
Giải ba cuộc thi sáng tác do Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cho tác phẩm Mưa khuya.
Giải nhì cuộc thi sáng tác do báo Sài Gòn giải phóng cho tác phẩm Hạnh phúc. Mời các bạn đón đọc Vĩnh Biệt Mùa Hè của tác giả Nguyễn Đông Thức.