Là câu chuyện về cuộc đời Minh Việt sinh ra ở thị trấn An Lạc – thị trấn Nét Mặt Buồn, đất Cảng. Là chàng trai được sinh ra từ cuộc gặp gỡ giữa chàng Vệ quốc quân và cô gái con nuôi bà bán cháo lòng thuộc xứ đạo An Lạc.
Những uẩn khúc trong khi sinh ra không được bố thừa nhận vì sợ ảnh hưởng đến cương vị công tác đến lúc trưởng thành, đi bộ đội chống Mỹ, bị thương lạc đơn vị và được người bạn thời niên thiếu bên kia chiến tuyến của của bố cứu giúp đến những di hại về sau của bản thân và gia đình như cuộc trêu ngươi cùng số phận.
Cuộc đời của Minh Việt là cuộc đời của những lỡ lầm và bất trắc, từ trẻ cho đến lúc chớm già, nó như một định mệnh bám lấy anh trong dòng xoáy của những ý thức hệ, của những hiểu lầm và những tổn thương. Nó vẫn bám lấy anh trong những ngày cuối đời trở lại quê nhà, tìm lại tuổi thơ trong ngậm ngùi, nuối tiếc.
Một cuốn tiểu thuyết không chỉ để đọc cho vui, để suy ngẫm về một thời chưa xa trong tâm thức mỗi người.
***
Nhà văn Nguyễn Đình Tú quê ở Kiến An, Hải Phòng, là nhà văn quân đội. Anh được biết đến nhiều qua những cuốn tiểu thuyết mang đậm thông điệp dành cho những người trẻ với những hoang hoải, lạc loài, bâng khuâng đi tìm cái tôi thời đại.
Nguyễn Đình Tú học luật, từng làm “sĩ quan quân pháp” và anh đến với nghề văn chuyên nghiệp chỉ vì muốn được thoải mái dịch chuyển cả về địa lý và trí tưởng tượng.
Là một nhà văn thuộc lứa tuổi 7X, trong anh vừa là một quân nhân, vừa là một nhà văn chính hiệu.
* Giải thưởng văn học:
***
Khi tôi chào đời thì cái mà tôi cảm nhận được đầu tiên là mùi cháo lòng.
Buồng mẹ tôi nằm chờ đẻ nối liền với một chái bếp lợp giấy dầu. Trong bếp nồi cháo lòng sôi lục bục, bắn những tia bột dính như keo lên nắp vung mở hé. Mùi cháo lòng ngậy quá chừng! Lúc đầu tôi hớn hở hít lấy hít để. Thế rồi một cảm giác ngơn ngớn chạy dọc người tôi (tất nhiên vẫn trong tư thế nằm co) khiến tôi buồn nôn. Nhưng mà tôi không nôn được. Miệng tôi lúc ấy lòng thòng rất nhiều thứ dây dợ, dạ dày của tôi chỉ quen tiếp nhận, chưa bao giờ biết phản ứng ngược lại, vì thế tôi muốn khóc nhưng cũng không khóc được. Rồi tôi lại ngửi thấy mùi thơm thơm của thứ lục diệp đang ải dần trước sức nóng của chiếc nồi gang. Ấy là lúc bà tôi cho hành, rau răm, mùi tàu vào nồi cháo. Mùi thơm này nhanh chóng trở nên khó chịu vì mỗi lúc một ngai ngái, nồng nồng khiến tôi ngạt thở. Thế rồi một mùi tanh khủng khiếp lại ập vào mũi tôi. Ấy là lúc bà tôi đang lấy tay vét vét những vụn tiết, vụn mỡ, vụn rau bám trên thành chậu, những thứ còn sót lại sau khi dồi lòng. Cũng còn phải đến hơn một vốc tay. Nghiêng chậu, lại còn tới hơn một bát nước tiết nữa. Bà tôi úp cái chậu vào nồi tiết đang bốc khói, đập “cành cạch” lên thành nồi cho mọi thứ rơi vào khoảng mờ mịt của hơi nước. Lẳng cái chậu vào góc bếp, bà với lấy cái đũa cả to ngoáy nồi cháo theo chiều vun từ ngoài vào trong. Có vẻ như đã bằng lòng với nồi cháo cho buổi hàng của mình, bà nhặt hai mẩu rơm bện, gồng mình bê nồi cháo đặt sang một bên bếp. Bị giảm nhiệt, lập tức nồi cháo sôi nhỏ lại. Bà đi vào buồng mẹ đang nằm.
- Vẫn đau hả?
- Dạ…
…
Mời các bạn đón đọc Bên Dòng Sầu Diện của tác giả Nguyễn Đình Tú.