Bằng một giọng quá tài tình ông tường thuật lại trong cuốn sách những trải nghiệm của mình khi trao đổi các ý tưởng về Vật lý nguyên tử với Einstein và Bohr cũng như các mưu mẹo về cờ bạc với Nick the Greek; khi mở những cái két khủng lưu giữ những bí mật hạt nhân được bảo quản cẩn trọng nhất; khi đệm trống bongo cho một vở ba-lê; khi vẽ một nữ đấu sĩ bò tót ở trần - và nhiều trải nghiệm khác của một bản năng rất đỗi ngạc nhiên.
Nói gọn lại, đây là cuộc sống của Feynman trong tất cả niềm tự hào khác thường của nó - một pha trộn tinh tế của trí thông minh đỉnh cao, tính ham hiểu biết không có giới hạn, và sự tự tin tuyệt đỉnh.
Người đọc nhận ra con người chân thực của ông, một nhà khoa học nghiêm túc bên cạnh một người phàm ham thích phiêu lưu, một tâm hồn đầy chất thi sĩ.
***
"Một trong những cuốn sách khoa học nổi tiếng nhất, bán chạy nhất cấp quốc gia với một dấu ấn đặc biệt, cuốn sách tràn đầy sinh lực, hài hước và sinh động. Nó gần như làm cho bạn muốn trở thành một nhà Vật lý."
- Science Digest
"Một người kể chuyện dí dỏm theo truyền thống Mark Twain. Ông một lần nữa chứng tỏ rằng có thể đồng thời cười hết cỡ và suy nghĩ nát óc."
- New York Times Book Review
***
Những câu chuyện trong cuốn sách này đã được thu thập không chính thức và không có hệ thống trong suốt bảy năm chơi trống rất thú vị với Feynman. Tôi tìm thấy sự hài hước trong mỗi câu chuyện, và sự kinh ngạc trong toàn bộ sưu tập: Đôi khi khó tin là từng ấy trò điên điên tuyệt vời lại có thể xảy ra trong cuộc đời của một con người. Việc một người có thể sáng tác ra nhiều trò tinh nghịch vô hại như vậy trong cuộc đời chắc hẳn phải là một nguồn cảm hứng.
• Ralph Leighton
***
Richard Phillips Feynman ( 11 tháng 5, 1918 – 15 tháng 2, 1988) là một nhà vật lý lý thuyết người Mỹ được biết đến với công trình về phương pháp tích phân đường trong cơ học lượng tử, lý thuyết điện động lực học lượng tử, và vật lý của tính siêu lỏng của heli lỏng siêu lạnh, cũng như trong vật lý hạt với đề xuất của ông về mô hình parton. Cho những đóng góp của ông đối với sự phát triển của điện động lực học lượng tử, Feynman, cùng với Julian Schwinger và Shin'ichirō Tomonaga, nhận giải Nobel Vật lý năm 1965.
Feynman phát triển cách biểu diễn bằng hình ảnh được sử dụng rộng rãi cho các biểu thức toán học miêu tả hành xử của các hạt hạ nguyên tử, mà sau này được biết đến với tên gọi biểu đồ Feynman. Trong cuộc đời của ông, Feynman đã trở thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Trong cuộc bầu chọn năm 1999 của tạp chí Anh quốc Physics World về 130 nhà vật lý xuất sắc trên thế giới, ông đã được xếp hạng vào một trong mười nhà vật lý vĩ đại của mọi thời đại.
Ông từng hỗ trợ phát triển bom nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ hai và được công chúng biết đến trong thập niên 1980 như là thành viên của Ủy ban Rogers, ủy ban khảo sát thảm họa tàu con thoi Challenger. Cùng với các nghiên cứu vật lý lý thuyết, Feynman còn được coi là người tiên phong trong lĩnh vực tính toán lượng tử và có tầm nhìn dự đoán sự phát triển của công nghệ nano. Ông giữ chức danh giáo sư Richard C. Tolman về vật lý lý thuyết tại Học viện Công nghệ California.
Feynman còn là một nhà diễn giải tài ba trong phổ biến kiến thức vật lý thông qua các cuốn sách và bài giảng, bao gồm các bài giảng năm 1959 về công nghệ nano từ trên xuống dưới There's Plenty of Room at the Bottom và bộ sách ba tập về vật lý lý thuyết, The Feynman Lectures on Physics. Feynman cũng được biết đến thông qua cuốn sách tự thuật do chính ông viết Surely You're Joking, Mr. Feynman! và What Do You Care What Other People Think? và các cuốn viết về ông như Tuva or Bust! bởi Ralph Leighton và Genius: The Life and Science of Richard Feynman bởi James Gleick.
Mời các bạn đón đọc Feynman Chuyện Thật Như Đùa! của tác giả Richard P. Feynman.