Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 12 - Nhiều Tác Giả

MỘT TRANG SỬ MỚI TRONG CUỘC CÁCH MẠNG DÂN TỘC, DÂN CHỦ, NHÂN DÂN

CÁCH đây mười năm, ngày 6-1-1946, nhân dân Việt-nam từ Mục-Nam-quan đến mũi Cà-mâu, đã làm xong cuộc tổng tuyển-cử theo lối phổ thông đầu phiếu và bí mật để bầu đại biểu vào quốc hội và do quốc hội thảo ra hiến pháp, lập ra chính phủ. Đây là một cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa và cũng là một cuộc tổng tuyển cử đầu tiên từ ngày lập quốc.

Cuộc khởi nghĩa tháng Tám đã giành chính quyền từ trong tay phát xít Nhật, đã thủ tiêu chế độ quân chủ của phong kiến từ hàng nghìn năm. Cuộc tổng tuyển cử tháng giêng mới đem lại cho mỗi người quyền ứng cử và quyền tuyển cử để nhân dân trực tiếp tham gia chính quyền.

Chúng tôi muốn nêu ra mấy đặc điểm của nó.

Đặc điểm thứ nhất là cuộc tổng tuyển cử đã thoát thai từ một cuộc cách mạng mới thành công. Cách mạng đã đem lại quyền độc lập cho đất nước, quyền dân chủ chân chính cho nhân dân. Cuộc tổng tuyển cử đây là kết quả của một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ từ non một trăm năm của nhân dân Việt-nam. Vì vậy, nó chẳng những đầy tính chất dân chủ, mà còn đầy tính chất cách mạng.

Đặc điểm thứ hai là : cuộc tổng tuyển cử đã cử hành trong một hoàn cảnh vô cùng phức tạp : thực dân Pháp, do quân Anh giúp sức, đương gây lại chiến tranh ở miền Nam ; bọn phản động trong nước dựa vào quân đội Tưởng Giới Thạch đương quấy rối ở miền Bắc. Nhưng nhân dân Việt-nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ-tịch, Đảng và Chính phủ, đã vượt mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện cuộc tổng tuyển cử một cách đường hoàng. Tại miền Nam, nhân dân bỏ phiếu giữa làn khói đạn. Tại miền Bắc, nhân dân bỏ phiếu bất chấp mọi thủ đoạn phá hoại của bè lũ phản động. Vì vậy, những lá phiếu của mỗi người công dân bỏ trong ngày 6-1-1946 là một biểu hiện ý chí của dân tộc, nhất định bảo vệ đất nước và xây dựng nền móng của chính quyền dân chủ nhân dân.

Đặc điểm thứ ba là : cuộc tổng tuyển cử đã tỏ rõ một tính chất cấp tiến và dân chủ triệt để. Trong khi nhiều nước tư bản khác, dưới chính thể dân chủ tư sản hàng trăm năm vẫn chưa đem lại cho mọi người dân quyền phổ thông đầu phiếu, phụ nữ chưa được tham chính ; trong khi nhân dân nước bạn ta là Trung-quốc, sau cuộc cách mạng tư sản dân chủ (Tân-hợi 1911) đã hơn 30 năm, vẫn bị bọn Tưởng Giới-Thạch kìm hãm trong cái lồng « huấn chính », không cho bước sang hiến chính để hưởng quyền tự do dân chủ, thì nhân dân Việt-nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ-tịch, Đảng và Chính phủ, đã từ một người nô-lệ bị mất nước, mất tự do nhảy vọt lên làm người chủ nhân ông đất nước, cầm lá phiếu để định đoạt vận mệnh quốc-gia.

Ngày 6-1-1946 đã mở một trang sử mới trong cuộc cách mạng dân-tộc dân-chủ nhân dân.

Ngày 6-1-1946 đã đặt nền tảng cho chính quyền dân-chủ nhân dân của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.

Quốc-hội do cuộc tổng tuyển cử bầu ra, gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong nước là một cơ quan tối cao của nhân dân và cũng là một hình thức dân chủ rộng rãi nhất, một khối đoàn kết to lớn nhất.

Quốc-hội do cuộc tổng tuyển cử bầu ra đã sống qua những ngày quyết liệt nhất, gian khổ nhất, vinh quang nhất của dân tộc, đã giúp Chính phủ vừa điều khiển cuộc kháng chiến anh dũng, vừa củng cố chính quyền dân chủ nhân dân và kết quả đã đem lại thắng lợi, lập lại hòa bình ngày nay.

Kẻ thù của chúng ta hiện nay là đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai của chúng đương âm mưu chia cắt nước ta, phá hoại nền dân chủ của ta, phá hoại công trình vĩ đại mà nhân dân ta đã xây dựng từ ngày tổng tuyển-cử đầu tiên của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Chúng bày đặt ra những trò tuyển cử giả dối, quốc-hội phi pháp, hiến pháp phi pháp ở miền Nam. Nhưng nhân dân ta đã được rèn luyện trong cuộc đấu-tranh dành độc lập, thống nhất và dân chủ, đã tự tay mình dựng ra quốc-hội duy nhất từ Bắc đến Nam, thảo ra hiến pháp, lập ra chính phủ, quyết đập tan những mưu mô phi pháp, phản nước dối dân.

Rồi đây, để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, làm cho tổ quốc được độc lập, thống nhất, dân chủ, giầu mạnh, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều, cũng như trong việc phát triển dân chủ, chúng ta còn phải xây dựng nhiều. Nhưng ngày lịch sử 6-1-1946 vẫn là ngày mở một kỷ nguyên mới, cắm mốc đầu tiên trên con đường dân chủ nhân dân, tiến tới xã hội chủ nghĩa.

BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA

Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 12.