Khi nói đến giang hồ là nói đến những tên tội phạm - điều đó đúng, nhưng một tên cướp giật, một tên móc túi, trộm vặt mà gọi là giang hồ thì chắc chắn là sai.
Cho dù qua mỗi thời kỳ, giới giang hồ mang một đặc điểm hoàn toàn khác nhau thì thế giới ấy vẫn chưa bao giờ biến mất hay đứt đoạn. Giới giang hồ vẫn có những đặc trưng riêng, luật lệ riêng.
Thoạt kỳ thủy, hai tiếng “giang hồ” được dùng để định danh một lớp người phiêu bạt, lấy việc hành hiệp trượng nghĩa, giúp kẻ yếu người cô giành lại sự công bằng làm mục đích; lấy phô diễn tài năng, hơn thua cao thấp - chủ yếu về sức mạnh võ nghệ - làm niềm vui… Với ý nghĩa đó, “giang hồ” được nhìn nhận như một lối sống, một loại tính cách, đẹp và mã thượng. Tuy nhiên, cái đẹp ấy chỉ còn tồn tại trong sách kiếm hiệp đa phần là hư cấu. Theo thời gian, hai tiếng “giang hồ” đã biến chất, tha hóa hẳn. Đến nay, nó chỉ còn lại như một khái niệm về tội lỗi và cái ác, “giang hồ” được hiểu như từ định danh về một thế giới gồm toàn những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, kết bè kết đảng và thủ lợi bằng con đường phạm pháp.
Nhưng, việc phân tích các khái niệm không phải là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là công việc của các nhà xã hội học. Với cuốn sách này, chúng tôi chỉ muốn khắc họa lại một cách chính xác những khuôn mặt cộm cán nhất của giang hồ miền Nam trong thế kỷ XX. Để bạn đọc tiện theo dõi và nhận diện rõ nét quá trình tha hóa của thế giới giang hồ, những khuôn mặt trong sách được sắp đặt theo đúng trình tự thời gian mà họ sống. Bắt đầu từ Sơn Vương Trương Văn Thoại từ những năm 1930, đến thời “hai tay ba đao” của những năm 60-70, với những Đại Cathay, Sơn Đảo, Lâm Chín ngón, Điền Khắc Kim, Năm Vĩnh v.v…, đến những Năm Cam, Hải “bánh”… cuối thế kỷ XX.
***
Rất có thể bạn sẽ chẳng tán đồng, nhưng dù sao, tôi vẫn cứ tin rằng đôi khi những biến cố lớn, những sự kiện đáng nhớ trong đời lại có khởi nguồn hoặc đến với chúng ta một cách hết sức ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên, tôi đến với nghề báo. Ngẫu nhiên, tôi gắn công việc và thời gian của mình với những chuyến đi… Những lúc một mình với chiếc xe gắn máy cà tàng rong ruổi qua từng miền đất lạ của rẻo đất cong cong hình chữ S, tôi thường cảm thấy lòng dội lên một cảm giác lâng lâng khó tả.
Lâu dần thành quen, công việc đã vô tình biến tôi thành một tín đồ của chủ nghĩa xê dịch, luôn phải đi và muốn đi. Thú vị là ở chỗ, những lúc rong ruổi đường xa, tôi lại có cơ hội để gặp lại tuổi thơ trong những cơn mơ mòng hiệp khách, chủ yếu hình thành từ những trang sách ngấu nghiến đọc trộm và đam mê khám phá.
Cũng ngẫu nhiên như thế, năm 1997, cái địa danh “bãi vàng Phước Sơn” đã tình cờ lọt vào tai tôi và nằm lại đó như một bí ẩn nhiều sức hút. Năm ấy, mưa lũ không lớn lắm. Nhưng ở một xứ sở mà cơ sở hạ tầng còn yếu kém như đất nước thân yêu của chúng ta thì không cần lớn, thiên tai cũng dư sức gây đại họa. Riêng tại Quảng Nam, với trận lụt “không lớn lắm” năm ấy, toàn tỉnh đã có “97 người chết và mất tích”. Thật ra, “chết” với “mất tích” cần phải được hiểu chẳng qua cũng chỉ là một! Trước cơn rùng mình, nổi gai ốc của tôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Thành, Phó phòng PX15 Công an tỉnh đã cay đắng bổ sung:
– Đó là chưa kể những người đã bỏ mạng tại bãi vàng Phước Sơn đấy. Dân đào vàng toàn người tứ xứ, sợ luật pháp nên không ai trình, ai báo. Dù cố gắng mấy, ngành công an cũng không thể thống kê chính xác được. Chỉ riêng bãi Nguyễn Văn Ngọc đã có 21 người chết. Tỉnh phải đem máy xúc lên đào suốt cả tuần mới lấy được xác các nạn nhân!
…
Mời các bạn đón đọc Người Của Giang Hồ của tác giả Nguyễn Hồng Lam.