Cuốn sách ‘Tuệ phát triển Định” này là một trong số ít sách do Ācariya Mahā Boowa (Bhikkhu Ñāṇasampanno) viết. Ngài trụ trì Thiền viện Trong rừng Baan Taad nằm tại vùng nông thôn gần ngôi làng nơi ngài đã sinh ra và lớn lên. Sau khi rời trường học, ngài đã tới chùa Bodhisomporn ở Udonthani, nơi ngài thọ giới Sāmanera theo Đại đức Chao Khun Dhammachedi. Khi ngài đến tuổi trưởng thành, ngài được thọ giới Tỳ-kheo và ít lâu sau ra đi tìm vị thầy dạy thiền cho mình. Ngài được dẫn tới gặp Ngài Ācariya Mun (Bhuridatta Thera) và Ācariya Mahā Boowa nói rằng ngay khi gặp Ācariya Mun, ngài lập tức biết rằng đó là vị thầy của mình. Ngài học và tu tập dưới sự hướng dẫn của Ācariya Mun trong 9 năm đến khi Ācariya Mun mất vào tuổi 80. Sau đó, Ācariya Mahā Boowa tự mình tu tập trên đồi và trong rừng núi Thái Lan. Tiếp đó, ngài đi khắp các vùng trên đất nước, gần như đã qua tất cả các tỉnh. Khi ngài được các nhà hảo tâm dâng cúng mảnh đất gần làng của ngài để xây một thiền viện, ngài không du hành nữa mà sống tại thiền viện đó.
Nhiều từ trong ‘Tuệ phát triển Định” được để nguyên tiếng Pāli vì thường không có từ có nghĩa tương đương trong tiếng Anh; hy vọng độc giả thứ lỗi nếu gặp khó khăn khi đọc những từ này, nhưng tôi cho rằng người đọc thà không hiểu còn hơn hiểu sai. Tuy vậy, phần giải nghĩa từ khá súc tích ở cuối sách có bao gồm tất cả các từ Pāli không được giải thích trong phần bài viết.
Hy vọng cuốn sách này sẽ mang Pháp tới cho nhiều người và sẽ giúp họ nhận ra rằng Pháp sống động hiện vẫn còn đó và không chỉ là cái gì đó của quá khứ xa xôi hoặc tương lai xa vời dưới thời của vị Phật tương lai.
Mong rằng tất cả những ai đọc cuốn sách này sẽ tìm được điều lợi ích giúp cho họ đạt đến Niết Bàn tối thượng.
Bhikkhu Paññāvaḍḍho
Thiền viện trong rừng Baan Taad, 2003
***
Giới – là cái tạo ranh giới cho sự phóng dật, thể hiện cái tôi qua thân, khẩu và ý (“outgoing exuberance1”) trong hành động và lời nói của một người và trách nhiệm đối với các hành động đó và kết quả của chúng nằm trong tâm.
Những người tốt không thích giao du với những người có tâm phóng dật không được kiềm chế bởi giới, và không ai tin người đó cả. Trong kinh doanh và các việc khác, thậm chí khi chỉ có một hay hai người không giữ giới và không thấy xấu hổ đối với hành động của mình, chắc chắn là nhóm xã hội nơi họ sinh sống không thể an toàn được lâu. Những người không giữ giới đó sẽ phá tan hoặc làm lộn xộn xã hội đó bằng cách này hay cách khác, ngay khi họ có dịp nhân lúc những người khác không cảnh giác. Giống như sống chung với con rắn độc hung dữ chỉ chực cắn ta khi không có gì để bảo vệ.
Do đó, giới là Pháp bảo vệ cho cả thế gian, giữ cho thế gian mát mẻ và hạnh phúc, sao cho không có lý do để hồ nghi, ngờ vực, và bất tín khi mất lòng tin lẫn nhau dẫn đến xích mích và phiền toái. Những vấn đề này thường bắt đầu nhỏ thôi và rồi trở thành những vấn đề lớn, những điều không ai muốn.
Có nhiều loại giới, nhưng ở đây ta chỉ xem xét ngũ giới, bát giới, thập giới và 227 giới mà những nhóm người khác nhau phải giữ cho phù hợp với hoàn cảnh, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của mình.
Ngũ giới quan trọng nhất đối với Phật tử tại gia, người luôn có quan hệ với xã hội theo nhiều phương diện. Họ nên duy trì những giới này như là thể hiện sự liêm chính của mỗi cá nhân riêng lẻ và của tất cả mọi người, do đó giữ cho họ khỏi bị chia rẽ khi họ thắng hay thua những người khác trong kinh doanh hay ở mọi nơi trong xã hội.
Dễ dàng nhận thấy là ở nơi có một hay hai người cùng làm việc, trong cơ quan chính phủ hay công ty, người luôn giữ giới chính là người được đồng nghiệp quý mến, khen tặng và tin tưởng nhất trong mọi việc, như việc liên quan đến tiền bạc. Dù những người đó tiếp tục làm những việc đó hay chuyển đi làm nơi khác, họ luôn được yêu mến và kính trọng ở mọi nơi, vì khi họ giữ giới, nghĩa là họ cũng có Pháp trong tâm – như hương vị của thức ăn không thể tách rời khỏi bản chất của nó. Và ngược lại, khi những người đó có Pháp trong tâm, họ cũng có giới, nên khi họ phạm một số giới nào đó, cũng có nghĩa là lúc đó họ không có Pháp trong tâm, vì Pháp luôn đi liền với tâm và giới đi liền với lời nói và hành động. Do đó, lời nói và hành động biểu lộ trạng thái của tâm – tâm là vị chỉ huy và là người chịu trách nhiệm.
…
Mời các bạn đón đọc Tuệ Phát Triển Định của tác giả Ajahn Maha Bua.