Có một loại sâu sống kí sinh trong cơ thể con người, cách trừ khử duy nhất là tự bỏ đói bản thân, đặt một món ăn nóng sốt nơi miệng, đợi con sâu ngửi thấy mùi thức ăn, chậm rãi duỗi mình ra và tìm đường bò ngược lên.
Có một thứ bí mật đen tối ẩn sâu dưới những nếp gấp thời gian, cách trừ khử duy nhất là bỏ đói ký ức, đừng động tay vào nó, trông thấy cũng tảng lờ, và chối bỏ mọi lời cáo buộc liên quan đến bí mật ấy.
Nhưng sẽ ra sao nếu có người, vô tình hoặc cố ý, không muốn trừ khử? Sẽ ra sao nếu trên đời thật sự có nhân quả?
Con người có bản tính tò mò. Nhờ vậy, ta luôn khát khao chinh phục tự nhiên và khám phá những chân trời mới. Nhưng cũng chính bởi tò mò, Adam rủ Eva ăn trái cấm và bị đuổi khỏi vườn địa đàng, Pandora mở chiếc hộp thần khiến bệnh tật tràn lan, nhũng nhiễu thế gian đời đời kiếp kiếp. Và giờ đây, hậu quả của tò mò hiện hình trong một phiên bản mới, câu chuyện về Cecilia tội nghiệp với lá thư định mệnh.
Tội tình vì yêu, tiểu thuyết tâm lý xã hội của Liane Moriaty, là một hành trình cảm xúc, dẫn dắt người ta đi từ dằn vặt này tới giày vò khác, đầy khổ đau, tuyệt vọng xen những phút giây lặng lẽ, an nhiên; như mặt biển hiền hòa trước cơn cuồng phong, bão tố. Một bí mật nên được chôn vùi mãi mãi đã bị mở ra. Và quả báo xuất hiện, trò đùa số phận bắt đầu…
***
Tất cả cũng chỉ tại bức tường Berlin.
Nếu không phải vì bức tường đó thì Cecilia sẽ chẳng bao giờ tìm thấy bức thư, và giờ cô sẽ không phải ngồi đây nơi bàn bếp, lòng thầm ước mình chưa từng mở nó ra.
Chiếc phong bì màu xám đã phủ một lớp bụi mỏng. Chữ trên mặt trước được viết cẩu thả bằng mực bút bi xanh, nét chữ viết tay thân thuộc như chính cô viết vậy. Cô bóc ra. Chiếc bì thư được dán bằng mẩu băng dính màu vàng. Nó được viết ra từ bao giờ vậy nhỉ? Thư đã cũ, có vẻ như được viết từ nhiều năm trước, nhưng không làm sao biết chắc chắn được.
Cô không định mở nó ra. Rõ ràng cô không nên mở nó ra. Cô là người hết sức kiên quyết, một khi đã quyết định không mở lá thư ra thì cũng chẳng nên suy nghĩ về nó nữa.
Mà nói thực lòng, nếu cô mở ra thì có vấn đề gì nghiêm trọng cơ chứ? Bất cứ người đàn bà nào cũng sẽ làm như vậy mà chẳng cần nghĩ ngợi gì nhiều. Cô thầm hình dung trong đầu liệu những người bạn của cô sẽ phản ứng ra sao nếu ngay bây giờ cô gọi điện hỏi xem họ nghĩ gì.
Miriam Openheimer: Xời! Mở ra đi!
Erica Edgediff. Nàng đùa đấy à? Mở ngay đi chứ!
Laura Marks: A, cậu mở ra đi, rồi đọc lên cho tớ nghe với.
Sarah Sacks: Thật vô ích khi hỏi Sarah bởi cô nàng chẳng bao giờ quyết định được gì. Giả sử Cecilia có hỏi cô ấy muốn uống trà hay cà phê, cô nàng sẽ ngồi thừ ra cả phút, trán nhăn lại vô cùng khổ sở như thể đang suy nghĩ điều gì trọng đại lắm, và rồi thế nào cũng đáp: “Cà phê đi! Mà khoan, trà đi vậy!” một câu trả lời như thế chỉ khiến Cecilia lên cơn tai biến mạch máu não thôi.
Mahalia Ramachandran: Tớ nghĩ hoàn toàn không nên. Như vậy là thiếu tôn trọng chẳng cậu lắm đấy. Cậu đừng mở.
Đôi khi Mahalia tự tin thái quá về đôi mắt nâu to tròn nhuốm màu đạo đức của cô nàng thì phải?
Cecilia để lá thư lại trên bàn, bước ra đổ thêm nước vào ấm.
Chân Esther biết ai là người đề xuất ý tưởng về bức tường Berlin. Và hẳn con bé còn có thể cho cô hay ngày sinh tháng đẻ của kẻ đó nữa. Chắc chân đó là một gã đàn ông rồi. Chỉ có đàn ông mới nghĩ ra trò nhẫn tâm như thế: đủ ngu đần và thừa hung bạo.
Phải chăng đây là một dạng biểu hiện của thành kiến giới tính?
Cô xả nước đầy ấm, cấm điện rồi lấy khăn giấy lau những giọt nước vương trên bồn rửa, miết đi miết lại tới khi sạch bóng.
Tuần trước, ngay trước khi khai mạc đại hội phụ huynh học sinh ở trường, mẹ của ba cậu nhóc suýt soát tuổi ba cô con gái của Cecilia đã bảo rằng những lời nhận xét của Cecilia “phần nào mang xu hướng thành kiến giới tính”. Cecilia không thể nhớ chính xác chị ta đã nói nhưng gì, nhưng hẳn là chị ta chỉ đùa thôi. Hoặc có lẽ cô là người có xu hướng thành kiến giới tính thật.
Ấm nước reo. Cô xoay xoay túi trà lọc Earl Grey, ngắm những gợn màu đen lan tỏa trong nước. Có những thứ còn tồi tệ hơn cả thành kiến giới tính.
…
Mời các bạn đón đọc Tội Tình Vì Yêu của tác giả Liane Moriarty.