Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Một Nỗi Đau Riêng - Kenzaburo Oe

Kenzaburo Oe là nhà văn Nhật Bản thứ hai được trao giải Nobel Văn học (năm 1994). Buổi lễ mừng giải thưởng danh giá của Kenzaburo Oe là một ngày hội vô cùng đặc biệt. Các nhạc công hàng đầu của "đất nước mặt trời mọc" đã biểu diễn mười tác phẩm của nhạc sĩ trẻ Hikari Oe- người con trai tật nguyền, người đã khiến Kenzaburo Oe tìm được "lối đi" trong sáng tác văn chương và khiến ông cùng con trai như được "tái sinh"…

Kenzaburo Oe thuộc lớp nhà văn hậu chiến, hiện tên tuổi đang được xếp hàng đầu trong danh sách các nhà văn Nhật Bản. Sinh ngày 31 tháng 1 năm 1935 tại đảo Shikoku, một trong bốn hòn đảo lớn nhất của Nhật Bản, cuộc đời ông đã chứng kiến và đồng hành cùng những thăng trầm của một đất nước được bao bọc bởi biển cả, với ba ngàn hòn đảo lớn nhỏ.

Năm Kenzaburo Oe lên 4 tuổi, Thế chiến thứ hai bùng nổ ở khu vực châu Âu và năm sau lan sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đất nước của ông dưới thời Nhật Hoàng Hirohito là một thành viên của trục phát xít Berlin - Roma - Tokyo, đã gây ra biết bao tội ác đối với nhân dân các nước trong khu vực châu Á. Giống như hết thảy những người Nhật Bản cùng thế hệ, những hồi ức ảm đạm về cuộc chiến tranh phi nghĩa, về sự ngã gục của nước nhà khi Thế chiến hai kết thúc luôn đè nặng trong lòng Kenzaburo Oe. Nhưng nổi lên trên hết, trong tâm hồn nhạy cảm của một người có khiếu văn chương như Kenzaburo Oe, hình ảnh của hai cột nấm khổng lồ màu vàng cùng với hàng ngàn cột lửa đỏ lựng bùng lên ở Hirosima và Nagasaki vào cái ngày mồng 8 và mồng 10 tháng 8 năm 1945 ấy hình như mỗi ngày mỗi to hơn, rộng hơn, nóng bỏng hơn, khủng khiếp hơn. Hai cột nấm ấy đã hủy diệt sinh mạng của mấy chục vạn người dân Nhật vô tội. Những cơn mưa phóng xạ khởi nguồn từ hai cột nấm ấy đã làm cho không ít người chết dần, chết mòn trong vòng vài chục năm sau đó và một số người khác, trong đó có người con trai đầu của Kenzaburo Oe, ngay từ khi mới sinh ra đã mang trong mình những căn bệnh trầm kha mà y học đến nay vẫn phải bó tay.

Trong Diễn văn trao giải Nobel Văn học cho Kenzaburo Oe, Viện Hàn lâm Thụy Điển khẳng định: "Một đề tài xuyên suốt các tác phẩm của Kenzaburo Oe là bi kịch gia đình cùng tình thương và trách nhiệm đối với người con trai cả Hikari sinh ra đã bị dị tật. Kenzaburo Oe đã sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng đầy chất thơ, đã miêu tả tình trạng đau đớn trong khổ cảnh của con người thời hiện đại bằng sự ngưng kết những ngụ ngôn và sinh hoạt hiện thực. Đồng thời ông cũng miêu tả thành công quan hệ của con người trong một thế giới hỗn độn, một thế giới mà ở đó trí thức, tình cảm, giấc mơ, dã tâm, thái độ đã hòa quyện với nhau một cách kỳ diệu"…

Trong diễn văn đáp từ, Kenzaburo Oe cũng thừa nhận "Phong cách viết của tôi khởi nguồn từ những vấn đề cá nhân, sau đó gắn kết chúng với xã hội, với cuộc đời và thế giới này. Với tư cách nhà văn, tôi phải thừa nhận rằng chủ đề trung tâm của các tác phẩm trong hầu hết văn nghiệp của tôi là cái cách gia đình tôi đã học cách sống với đứa con tật nguyền…". Có thể kiểm chứng những lời phát biểu này trong "Một nỗi đau riêng", "Sự cố cá nhân", "Sổ tay Hirosima", "Nước ngập hồn tôi", "Trận bóng đá năm Vạn diên thứ nhất", "Trò chơi đương đại", "Hãy đứng lên, hỡi những chàng trai của thế hệ mới"…

Kenzaburo Oe bắt đầu sáng tác khi còn là sinh viên chuyên ngành Văn học Pháp tại Đại học Tokyo và năm 23 tuổi, với tiểu thuyết "Nuôi thù", ông đã nhận được giải thưởng Akutagawa, một giải thưởng mà các nghệ sĩ Nhật Bản hằng mong ước. Từ đó trở đi ông sáng tác đều đặn và coi viết văn là nghề mà ông trọn đời theo đuổi.

Ba năm sau khi nhận giải thưởng Akutagawa, cuộc đời Kenzaburo Oe bắt đầu rẽ sang một lối khác. Sau khi kết hôn cùng Yukan, con gái của một đạo diễn điện ảnh danh tiếng, vợ chồng Kenzaburo Oe sinh được một bé trai. Nhưng chẳng như mong đợi và kỳ vọng của đôi vợ chồng trẻ, Hikari là một dị nhân: đầu to quá mức bình thường, đôi mắt không có khả năng nhận biết ánh sáng. Cậu bé cũng không có khả năng nhận biết và nói tiếng người, chỉ có thể phát ra tiếng chiêm chiếp như loài chim.

Sự chào đời của Hikari là một "cú giáng trí mạng" đối với Kenzaburo Oe. Đã có lúc ông nghĩ đến việc tự tử để trốn chạy đứa trẻ. Rồi có lần ông định giết Hikari để giải thoát cho chính mình và cho cả đứa con tội nghiệp. Cũng may mà ông đã không đủ điên rồ và gan không đủ lớn để làm cả hai việc đê hèn đó. Ông đã chọn cách chấp nhận, chấp nhận Hikari cùng những bất hạnh của số phận, đồng thời nỗ lực tìm kiếm cách làm cho đứa trẻ "tái sinh".

Thường thì bậc làm cha làm mẹ chẳng bao giờ muốn nói về những khuyết tật cùng những thói hư tật xấu của con mình. Nhưng Kenzaburo Oe đã dũng cảm nói về đứa con tật nguyền của mình, không phải một lần, mà là rất nhiều lần. Ông muốn từ nỗi đau của riêng mình nói đến một điều lớn lao hơn: Cần phải học cách chấp nhận những nỗi đau của con người cùng với việc tìm kiếm những cách thức để "tái sinh" những con người bất hạnh.

Kenzaburo Oe đặt tên cho con trai đầu lòng là Hikari, tiếng Nhật có nghĩa là "ánh sáng". Quả thực, Hikari bé bỏng, luôn "cô đơn như hòn sỏi nhỏ trên đám cỏ" đã tạo ra luồng ánh sáng, những vầng hào quang rực rỡ cho những tác phẩm của người cha.

Trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài, Kenzaburo đã thẳng thắn: "Năm tôi hai mươi tám tuổi, đứa con đầu của tôi chào đời. Lúc đó tôi đã là một nhà văn khá nổi tiếng và đang là sinh viên ngành văn chương Pháp. Nhưng từ khi con trai tôi ra đời với một chứng bệnh trầm kha về não, vào một đêm kia, tôi muốn tìm sự khích lệ từ cuốn sách đầu tiên. Vài ngày sau tôi nhận thấy mình không thể tìm được niềm an ủi trong quyển sách của chính mình, có nghĩa là độc giả cũng sẽ không tìm thấy sự an ủi từ tác phẩm của tôi. Tôi lâm vào tình cảnh chán nản. Nhưng sau chuyến đi thăm một bệnh viện dành cho những nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima, tôi đã quyết định viết về Hikari, chia sẻ với độc giả những cảm giác của mình khi phải đối mặt với đứa con mang trên mình những di chứng của thảm họa Hiroshima…".

Tất cả những gì tích tụ trong lòng từ khi Hikari chào đời được ông giãi bày trong "Một nỗi đau riêng". Kenzaburo Oe cho rằng, chỉ bằng cách ấy, ông và đứa con trai tội nghiệp mới thể "tái sinh".

Cái "tầm" của "Một nỗi đau riêng" là ở chỗ, Kenzaburo Oe đã viết về thảm kịch Hiroshima theo một cách rất riêng. Đó là cái cách ông gắn hành trình "tái sinh" của đứa trẻ bị bại não với quá trình hồi sinh của dân tộc Nhật Bản sau thảm họa thất trận năm 1945. Không chỉ dừng lại ở "Một nỗi đau riêng", trong tập tiểu luận "Một gia đình tự chữa lành", Kenzaburo Oe đã miêu tả thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật Điểu khi muốn chối bỏ đứa con tật nguyền của mình, tìm quên trong gái, rượu và những chuyến đi xa. Điểu đã muốn chấm dứt đời của đứa con mang khối u não ác tính bằng một ly sữa độc. Nhưng trong một lần lái xe, khi cố tránh một con chim đã chết trên đường, Điểu ngộ ra rằng cần phải cứu đứa con trước khi quá muộn. Rốt cuộc, cái u ác tính kia chỉ là một cái u thường, sau khi cắt bỏ, đứa bé đã xuất viện bình an…

Hành trình tái sinh của Điểu trong "Một nỗi đau riêng", mà thực ra là nỗi đau chung của đồng bào ông, chính là hành trình tái sinh của ông và Hikari. Trong 6 năm trời ròng rã, hai vợ chồng ông đã kiên nhẫn cho Hikari nghe đi nghe lại một cuốn băng ghi âm tiếng hót của các loài chim kèm theo lời thuyết minh về tên của từng loài chim đó. Và điều kỳ diệu đã đến sau ba năm nghe cuộn băng ấy. Khi lên sáu tuổi, Hikari đã bật nói câu đầu tiên: "Đó là chim sẻ", và sau đó là nói đến tên của từng loài chim mà cậu bé đã được nghe qua băng ghi âm trong suốt mấy năm trời.

Hikari được cha mẹ đưa đến trường dành cho trẻ em thiểu năng trí tuệ. Ở đây cậu bé được nghe nhạc của Handel, Bach và đến năm 16 tuổi, Hikari trở thành một thiếu niên khỏe mạnh nhưng lại mất thị giác. Vì không thể chơi piano, Hikari đã học sáng tác dưới sự chỉ dẫn của người mẹ… Và đến độ trưởng thành, Hikari đã là một nhạc sĩ danh tiếng, cả ở Nhật và trên thế giới. Những CD nhạc của anh có mặt ở rất nhiều quốc gia, ngay cả nơi dành để bán những ấn phẩm nghệ thuật phục vụ cho lễ trao giải Nobel Văn học.

Những bản nhạc của Hikari, theo lời Kenzaburo Oe, "có một nguồn năng lực chữa lành cho trái tim". Ông còn nói: "Khi ta thể hiện ra một cách rốt ráo nỗi tuyệt vọng của con người, ta sẽ chữa lành được chính mình và biết được niềm vui của sự hồi phục…".

Trong lễ nhận giải Nobel, Kenzaburo Oe nói rằng, giải thưởng này đúng ra phải trao cho Hikari con trai ông. Ông cũng thông báo từ nay sẽ "gác bút" để tập trung cho Hikari tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc. Ông cũng hy vọng âm nhạc của Hikari sẽ mãi là thứ thần dược để chữa lành nỗi đau nhân thế

***

Kenzaburo Oe, sinh năm 1935 tại đảo Shikoku (Nhật Bản), đã sáng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và tiểu luận. Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học giá trị tại Nhật như Giải Akutagawa với tác phẩm The Catch, Giải Tanizaki với Football in the First Year of Mannen, Giải Văn học Shinchosha với A Personal Matter (Một nỗi đau riêng).

Điểu, nhân vật chính trong Một nỗi đau riêng, là một thanh niên có khuynh hướng chống đối xã hội Nhật, đã có lần khi đương đầu với một vấn đề khó giải quyết, anh tự “cho mình trôi dạt trong biển rượu mạnh như một Robinson Crusoe mất phương hướng”. Nhưng chưa bao giờ anh giáp mặt với một cuộc khủng hoảng cá nhân và nghiêm trọng về viễn cảnh một đời sống tù hãm trong lồng của đứa con mới sinh mang chứng thoát vị não. Liệu anh chạy chữa cho đứa bé được sống? Anh dám giết nó không? Trước khi đi đến quyết định cuối cùng, toàn bộ quá khứ sống dậy trong lòng anh, anh đã bừng tỉnh và nhận ra đó chỉ là một cơn ác mộng của sự lừa dối chính mình. Oe đã tạo nhân vật chính của mình trong tác phẩm này trở thành một trong những khuôn mặt đáng nhớ nhất trong tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản.

Năm 1994, Kenzaburo Oe đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao Giải Nobel Văn chương.

***

Điểu chăm chú nhìn tấm bản đồ châu Phi được phơi bày với vẻ thanh lịch kiêu kỳ của một chú nai rừng trong tủ hàng, anh cố nén tiếng thở dài. Các cô bán hàng không để ý đến anh. Bộ đồng phục họ mặc để lộ ra đôi cánh tay và chiếc cổ nõn nà. Đêm xuống dần. Cái nóng đầu hè, giống như nhiệt độ của một xác chết khổng lồ hạ hẳn xuống. Người ta di chuyển như đang mò mẫm từng bước trong bóng tối của tiềm thức, mong tìm lại ký ức về cái ấm áp ban trưa còn nấn ná chút hơi tàn trong da thịt: họ thốt lên tiếng thở dài mơ hồ. Tháng sáu, sáu giờ rưỡi: không một ai trong phố lại đổ mồ hôi vào lúc này. Nhưng vợ của Điểu thì nằm trần truồng trên một tấm nệm cao su, đôi mắt nhắm nghiền giống như một con gà lôi bị trúng đạn từ trên trời rơi xuống, và trong khi nàng than vãn cơn đau, bày tỏ nỗi âu lo cùng niềm mong đợi thì mồ hôi nhỏ giọt trên cơ thể nàng.

Điểu nhún vai, chăm chú vào những chi tiết của tấm bản đồ. B quanh lục địa châu Phi là màu biển xanh da trời mùa đông của buổi bình minh. Kinh độ và vĩ độ không phải là những đường nét máy móc của chiếc com-pa: những đường nét rõ ràng gợi lên sự phóng khoáng và thất thường của người vẽ. Lục địa trôi giống như chiếc sọ của một người bị treo đầu. Với đôi mắt sầu thảm, chán chường, một con người có cái đầu to tướng đang đăm đăm nhìn châu Úc, miền đất của gấu koala, thú mỏ vịt và kanguru. Bức tiểu họa châu Phi chỉ sự phân bổ dân số nằm dưới góc bản đồ, giống đầu người chết bắt đầu thối rữa. Một bức khác, hiện lên những con đường giao thông, giống đầu người bị lột da lộ ra những mao mạch đau đớn. Cả hai bản đồ châu Phi nhỏ bé này gợi lên sự chết chóc bất thường, nguyên sơ và quá tàn bạo.

“Tôi lấy tập bản đồ cho anh xem?”

“Không, đừng bận tâm,” Điểu nói. “Tôi đang tìm những tấm bản đồ chỉ đường của Tây Phi, Trung và Nam Phi do hãng Michelin in.” Cô gái cúi xuống chiếc ngăn kéo đựng đầy bản đồ Michelin và bắt đầu lăng xăng lục lọi. “Dãy số 182 và 185,” Điểu chỉ cho cô bán hàng, rõ ràng anh là một tay sành sõi về châu Phi.

Tấm bản đồ mà Điểu khao khát bấy lâu nay là một trang trong tập bản đồ bìa da, nặng ký. Một vài tuần trước, anh đã dò giá tập bản đồ và biết nó bằng năm tháng lương giáo viên của anh dạy tại một trường luyện thi. Nếu muốn có đủ tiền mua, anh có thể làm thêm công việc phiên dịch và phải mất ba tháng. Nhưng Điểu còn phải nuôi thân mình và nuôi vợ, vợ anh lại sắp sinh. Điểu là cột trụ của gia đình!

Cô bán hàng chọn hai tấm bản đồ bìa đỏ đặt lên quầy. Đôi tay nàng gầy và vấy bẩn, những ngón tay kỳ nhông bám trên cành cây. Mắt Điểu dán vào nhãn hiệu Michelin nằm dưới ngón tay nàng: một gã đàn ông hằng cao su trông giống như con cóc đang lăn cái ruột xe chạy xuống đường làm anh cảm thấy việc mua bản đồ là điều ngớ ngẩn. Nhưng đây là những tấm bản đồ mà anh muốn dùng vào mục đích quan trọng.

Mời các bạn đón đọc Một Nỗi Đau Riêng của tác giả Kenzaburo Oe.