Tứ đại quyền lực - The Four ngay khi ra mắt đã thu hút sự chú ý của độc giả. Cuốn sách lập tức trở thành best-seller của New York Times, được dịch sang 22 thứ tiếng trên thế giới, mới đây là tiếng Việt. Cuốn sách này được đánh giá là “đụng chạm” trực diện chuyện kinh doanh của Amazon, Apple, Facebook và Google.
Đi sâu vào chiến lược kinh doanh của bốn đại gia công nghệ, tác giả Scott Galloway lý giải từng quyết định, từng thương vụ lớn mà những công ty này đã thực hiện. Ông cho rằng hiểu được sự lựa chọn của bộ tứ quyền lực là hiểu được mô hình kinh doanh và cách họ tạo ra giá trị trong kỷ nguyên số.
Trong nửa đầu quyển sách, tác giả xem xét từng tập đoàn và phân tích những chiến lược của chúng, đặt vấn đề các doanh nghiệp khác có thể học gì từ những chiến lược này.
Phần thứ hai là cách thức nhận diện những thế mạnh cạnh tranh của bộ tứ công nghệ, xem cách kinh doanh mới của chúng đang diễn tiến như thế nào.
Bên cạnh đó, tác giả cũng cho người đọc thấy được cách thức bộ tứ bảo vệ thị trường của mình ra sao, đâu là tội lỗi của chúng. Sách tìm hiểu bốn tập đoàn này đã lợi dụng các chính phủ và đối thủ cạnh tranh như thế nào trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Điều khiến tác phẩm của Scott Galloway hấp dẫn là ông đã không kiêng dè khi chứng minh rằng hiểu biết của cả thế giới về 4 cái tên quyền lực kia gần như đều sai. Ông thẳng tay lột chiếc mặt nạ dát vàng của bộ tứ quyền lực để mổ xẻ chiến lược và năng lực thao túng siêu phàm của họ.
Ví dụ nhận định về Facebook, tác giả viết: "Bản thân Facebook là một bức tranh được tô vẽ nịnh mắt về bạn và cuộc sống của bạn bằng nét vẽ thật mịn và lớp sơn bóng phủ lên bức hình đó. Facebook là nơi để làm dáng và khoe mẽ".
Ông còn cho rằng Facebook có thể can thiệp vào microphone trên điện thoại để nghe lén những cuộc hội thoại, sau đó chuyển dữ liệu qua phần mềm trí tuệ nhân tạo, để phân tích bạn đang nói chuyện với ai, bạn đang làm gì và những người xung quanh bạn đang nói chuyện gì…
Không chỉ dừng lại ở bốn cái tên khổng lồ, tác giả mở rộng bức tranh, mang đến độc giả cái nhìn toàn cảnh bằng cách điểm mặt các ứng cử viên công nghệ sáng giá khác như Netflix, Alibaba, Uber và những người khổng lồ một thời từng làm mưa làm gió như IBM, Microsoft…
“Tôi viết cuốn sách này với hy vọng độc giả sẽ có được cái nhìn thấu đáo và nhận ra được thế mạnh của doanh nghiệp trong một nền kinh tế mà chưa bao giờ dễ trở thành tỷ phú như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ trở thành triệu phú khó đến vậy”, tác giả chia sẻ.
***
Vào một ngày của tháng 5 năm 2014, trong một dịp tác giả quyển The World Is Flat (Thế giới Phẳng), Thomas Friedman đến Việt Nam để giới thiệu phiên bản tái bản lần thứ 14, tôi may mắn sắp xếp được một cuộc phỏng vấn riêng với ông tại Tp. HCM. Tôi đã tranh luận với Friedman rằng liệu có phải thế giới không còn phẳng như phiên bản đầu tiên ông viết, bằng chứng là đến phiên bản mới nhất, ông đã bổ sung thêm hai chương. Ở đó, ông cho rằng một số từ vựng như “quyền riêng tư” (privacy), “trung bình” (average) hay “để sau” (later) dần dần ít được sử dụng và sẽ biến mất trong tự điển vào một ngày gần đây. Về điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý với Friedman.
Trong quyển sách bạn đang cầm trên tay, Scott Galloway cũng đề cập đến quyền riêng tư khá nhiều, khi chúng ta chấp nhận đánh đổi để nhận lấy sự thuận tiện trong kết nối. Galloway cũng nói về viễn cảnh người máy sẽ áp đảo con người trong sản xuất – cũng là ý nghĩa của từ “trung bình” mà Friedman nhắc đến, sẽ không có năng suất trung bình do con người tạo ra nữa – tương lai chỉ nói đến tối ưu hóa bằng thuật toán mà Galloway đã chỉ ra tại Amazon, Google. Còn “để sau” tức là mọi việc diễn ra quá nhanh, không còn thời gian cho chúng ta chần chừ bất cứ việc gì.
Nhanh đến mức, trong khi Galloway viết cuốn sách này, xuất bản tháng 10 năm 2017 và tôi chấp bút biên dịch vào tháng 12 năm 2017, đã có nhiều sự kiện đề cập trong quyển sách đã chuyển biến rất nhiều.
Tháng 11 năm 2017, Amazon công bố đã hoàn tất mua bản quyền truyện The Lord of the Rings (Chúa tể những chiếc nhẫn)của tác giả J. R. R. Tolkien để chuyển thể thành phim truyền hình và chiếu trên hệ thống dịch vụ trực tuyến phục vụ các thành viên Amazon Prime. Amazon không chỉ là một ông chủ bán sách, rồi bán lẻ tiêu dùng, họ đã dần dần trở thành một công ty truyền thông số.
Tháng 12 năm 2017, Eric Schmidt, chủ tịch của Alphabet, công ty mẹ của Google, tuyên bố rút lui khỏi ghế chủ tịch sau 17 năm góp phần tạo ra đế chế Google mà Scott Galloway gọi là “thượng đế” trong quyển sách này. Tôi rất thích cách gọi của tác giả, đơn giản vì Google lắng nghe được tất cả tâm tư của chúng ta, đôi khi là những điều thầm kín nhất. Trong buổi công bố những hạng mục top vào cuối năm 2017 của Google và Youtube tại Tp. HCM, tôi nhìn thấy thoáng qua chiếc loa Google Home Mini bản demo ngay trên bàn tiệc cuối năm này. Không chỉ là một chiếc loa Bluetooth bình thường, đó là một sản phẩm AI (trí tuệ nhân tạo), có thể lắng nghe và thi hành những gì chúng ta muốn làm. Google hiểu chúng ta muốn gì và sẽ muốn làm gì. Scott Galloway cho rằng điều đó còn hơn cả Thượng đế.
Có thể khi đọc quyển sách này, có đôi chỗ, độc giả sẽ dừng lại suy ngẫm liệu Scott Galloway có nói quá hay không? Hay có tư tưởng hơi cực đoan? Theo tôi, ông lập luận rất có lý bằng những dữ kiện mà mình đã thu thập trong quá trình giảng dạy, và quan trọng ông là một doanh nhân. Không phải là ông cay cú bốn đại gia công nghệ này, nhưng chính kinh nghiệm thương trường, nhất là đã từng trải nghiệm thất bại của mình, ông giúp chúng ta hiểu vì sao họ làm được như vậy.
Thuật toán T (thực chất là 8 yếu tố cơ bản) mà ông phân tích rất kỹ ở chương 8 sẽ là cánh cửa làm sáng tỏ những điều đôi khi bị thêu dệt trở thành huyền thoại của bộ tứ quyền lực trong làng công nghệ thế giới.
Tôi cũng rất thích cách Galloway quan sát về cách thức mà Apple chọn để phát triển thương hiệu – kết hợp giữa thứ mà ông giỏi nhất là marketing và kinh nghiệm thương trường trong ngành công nghệ cao. Apple đã xây những “chiến hào” xung quanh mình như thế nào mà chưa một cuộc khủng hoảng nào có thể đánh bại được họ, từ cái chết của Steve Jobs, đến iPhone X mới ra bị BKAV của Việt Nam thách thức công nghệ FaceID, rồi mới đây truyền thông công bố hai lỗ hổng của chip trên các thiết bị iOS. Cuối năm 2017, CNBC nhận định Apple có khả năng trở thành công ty ngàn tỷ đô la đầu tiên trong bộ tứ Amazon, Apple, Facebook và Google, về đích khi giá trị thị trường đã đạt 900 tỷ đô la.
Cuối năm 2017, thống kê cho thấy Việt Nam đã có 45 triệu người sử dụng Facebook, đứng thứ 10 trên thế giới. Facebook hiểu chúng ta hơn chính bản thân mình. Đó là điều khiến cho họ sẽ trở thành công ty truyền thông quảng cáo lớn nhất thế giới. Nhưng không, Facebook không muốn nhận danh hiệu đó, họ chỉ tự nhận là một “môi trường công nghệ”.
Scott Galoway không muốn độc giả đọc quyển sách này lo sợ cho tương lai, hay tẩy chay sản phẩm của bộ tứ quyền lực. Ông dành những chương cuối để bàn luận với chúng ta nên làm gì để thích ứng và giàu có cùng với họ. Đây cũng là quyển sách hiếm hoi mà tôi được đọc có cách giải quyết vấn đề thú vị.
Ông bà ta có nói “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già? Đá bao nhiêu tuổi đá mòn?”, còn chúng ta thì cũng không ngoài trăm năm. Vì thế, sống thế nào cho đáng, giống như cảnh cuối cùng trong phim Saving Private Ryan, chàng đại úy John Miller thì thào vào tai chàng binh nhì James Francis Ryan trước khi chết “Earn… this” – sống cho đáng trong kỷ nguyên số đầy những điều thú vị đang ở phía trước.
- Nhà báo Lương Trọng Vũ
Phóng viên thời sự Đài phát thanh TP. HCM (1993 – 2000)
Kỹ sư công nghệ One Connection (2000 – 2005)
Phóng viên công nghệ Vietnamnet (2005 – 2008)
Phóng viên công nghệ Khoa học và Đời sống (2008 – 2010)
Phóng viên công nghệ và kinh tế FBNC (2010 – 2017)
Mời các bạn đón đọc Tứ Đại Quyền Lực của tác giả Scott Galloway & Lương Trọng Vũ (dịch).