"Rồi đột nhiên ký ức đó hiện ra. Mùi vị ấy chính là mùi vị mẩu bánh madeleine mà mỗi sáng chủ nhật ở Combray (vì ngày hôm ấy tôi không ra khỏi nhà trước giờ lễ mi xa), cô Léonie lại cho tôi sau khi đã chấm vào trà hoặc nước lá bồ đề, mỗi lần tôi đến chào cô trong phòng cô ở. Trước đây, khi chưa nếm vị của nó, tôi chẳng nhớ gì mỗi lần nhìn thấy cái bánh madeleine nhỏ[…] Nhưng khi, của một thời quá vãng đã chẳng còn lại một chút gì, khi người đã chết, sự vật đã bị hủy diệt, thì duy nhất vẫn còn lại đó, mỏng manh nhưng dai dẳng, không hình hài nhưng bền vững thủy chung, hương và vị vẫn còn ở đó rất lâu, như những linh hồn, để tưởng nhớ, chờ đợi và hy vọng, giữa cái hoang tàn của tất cả, và không hề nao núng, để mang trên cái giọt mong manh của chúng, cả dinh thự mênh mông của hoài niệm."
Bên phía nhà Swann là tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất của một trong những văn hào lớn nhất của nước Pháp và của thế giới, Marcel Proust. Cách đây một trăm năm, trong lần xuất bản đầu tiên, nó từng là chủ đề tranh luận của mọi diễn đàn văn học. Một trăm năm sau, người ta vẫn không ngừng viết, nói, tranh luận về nó. Đi tìm thời gian đã mất thực sự là một khởi thuỷ cho nền tiểu thuyết hiện đại, với bút pháp mới lạ, với những chủ đề được bàn luận sâu rộng và đầy chất thơ về nghệ thuật và triết học, về hồi ức và thời gian… Tác phẩm từ lâu đã là niềm kiêu hãnh của văn chương Pháp, là một cuốn Kinh thánh văn chương cho mọi tác gia cũng như người đọc văn học.
Trọn bộ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust:
- Dưới bóng những cô gái đương hoa
***
Trong lịch sử văn học thế giới, có những cuốn sách mà ngay từ khi mới ra đời, tự bản thân nó đã tạo nên những nghịch lí, gây nhiều tranh cãi, cho đến tận hôm nay: một mặt nó được xếp vào hàng những kiệt tác, được ca ngợi, tán dương, người ta “hỉ hả” với nó, coi việc xuất bản nó là một việc làm rất kịp thời, nhờ nó mà thế giới văn học được vinh danh; mặt khác, cuốn sách và tác giả của nó nó lại từng chịu nhiều “xỉ vả”, từng bị gắn cho những “mĩ từ” không mấy hay ho: bệnh hoạn, suy đồi, điên rồ, rỗi hơi… Đó là các trường hợp “Ulysses” của James Joyce, “Lolita” của Nabokov, “Vụ án”, “Lâu đài”, “Nước Mĩ” của France Kafka. “Bên phía nhà Swann” (trong bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của M. Proust) cũng nằm trong số những “kiệt tác điên rồ” như thế…
Tuy đã rất cố gắng, nhưng như một dịch giả trong nhóm vẫn đã nói: “Tiếc rằng chúng ta không dịch được hay hơn”. Để lại một đôi chỗ sai sót là điều đáng trách, nhưng quan trọng hơn, họ cảm thấy ít có bản dịch đầu tiên nào lại có thể chuyển tải được hết “hồn” của tác phẩm và “giọng” của Marcel Proust. Một nhà văn lớn của Pháp, đồng thời cũng là một dịch giả “có hạng” (Yourcena) thì cho rằng: “Sự thực là vẫn có những cái mà bản dịch không thể hiện hết được, trong khi nghệ thuật dịch phải là không để mất một cái gì. Như vậy không bao giờ chúng ta vừa lòng được".
Việc này giải thích tại sao các tác phẩm lớn như của Proust được dịch nhiều lần ở các nước trên thế giới. Vậy nên cánh cửa vẫn mở rộng đối với tất cả ai yêu thích và có lòng muốn dịch lại một tác giả mà toàn bộ 7 tập sách của ông được gọi là “Tiểu thuyết - Mẹ của văn học Pháp thế kỉ XX”. Đó là công việc rất đáng nên làm.
***
Marcel Proust sinh ngày 10 tháng Bảy năm 1871 tại khu phố Auteuil, nay thuộc quận XVI, Paris. Cha ông là bác sĩ, người mẹ thông minh, có học thức, mà ông vô cùng yêu quý, thuộc một gia đình doanh nhân Do Thái giàu có. Một cơn hen nguy kịch khi Proust chín tuổi sẽ ảnh hưởng đến ông suốt đời.
Với sức khỏe mong manh, Proust vẫn đạt những kết quả xuất sắc ở trường trung học và đỗ tú tài năm 1889, sau đó tình nguyện đăng lính một năm, nhưng không phải sống trong quân ngũ. Năm 1893, ông đỗ cử nhân Luật, năm 1895, đỗ cử nhân văn chương. Thời gian này, ông bắt đầu lui tới các thính phòng văn chương, tham gia cuộc sống thượng lưu, đi du lịch nhiều nơi. Ông cũng bắt đầu viết, dịch, cộng tác với một vài tời báo, tạp chí.
Năm 1903, cha Proust qua đời, năm 1905, đến lượt bà mẹ. Đơn độc, buồn đau, ốm yếu, Proust rời ngôi nhà sang trọng nơi ông sống cùng bố mẹ từ năm 1900, chuyển đến căn hộ cũ của người cậu đã mất, tại phố Haussmann, và lưu lại đó mười hai năm, từ cuối 1906 đến cuối 1918, khi căn hộ bị bán đi. Cho tới khi qua đời, ông còn đổi chỗ ở hai lần nữa.
Từ đầu mùa hạ 1909, Proust sống ẩn dật, giam mình trong phòng riêng cửa đóng kín, sàn nhà, các bức tường và trần rất cao đều được lót những lớp bần, không để lọt một tiếng động. Ông muốn từ nay chỉ sống cho tác phẩm lớn, duy nhất, của đời mình. Ban đêm, đôi khi ông còn ra khỏi nhà, chỉ vì cần gặp lại một số người mà ông nói tới, trong quá trình tái tạo “tòa dinh thự mênh mông của hoài niệm”.
Năm 1912, Proust gửi bản thảo Bên phía nhà Swann đến một số nhà xuất bản (trong đó có La Nouvelle Revue Française – mà André Gide là một trong những người sáng lập – sau này là nhà Gallimard), nhưng đều bị từ chối. Trả lời một trong những người bạn của Proust, đã vận động giúp ông, đại diện nhà xuất bản Ollendorff viết: “Chắc tôi phải hết sức ù lì, nhưng tôi không sao hiểu nổi một quý ông có thể sử dụng ba chục trang để miêu tả ông ta trăn trở trên giường như thế nào, trước khi ngủ được.”
Cuối cùng, tháng Mười một năm 1913, Bên phía nhà Swann được in bằng tiền của tác giả, ở nhà xuất bản Grasset. Tháng Giêng 1914, André Gide viết thư cho Proust, nói rằng ông yêu thích tác phẩm biết mấy và “việc từ chối cuốn sách là sai lầm nghiêm trọng nhất của Nouvelle Revue Française và (…) một trong những ăn năn hối tiếc chua xót nhất của đời tôi”. Nhà xuất bản cũng đề nghị ra những tập tiếp theo của Proust, nhưng đại chiến thế giới khiến mọi việc phải ngừng lại. Tháng Sáu 1919, Dưới bóng những thiếu nữ đương hoa được Gallimard xuất bản, và cuối năm đoạt giải Goncourt, Proust thành nhà văn nổi tiếng trong giới trí thức. Về phía nhà Guermantes I ra đời năm 1920. Năm sau, 1921, là Về phía nhà Guermantes II, rồi Sodome và Gomorrhe I. Giữa năm ấy, Proust ốm nặng và lo mình không thể viết xong phần cuối của Cô gái bị cầm tù. Tháng Tư 1922, Sodome và Gomorrhe II được in. Ngày 19 tháng Mười, ra khỏi nhà chốc lát để đến một dạ tiệc, nhà văn bị nhiễm lạnh, rồi viêm phổi. Những người túc trực bên ông, bác sĩ Robert Proust người em trai, Odilon tài xế trung thành thân tín, Céleste vợ anh, cô thư ký thông minh tận tụy, đều sợ hãi nghĩ rằng ông “đã bước chân vào phòng chờ của cái chết”. Trong khi đó, nhà văn chỉ lưu tâm đến những trang bản thảo ngổn ngang quanh giường, mỗi khi đỡ bệnh lại sửa chữa một số câu, chữ, có đêm còn đọc cho Céleste viết cả một đoạn để đưa thêm vào tập sách sắp in.
Ngày 18 tháng Mười một năm 1922, Proust qua đời. Năm 1923, Cô gái bị cầm tù được xuất bản, năm 1925 là Albertine mất tích – thoạt tiên được Proust đặt nhan đề Cô gái chạy trốn – và tập cuối cùng, Thời gian tìm lại được, ra mắt năm 1927.
Mời các bạn đón đọc Bên Phía Nhà Swann của tác giả Marcel Proust.