Khu vườn ngôn từ kể về một tình yêu còn xa xưa hơn cả tình yêu.
Khái niệm tình yêu trong tiếng Nhật hiện đại là luyến hoặc ái, nhưng vào thời xưa nó được viết là cô bi, nghĩa là nỗi buồn một mình. Shinkai Makoto đã cấu tứ Khu vườn ngôn từ theo ý nghĩa cổ điển này, miêu tả tình yêu theo khái niệm ban sơ của nó, tức là cô bi - nỗi buồn khi một mình thương nhớ một người.
Những ngày mưa triền miên….
Nơi hàng hiên ngập tràn màu xanh của một khu vườn Nhật Bản…
Có một cảm xúc êm dịu đến không thốt nên lời cứ thế manh nha, tựu hình và lửng lơ tồn tại.
Trong lúc dòng đời cuồn cuộn chảy trôi, tất cả hối hả tiến về phía trước, thì cậu và cô lại dừng chân, chìm xuống trong tĩnh lặng riêng mình, và ở cái vũng tĩnh lặng đó, họ tìm thấy nhau. Dần dần và mạo hiểm, quên đi cả các chênh lệch về tuổi tác và vị trí, họ thả hồn mình trôi về nhau hòa điệu.
Làm nền cho tất cả là mưa rơi không ngừng, là lá mướt mát rung rinh. Nhưng khi mưa tạnh và trời quang trở lại, mọi đường nét của hiện thực trở nên rõ rệt đến khắc nghiệt, thì những êm dịu và lửng lơ kia liệu còn khả năng tồn tại?
***
Tôi luôn mang trong mình một mối tình đơn phương với tiểu thuyết.
Mà không chỉ tiểu thuyết, tôi luôn có cảm giác mình đang yêu đơn phương truyện tranh, điện ảnh, phim hoạt hình và những cảnh sắc hiện thực. Tình yêu đơn phương tôi đang nói đến là trạng thái bản thân mình rõ ràng rất thích nhưng đối phương lại không có hứng thú tới mức độ đó với mình. Dù đôi lúc tôi thấy mình đã ở tuổi trưởng thành rồi mà còn có những tình cảm như vậy thì cũng khá không hợp, nhưng tôi không tài nào thoát khỏi cảm giác này.
Công việc của tôi là đạo diễn phim hoạt hình, coi như tôi cũng có rất nhiều cơ hội để nói với phim hoạt hình rằng, “Tôi rất thích em!” Tuy nhiên đối với tiểu thuyết thì không được như vậy. Thời gian rảnh trong ngày, những khi ngồi trên tàu điện, những lúc chờ kết xuất đồ hoạ, tôi thường lật giở các trang văn và không ngừng thán phục, “Tiểu thuyết đúng là tuyệt vời!”
Bởi vậy khi tiểu thuyết Khu vườn ngôn từ được đăng dài kỳ trên nguyệt san Da Vinci thì tôi hạnh phúc không sao tả được. Công việc viết lách quả là nhiều hứng thú. Tôi đã định sẽ viết tất cả những gì phim hoạt hình không thể hoặc khó lòng thể hiện thành công. Giả dụ như khi viết “gương mặt ngơ ngác như đứa bé lạc đường…”, lòng tôi đã reo lên đắc thắng với người đạo diễn phim hoạt hình trong mình, “Sao hả? Thấy thế nào, câu này khó thể hiện ra thành hình ảnh lắm!” Liệu có diễn viên nào tái hiện được đúng hình ảnh đó không? Liệu người làm phim hoạt hình có vẽ được gương mặt trông như đứa bé đi lạc không. Câu trả lời đầu tiên trong tôi là “Không thể!” Có lẽ họ sẽ tạo ra được một khuôn mặt lo lắng, nhưng để thể hiện hình ảnh so sánh trực tiếp và ngắn gọn như “đứa bé lạc đường” là một điều rất khó. Hoặc câu “Tiếng ồn ào tan học phía sau cánh cửa kia giờ chỉ như những âm thanh lạo xạo thoát ra khỏi tai nghe của ai đó” nữa, chắc chắn hình ảnh không thể diễn tả hết, tôi đã cười thầm. Khán giả sẽ không liên tưởng những âm thanh xung quanh lớp học với tiếng nhạc lọt ra ngoài từ tai nghe. Sự kết nối giữa những con chữ chính là bí quyết tạo nên thần thái sảng khoái của tiểu thuyết, tôi đã cảm nhận được điều này trong khi viết. Khi nhìn lại như thế này tôi nghĩ có lẽ cũng chỉ có mình tôi thấy hài lòng với những điều này nên trở nên phấn khích, nhưng quả thật quãng thời gian sáng tác ấy rất vui.
Quay lại với cuốn tiểu thuyết, Khu vườn ngôn từ này chính là phiên bản tiểu thuyết của bộ phim hoạt hình cùng tên do tôi làm đạo diễn, công chiếu từ năm 2013. Tức là tôi tự chuyển thể tác phẩm của mình sang tiểu thuyết. Trong nguyên gốc thì bộ phim hoạt hình chỉ dài 46 phút, được kể lại từ góc nhìn của Takao và Yukino, còn trong cuốn tiểu thuyết này, tôi đã tăng số lượng nhân vật tự sự lên, kéo theo đó là sự gia tăng nội dung. Một hàm lượng nội dung thế này mà chuyển thành phim thì rất khó trình bày gọn gàng trong hai tiếng đồng hồ. Tôi mong muốn các bạn đọc đã xem phim cũng như chưa xem đều thấy thú vị khi đọc cuốn sách này.
Tôi đã viết với tâm trạng vui mừng, háo hức đến vậy, nhưng tâm trạng đó không sao duy trì mãi được. Lẽ dĩ nhiên thôi. Tôi nhận ra hình ảnh vẫn là phương tiện truyền tải tuyệt vời, và đôi khi còn có nhiều cách thể hiện thích hợp hơn.
Ví dụ như khi thể hiện cảm xúc của con người, tôi chọn vẽ cảnh thành phố lúc về đêm và chèn thêm một đoạn nhạc buồn vào đó nữa. Bất cứ thời điểm nào cũng được, một khung cửa sổ, một ánh đèn vụt sáng hoặc vụt tắt… Chỉ cần như vậy thôi, hình ảnh đã tạo được cảm xúc cho người xem rồi. Cảm xúc nói chung chính là những tình cảm nảy nở từ cuộc sống thường ngày. Bởi thế đối với hình ảnh, chỉ cần ánh sáng từ một khung cửa sổ thôi cũng có thể khơi gợi vô vàn cảm xúc. Còn trong tiểu thuyết, tôi đã phải đau đầu suy nghĩ để tìm ra cách diễn đạt tương ứng.
Tôi không kể cụ thể hơn được vì sẽ rất dài, nhưng trong những biện pháp ẩn dụ khác, sử dụng hình ảnh vẫn có tác dụng mạnh hơn. Đôi khi dùng hàng trang bản thảo tiểu thuyết diễn tả một vằn sóng vẫn là không đủ, nhưng đúng một cảnh trong phim hoạt hình thôi lại thể hiện xong.
Hơn nữa, điểm mấu chốt hóa ra lại không liên quan gì đến kỹ thuật, điều khiến tôi trăn trở suốt, một điều hết sức đương nhiên, đó chính là việc không biết cần phải viết gì. Khi hoàn thành bản thảo, tôi thất vọng nghĩ, “Tiểu thuyết, tiểu thuyết, tiểu thuyết gia nữa, họ thật tuyệt vời, mình không tài nào đến gần được vị trí của họ.”
Sau khi hoàn thành xong cuốn sách, điều cuối cùng đọng lại chính là mối tình đơn phương dành cho tiểu thuyết và phim hoạt hình lại trở nên sâu sắc hơn nữa. Tôi cũng không mong tình cảm đơn phương này biến thành tình cảm hai chiều. Đôi lúc tôi chợt nghĩ nó giống như tình cảm mà Takao dành cho Yukino. Các nhân vật khác trong quyển sách này cũng thế, dù ít dù nhiều họ đều mang theo một mối tình đơn phương. Tôi lại có dịp để nhận ra mình muốn viết về những cảm xúc như vậy của con người. Có lẽ bởi niềm khao khát một ai đó, một điều gì đó trong cô độc chính là cảm hứng để dệt nên thế giới này. Đây là điều tôi muốn diễn tả trong cuốn sách này.
“Khu vườn ngôn từ là câu chuyện về một tình yêu (孤悲 cô bi) thậm chí còn xa xưa hơn cả tình yêu (愛 ái).”
Đây là câu tiêu đề cho bộ phim hoạt hình gốc.
Có lẽ rất nhiều người thời nay khi đọc câu này vẫn thấu hiểu một cách sâu sắc. Bởi chúng ta biết rằng ở thời đại của Vạn diệp tập, cách đây một nghìn ba trăm năm, tình yêu không phải là “ái” mà là “cô bi”, tức “nỗi buồn khi thương nhớ một người trong hiu quạnh”38.
Trong thời gian viết tác phẩm, tôi đã học hỏi được từ rất nhiều người. Đầu tiên phải nhắc đến cô Kurazumi Kaoru, người đã giúp tôi chọn dùng những bài phù hợp trong Vạn diệp tập. Thứ đến là những nghệ nhân làm giày, thầy cô và học sinh sinh viên trong các trường cấp ba và đại học, nhân viên kinh doanh trong các doanh nghiệp chế tạo… Câu chuyện của mọi người đã đem đến sức nặng cho cuốn sách này. Tôi chân thành cảm ơn tất cả.
Ngoài ra tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến biên tập của tôi. Ochiai Chiharu, người đã luôn ủng hộ cho tác phẩm của tôi từ phim đến truyện bằng tất cả tình yêu và sự quan tâm sâu sắc.
Tôi viết tác phẩm này trong lúc bộ phim Khu vườn ngôn từ được công chiếu, thành ra hầu hết bản thảo đều thực hiện trên đường công tác. Dù không có nhiều liên hệ với nội dung truyện nhưng tôi đã đi viết ở rất nhiều nơi, ghi lại cũng hay, nào Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Nga, Scotland, Pháp, rồi Việt Nam. Tôi đến đó chủ yếu để tham dự các liên hoan phim và sự kiện về phim hoạt hình, cũng có những điểm đến là để tìm bối cảnh cho phim, nhưng khoảng thời gian ở khách sạn cũng như di chuyển trên máy bay tôi đều dành cho viết. Và đoạn kết truyện tôi đã viết khi ngồi trên chuyến tàu điện vượt qua biển Yosan. Có lẽ rằng những khung cảnh lướt qua những khung cửa sổ đó cũng đã thấm vào từng trang văn của tôi.
Cuối cùng, bạn đọc thân mến, những người đang cầm trên tay cuốn sách và lần lượt lật giở, tôi chân thành cảm ơn các bạn.
Tháng Hai năm 2014
Shinkai Makoto
Ầm ì sấm dội
cuồn cuộn mây trôi
Mưa rơi chăng tá?
để ta
lưu người…
Mời các bạn đón đọc Khu Vườn Ngôn Từ của tác giả Shinkai Makoto.