Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bóng Ma Giữa Trưa - Alberto Moravia

Ricardo Molteni là một người chồng trẻ hạnh phúc. Anh yêu vợ và được vợ yêu một cách nồng nàn. Tình yêu của họ đơn giản, trong sáng, hồn nhiên như hơi thở của họ. Tuy nhiên, một chuỗi những ngộ nhận, như một phần của Định Mệnh, với những trò đùa tinh vi và tai ác của nó, đã dần đẩy họ ngày càng xa nhau. Ricardo càng tìm cách để chinh phục lại tình yêu của chính vợ mình càng như vấp phải bức tường của những ngờ vực, định kiến của một người vợ càng nồng nàn trong tình yêu lại càng sắt đá và bướng bỉnh trong lòng căm hờn. Những tâm trạng mà Ricardo trải qua, từ thảng thốt, ngờ vực, đến hoang mang, tuyệt vọng, đã đi đến tận cùng của giới hạn, của những thống khổ của một kiếp con người. Sự xuất hiện của kẻ thứ ba trong cuộc tình, Battista với những lợi thế về tiền bạc,, vật chất của hắn, chỉ là một nhân tố xúc tác để đẩy mau những diễn biến của màn kịch, cho trò chơi của Định Mệnh mau chóng đi đến hồi chung cuộc. Khi Ricardo phát hiện ra những sai lầm của mình thì mọi chuyện đã trở nên quá muộn, để từ đó càng tuyệt vọng trong mơ ước khắc khoải được yêu, được sống lại trong cái thế giới bình yên của hạnh phúc. Cái chết của Emilia chỉ như là một kết thúc buồn thảm nhưng tất yếu, có lẽ, đã hoá giải được tấn bi kịch muôn thưở của tình yêu và hơn nữa làm cho phép mầu tình yêu được nhóm lêng trong tim ta ngọn lửa ấm áp…

Chủ đề của tác phẩm là những diễn biến tâm lý phức tạp của bốn nhân vật đầy cá tính đối đầu nhau trong bủa vây của tình yêu cũng như của công việc trong đời sống. Chuyển biến của những xúc cảm, hành vi của các nhân vật, tác động bởi một xã hội chuẩn mực vật chất, vai chính trở nên như một con rối trong tay người diễn trò. Giá trị của tác phẩm Alberto Moravia càng nâng cao hơn ở những phân tích tâm lý sâu sắc, đưa người đọc sống cùng với nhân vật, chia sẻ với nhân vật từng tâm trạng, từ hân hoan, vui sướng cho đến buồn thảm, tuyệt vọng, làm người đọc cảm thấy thấm thía cho thân phận nhỏ nhoi yếu ớt của con người trong oái oăm của trò trốn bắt của hạnh phúc, của bi kịch.

Về mặt văn học, với Bóng ma Giữa trưa, A. Moravia đã tạo nên một kiệt tác cổ điển lãng mạn đúng nghĩa, vừa tinh tế, vừa mạnh mẽ, vừa đam mê, vừa cuồng nhiệt trong tình yêu và ảo ảnh cuộc đời.
Alberto Moravia là một trong những nhà văn Ý có lượng tác phẩm đồ sộ nhất. Ông sinh năm 1907 ở Rome. Thời niên thiếu ông hay ốm đau, bệnh tật nên học hành dang dở, và chuyển sang viết văn từ rất sớm. Ông xuất bản cuốn tỉêu thuyết đầu tay vào năm 1925, khi vừa mười tám tuổi. Văn tài của ông sớm bộc lộ, đưa ông trở thành đại diện ưu tú nhất của chủ nghĩa hiện thực phê phán trong trào lưu văn học Ý hiện đại. Những tác phẩm của ông tiêu biểu là "Những kẻ lãnh đạm", "Bệnh truyền nhiễm", "Aghostino", "Cô gái thành Rome", chứng tỏ tài năng lớn của A.Moravia trong hiểu biết thấu đáo về đời sống, phng tục, ngôn ngữ, tư duy, và nhất là tình yêu của người dân Ý nói chung và của người dân Rome nói riêng. Ông có một cai nhìn nhân hậu, đầy thông cảm với người nghèo, "con người nhỏ bé", luôn bị thua thiệt trong xã hội tư bản. Trong những năm đầu của chế độ phát xít, sách của ông bị cấm và bản thân nhà văn phải đi lánh nạn.

Biệt tài dẫn nhập người đọc vào trong thế giới của các nhân vật khiến Moravia trở nên một trong những nhà văn có sức hấp dẫn đặc biệt.

Người dịch mong muốn giới thiệu với độc giả một tác phẩm hay trong văn học hiện thực đương đaị, để bổ sung vào tủ sách Văn học nước ngoài, trong đó nền văn học Ý có một vị trí quan trọng nhất định. Mặt khác, chúng tôi cũng mong muốn chuỷên đến người đọc tấn thảm kịcyh của nhân vật chính mà không ít lần trong cuộc sống đời thường, chúng ta đã ngậm ngùi chứng kiến. Biết đâu có thể là một bài học cho những ai quá vô tư với hạnh phúc, để làm sao tránh khỏi phải gặp tình trạng đến khi hạnh phúc mất đi mới biết được giá trị đích thực của nó thì đã quá muộn màng.

Trương Xuân Huy

***

Chuyến trở về của tôi rất chậm chạp, từng lúc, tôi ngưng chèo và ngồi yên, hai tay nắm chặt đôi mái dầm, mắt nhìn sững xuống mặt biển xanh, sáng ngời. Rõ ràng tôi đã trải qua một ảo giác. Như lần cách đây hai hôm, khi Emilia nằm dài trần truồng phơi nắng và tôi đã tưởng tượng ra mình đã cúi xuống và hôn nàng, trong khi thật ra, tôi vẫn ở nguyên tại chỗ, thậm chí, không hề đến sát bên nàng. Lần này, ảo giác chính xác và rõ nét hơn, nhưng để chứng minh đó chỉ là một ảo giác không hơn không kém, tôi nghĩ có lẽ không cần chứng cứ nào khác hơn là cuộc trò chuyện mà tôi đã tưởng tượng trao đổi với bóng ma của Emilia – một cuộc trò chuyện trong đó, tôi đã cho Emilia nói những gì tôi ao ước nàng nói, và có những thái độ tôi ao ước nàng co. Mọi điều bắt đầu và chấm dứt ngay nơi tôi. Điều khác biệt duy nhất trong những trường hợp như thế này là tôi đã không tự giới hạn trong phạm vi chỉ tưởng tượng ra những gì tôi ao ước xảy ra, nhưng từ nguồn cảm xúc tràn ngập thôi t húc trong lòng, tôi đã tự đánh lừa mình bằng cách xem những điều mong ước ấy đã thật sự xảy ra. Điều lạ lùng là tôi không lấy làm ngạc nhiên chút nào vì đã có một ảo giác không những kỳ dị, mà có lẽ chưa từng có với bất kỳ ai. Như thế là ảo giác còn tiếp diễn, tôi không để ý đến tính hư vô của nó mà chỉ quan tâm đến những chi tiết, lần lượt tạo dựng lại từng chi tiết một, dừng lại một cách khoái trá ở những tình huống làm tôi sung sướng nhất. Emilia xinh đẹp biết bao khi ngồi ở đuôi thuyền, không thù nghịch, nhưng tình tứ biết bao, những lời nói của nàng ngọt ngào, và những cảm xúc của tôi mãnh liệt biết bao khi tôi ngỏ lời muốn làm tình với nàng và nàng khẽ gật đầu đồng ý. Giống một kẻ vừa trải qua một giấc mơ đầy khóai lạc và sống động, đến khi thức dậy còn vương vấn một cách thú vị với cảnh tượnmg và cảm xúc trong mơ, tôi thật tình còn sống trong ảo giác, tin vào nó, và vui sướng được sống lại với nó trong hồi ức, tôi không bận tâm lắm về vấn đề đó chỉ là ảo giác, vì tôi đã trải qua những cảm giác thật, như người ta cảm thấy được trước một sự việc có xảy ra thật.

Vẫn lưu luyến với những chi tiết của ảo ảnh, tôi chợt nảy ra ý tưởng đối chiếu lại một lần nữa thời gian khi tôi rời Piccola Marina bằng thuyền với thời điểm tôi ra khỏi Hang Đỏ, và tôi sửng sốt nhận ra tôi đã ở lại lâu đến thế trên bãi ngầm trong hang ấy. Trừ đi chừng bốn mươi lăm phút là thời gian tôi đi từ Piccola Marina đến Hang Đỏ, thời gian tôi ở trong hang phải lâu hơn một giờ đồng hồ. Như đã nói ở trên, tôi đã cho thời gian ấy là thời gian tôi ngất đi, hoặc ít ra, thiếp đi. Bây giờ đây, xét lại ảo giác của tôi, xét vì nó kéo dài một cách đầy đủ và đáp ứng một cách thoả đáng những ước nguyện sâu xa nhất của tôi, tôi tự hỏi phải chăng tôi đã nằm mơ hết toàn bộ sự việc. Phải chăng tôi đã lên thuyền một mình từ ở bãi tắm với chẳng một con ma nào trên thuyền, và đã chui vào hang một mình, nằm dài ra bãi và ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ - nếu đúng như thế - tôi đã nằm mơ thấy tôi bắt đầu lên thuyền cùng với Emilia ngồi gần ở cuối thuyền, tôi đã nói chuyện với nàng, nàng đã trả lời tôi, tôi đã ngỏ ý muốn làm tình với nàng và cả hai chúng tôi đã vào hang. Rồi thì tôi cũng đã mơ thấy tôi đã đưa tay để đỡ nàng nhảy ra khỏi thuyền, tôi đã tìm nàng mà không thấy, tôi đã hoảng sợ, tôi đã nghĩ rằng tôi đã đi chung thuyền với một bóng ma, tôi đã nằm phục xuống bãi cát và ngất đi.

Mời các bạn đón đọc Bóng Ma Giữa Trưa của tác giả Alberto Moravia.