Cách đây 26 năm tôi có viết một truyện dài dựa theo cuộc đời của anh thương binh Phan Thành Lợi. Đây là sáng kiến của bà Đỗ Duy Liên, lúc ấy là phó chủ tịch UBND Thành phố HCM.
Anh Lợi quê ở Củ Chi, là một thương binh bị cụt cả hai tay, hai chân. Lúc đó anh được cấp một căn hộ nhỏ trong "làng phế binh" Thủ Đức.
Tôi lui tới làm việc với anh trong vài tháng và viết xong một truyện dài lấy tên là Qua Sông. Tác phẩm được nhà xuất bản Văn Nghệ in năm 1986 với số lượng là 10.150 cuốn, khổ 13x19cm.
Hồi đó sách in bằng giấy đen, sần sùi, trông rất xấu xí, nhưng vẫn không đủ sách để mà bán.
Sau khi anh Lợi qua đời vì những thương tích cũ hành hạ, tôi gần như quên tác phẩm ấy, một phần vì tôi nghĩ đó chỉ là một cuốn sách viết theo đơn đặt hàng, và phần khác vì đề tài "cách mạng" không còn được độc giả quan tâm nữa, do những tác động quá tệ hại của guồng máy tham nhũng ngoài xã hội.
Hai mươi bốn năm sau, trong lúc nhàn rỗi, tình cờ đọc lại "Qua Sông", tôi không thể ngờ rằng trong quá khứ mình đã từng tiếp xúc với một anh du kích Củ Chi lạ lùng như vậy, đã từng viết về một cuộc tình đau đớn như vậy.
Tôi từng xem những phim chiến tranh thuộc loại tầm cỡ của điện ảnh Mỹ như "Giải cứu binh nhì Ryan", "Huyền thoại mùa Thu", "Cuốn theo chiều gió", "Trung đội"…nhưng chưa từng thấy nhân vật nào có số phận nghiệt ngã như anh Phan Thành Lợi, chưa từng thấy có chiến trường nào bi thảm như chiến trường Củ Chi khi phải hứng chịu những trận bom rải thảm của máy bay B52 trong trận càn Cedar Falls đẫm máu đầu năm 1967.
Đọc lại Qua Sông, tôi chợt "ngộ" ra một điều, đó là: cuộc chiến vừa qua không phải là cuộc chiến của những người đang cầm quyền hiện nay ở Việt Nam, mà là cuộc chiến của những người lính đã chết ngoài mặt trận, của những thương binh như Phan Thành Lợi, của những cô giao liên dũng cảm như Huệ, của những bà mẹ thui thủi chờ mong con bên ánh đèn dầu, của những đôi lứa yêu nhau đã phải chia lìa chỉ sau một trận đánh, của những trẻ thơ chết như rạ giữa đồng sau một trận pháo bầy.
Còn chúng ta, những người đang cướp bóc, đang giành giựt của cải và quyền lực… chỉ là một lũ ăn theo, một bọn dây máu ăn phần, một phường hôi của bần tiện.
Trong kháng chiến chống Mỹ, những người như anh Lợi cứ nghĩ rằng mình là "cộng sản" nhưng thực tế họ không hề biết chủ nghĩa cộng sản là gì. Ở các đô thị miền Nam cũng vậy: Có những trí thức trẻ đã đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, thậm chí đã là đảng viên, nhưng vẫn không phải là một người cộng sản, vì không hề quan tâm đến triết học Mác-Lênin và cũng không muốn tìm hiểu nó.
***
Đào Hiếu (sinh năm 1946), tên khai sinh: Đào Chí Hiếu. Các bút danh khác: Biển Hồ, Đào Duy. Hiện ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Đào Hiếu, sinh ngày 10 tháng 2 năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ông sớm gia nhập phong trào sinh viên cách mạng tại Quy Nhơn.
Năm 1968 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1970 ông bị bắt quân dịch và trở thành binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Sau sáu tháng, ông trốn vào Sài Gòn bắt liên lạc với Tổng hội sinh viên hoc sinh để tiếp tục hoạt động chống Mỹ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương trước 1975 tại Sài Gòn. Từng làm phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ.
Hiện Đào Hiếu sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh.
Truyện dài
***
Tổ của Bạch có ba người, toàn thiếu nữ rất trẻ, rất vui tính. Buổi trưa trời đứng gió, họ dừng lại tại một nhà cơ sở nấu ăn, nghỉ trưa rồi đợi cho nắng dịu một tí, ba người mới lên đường.
Xế chiều, họ đi ngang qua một cánh đồng mênh mông.
Họ đi được một lát thì bỗng thấy trước mặt có một mảng đen lớn trông như một mảng bóng tối xa lạ.
- Cái gì vậy? Một người hỏi.
Bạch dừng lại, nhón gót lên nhìn. Không biết là cái gì. Một vùng đen như thế thực là hiếm có trong một khu vực đồng ruộng rừng chồi và bưng biền.
Họ đi tới, đi tới nữa.
Ánh sáng mờ dần đi và những vùng lá cây trở nên đen hơn. Ba người đến nơi, dẫm chân lên cái vùng bóng tối xa lạ ấy. Cái vùng bóng tối tạo thành bằng tro than của cánh đồng bị xăng đặc đốt cháy rụi. Bước chân đi qua còn hơi ấm nóng. Bụi than bám lên tới gối. Những bàn chân trần đã trở nên đen mốc, xù xì. Nhưng họ không thể đi con đường khác vì sợ lạc.
Hoàng hôn. Ba người đến bến sông.
Bến sông vắng. Không thấy giao liên đâu. Họ ngồi chờ trên bờ cỏ, lấy cơm ra ăn và nhìn dòng sông phẳng lặng.
- Trước đây có một người đưa đò trên bến sông này – Bạch nói – đó là một chiến sĩ cách mạng rất dũng cảm, một người thương binh, một người anh rất đáng quý của mình. Bây giờ anh không còn ở đây.
- Anh hy sinh rồi sao?
- Không! Nhưng đã trở thành một người tàn phế. Cụt cả hai chân hai tay.
Bạch khóc. Những người đồng hành bất ngờ về những giọt nước mắt ấy. Họ ngồi lặng thinh. Cũng lặng thinh như dòng sông Sài Gòn trong buổi chiều đang xuống. Sương cũng bắt đầu xuống, mênh mông, nhẹ, mơ hồ. Giao liên vẫn chưa tới, sông vẫn vắng buồn. Ba cô gái đã mắc võng trên những cây chồi thấp, nằm đợi, súng dựa gốc cây, hiền lành như những nhánh củi.
Sông vẫn không ngớt vang lên tiếng sóng nhỏ xao xác. Không có một con thuyền nào đi qua đây mà thỉnh thoảng vẫn có tiếng động quen thuộc của mái chèo. Tiếng mái chèo vang lên trong trí nhớ của người con gái, tiếng mái chèo quẫy nước trong sáng, đều nhịp, tiếng ai gọi đò, tiếng nói chuyện rầm rì trên mặt sông khuya. Bạch còn nhìn thấy cả những đóm thuốc lá lập lòe, ở xa dễ lầm với đóm đóm.
Những con đom đóm lớn bay nhấp nhô, vệt sáng giữ rất lâu trong đêm đen, những con đom đom sáng đến nỗi người ta có thể nhận ra chúng ngay cả dưới ánh trăng rằm.
…
Mời các bạn đón đọc Qua Sông của tác giả Đào Hiếu.