Mùa Thu năm 2007 tôi gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác tại Hoa Kỳ. Tôi khoe với anh là mình đang viết hồi ký. Anh nói: viết hồi ký cũng giống như quay phim đám cưới. Phim quay xong, người trong cuộc ngồi xem rất thích thú nhưng người ngoài chỉ liếc mắt ngó qua rồi đi, vì đám cưới ấy chẳng dính dáng gì tới họ.
Anh nói nghe rất có lý.
Hơn nữa tôi không phải là một nhân vật quan trọng nào đó mà chỉ là một anh Việt cộng nằm vùng không mấy người biết đến.
Nhưng tôi tin rằng hồi ký của gã vi-xi vô danh ấy sẽ thu hút người đọc và biết đâu sẽ gây tiếng vang lớn.
Tôi bắt đầu viết hồi ký này giữa năm 2006, viết được hơn một nửa thì tôi sang Mỹ và hoàn tất nó vào mùa Thu năm 2007 tại thành phố Lake Forest và quyết định gọi tên nó là “tự truyện Lạc Đường”.
Đầu năm 2008 tôi về Việt Nam, đưa bản thảo cho vài người bạn. Và nó đã được đón nhận rất ồn ào. Từ vài ba người bạn thân, nó lan truyền trong giới nhà văn nhà báo và họa sĩ. Đáng ngạc nhiên nhất là giới luật sư đọc rất nhiều.
Biết rằng tự truyện này không thể xin giấy phép in công khai được, tôi bèn gởi nó cho trang web Talawas. Mười ngày sau tôi nhận được thư của chị tổng biên tập Phạm Thị Hoài. Chị nói: “Tôi sẽ đích thân biên tập tác phẩm này.” Rồi tự truyện Lạc Đường xuất hiện trên Talawas. Hai mươi bốn giờ sau, chị Hoài lại viết cho tôi: “đã có 15.333 lượt người đọc”.
Mấy hôm sau, buổi tối, khi tôi đang nằm coi TV thì nhận được cú điện thoại từ đài BBC. Lê Hải gọi tôi. Anh nói: “Tôi đã đọc xong tự truyện Lạc Đường của anh và rất khâm phục. Xin chia vui cùng anh. Anh có thể cho đài BBC một cuộc phỏng vấn không?”
Đó là cuộc phỏng vấn dài 20 phút phát sóng sau đó mấy ngày và được phát lại lần thứ hai cách nửa tháng.
Tôi rất cám ơn Talawas và đài BBC vì nhờ các phương tiện truyền thông này mà tự truyện Lạc Đường đã được hàng vạn người biết đến. Dạo ấy mỗi ngày tôi nhận được rất nhiều thư độc giả từ khắp Việt Nam và khắp nơi trên thế giới gởi về qua địa chỉ E.mail của tôi. Tôi biết mình đã thành công ngoài dự kiến và điều mà anh Nguyễn Mộng Giác lo ngại đã không xảy ra.
Ở lần tái bản này tôi đã sửa chữa và bổ sung một số thiếu sót. Những chuyện được kể trong tác phẩm này là sự thật mặc dù đôi khi, do không kiềm chế nổi sự ngông cuồng của mình, tôi đã thể hiện nó như một tiểu thuyết.
ĐÀO HIẾU
***
Đào Hiếu (sinh năm 1946), tên khai sinh: Đào Chí Hiếu. Các bút danh khác: Biển Hồ, Đào Duy. Hiện ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Đào Hiếu, sinh ngày 10 tháng 2 năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ông sớm gia nhập phong trào sinh viên cách mạng tại Quy Nhơn.
Năm 1968 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1970 ông bị bắt quân dịch và trở thành binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Sau sáu tháng, ông trốn vào Sài Gòn bắt liên lạc với Tổng hội sinh viên hoc sinh để tiếp tục hoạt động chống Mỹ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương trước 1975 tại Sài Gòn. Từng làm phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ.
Hiện Đào Hiếu sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh.
Truyện dài
***
Trước Tết Tân Hợi (1971) chừng một tháng, tôi xin được một cái phép ba ngày về thăm mẹ.
Căn nhà của tôi bây giờ chỉ là một nơi hoang tàn, lạnh lẽo. Tôi đi từ nhà trước ra nhà sau, không một bóng người.
Khi tôi đẩy cửa bước vô căn buồng nhỏ nơi mẹ tôi thường nằm thì nghe có mùi gì rất lạ. Căn buồng tối quá, tôi phải mở cánh cửa nhỏ mới nhìn thấy được mọi thứ trong đó. Chiếc giường nhỏ kê sát vách không có ai nằm. Một chiếc gối nhỏ và chiếc mền cũ màu xám tro. Tôi đến bên giường, vừa đặt tay lên gối thì một đám bụi bốc lên. Trên chiếu lờ mờ hiện lên những vật gì màu nâu. Tôi cúi xuống. Các bạn có biết đó là cái gì không? Đó là phân người. Chúng đã khô quắt lại.
Từ ngày tôi bị bắt lính, mẹ tôi đã sống thui thủi một mình trong cái buồng nhỏ này với ngọn đèn dầu hiu hắt từng đêm.
Những người hàng xóm kể lại rằng khi bà đi xuống bếp lục cơm nguội ra ăn, với tay lấy chai nước mắm chan vô chén cơm, hóa ra đó là chai dầu lửa. Bà nhai miếng cơm trộn trạo trong miệng một lúc mới nghe được mùi hôi và ói ra đầy giường.
Xế chiều buồn quá bà ngồi dậy quơ lấy cây gậy tre, từng bước chống đi, dò dẫm đến những nhà quen ở đầu chợ.
Tôi liền chạy ra đầu chợ, thấy mẹ ngồi đó, nhưng bà cũng không nhận ra tôi nữa. Lúc tôi chạy đến ôm bà, bà mới nhận ra hơi hướng của tôi. Bà sờ lên đầu lên mặt tôi và hỏi:
-Con đấy hả?
Thế là bà khóc. Tôi cũng khóc. Buổi chiều đó tôi cõng mẹ từ ngoài chợ về nhà. Những người trong làng đổ xô ra xem, xem anh lính binh nhì cắp cây gậy tre trong nách cõng mẹ đi qua thị trấn.
Hàng xóm chạy đến giúp tôi dọn dẹp nhà cửa.
…
Mời các bạn đón đọc Lạc Đường của tác giả Đào Hiếu.