Tắt lửa lòng là một tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, giới thiệu lần đầu tiên năm 1933. Tác phẩm này nhanh chóng trở nên phổ biến, và rất nhiều người chuyển thể thành vở kịch, bản nhạc khác nhau.
Soạn giả Trần Hữu Trang đã biên kịch lại và chuyển thể lại thành vở cải lương "Lan và Điệp" năm 1936. Và cái tên "Lan và Điệp" trở thành huyền thoại từ đó, thậm chí nó còn nổi tiếng hơn cả tên tác phẩm Tắt lửa lòng.
***
Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này. Ông có ba người em trai đều tham gia hoạt động cách mạng và giữ cương vị quan trọng là Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương) Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Công Bồng nguyên Phó Tổng Giám đốc Nha Công an và Nguyễn Công Mỹ nguyên Tổng Giám đốc đầu tiên của Nha bình dân học vụ.
Năm 1926, ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, làm nghề dạy học ở nhiều nơi (như Hải Dương, Lào Cai, Nam Định,…) cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Nguyễn Công Hoan viết văn từ sớm, tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan (viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923) là một đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ. Sau đó ông gia nhập Vệ quốc quân, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, giám đốc trường Văn hóa quân nhân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo. Ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1948. Năm 1951 ông làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và sách Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950 dùng cho lớp 7 hệ 9 năm. Ông cũng viết bài cho báo Giáo dục nhân dân, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Bộ Quốc gia giáo dục lúc bấy giờ. Từ sau năm 1954, ông trở lại nghề văn với cương vị Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (khóa đầu tiên 1957-1958), ủy viên Ban Thường vụ trong Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa sau đó. Ông cũng là ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ nhiệm tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ).
Nguyễn Công Hoan mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội. Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội, đoạn giữa hai phố Ngọc Khánh và Nguyễn Chí Thanh. Nguyễn Công Hoan được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.
***
Năm giờ chiều hôm sau ở chợ Gỏi, người ta đã thấy phường kèn trống, bát âm, và phu đòn, sắp sẵn nhà táng lính xa ngồi chờ ở gốc đa để đón đám ma.
Cảnh xuân mà ảm đạm. Mặt trời chìm tây, hất cái bóng úa tàn lên những đám mây bạc mờ, lộn ra các mầu óng ánh như khảm. Cây khô chưa nẩy lộc, đứng lom khom bên cạnh đường. Khóm tre kẽo kẹt, làm tơi tả chiếc lá vàng sum soe bay, rồi nằm mắc trên bụi tầm xuân dại.
Một chốc, ba chiếc ô tô từ đằng xa phăng phăng chạy lại, bốp còi inh ỏi, đến đầu chợ thì dừng.
Tiếng kèn nổi lên, theo gió đưa đi những giọt rền rỉ sầu thảm, khói hương phảng phất bay lên, đám ma thong thả theo lối rẽ vào làng Văn Ngoại, rồi đi quanh rặng tre trên bờ sông. Người đưa đám mỗi lúc một đông. Trông thấy Điệp, Xuân, và một vị sư bác chùa Phương Thành, nghiêm trang đi sát sau cữu, thì ai nấy đều nhớ đến cảnh ngộ Lan mà sụt sùi giọt lệ. Trời về chiều đã tăng cái vẻ sầu thảm, trời về chiều lại bày thêm cảnh đám ma có giọng khóc nỉ non ai oán… Tạo hóa như khéo vẽ nên bức tranh đoạn trường!
Trống vẫn thúc, kèn vẫn rên. Hồn và xác Lan trong chiếc nhà táng, nghêng ngang theo sau tiếng bát âm ẻo lả, lượn vùng quanh lũy, qua mấy thửa ruộng trồng má đề thì hạ xuống, cạnh cái gò chính Điệp và Lan đã ngồi nói chuyện hôm mười sáu tháng năm khoảng mười lăm năm trước.
Trời thấp dần. Núi non xa dần. Cảnh vật xung quanh đã nhuộm một mầu sẫm, buồn rười rượi như sắp chết. Bức màn sương, trên rủ xuống, xa đưa lại, cũng dần dà trùm khuất mọi nơi, rải rác vẻ u ám thê lương vào buổi chiều hôm hiu hắt.
…
Mời các bạn đón đọc Tắt Lửa Lòng của tác giả Nguyễn Công Hoan.