Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Tập San Sử Địa Tập 2 - Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn

Tập san Sử Địa là một tập san học thuật sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn chủ trương thực hiện, phát hành mỗi 3 tháng, với Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm và Phạm Thị Hồng Liên quản lý, và với sự bảo trợ của nhà sách Khai Trí tại Sài Gòn. Toàn bộ Tập San Sử Địa gồm có 29 số (22 tập), được phát hành từ năm 1966 cho tới sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 thì ngừng lại.

Ban chủ biên tập san có sự tham gia của các chuyên gia như giáo sư Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Phạm Cao Dương, Quách Thanh Tâm, Trần Anh Tuấn, Tạ Chí Đại Trường, Chen Chin Hô tức Trần Kình Hòa, Đặng Phương Nghi… Ngoài ra còn có một số nhà nghiên cứu tham gia viết bài như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Hảo, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Đăng Thục…

Năm 2007, toàn bộ 29 số tập san Sử địa đã được tái bản dưới dạng số hóa trong một CD-ROM (ảnh) do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp thực hiện dưới sự đồng ý của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã – nguyên chủ bút tập san. Nhân dịp tái bản lần này, giáo sư Phan Huy Lê – chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN – nhận định: “Tập san Sử Địa để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần khoa học và ý thức dân tộc của những người chủ trương tập san và các tác giả bài viết. Tính khoa học và tính dân tộc là đặc điểm bao trùm của tập san. Nhiều bài viết trên tập san thật sự là những công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tư liệu công phu, xử lý thông tin khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc…”

***

Một quốc-gia đương ở trong tình-trạng dao động, biến cải, lịch-sử dĩ vãng ắt làm phát sinh một lực lượng để chỉ đạo cho bước đường phải đi. Ấy là cái lệ chung thường nhận thấy trong lịch-sử nhân loại. Vả, nếu không như thế thì Lịch-sử không thành là một thứ học-vấn, và sự diễn tiến của nhân loại cũng không có tính cách lịch-sử.

Quốc-gia Việt-nam từ vài mươi năm lại đây, đương trải qua một giai-đoạn dao động hiểm nghèo, biến cải cần thiết, chưa từng có từ trước ; thế mà, chẳng may, quốc-dân đối với quốc-sử, sự nhận thức rất nghèo nàn, thiếu sót, mơ-hồ. Đó là một điều rất đáng buồn, đáng tiếc !

Lịch-sử là cái học bao gồm tất cả các ngành khoa-học nhân-văn, lượm lặt tất cả kinh-nghiệm về xã-hội, về chính-trị, về kinh-tế của con người sống trong xã-hội quá khứ là chỗ hiện tại bắt nguồn. Có ý-thức quá khứ mới có thể cải tiến hiện tại, và tạo con đường phải đi cho tương lai.

Chữa bệnh ắt trước phải biết rõ tạng phủ của bệnh nhân, căn-nguyên của chứng bệnh ; làm nhà ắt trước xét kỹ nền móng rồi mới liệu cách cất, xây. Hơn 4000 năm lịch-sử của Việt-nam là tư-liệu tối cần yếu để giải thích, ý thức cơn khủng hoảng hiện nay, tìm được một con đường thoát, một lối giải quyết thích đáng cho cơn khủng hoảng ấy ; hơn 4000 năm lịch-sử là cơ-sở duy-nhất để căn cứ mà kiến thiết, mà xây dựng một nước Việt-nam mới-mẻ, xứng hợp với thời-thế. Không thể nào thờ-ơ với quốc-sử, vi bội tinh-thần quốc sử mà những người có trách nhiệm có thể thành công trong hai công-tác ấy.

Chúng ta nên nhớ rằng sau lưng chúng ta, hoặc dưới đáy lòng chúng ta, có một thế-lực tiềm tàng của lịch-sử, của văn-hóa truyền thống nó mặc-nhiên, và ở chỗ minh minh chi trung, thao túng chúng ta, nó để cho ta chấp nhận điều này, nó buộc ta từ khước điều nọ, mà một cách rất xứng hợp, nhưng chúng ta không biết, không thấy đó thôi.

Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 2 của tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.