Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nợ Nần - Nguyễn Công Hoan

Cuốn sách Nợ Nần là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Công Hoan, được chọn lọc và biên tập một cách rất kỹ lưỡng.

***

ĐỘC GIẢ thân mến,

Nhắc đến NGUYỄN CÔNG HOAN, chắc Quý Vị không còn xa lạ gì nhà văn ấy.

Trong thời Tiền chiến, ai mà chẳng dọc qua các quyển: Tắt lửa lòng, Bước đường cùng, Tấm lòng vàng, Cô giáo Minh, Trên đường sự nghiệp, Lệ Dung, Nợ nần, Bơ vơ, v. v…

Hơn nữa, một số tác phẩm của ông đã được vài Đoàn Kịch nghệ nổi tiếng thời ấy phóng tác thành tuồng cải lương, lưu diễn từ Nam chí Bắc và được đồng bào các giới tán thưởng nồng nhiệt!

Ông sáng tác đủ mọi chiều hướng: Trữ tình, Xã hội, Tranh đấu, Giáo dục,… nhưng có một điểm nổi bật hơn hết là mỗi tác phẩm của ông đều mang một sắc thái đặc biệt…, đánh dấu một bước tiến mới cho bộ môn Tiểu thuyết thời ấy.

Nhưng, từ 20 năm qua… những tác phẩm của ông hầu hết đều thất lạc, hay mai một vì nạn Đất Nước qua phân!

… Cho đến bây giờ, một số tác phẩm của ông đã được tuyển chọn làm Tài liệu Tham khảo Văn chương cho Chương trình Đại học Văn khoa.

Vì vậy, để giúp cho các sinh viên Đại học có đầy đủ tài liệu tham khảo cũng như sưu tập và bồi dưỡng lại những áng văn hay của nền văn học nước nhà, chúng tôi không ngại, tái bản một số tác phẩm chọn lọc của ông.

Ngoài ra, nhắc và nói đến ông, chúng tôi không vì mục đích chính trị hay một tham vọng nào khắc.

Ở dây, chúng tôi chỉ nhắc và nói đến ông: con người NGUYỄN CÔNG HOAN của thời xa xưa… Chứ hiện tại, ông là một nhà văn đang phục vụ cho chính quyền Miền Bắc thì, dù muốn dù không, ngòi bút của ông cũng không thể phục vụ thiệt thực và hữu ích cho nền văn học hiện đại.

Và, sống dưới chế độ đảng trị, với lối suy tưởng một chiều, chúng ta không tin rằng ông sẽ sáng tác được những tác phẩm mà tương đối, có dược một tầm giá trị sâu rộng, và được quần chúng ưa chuộng như những tác phẩm mà ông đã sáng tác trong thời Tiền chiến.

SAIGON, ngày 1 tháng 4 năm 1967

***

Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này. Ông có ba người em trai đều tham gia hoạt động cách mạng và giữ cương vị quan trọng là Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương) Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Công Bồng nguyên Phó Tổng Giám đốc Nha Công an và Nguyễn Công Mỹ nguyên Tổng Giám đốc đầu tiên của Nha bình dân học vụ.

Năm 1926, ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, làm nghề dạy học ở nhiều nơi (như Hải Dương, Lào Cai, Nam Định,…) cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Nguyễn Công Hoan viết văn từ sớm, tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan (viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923) là một đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ. Sau đó ông gia nhập Vệ quốc quân, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, giám đốc trường Văn hóa quân nhân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo. Ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1948. Năm 1951 ông làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và sách Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950 dùng cho lớp 7 hệ 9 năm. Ông cũng viết bài cho báo Giáo dục nhân dân, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Bộ Quốc gia giáo dục lúc bấy giờ. Từ sau năm 1954, ông trở lại nghề văn với cương vị Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (khóa đầu tiên 1957-1958), ủy viên Ban Thường vụ trong Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa sau đó. Ông cũng là ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ nhiệm tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ).

Nguyễn Công Hoan mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội. Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội, đoạn giữa hai phố Ngọc Khánh và Nguyễn Chí Thanh. Nguyễn Công Hoan được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.

***

Thuyết khóc nhiều quá, đâm ra lòa.

Và ốm một trận thật nặng, lúc khỏi, bà thành lẩn thẩn.

Trừ khi kể lại những sự đau đớn trong đời bà là được rành mạch, còn câu nào bà nói cũng như người mất trí.

Bà không còn một đồng một chữ làm vốn, và cũng không thể làm được việc gì để kiếm ra tiền.

Bà ở với rể.

Chiều chiều, nếu không đợi được thằng Cún nó dắt, thì một mình, bà lấy gậy để dò đường. Bà đi lẩn vào những lối khuất, tránh các nhà bà còn chịu tiền. Ai nỡ đòi bà nữa, song bà vẫn còn sáng suốt ở chỗ lo nợ.

Bà đi như thế để ra đồng, thăm mả con gái. Lúc ấy, giữa chỗ hiu quạnh, nổi lên tiếng khóc thảm thiết, giọng khà khàn và run run.

Bà khóc con gái. Bà khóc con trai. Bà khóc chồng. Bà lại khóc bà.

Người ta an ủi bà rằng số Hồ chết nên đã định lên bờ, thuê thuyền nan đi với bà rồi lại thôi.

Nhưng bà bảo trời muốn đày đọa bà, nên xui người lái đò đuổi bà lên, để bà không những không được chết mà còn trông thấy con chết.

Bà mong được chết. Một ngày của bà sống thêm là một ngày thảm.

Bà thèm về Phượng và về Rừng để trối già, nhưng không có tiền, ngửa tay xin rể, bà ngượng.

Thành ra bà đành ở Tru để ôm cháu nội cháu ngoại mà khóc, khóc để hai mắt hóa thong manh.