Tôi đến với Nerô - Nhà thơ bạo chúa một cách tình cờ. Một đợt bán sách giảm giá của Fahasa, một chồng sách ít ai chú ý. Tôi lật vài trang và thực sự bị hút vào thế giới ấy. Tôi không phải nhà chính trị, đọc Nerô để tìm bằng chứng về chế độ độc tài; càng không phải là nhà nghiên cứu văn học để tìm trong Nerô quan điểm, tâm hồn hay bút pháp tiểu thuyết của Kosztolányi Dezső. Tôi đến với Kosztolányi Dezső, đơn giản với tư cách một độc giả, và viết về tác phẩm của ông bằng những cảm nhận, có thể sai lệch, của cá nhân mình.
Nerô dưới mắt của các nhà sử học là nhà thơ giả - bạo chúa thật, kẻ đã đốt cả thành La Mã để tìm thi hứng. Thế nhưng qua góc nhìn của Kosztolányi Dezső vẫn là một con người, một con người trẻ có khao khát, có đam mê và nỗ lực thực hiện những ước mơ của mình. Ước mơ của Nerô đẹp đấy chứ, có thể nói là rất đẹp kia: trở thành một nhà thơ, một nghệ sĩ thực thụ. Và nỗ lực của ngài đã mấy ai làm được?
“… Ngài đã từ bỏ những thú vui ở đời, đã dành từng hơi thở cho nghệ thuật. Tuy nhiên, ngài thiếu một cái gì đó, rất ít thôi, để có thể trở thành nhà thơ thực thụ. Chỉ có điều cái rất ít này hóa ra lại rất nhiều. Ngài không tìm được nó.”
Bạn đã bao giờ trải qua cái cảm giác ước mơ ngoài tầm với chưa? Và bạn sẽ làm gì khi rơi vào trường hợp đó? Bạo chúa Nerô không chịu từ bỏ ước mơ của mình, ngày đêm ông nỗ lực, vẫy vùng trong điên cuồng, tuyệt vọng để tìm con đường đến với ước mơ. Niềm khao khát được làm một nhà thơ nổi tiếng cháy bỏng trong Nerô như một ngọn lửa dữ dội, thôi thúc vị hoàng đế lao vào ước mơ như một con thiêu thân.
“Những nhà thơ thật thì được nữ thần nghệ thuật hôn lên trán… Nerô đã hôn trán nữ thần nghệ thuật. Ông ấy đã cưỡng hiếp nữ thần.”
Có nhà thơ đích thực nào lại tìm thi hứng cho mình bằng cách ấy? Khi nguồn động lực cũng là liều thuốc độc, nó đã thiêu đốt Nerô bằng những mặc cảm cùng khát vọng của chính mình.
Qua từng trang sách, cuộc đời Nerô đã bật lên, bằng cách này hay cách khác. Nerô không phải một nhà thơ, chưa bao giờ là một nhà thơ chân chính nhưng chính cuộc đời ngài đã là một bài thơ gần như bất hủ. Những kẻ cơ hội vây lấy ngài, vuốt ve, bợ đỡ; những người được nữ thần nghệ thuật hôn lên trán cười cợt ngài, khinh thường ngài nhưng ngoài Britannicuxt, có ai rời mắt được khỏi ngài đâu! Nerô là nhà chính trị tồi, là thằng hề với những hành động vị kỉ, lố bịch, là con bướm đêm khát khao lao vào vòng lửa sáng dù biết chắc chắn đôi cánh của mình sẽ trở thành tro bụi. Ngài thành công vì quyền lực chứ không vì tài năng đích thực. Ngài nhận biết điều đó và chạy trốn sự thật. Ngài trở thành bạo chúa, ngài tàn sát những nhà thơ thật sự để được bước chân lên con đường nghệ thuật tôn quý kia. Đau đớn thay, cuối cùng, ngài vẫn chỉ là một con bướm đêm vẫy vùng trước ánh lửa với đôi cánh cháy xém, lại khát khao lao vào lần nữa! “Điều người Hi Lạp làm thật dể dàng, người La Mã lại phải đánh đổi bằng những cái dữ dội nhất.” Kosztolányi Dezső đã viết lời ai điếu về Nerô:
“Ngài đã từng trải, đã làm những chuyện lẽ ra chỉ được phép nằm mơ. Hiển nhiên, những nhà thơ thật thì khác. Các vị ấy mơ những điều họ không thể trải qua, không thể làm…”
“Lẽ ra bây giờ ngài ba mươi mốt tuổi… Ngài không có con… Nhưng ngài đã sống nhiều biết bao.”
Đâu là phán xét, đâu là cảm thông cho một Nerô, một hoàng đế dùng cả cuộc đời mình để viết nên vài dòng dữ dội? Và đâu mới đích thực là giá trị của một con người, một mơ ước dở dang? Chỉ là gấp trang sách lại, suy tư với những câu hỏi của riêng mình.
***
Kosztolányi Dezső là một nhà thơ và nhà văn Hungary. Kosztolányi sinh ra tại Szabadka, Đế quốc Áo-Hung (nay là Subotica, Serbia) vào năm 1885. Thành phố này đóng vai trò như là hình mẫu của thị trấn hư cấu Sárszeg mà ông lấy làm bối cảnh trong cuốn tiểu thuyết Skylark cũng như Con diều vàng. Ông là con của Árpád Kosztolányi (1859-1926), giáo sư vật lý và hóa học và là hiệu trưởng của một trường học và Eulália Brenner (1866-1948) gốc Pháp. Ông bắt đầu học trung học ở Szabadka nhưng vì mâu thuẫn với giáo viên trong lớp nên bị đuổi học và vì vậy mà đành phải tốt nghiệp tại một trường tư ở Szeged. Kosztolányi chuyển đến Budapest vào năm 1903 theo học tại trường Đại học Budapest, cũng chính tại đây ông đã gặp các nhà thơ Mihály Babits và Gyula Juhász, và sau đó có một thời gian ngắn ở Vienna trước khi bỏ học và trở thành một nhà báo - nghề nghiệp mà ông tiếp tục theo đuổi trong suốt phần đời còn lại. Năm 1907, Kosztolányi cho xuất bản tập thơ Giữa bốn bức tường báo hiệu một bước tiến mới của nền thơ Hungary thời đó. Năm 1908, ông thế chỗ nhà thơ Endre Ady đã bỏ sang Paris làm phóng viên cho tờ nhật báo Budapest. Năm 1910, tập thơ đầu tiên của ông mang tên Những lời oán trách của chú bé nghèo khổ mang lại thành công trên toàn quốc và đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ thăng hoa trong sự nghiệp sáng tác văn học, mà tác giả đã cho xuất bản một tác phẩm gần như mọi năm. Kosztolányi tình cờ gặp nữ diễn viên Ilona Harmos vào mùa đông năm 1910; họ kết hôn vào ngày 8 tháng 5 năm 1913. Năm 1936, ông qua đời vì bệnh ung thư vòm họng.
Mời các bạn đón đọc Nero Nhà Thơ Bạo Chúa của tác giả Kosztolányi Dezső.