Tập truyện ngắn "Người tị nạn" là tác phẩm đầu tiên của nhà văn đoạt giải Pulitzer 2016 được chuyển ngữ tiếng Việt.
Viet Thanh Nguyen là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc thế giới. Ông là nhà văn đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2016 với cuốn tiểu thuyết The Sympathizer. Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, riêng bản tiếng Anh đã bán hơn 500.000 bản.
Trong lúc chờ đợi tiểu thuyết The Sympathizer được chuyển ngữ sang tiếng Việt, bạn đọc có thể tìm đến tập truyện ngắn Người tị nạn của ông, như một dẫn nhập vào thế giới văn chương của Viet Thanh Nguyen.
Người tị nạn tập hợp những truyện ngắn được viết trong vòng nhiều năm của Viet Thanh Nguyen.
Đối với những nhà văn rời Việt Nam từ nhỏ như Viet, quá khứ trở thành một nỗi ám ảnh dai dẳng khôn nguôi. Có những nhà văn cả đời chỉ trở đi trở lại một đề tài. Thời gian mắc họ vào quá khứ và giam giữ họ trong một căn phòng kín chỉ độc nhất một món tĩnh vật. Và người ngồi quan sát nó, chiêm nghiệm nó. Mọi chi tiết, mọi góc cạnh, đều thu vào ký ức đến kiệt cùng. Trở thành bóng ma trong tâm tưởng của họ.
Không phải vô cớ khi Viet Thanh Nguyen bắt đầu tập truyện của mình bằng hình ảnh của hồn ma. Những người đàn bà mắt đen như chiếc chìa khóa khởi động lại ký ức khóa kín của Viet Thanh Nguyen.
Proust nhấm chiếc bánh của mình và từ đó dựng nên cả vương quốc của sắc màu, của hương vị, của những nhục cảm sống động. Quá khứ dài thêm, rộng ra. Hồi ức trở lại kèm những bóng ma mang đầy ác mộng.
Thế giới trong truyện ngắn của Viet Thanh Nguyen là thế giới của người chết hơn là thế giới của người sống, dù rằng người sống phát ngôn, người sống hành động thì họ luôn bị chi phối bởi bóng ma của quá khứ. Các nhân vật lâm vào tình thế của những con người mắc kẹt, như vị giáo sư trong I’d Love You to Want Me. Trí nhớ suy kiệt. Cơn mê chờ tới. Thực tại bỗng biến thành tương lai chưa kịp đến, còn quá khứ chiếm lĩnh lấy thời gian và không gian.
Niềm vui đã hiếm hoi, bi kịch cũng trở thành một thứ gì đó nhẹ bẫng mà thấm lâu. Nhà văn đã góp công vén một lớp nhiễu điều để lộ ra những khoảnh đời sống của người Việt đang sống ở nước ngoài.
Bấy lâu nay, văn chương thiếu vắng những đôi mắt đến từ bên trong, giúp độc giả Việt Nam hiểu thêm về đời sống kiều bào. Từ Kẻ thứ ba, Vụ ghép tạng, Người Mỹ cho đến Tổ quốc, Viet Thanh Nguyen đã thể hiện tham vọng của mình: cố gắng đi lại toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu định cư cho đến khi đã trưởng thành. Nhưng dù đến phương trời nào đi nữa, con đường cuối cùng anh nhìn vẫn hướng về Tổ quốc.
***
Đó là việc làm kỳ quái nhất trên đời, hoặc như người ta nói thế khi nghe chuyện ba của Phương đặt tên cho đám con thứ hai của ông theo tên của đám thứ nhất. Phương là con lớn nhất của đám con nhỏ hơn này, và trong suốt hăm ba năm trong đời cô đã tin rằng những người con kia của ba cô được nhiều phước lành hơn. Bằng chứng về vận may của họ được viết trong những lá thư ngắn gọn gởi về quê hàng năm bởi má của người trùng tên với Phương, bà vợ đầu của ông Lý, người liệt kê các thành tựu, chiều cao, và cân nặng từng đứa con của bà ta theo những chấm lớn đầu dòng. Ví dụ, đứa trùng tên với Phương, lớn hơn Phương bảy tuổi, cao hơn Phương mười lăm phân, nặng hơn hai chục ký, và, theo ghi nhận trong những bức ảnh kèm theo lá thư, có nước da sáng hơn, mịn hơn; một sống mũi mảnh hơn, thẳng hơn; và tóc, áo quần, giày, và kiểu trang điểm trở nên hợp thời trang hơn nữa khi cô tốt nghiệp một trường tư cho nữ sinh, rồi tốt nghiệp tiếp một trường đại học đẳng cấp, kế đó là trường y rồi tới giai đoạn làm bác sĩ nội trú ở Chicago. Ông Lý đã cho ép nhựa từng bức ảnh để chống lại độ ẩm và dấu tay, cất chúng thành chồng ngay ngắn trên cái bàn nhỏ cạnh trường kỷ trong phòng khách.
Những lá thư kèm ảnh chụp là loại thông báo duy nhất mà gia đình Phương nhận được về con cái trong nhà, trước đó trong suốt thời gian vắng mặt nhau khoảng hăm bảy năm, cô chị trùng tên với Phương và hai đứa em của cô chưa bao giờ tự viết một chữ. Vậy nên, khi lá thư đầu tiên như thế được gởi qua, nó trở thành nguồn cơn của một sự hào hứng cao độ. Lá thư được đề gởi cho ông Lý, người với tư cách kẻ toàn quyền trong nhà, luôn nhận trách nhiệm bóc thư. Ông ngồi trên trường kỷ và bóc phong bì một cách cẩn thận, sử dụng một trong vài món đồ xưa từ quá khứ mà ông còn xoay xở giữ được, một lưỡi dao bạc có cán ngà. Ngồi hai bên ông là Phương và má cô, trong khi hai đứa con trai mới lớn, Hạnh và Phúc, ngồi trên tay dựa và nghển cổ để cố nhìn vào những chữ mà cha chúng đọc thành tiếng. Lá thư còn ngắn hơn những thư của bà vợ trước viết, chỉ thông báo rằng cô chị cùng cha khác mẹ của Phương sẽ qua bên này trong kỳ nghỉ hai tuần, và cô ấy hy vọng lưu lại được ở chỗ họ.
“Vivien?” Bà Lý đọc cái tên ký ở cuối thư. “Bộ nó giỏi quá nên không xài cái tên ông đặt cho nó sao?”
Nhưng Phương biết ngay tại sao cô chị lại chọn cho mình một cái tên ngoại quốc, và nó là tên của ai: Vivien Leigh, minh tinh trong Cuốn Theo Chiều Gió, bộ phim ưa thích của cha cô, như có lần ông thoáng nhắc tới với cô. Phương đã xem phim đó trên băng video sang lậu, và lập tức bị thu hút vì vẻ quyến rũ, nét đẹp và sự u sầu của Scarlett O’Hara, nhân vật nữ chính và hiện thân của một miền Nam xấu số. Có quá đáng không khi cho rằng khối Liên minh sụp đổ, với ý thức bi kịch về chính mình của nó, không chỉ có sự tương đồng ngẫu nhiên với chế độ Cộng hòa miền Nam thất trận của cha cô cùng những tàn tích đầy phẫn uất của nó?
…
Mời các bạn đón đọc Người Tị Nạn của tác giả Nguyễn Thanh Việt.