Ở ngoài đời, tôi chưa bao giờ gặp Nhật Tiến. Điều này, nếu đối vớí cá nhân tôi có thể được xem là một sự thiệt thòi thì trái lại, đối vớí tác phẩm có khi lại là một điều hay: tôi không có cách nào khác hơn là đến với anh qua tác phẩm.
Tuy chưa được gặp anh song Nhật Tiến trong Văn Học Việt Nam thì không phải là một ai xa lạ. Sau khi bước vào văn đàn với truyện dài Những người áo trắng (1959) và nhất là Những vì sao lạc (1960) nói về những trẻ "bụi đời" có cả mười mấy, hai chục năm trước khi có từ ngữ sau này, anh đã, ở tuổi 25, đạt tới được một vinh dự không nhỏ là được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc cho hai năm 1961-1962 vì truyện Thềm Hoang do nhà xuất bản Đời Nay của Nhất Linh in ra năm 1961. Là người yêu văn học, từ đó không ai là không để ý đến những tác phẩm gần như năm nào Nhật Tiến cũng có mặt để đóng góp vào văn học miền Nam tự do.
***
Người ta để ý đến anh không phải vì anh viết nhằm vào cái sôi nổi, như Chu Tử với những Loạn, Ghen, Yêu của ít năm sau đó hay Hoàng Đông Phương (tức Nguyễn Thị Hoàng) của Vòng tay học trò hoặc Lệ Hằng của những năm 70. Người ta cũng lại không để ý đến anh vì anh đi tìm cái mới như Thanh Tâm Tuyền hay thử nghiệm nhiều như Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư trong thơ. Người ta tìm đọc Nhật Tiến vì anh rất "cổ điển", cổ điển không thua gì những bậc đàn anh (và cả đàn chị) như Nhất Linh và Nguyễn Thị Vinh, những người đầu tiên đã nhìn ra văn tài của anh và khuyến khích anh trên con đường sự nghiệp.
Ở anh nổi bật lên những đức tính như một lòng thương xót bao la dành cho những kẻ xấu số trong xã hội, một con mắt thật tinh đời nhưng không ác ý, một trái tim ôn hòa nhưng không phải không biết phẫn nộ, một con ngườỉ thuần túy dành cho giáo dục (kể cả giáo dục có bề ngoài hình thức như ở trong học đường lẫn giáo dục tưởng như không có hình thức như báo chí, tiểu thuyết, truyền thanh, truyền hình… ).
Người ta, do đó, tìm ở Nhật Tiến một cái gì chân thật, một lương tâm xã hội đôi khi có thể xem là hơi lý tưởng quá nhưng lúc nào cũng đầy một lòng trìu mến đối vớỉ tuổi thơ (như trong Chim hót trong lồng, Chuyện bé Phượng, hay Tay Ngọc), đối với những người dân lành bị kẹt vào trong một cuộc chiến thảm khốc mà họ không có đủ trí tuệ hay hiểu biết để tách bạch, phân tích các vấn đề (điển hình như những truyện dài Giấc ngủ chập chờn hay Quê nhà yêu dấu, viết vào trong những giờ phút khốc liệt ngay theo sau trận Mậu Thân). Ở trong một khung cảnh chiến tranh mà nhiều khi ta cảm thấy như bị bẫy, không trách có người cảm thầy mình điên lên được, không trách có người điên thực sự như trong truyện ngắn "Tặng phẩm của dòng sông", một trong những truyện ngắn hay nhất của anh và được lựa chọn vào trong tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương do nhà xuất bản Sống in ra ở Saigon năm 1973.
Ở Nhật Tiến có nhiều con người xa lạ, tưởng không bao giờ có thể gặp nhau trong một người. Từ ngày trưởng thành, là một sinh viên di cư vào Nam, anh trong căn bản là một nhà giáo. Ra đời, anh đi dạy tư ở Mỹ Tho, nơi đây anh gặp Truơng Cam Vĩnh. Đời sống tỉnh lẻ, anh không biết làm gì hơn là ngồi viết văn – trước hết là cho mình, chưa dám nói là cho ai khác vội. Rồi một cơ may (qua sự giới thiệu của anh Trương Cam Vĩnh) anh đã đến với Nhất Linh, và từ đó anh trở thành một tác giả có sách xuất bản. Hỏi anh có làm gì về văn chương trong khung cảnh học đường không? "Thưa không, tôi dạy Toán, Lý, Hóa…."
Cho đến tận những năm cuối cùng trước khi miền Nam sụp đổ, anh vẫn làm nghề ‘‘gõ đầu trẻ" và trong đám "trẻ" này đôi khi cũng có cả những ông bà trung niên được anh luyện thi mà nhiều người không hề bao giờ biết là anh viết văn. "Tôi không bao giờ nói về văn chương ở trong lớp cả", anh tuyên bố.
Anh dạy từ khi mới vào đời, anh dạy từ trong thời gian dài làm báo, viết văn, anh dạy tư thêm trong lúc bị động viện, ở trong quân đội, anh dạy cả sau khi Cộng sản vào thành. Nói tóm lại, ở trong anh từ trước đến sau là một nhà giáo. Nhưng là vì anh dạy tư suốt đời nên khi Cộng sản vào, anh cũng không phải đi học tập gì nhiều. Anh chỉ phải theo có một đợt học tập ngắn ngày dành cho diện các văn nghệ sĩ (lần đó anh đi có cả Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Lệ Hằng, Nguyên Thị Hoàng v…v… bị gọi đi cùng). Và cũng vì người ta, cả xã hội chung quanh anh nhìn anh là một "ông thầy" dậy trẻ nên không ai nỡ tâm khai anh đã từng là giảng viên trong quân đội, Cục Chính Huấn. (Có ai ở trong hoàn cảnh này mới rõ được lòng yêu mến, tình bao bọc của đồng bào là quý đến chừng nào !)
Mãi đến năm 78 anh mới thôi dạy học vì trong một xã hội Cộng sản, dạy học dầu là Toán, Lý, Hóa….mà không được dạy theo ý mình, phải theo giáo án, phải theo chỉ thị, phải theo yêu cầu chính trị của Nhà nước và Đảng thì quả là hơn một cực hình. Anh chị Nhật Tiến quay ra mở quán cà phê. Ta hãy nghe Mai Thảo nói về anh trong giai đoạn này:
"Một buổi chiều Saigon, ít ngày sau khi 30 tháng tư 1975, ngồi sau chiếc xe gắn máy của Duyên Anh, cũng tác giả Ngựa Chứng Trong Sân Trường dạo quanh một vòng trên những phố phường tan hoang của thành phố vừa đổi chủ, tôi bổng nhìn thấy Nguyễn Thụy Long trên một khúc vì hè ở khu đại học Duy Tân. Long ngồi sau một cái quán lộ thiên mọc lên như nấm ở Saigon lúc đó. Tác giả Loan Mắt Nhung đang nhậu, mặt mày đỏ sậm, kính trắng dầy cộm. Và cạnh đó, là một quán hàng khác, với Nhật Tiến, Nhật Tiến không nhậu, không nhậu bao giờ, đang lụi hụi với một chậu nước và một chồng bát đũa nhớp cạnh một gốc cây.
Cái cảnh tượng đập vào mắt tôi lúc đó, về hai cái quán liền sát, cũng ở trước một vi tường thấp chạy dài, là cái cảnh tượng của một đối nghịch hoàn toàn. Mang chung sự thất thế của văn nghệ gác bút ra đường bán quán trước hoàn cảnh mới, cái quán của Nguyễn Thụy Long với những xị đế ngổn ngang trên mặt bàn và mấy người khách hàng trẻ tuổi cũng ngất ngưởng như Long, hiện rõ vẻ bụi đời anh chị. Cái quán của Nhật Tiến khác hẳn. Nó lành mạnh hơn và cũng gia đình hơn gấp bội, với những đĩa rau muống chẻ nhỏ đặt ngay ngắn, bên cạnh là một chảo mỡ sôi bắn khói bốc xanh um, chị Nhật Tiến má hồng củi lửa chiên những cái bánh tôm vàng ngậy và đứa cháu lớn, nơ cài mái tóc, váy xếp chững chạc đang phụ một tay với ông bố nhà văn.
Nhìn Long một bên, Tiến một bên, cũng đã lăn cả ra với sương nắng thời thế với gió bụi hè đường, cũng đã trở thành hai ông chủ quán tài tử bất đắc dĩ mà quán bạn là quán bạn, quán tôi là quán tôi, bạn anh chị bụi đời, tôi gia đình nghiêm chỉnh, tôi đã nhìn thấy một lần nữa, và lần đó là lần cuối cùng, điều tôi yêu thích và tự hào nhất cho văn nghệ miền Nam 20 năm, là cái trạng thái đa diện và đa dạng không bao giờ đồng dáng và đồng tính. Đó là cái thế giới văn nghệ của mỗi người một trời mình, mỗi kẻ một biển mình. Đó là vùng đất đai văn nghệ của mỗi người một non sông, mỗi người một sông núi. Cái không đồng dáng, không đồng phục nơi mỗi người trước bàn viết cũng như trong đời sống ấy, lại là điều văn nghệ miền Bắc đổ khuôn và con số thù ghét nhất. Và bởi vì thù ghét nhất nên muốn triệt hủy nhất. Đó cũng chính là nguyên nhân của đại nạn đã tới với mọi ngành văn học nghệ thuật muôn nghìn hình vẻ của ta. Và đương nhiên là đại nạn ấy cũng đã đến với Nguyễn Thụy Long và Nhật Tiến.
Nhớ hôm đó, tôi và Duyên Anh đã ngưng xe lại. Đã vào ngồi xuống mấy cái ghế đẩu thấp. Đã lên tiếng ca ngợi cái tinh thần quả cảm của gia đình Nhật Tiến, hàng ngày từ thật xa cổng xe lửa số sáu xuống, vui vẻ nhập được tức khắc vào nếp sinh hoạt mới ở quanh mình. Nhớ lời hôm đó, chúng tôi đã ăn ủng hộ Thềm Hoang Quán mỗi người một đĩa bánh tôm, rất ngon, và tôi đã hỏi đùa Nhật Tiến:
- Rửa bát thạo ngay. Giỏi nhỉ?
Và Nhật Tiến đã cười nụ cười bình thường, chừng mực, nụ cười hơi già trước tuổi một chút của một nhà giáo. Nhật Tiến bao giờ cũng trước hết xác nhận mình là một nhà giáo:
- Giỏi quỷ gì. Việc làm thì phải làm. Để cho ai đây
(Trích Văn số 6, tháng 12,1982)
***
Hồi nhỏ, khi còn cắp sách đi học ở lớp nhất trường Hàng Vôi, ngày nào tôi cũng có dịp đi qua nhiều khu phố tráng lệ ở Hà Nội. Tôi học lớp chiều và hay đi học sớm vì có thói quen la cà chỗ này, chỗ kia.
Qua phố Hàng Trống, tôi hay đứng tại tòa báo Giang Sơn hay Liên Hiệp để đọc những tiểu thuyết in từng kỳ trên tờ báo ra trong ngày, được tòa soạn treo trước cửa ở khu cho người qua lại xem tự do. Qua phố Hàng Khay, tôi hay đứng lại ở khu chợ Hoa ven bờ hồ ngắm nhìn những bông hồng, bông cúc hay glaïeul phô những mầu sắc rực rỡ trên những nền đá xanh biếc. Nhưng điều mà tôi ghi nhớ sâu xa nhất vẫn là bức hình chân dung được trưng bầy tại một tiệm ảnh có tên là Dung Photo ở ngay trên Phố Bờ Hồ.
Tôi không phải là loại người say mê nghệ thuật chụp ảnh. Tôi cũng không quan tâm đến những bức hình chụp phong cảnh hay tĩnh vật trưng bầy ở hai bên tủ kính lồng trong những khung cảnh đẹp đẻ mỹ thuật.
Tôi chỉ chú ý, hay nói đúng hơn bị thu hút bởi mỗi một tấm chân dung chụp hình một thiếu nữ. Nàng là ai, tên là gì, tôi chẳng đủ số tuổi mơ mộng để quan tâm nhưng thực sự tôi đã bị lôi cuốn bởi đôi mắt đó, vầng trán đó, mái tóc đó và nụ cười đó. Người thiếu nữ trong hình còn rất trẻ, chỉ trạc khoảng mười lăm, hay mười sáu, cái số tuổi chưa làm cho đôi mắt trong veo kia vương vấn một nét buồn, cho nụ cười kia vẫn còn mang đầy vẻ hồn nhiên, vô tư và duyên dáng như những búp hồng mới nở ?
Hôm đầu tiên bức ảnh chân dung được bầy ra trong tủ kính, tôi đã chiêm ngưỡng một cách sững sờ?. Rồi kể từ đó, không ngày nào đi qua mà tôi lại không đứng lại, nhìn, ngắm, ghi gói từng chân tóc, từng kẽ mày, từng những nốt đen lốm đốm trên giấy ảnh ở vành môi của nàng, ở khóe mắt của nàng, ở hàm răng trắng nuốt có một cái răng khểnh rất xinh, rất nghịch ngợm và đầy vẻ hồn nhiên, vô tư của nàng.
Thời gian si mê bức chân dung ấy kéo dài có đến trên bốn năm. Bốn năm trời trôi qua, bức ảnh ấy vẫn còn tồn tại ở đó, trong khung kính sáng lòa, ở vị trí chính giữa, thuận tiện cho khách qua lại bên đường ghé lại nhìn ngắm và hầu như chủ nhân của tiệm Dung Photo cũng đắc ý với tác phẩm của mình nên không chịu thay đổi đi mặc dầu những hình ảnh phong cảnh khác cứ vài tháng lại được thay đổi một lần.
…
Mời các bạn đón đọc Một Thời Đang Qua của tác giả Nhật Tiến.