Năm đó chùa Tây Tạng ờ Bình Dương có một vị Phật tên gọi là Tỳ Lô Giá Na và một cô tiên nhỏ tên là Annie Phượng. Buổi tối khi các tín hữu đã xong lễ về nhà, khi thầy trụ trì và các sư sãi đã tụng xong bài kinh Kim Cang Đảnh, khi rừng cây đã im lặng, mái chùa đã chìm khuất trong màn đêm… thì ánh sáng của hai vầng hào quang tỏa ra, ôm lấy ngôi chùa. Một vầng sáng màu tím nhạt, ấm áp của đức Phật và một vầng sáng trắng tinh khiết của Phượng.
Hào quang của Phượng tươi mới, rực rỡ như một khóm hoa lung linh trong sân chùa. Annie Phượng không phải là ni cô, không đi tu, nhưng hai mươi năm sau, khi theo Nguyễn Đức Sơn lên rừng, nàng đã hóa thân thành Bồ tát.
Tôi chưa từng gặp Phượng thời con gái. Cũng chưa từng gặp Phượng năm nàng hai mươi tám tuổi dắt con theo chàng thi sĩ ngông cuồng lên rừng. Tôi chỉ gặp nàng khi nàng đã vượt qua chín tầng địa ngục, qua những cái chết, những cơn bệnh, những đám cháy rừng và những cơn đói.
Nhưng tôi vẫn biết nàng rất đẹp.
Trịnh Công Sơn cũng biết nàng rất đẹp.
Nguyễn Đức Sơn thì nguyền rủa mọi thứ. Tôi nói:
-Tôi đến đây để tìm một Nguyễn Đức Sơn “vĩ đại” nhưng tôi chỉ gặp một Phượng vĩ đại. Nếu không có người đàn bà này, ông đã chết rồi Sơn ạ.
Sơn la hét. Và Phượng im lặng. Luôn luôn im lặng. Một cái bóng mảnh mai ngồi bất động trong hoàng hôn, trên mặt đất đầy lá khô và cỏ. Một khuôn mặt đầy nếp nhăn và một đôi mắt đẹp đầy những dấu chân chim.
Năm 1972 Nguyễn Đức Sơn trốn lính, về tá túc ở Bình Dương, dạy Anh văn tại một tư thục. Nếu không gặp Phượng hắn sẽ chẳng có tác phẩm nào ra hồn. Phượng rọi hào quang của nàng vào cái đầu mê gái tơi bời của hắn và hắn được cô “độ” cho thành…thi sĩ. Tác phẩm “Đêm Nguyệt Động” ra đời từ dòng nước cam lồ róc rách tuôn ra từ nhục thể của “thánh cô” Annie Phượng. Và huyền thoại đã bắt đầu.
***
Chắc chắn khi còn ở trong vườn Ðịa Ðàng thì cả ông Ađam lẫn bà Eva đều đi chân đất. Lúc ấy thời trang của hai vị chỉ là cái lá nho, thế thì làm sao họ có ý niệm về một đôi giày.
Vậy thì theo bạn giữa ông Ađam và bà Eva ai là người nghĩ ra đôi giày trước?
Ông Ađam hiền lành chất phác, ăn rồi chỉ biết lẩn quẩn trong khu vực mười sáu mét năm mươi của vườn Ðịa Ðàng, khu vực này cỏ xanh non mịn màng tươi tốt, chắc chắn chân không bao giờ bị đạp gai. Trái lại nàng Eva tính rất tò mò ưa phiêu lưu mạo hiểm, sau khi hái trộm trái cấm nàng cũng còn "quậy" nhiều thứ nữa. Trong những chuyến đi bụi đời ấy làm sao nàng tránh khỏi đạp gai. Thế là trong cái đầu thông minh và đầy trí tưởng tượng của nàng một đôi giày đã hiện ra.
Chưa có tài liệu nào mô tả chính xác kiểu dáng của đôi giày ấy nhưng có lẽ chúng ta phải thừa nhận rằng Ma-đam Eva là nhà tạo mốt đầu tiên của nhân loại.
Và có thể kết luận đôi giày của Eva làm bằng cỏ vì đó là chất liệu dễ tìm nhất lúc ấy.
Ðôi giày cỏ ngự trị trên hành tinh này lâu lắm, từ thời bà Eva (tức là thuở khai thiên lập địa) cho tới mãi sau này, khi con cháu của bà sinh sôi nảy nở đầy dẫy trên mặt đất.
Ngay cả lúc con người đã phát minh ra được vải vóc thì đôi giày cỏ vẫn tồn tại.
Trong văn học cổ điển Trung Quốc ta thấy xuất hiện những vị đạo sĩ, ẩn sĩ như Quỷ Cốc tiên sinh, Trang Chu, Lão Tử, Hứa Do, Sào Phủ… đều mang giày cỏ. Các hậu bối sau này ở nước ta như Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử… lúc làm quan thì áo mão xênh xang nhưng lúc về vườn thì cũng chỉ khoái đôi giày cỏ, đủ thấy giày cỏ là một top model thời ấy. Giày cỏ tạo cho người mang nó một cái vẻ tiên phong đạo cốt trông rất hoang đường.
Giày da ra đời trước giày vải vì loài người biết sử dụng da thú trước khi biết dệt vải. Những kỵ sĩ Mông Cổ nổi tiếng của Thành Cát Tư Hãn, những chiến binh của Césare hay của Charlemagne đều đã biết dùng đến giày da khi ra trận. Từ đó giày da theo chân con người đi khắp nơi. Những chàng cao bồi miền viễn tây Hoa Kỳ đã trang điểm thêm cho đôi giày da nổi tiếng của mình những chiếc cựa răng cưa bằng sắt nhọn hoắc như cựa gà đá.
Ðôi hia bảy dặm trong cổ tích thì không biết đích xác là làm bằng da hay bằng vải. Nếu quả có thật một đôi hia như thế trong cõi đời thì chắc chắn nó phải được làm bằng thép vì bước một bước mà bay xa đến bảy dặm thì chỉ có gắn tên lửa dưới đế giày!
Chúng ta còn nhớ hai câu thơ:
Dăm ba ông Táo dạo chơi Xuân.
Ðội mũ mang hia chẳng mặc quần.
…
Mời các bạn đón đọc Người Đàn Bà Trên Đồi Cỏ của tác giả Đào Hiếu.