BẠN NGHĨ TỚI MỘT CON SỐ TỰ NHIÊN KHÔNG QUÁ 1000, XÁC SUẤT ĐỂ AI ĐÓ ĐOÁN ĐƯỢC CON SỐ BẠN CHỌN LÀ BAO NHIÊU?
0,001
Không quá khó khăn phải không? Đến lần thứ hai, khi người đó lại tiếp tục đoán được con số bất kì mà bạn nghĩ tới trong đầu (xin nhấn mạnh là bất kì - nghĩa là xác suất, về lý thuyết là bằng 0) thì không còn ngạc nhiên thích thú ban đầu nữa, bởi chính là nỗi sợ hãi hoảng loạn khi kèm theo đó là những lời đe dọa trừng phạt những sai lầm trong quá khứ của bạn. Đó là những gì mà Mark Merelly, giám đốc Viện đổi mới tâm linh, đã trải qua… và rồi đột nhiên bị giết trong một vụ án mà hiện trường của nó cũng bí ẩn như khả năng đoán số nọ. Bắt đầu từ đây, Dave Gurney, người bạn cũ của ông ta, lên đường giải mã bí ẩn. Một kế hoạch khủng khiếp và một động cơ đầy bi kịch đã dần dần hé lộ…
***
"Sự cuốn hút và cảm giác trọn vẹn tràn ngập… Verdon đã chơi đùa với nỗi sợ hãi sâu xa nhất, nguyên thủy nhất của chúng ta, khắc họa một tên sát nhân dường như có khả năng nhìn thấu tâm trí người khác…"
- Joseph Finder, tác giả Vanished
***
John Verdon sinh ngày 1/1/1942, là nhà văn trinh thám người Mỹ, hiện sống ở vùng núi Catskill cách không xa New York. Ông từng bỏ dở đại học, làm diễn viên đóng thế, theo đuổi đam mê với võ thuật, đua xe thể thao và làm việc trong ngành quảng cáo cho đến tận khi bắt đầu viết sách.
Bắt đầu sự nghiệp khá muộn, nhưng những trải nghiệm cuộc sống phong phú và niềm đam mê dành cho tiểu thuyết trinh thám đã khiến những tác phẩm của Verdon nhận được tán thưởng lớn vì sự thuyết phục và chân thực.
Tác phẩm:
Hãy nghĩ tới một con số (2010) mở đầu cho một series trinh thám Dave Gurney gồm bốn tập, bao gồm cả các cuốn: Shut your eyes tight (2011), Let the Devil Sleep (2012) và Peter Pan must die (2014).
***
Lúc Gurney băng qua cầu Tappan Zee và bắt đầu chặng đường tuyến 17 của hành trình thì tuyết đang rơi càng lúc càng nặng hạt, thu nhỏ thế giới trực quan trước mắt anh. Cứ vài phút anh lại kéo cửa xe xuống để luồng không khí lạnh ập vào làm tâm trí anh được tỉnh táo trong giây phút hiện tại.
Cách Goshen một vài cây số, suýt nữa anh đã lái xe ra khỏi đường lộ. Chính bánh xe đang rung nảy lộp cộp trên vệ đường đầy lằn gợn giúp anh không đâm đầu vào một đoạn đê.
Anh cố gắng chỉ nghĩ đến chiếc xe, bánh lái, và con đường, nhưng không tài nào làm được. Thay vào đó anh lại bắt đầu mường tượng ra cảnh truyền thông đưa tin sắp tới, bắt đầu bằng buổi họp báo trong đó Sheridan Kline chắc chắn sẽ tự khen ngợi bản thân vì đội điều tra của mình đã có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn trị an cho nước Mỹ qua việc chấm dứt sự nghiệp vấy máu của một tên tội phạm hung ác. Truyền thông nói chung làm Gurney rất khó chịu. Bản thân việc đưa tin ngu ngốc về tội ác như vậy đã là một tội. Bọn họ sẽ biến nó thành trò đùa. Dĩ nhiên, theo cách của anh, anh cũng như vậy. Anh thường xem án mạng là một câu đố cần phải tìm ra lời giải, xem hung thủ là một đối thủ mà mình cần phải khôn lanh hơn. Anh nghiên cứu các giả thuyết, tìm ra các góc nhìn, vấp phải bẫy, và đưa con mồi của anh vào miệng cỗ máy công lý. Và tiếp sau đó là cái chết bất thường chưa rõ nguyên nhân đòi hỏi một đầu óc khôn khéo để giải quyết. Nhưng đôi lúc anh lại thấy mọi chuyện một cách hoàn toàn khác – khi anh bị sự mệt mỏi đánh gục sau cuộc rượt đuổi, khi bóng tối khiến mọi mảnh ghép của câu đố trông như nhau hoặc không giống mảnh ghép của câu đố một chút nào, khi bộ óc bị phiền nhiễu của anh đi lạc khỏi khung lưới hình học của nó để men theo những con đường nguyên sơ hơn, phơi bày thoáng qua trước mắt anh sự khủng khiếp đích thực của thứ đề tài mà anh đã quyết định dấn thân vào.
Một mặt, tồn tại tính logic của luật pháp, khoa học tội phạm, các quy trình phân xử. Mặt khác, tồn tại Jason Strunk, Peter Thú túi Piggert, Gregory Dermott, nỗi đau, cơn thịnh nộ đầy sát khí, cái chết. Và giữa hai thế giới này tồn tại câu hỏi gay gắt khiến người ta bứt rứt không yên – thế giới này liên quan như thế nào với thế giới kia?
…
Mời các bạn đón đọc Hãy Nghĩ Tới Một Con Số của tác giả John Verdon.