Người ngựa ngựa người là truyện ngắn chọn lọc của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Ông đã tìm đề tài trong những người nghèo khổ, cùng khốn của xã hội. Đa số nhân vật phản diện của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu, giàu có và quan lại, cường hào. Toàn những cảnh xấu xa, bỉ ổi, những chuyện bất công, ngang ngược, những con người ghê tởm, đáng khinh bỉ. Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót!
***
Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú, như một "bách khoa thư", một "tấn trò đời"mà đặc trưng là xã hội thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Với một số lượng khá lớn như vậy, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan họp lại thành một bức tranh rộng lớn, khá đầy đủ về xã hội cũ.
Về nghệ thuật viết truyện ngắn, phải nói rằng Nguyễn Công Hoan là người có nhiều khả năng và kinh nghiệm. Truyện của ông thường rất ngắn. Lời văn khúc triết, giản dị. Cốt truyện được dẫn dắt một cách có nghệ thuật và kết cục thường rất đột ngột để hấp dẫn người đọc. Mỗi truyện như một màn kịch ngắn có giới thiệu, thắt nút và mở nút. Tiêu biểu là các truyện ngắn: Kép Tư bền, Người ngựa, ngựa người…, tiểu thuyết có Bước đường cùng…
Ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Công Hoan luôn gây được sự chú ý, quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình và nhiều thế hệ độc giả. Mặc dù có nhiều người khen kẻ chê, nhưng truyện ngắn truyện dài của Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo, Ba Vì hùng vĩ.
Trong thời tiền chiến, ai mà chẳng đọc qua các quyển: Tắt lửa lòng, Bước đường cùng, Tấm lòng vàng, Cô giáo Minh, Trên đường sự nghiệp, Lệ Dung, Nợ nần, Bơ vơ, v. v…
Hơn nữa, một số tác phẩm của ông đã được và Đoàn Kịch nghệ nổi tiếng thời ấy phóng tác thành tuồng cải lương, lưu diễn từ Nam chí Bắc và được đồng bào các giới tán thưởng nồng nhiệt!
Ông sáng tác đủ mọi chiều hướng: Trữ tình, Xã hội, Tranh đấu, Giáo dục,… nhưng có một điểm nổi bật hơn hết là mỗi tác phẩm của ông đều mang một sắc thái đặc biệt… đánh dấu một bước tiến mới cho bộ môn tiểu thuyết thời ấy.
Nhưng, từ 20 năm qua… những tác phẩm của ông hầu hết bị thất lạc, bị mai một vì nạn Đất Nước qua phân!
***
Đố ai biết anh phu xe lững thững dắt cái xe không ở đàng ngã tư đầu phố kia, đi như thế từ bao giờ đấy? Trông anh ấy có vẻ "đói" khách lắm. Có lẽ thế thật. Vì ai lại tám giờ tối ba mươi Tết rồi, còn lang thang phố nọ sang phố kia thế? Mà hàng phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa cả rồi, còn mấy ai ra ngoài đường làm gì, mà còn hòng một "cuốc" tất niên?
Ấy thế! Trả xe cho xong quách, về nhà hú hí với vợ con có hơn không, tội gì! Vợ anh, con anh, đương chờ anh ở cửa đó nọ. Năm hết tết đến rồi. Còn mấy giờ đồng hồ nữa thôi, chứ còn lâu la gì?
ấy, giá trong túi có nặng cái đồng tiền, thì chả phải bảo, anh ta cũng về nhà cho xong quách, việc gì còn phải vơ vẩn vẩn vơ như thế này! Khốn nhưng anh ấy vừa mới ốm dậy, ốm một trận tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền vào lúc cuối năm, mà bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả.
Bởi vậy hôm nay, anh ấy cố vay được cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo để ăn tết.
Quái, không hiểu cái ngày nay là ngày gì, mà từ chiều đến bây giờ, anh ấy mới được có hai hào chỉ! Ban chiều, khách áo gấm, áo nhung, đi nhan nhản ở đường, mà mời mỏi miệng, cũng không có một ai lên xe, nữa là bây giờ! Bực nhất là thỉnh thoảng lại lẹt đẹt tràng pháo nổ, làm cho anh ấy nóng cả ruột gan. Nghĩ đến cái cảnh tết nhà giàu mà thèm rỏ dãi. Họ quăng tiền đi về dịp tết, thi nhau tiền trăm bạc nghìn để xa phí vô ích, mà mình thì lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong.
…
Mời các bạn đón đọc Người Ngựa, Ngựa Người của tác giả Nguyễn Công Hoan.