Graham Greene, nhà văn Anh nổi tiếng được công chúng Việt Nam biết đến với tiểu thuyết The quiet American (Người Mỹ trầm lặng) đã được dựng phim hai lần, ông được coi là người viết về chiến tranh Việt Nam ấn tượng nhất.
Là người sống cuộc đời đầy phiêu lưu và mạo hiểm nên, Greene thích đưa các nhân vật người Anh dè dặt của mình vào những tình huống khắc nghiệt, ở những nơi chốn khác lạ.
Trong thế kỷ 20, không nhà văn nào có được những nhìn nhận tinh tế hơn Graham Greene khi đưa ra sự so sánh giữa con người với con người. Khi mà ngày càng có ít các nhà văn cố gắng phân tích những đức tính tốt đẹp của con người rơi vào sự sa ngã, thì Greene là bậc thầy trong sự phân minh đầy tính phức tạp này. Nhân vật của ông tồn tại trong hệ thống phẩm hạnh được xác định rõ ràng…
Với thành công đó, nhà văn nào cũng thèm muốn có được sức tưởng tượng chứa đầy sự đột phá vô cùng hấp dẫn như Greene - người không bao giờ thiếu chuyện để viết mà ngược lại, luôn ngập trong những áng văn không ngừng tuôn chảy trong mình.
Greene từng nói rằng, thời niên thiếu không hạnh phúc là sự cân bằng vô cùng bổ ích cho ông. Tuổi thơ của ông là sự khổ cực ở trường học, những cuộc vật lộn với thầy hiệu trưởng lại là chính người cha của mình; tìm cách tự vẫn ở tuổi vị thành niên và rồi lại si tình đến mê muội người vợ của chuyên gia tâm thần học chữa bệnh cho mình; không đam mê thể thao và thường bỏ học để dành thời giờ đọc tiểu thuyết phiêu lưu của các nhà văn như Rider Haggard và R. M. Ballantyne… Chính những câu chuyện đó đã có ảnh hưởng sâu đậm tới Greene và giúp ông tạo được phong cách văn chương của mình.
Graham Greene là người trầm lặng, kín đáo nhưng cuộc sống riêng tư của ông lại rối như tơ vò. Ông tự nhận mình là “một người chồng tồi và người yêu không kiên định” bởi có quan hệ với nhiều phụ nữ, chưa kể thú đam mê rượu đến mức trở thành huyền thoại.
Năm 1925, khi mới 21 tuổi, Graham Greene phải lòng Vivienne Dayrell-Browning – một cô gái xinh đẹp theo đạo Công giáo. Nhà văn tương lai mất hai năm ròng với hàng trăm lá thư tình mùi mẫn mới chinh phục được người đẹp. Chưa hết, trước khi được Vivienne mở lời nói câu đồng ý trước bàn thờ Chúa, Greene còn phải cải đạo để vừa lòng ý trung nhân. Hai người kết hôn năm 1927. Họ đã có một thời gian khá mặn nồng, nhưng càng ngày, bất đồng giữa hai người càng lớn. Vivienne khá khắt khe và có cái nhìn cao đạo với vấn đề tình dục. Trong khi chồng cô lại là một người rất trần tục và luôn thẳng thắn thể hiện các nhu cầu bản năng. Họ có hai người con Lucy Caroline và Francis. Cuộc hôn nhân tan vỡ từ năm 1939 nhưng đến năm 1947, hai người mới chính thức chia tay.
Cuốn “Vinh quang và quyền năng” có lẽ là một lời biện hộ muộn màng cho hôn nhân tan vỡ của mình.
***
Là tài năng hiếm có trong thế giới văn chương ngày càng mang tính bản địa, một người theo chủ nghĩa quốc tế tài năng có nhận thức chính trị sắc bén, nhưng Graham Greene lại từ chối nhìn nhận mình là một nhà văn chính trị.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, Thư viện Anh tổ chức một cuộc triển lãm các kỷ vật của Green; còn tại thành phố Berkhamstead quê bương ông thuộc Tây Bắc London diễn ra hội nghị kéo dài một tuần, trong đó bàn đến những đóng góp của Greene cho nền điện ảnh, món nợ văn chương của ông với Joseph Conrad và mối quan hệ với Vua hề Charlie Chaplin…
Nếu còn sống, chắc chắn Graham Greene sẽ là người phản đối quyết liệt cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, bởi ông từng lớn tiếng lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN: "Đây không chỉ là việc làm xấu xa mà là cuộc chiến xuẩn ngốc nhất…", Greene nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn năm 1967. Ông còn chỉ trích về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Greene từng nói rằng, nhiệm vụ của ông là mô tả "nỗi cam go của sự việc theo tâm lý, và đôi khi theo quan điểm chính trị". Đọc sách , độc giả nhận thấy phần lớn trong hơn hai chục tiểu thuyết của ông bộc lộ sự xung đột giữa lòng trung thành và khát vọng, sự giao thoa đầy khó khăn giữa chính trị và đạo đức.
***
Tác phẩm của một tiểu thuyết gia công giáo người Anh, một người Anh giáo trở lại, như cuốn “Vinh Quang và Quyền Năng” trước hết mang lại cho tôi cảm giác bỡ ngỡ. Chắc chắn là tôi tìm được trong đó môi trường tâm linh quen thuộc, chính trong sâu thẳm của màu nhiệm quen thuộc mà Graham Greene đã đưa tôi vào. Nhưng mọi việc diễn ra cứ như thể tôi đi vào một khu nhà cổ qua một cánh cửa bị che khuất sau những dây leo, cành cây, mà tôi không biết, và bỗng chốc tôi nhận ra cái lối đi lớn trong vườn nơi ngày xưa tôi thường nô đùa, và tôi nhẩm đọc những chữ viết tắt mà tôi đã khắc lên thân cây sồi trong những kỳ nghỉ hè năm nào.
Một người công giáo Pháp chỉ đi vào giáo hội qua cổng chính; họ bị chi phối bởi lịch sử chính thức của giáo hội Pháp; họ dự phần vào những cuộc tranh luận đã từng phân hoá giáo hội Pháp trong nhiều thế kỷ, người ta khám phá ra người nào đó thuộc phe Port Royal hay Dòng tên, họ về phe Bossuet chống lại Fenelon hay họ về phe với Lamenais và Lacordaire hay với Louis Veuillot. Không thể không liên tưởng đến tác phẩm của Bernanos khi đọc “Vinh quang và Quyền năng”. Những tranh luận của giới công giáo trong suốt bốn thế kỷ qua như được phác hoạ lại nơi đây. Sau cha xứ Donissan trong “Dưới ánh mặt trời của Satan” xuất hiện cha sở xứ Ars. Những vị thánh của Bernanos, những linh mục có khuynh hướng tự do, những giáo dân ngoan đạo mà ông mô tả với giọng điệu cay cú nói ngược lại sự tôn kính và sự gớm ghiếc của ông.
Phần mình, Graham Greene đã lén lút đi vào vương quốc bí nhiệm, trong vương quốc của thiên nhiên và ân sủng. Không có thiên kiến nào làm vẩn đục cái nhìn của ông. Không có luồng tư tưởng nào làm ông rời xa phát hiện của ông, cái bí quyết mà ông đã đột nhiên tìm thấy. Ông không có một định kiến nào về cái mà chúng ta gọi là “linh mục tội lỗi”. Có thể nói rằng, ông không có trong đầu óc một mô hình đạo đức nào cả. Có bản tính tự nhiên hay hư nát và có Ân sủng quyền năng; có con người khốn khổ, không đáng giá gì sất, ngay cả để làm điều tội lỗi và cái tình yêu nhiệm màu bao trùm con người trong cái khốn nạn cũng như trong cái hổ nhục để biến họ thành thánh, một vị tử đạo.
Vinh quang và quyền năng của Chúa Cha toả rạng nơi bản thân một linh mục Mexico nghiện rượu và đã có con với một nữ giáo dân của mình. Mô típ lố bịch, tầm thường và tội trọng của ông chỉ làm cho người ta cười nhạo hay nhún vai và ông linh mục tội lỗi nhận biết điều đó. Cái mà cuốn sách này muốn chứng minh cho chúng ta là, nếu tôi nói không quá, là việc thánh hoá tội lỗi nhờ ân sủng. Vị linh mục phản động, bị chính quyền kết án tử hình, đầu ông bị treo giá (cuốn truyện mượn khung cảnh một nước Mexico bị thao túng bởi những người cầm đầu chống đạo) đã tìm cách đi trốn, như những linh mục khác đã làm, ngay cả những vị thánh thiện nhất. Ông chạy trốn, đã vượt được qua biên giới, nhưng lại quay về khi có người hấp hối cần đến ông hay cả khi ông biết sự hiện diện của ông không mang lại gì hay cả khi ông biết đó là một cái bẫy, rằng người đến kêu cứu ông là người chỉ điểm. Vị linh mục nghiện rượu, tội lỗi, run sợ trước cái chết, đã hiến dâng mạng sống mình nhưng không bao giờ quên cái cảm giác hèn hạ, nhục nhã của mình. Ông ta sẽ cho là chuyện tiếu lâm nếu ai đó nói ông là Thánh. Ông được bảo vệ cách lạ lùng chống lại thói kiêu ngạo, sự tự mãn. Ông đi tử đạo nhưng luôn mang trong mình ý thức về sự sa đoạ, phạm thánh của một linh mục đang trong tình trạng tội trọng, đến nỗi ông hy sinh thân mình nhưng qui chiếu tất cả cho Thiên Chúa, cho quyền lực và vinh quang của Ngài nơi con người khốn nạn nhất trong những con người: chính bản thân ông ta.
Và càng đi đến hồi kết, chúng ta càng thấy con người tội lỗi tầm thường này càng hoá thân nên giống Chúa Kitô để nên giống Ngài, nhưng chưa đủ: đến mức đồng hoá mình với Chúa của mình. Mầu nhiệm Thương khó tái hiện nơi tội nhân này, tội nhân được lựa chọn trong cặn bã của nhân loại và đã lặp lại điều Đức Kitô đã làm, không phải ở trên bàn thờ dưới hình bánh hình rượu và mình thì chẳng mất gì, nhưng là hiến tế chính máu và thịt mình trên Thánh giá. Ở nơi con người vị “linh mục tội lỗi” này, không phải là những nhân đức đã tỏ rạng để đối lập với tội lỗi, nhưng chính là đức tin - đức tin vào cái dấu ấn vô hình ông đã lãnh nhận ngày thụ phong, vào cái kho tàng mà chỉ có mình ông (bởi vì những linh mục khác đã bỏ trốn hay đã bị sát hại) còn mang trên đôi tay bất xứng nhưng đã được Thánh hiến.
Vị linh mục cuối cùng còn lại trong vùng, ông không thể tin được rằng sau ông sẽ còn linh mục để cử hành thánh lễ, để giải tội, để giúp kẻ liệt trước ngưỡng cửa đời sống vĩnh cửu. Và dù sao đức tin của ông đã không lay chuyển dù ông không biết rằng, ngay khi ông vừa gục ngã dưới làn đạn, một linh mục khác đã đột ngột xuất hiện.
Qua đó, chúng ta cảm nhận sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa trong một xã hội vô thần, cái giòng chảy ngầm của ân sủng đã làm Graham Greene choáng ngợp hơn là cái mặt tiền hoành tráng mà giáo hội trần thế trình ra trước mặt các dân tộc. Nếu có một ki tô hữu nào đó mà sự sụp đổ của giáo hội hữu hình không làm cho xao xuyến, chính là Graham Greene mà tôi nghe nói ở Bruxelles, trước mặt hàng ngàn tín hữu và sứ thần toà thánh, đã gợi lên hình ảnh vị giáo hoàng cuối cùng trong một Âu châu hoàn toàn mất đức tin, đứng xếp hàng trước quầy vé, mặc chiếc quần tây xoàng xĩnh, cầm trên tay, còn lấp lánh chiếc nhẫn của “người đánh cá”, cái cặp giấy carton.
Có thể nói rằng, cuốn sách này là một thông điệp gởi đến thế hệ trong đó mọi cái đều bị xem là phi lý. Những người trẻ thời đại Jean Paul Sartre, Camus, những con mồi tuyệt vọng của cái tự do phù phiếm. Graham Greene hé lộ rằng, có thể, sự phi lý này thực ra chỉ là một tình yêu không bờ bến.
Ông cũng gởi thông điệp cho những người ngoan đạo, những người chưa bao giờ nghi ngờ về những giá trị của chính mình và luôn mang trong đầu những mô thức thánh thiện, với những phương thế chuyên biệt để đạt được những mức độ đạo đức khác nhau. Ông đặc biệt nhắm tới những kitô hữu, linh mục và giáo dân, các tiểu thuyết gia đang rao giảng con đường thập giá nhưng phải nói là họ chưa chịu “đóng đinh” đủ. Bài học lớn cho những người bị ám ảnh bởi sự toàn thiện, những con người khốn khổ săm soi những khiếm khuyết của mình mà quên rằng ngày phán xét sau cùng, theo thánh Gioan Thánh giá, chính tiêu chuẩn tình yêu là tiêu chí phán xét.
Cái đất nước ông mô tả truy lùng các linh mục và giết hại các ngài, đúng là cái đất nước mà chúng ta đang thấy hình thành trước mắt. Đây là giờ của “hoàng tử thế gian”, nhưng ông mô tả họ không chút hận thù: ngay với tên đao phủ, ông cảnh sát trưởng đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Họ tìm kiếm chân lý; họ tin đã tìm thấy chân lý và đang phục vụ chân lý, cái chân lý đòi phải hy sinh một số đồng loại. Bóng tối bao trùm vùng đất mà ông mô tả, nhưng có một tia sáng nào đó đang xuyên qua. Dù gì đi nữa, chúng ta không nên sợ hãi, tác giả đã nhắc cho chúng ta rằng điều bí ẩn sẽ được nhận biết, cũng còn những giá trị cho thế giới phi lý này. Cái tự do mà Sartre đề nghị cho con người có những giới hạn: chúng ta biết rằng, những tạo vật được yêu thương như chúng ta không có tự do nào khác ngoài cái tự do từ chối tình yêu đó…
Francois Mauriac.
Mời các bạn đón đọc Vinh Quang Và Quyền Năng của tác giả Graham Greene.