Truyện Am Mây Ngủ tuy nói về công chúa Huyền Trân nhưng ở đây hình ảnh công chúa Huyền Trân không thể tách rời ra khỏi hình ảnh của người tăng sĩ áo vải sống trên am Ngọa Vân núi Yên Tử. Người ấy là Trúc Lâm Đại sĩ, tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm.
…Ông đã du hành sang đất Chiêm Thành để thắt chặt tình hữu nghị Chiêm - Việt, mong dựng nên một nền hòa bình lâu dài giữa hai nước. Công chúa Huyền Trân, con gái của ông, đã tự nguyện làm một trong những viên gạch đầu tiên cho nền móng hòa bình ấy.
Trong Am Mây Ngủ, tác giả đã lấy lòng của một Thiền sư để hiểu lòng một vị Thiền sư. Đó là nét cảm động nhất trong tác phẩm mà chúng tôi trân trọng giới thiệu với các độc giả thân mến hôm nay.
***
Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam.
Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Năm 1973 khi hiệp định Paris được ký kết, ông bị cấm về Việt Nam và ở lại Pháp từ đó đến nay.
Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire của ông.
Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Thơ:
Truyện:
Khác:
***
Huyền Trân thức giấc, lắng tai nghe. Có tiếng tụng kinh. Đây là tiếng tụng kinh của chú tiểu Pháp Đăng. Giọng chú trong như tiếng chuông đồng, Chú đang khoan thai tụng bài kệ mở đầu cho thần chú Lăng Nghiêm, từng âm rành rọt và trong veo như những hạt châu tiếp nhau rơi đều trong không gian ngời sáng. "Đại hùng đại lực đại từ bi, hy cánh thẫm trừ vi tế hoặc: Linh ngã tảo đăng vô thượng giác, ư thập phương giới tọa đạo tràng …".
Huyền Trân nằm yên, để hết tâm ý vào lời kinh. Công chuá cảm thấy toàn thân thư thái và dễ chịu. Có lẽ đây là lần đầu tiên nàng được hưởng một cảm giác an lạc kỳ diệu như vậy. Công chúa không dám trở mình, sợ rằng nếu trở mình thì niềm an lạc kia biến mất. Nàng thở nhè nhẹ, nhắm hai mắt lại và theo dõi lời kinh một cách chăm chú.
Chú Pháp Đăng đã tụng hết bài tựa và đang chuyển sang hội thứ nhất của chú Lăng Nghiêm. Nhịp mõ tự nhiên mau dần, trở nên dồn dập rồi giọng chú thay đổi hẳn. Chú Lăng Nghiêm như một cánh diều bắt gió và lời kinh giờ đây bay như một lá phướn. Tiếng mõ cũng không còn là âm thanh tròn trịa và rời rạc như trước: Tiếng mõ cũng trở thành một giải lụa dài bay phất phới trong không gian.
Khi chú Pháp Đăng tụng hết Lăng Nghiêm và bắt đầu qua tới Chú Đại Bi thì Huyền Trân không còn theo dõi lời kinh nữa. Nàng nghĩ đến Phụ vương nàng hiện giờ chắc đang ngồi thiền trên am Ngọa Vân và đến chuyện hai cha con sẽ cùng nhau leo núi lên đỉnh Vân Tiêu ngày hôm nay, và công chúa từ từ ngồi dậy.
Liêu phòng tối om. Ngọn lửa cây đèn dầu lạc để trong góc phòng chỉ lớn bằng một hạt đâu không đủ để soi sáng mặt bàn. Huyền Trân khua chân tìm đôi giép cỏ mà chú Pháp Đăng đã đem tới cho nàng chiều hôm qua rồi đứng dậy, tới khơi cao ngọn đèn. Trong liêu phòng, ngoài cái bàn con và chiếc giường nhỏ, không còn có một vật gì nữa cả. Nàng đưa tay với lấy chiếc áo lông cừu vắt dưới chân giường, khoác lên vai, rồi hé cửa liêu và bước ra ngoài sân am.
Bây giờ là mới đầu canh năm, trời còn tối lắm, nhưng nhờ có ánh sao nên Huyền Trân thấy được dáng đá và dáng cây quanh am. Nàng nhìn lên trời. Sao nhiều qua, và sáng quá. Hơi núi làm công chúa rùng mình, ớn lạnh. Nàng trở vào liêu phòng, và cứ để áo lông cừu trên vai mà nằm lại xuống giường để tiếp tục nghe kinh. Chú Pháp Đăng đã tụng xong Thập Chú. Chú đang niệm danh hiệu Phật Thích Ca.
Huyền Trân lên tới núi Yên Tử từ sáng hôm qua và đã được gặp mặt Phụ vương nàng là đại sĩ Trúc Lâm. Nàng đã được hầu chuyện với ngài từ đầu giờ Tỵ đến cuối giờ Mùi. Hôm qua, nàng đã được ông anh ruột của mình là Huệ Võ Vương Trần Quốc Chấn đưa tới chân núi Yên Tử bằng xe song mã. Huệ Võ Vương định cho người võng nàng lên tới am Long, nhưng nàng từ chối. Một vị tiểu ni tại ni viện dưới chân núi đã đưa nàng và người hầu cận của nàng là Thị Ngọc lên am Long.
Phụ vương nàng bảo nàng tá túc tại am Long đêm nay và dặn chú điệu Pháp Đăng sáng ngày mai đưa nàng lên thăm am Ngọa Vân. Ngài sẽ đợi nàng ở đây. Ngài phải trở lên am Ngọa Vân vì có chút việc cần thiết. Nói xong, đại sĩ lên đường, chiếc gậy trúc trên tay.
Huyền Trân nhớ lại giây phút được gặp lại cha sau hơn hai năm xa cách. Hai năm xa cách, nhưng bao nhiêu biến đổi đã xảy đến cho nàng. Khi vị tiểu ni vào thông báo, Phụ vương nàng đã ra tận cổng am để đón nàng. Thượng hoàng hơi gầy yếu, nhưng dàng điệu ngài con quắc thước và thanh tú. Ngài nhìn nàng với đôi mắt vừa mừng rỡ vừa xót thương. Ngài vẫn còn mặc chiếc áo nâu năm trước, tuy chưa sờn rách nhưng đã phai màu. Công chúa muốn chạy tói ôm lấy cha mình, nhưng không dám. Nàng chạy đến và quỳ xuống dưới chân ngài. Nàng khóc thút thít như một đứa trẻ thơ. Đại sĩ đỡ nàng dậy và đưa nàng vào trong am. Vị tiểu ni đi nhắc một chiếc ghế gỗ đạt gần chiếc ghế khúc lục của đại sĩ để công chúa ngồi, rồi cùng Thị Ngọc đứng hầu một bên ông thầy tu mà cả nước kính ngưỡng. Trúc Lâm đại sĩ tự mình đi nhóm lửa pha trà để đãi khách. Ngài không cho ai động tới công việc. Vị tiểu ni, sau khi uống xong chén trà cúc do đại sĩ ban cho, đã chắp tay bái biệt ngài để xuống núi. Công chúa Huyền Trân cũng bảo Thị Ngọc theo vị ni cô xuống núi và ở lại ni viện chờ nàng.
…
Mời các bạn đón đọc Am Mây Ngủ của tác giả Thích Nhất Hạnh.