Nữ Tu Sĩ là một tác phẩm thuộc truyền thống văn học Pháp và châu Âu chống lại những sự hà lạm của nhà thờ. Từ lâu nhà thờ Thiên chúa giáo là dinh lũy của chế độ phong kiến phản động. Nhà vua chuyên chế, các giai cấp thống trị dùng nó làm một lợi khí đắc lực để mê hoặc và đàn áp sự phản kháng của nhân dân… Cuốn truyện cho ta thấy nhà tu kín quả thật là một địa ngục trần gian, ở đó hàng ngày diễn ra những cảnh tu nữ bị nhục hình, những cảnh điên loạn ghê sợ… Nhưng Nữ Tu Sĩ còn bao hàm một chủ đề tư tưởng khác: quyền lợi người phụ nữ trong xã hội. Xuydan không chỉ là một cô gái hiền lành, mộ đạo, cô còn là một tâm hồn thiết tha yêu sự sống, một con người biết đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Bao nhiêu đe dọa, bao nhiêu nhục hình vẫn không làm cô ngã lòng. Hình ảnh Xuydan là hình ảnh những phụ nữ Pháp có nghị lực và can đảm, ngày mai đây sẽ cùng toàn dân xông vào phá ngục Baxti để giải phóng cho mình và giải phóng cho dân tộc. Cũng vì ý nghĩa cách mạng đó của tác phẩm mà Nữ Tu Sĩ, viết xong năm 1760, mãi đến năm 1796, sau cuộc cách mạng tư sản Pháp và sau khi nhà văn từ trần, mới được xuất bản.
***
Denis Diderot (1713-1784) sinh ngày 5.10.1713 là nhà văn, nhà tư tưởng kiệt xuất, một trong những nhân vật khổng lồ, ưu tú nhất của phong trào Khai sáng ở Pháp thế kỷ XVIII.
Sau khi xong bậc trung học, mặc dù cha ông muốn ông tìm việc làm, nhưng ông âm thầm theo học khoa Triết, Toán và cả Giải phẫu. Ra trường, ông tham gia làng báo và say mê viết lách.
Năm 36 tuổi, ông cho ấn hành tập tiểu luận nhỏ “Lá thư về những người mù cho những người sáng đọc”. Tập tiểu luận này đã khiến ông vào tù 3 tháng do bị cho là đụng chạm đến nhà cầm quyền thời đó. Năm 1751, ông cùng với Jean le Rond d'Alembert chủ biên bộ “Bách khoa toàn thư” đầu tiên trên thế giới, giảng giải về khoa học, nghệ thuật và nghề nghiệp. Bên cạnh đó, ông viết nhiều vở kịch, tiểu thuyết cùng những bài biên khảo về nghệ thuật, xác định những quy tắc của thể loại kịch, sáng lập môn phê bình nghệ thuật. Làm việc cần cù song ông vẫn nghèo. Mến mộ ông, Nữ hoàng Catherine II của Nga đã chu cấp tiền bạc cho ông hàng năm. Năm 1773, ông sang Nga để tạ ơn Nữ hoàng và được mời làm Viện sĩ danh dự nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học St. Pertersbug.
Trong các tác phẩm triết học: Lá thư về những người mù cho những người sáng đọc (1749), Những suy nghĩ giải thích giới tự nhiên (1754), Giấc mơ của d'Alembert (1769), Những nguyên tắc triết học của vật chất và vận động (1770), Diderot đã chống lại chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Trong tác phẩm "Người cháu họ của Rameau" viết khoảng năm 1762, ông nêu ra những luận điểm của phép biện chứng.
Trong văn học, Diderot đấu tranh cho chủ nghĩa hiện thực với tiểu thuyết "Jacquies - kẻ theo thuyết định mệnh và ông chủ của anh ta"(1773) và truyện ngắn "Nữ tu sĩ" (1760), mà ông đã tiến hành đồng thời trong các tác phẩm phê bình nghệ thuật tạo hình "Các phòng triển lãm" (1759-1781) và sân khấu "Nghịch lý về diễn viên" (1773-1778).
Ông mất ngày 31-7-1784 tại Paris, Pháp.
Ngoài các tác phẩm triết học, văn chương, ông còn là người biên soạn chính của công trình Bách khoa toàn thư đồ sộ mà giá trị của nó đến nay vẫn còn phát huy tác dụng.
***
Nữ tu sĩ là một tác phẩm thuộc truyền thống văn học Pháp và châu Âu chống lại những sự hà lạm của nhà thờ. Đã từ lâu nhà thờ Thiên chúa giáo là dinh lũy của chế độ phong kiến phản động. Nhà vua chuyên chế, các giai cấp thống trị dùng nó làm một lợi khí đắc lực để mê hoặc và đàn áp sự phản kháng của nhân dân. Chúng lập một mạng lưới nhà thờ dày đặc khắp thành thị và nông thôn nước Pháp. Có thể nói bóng đen của nhà thờ ngả xuống hầu hết ruộng đất của nước Pháp. Bên cạnh chính quyền vốn đã hà khắc của chế độ quân chủ chuyên chế để cai trị nhân dân về mặt pháp lý, lại có thêm thẩm quyền của tôn giáo để áp bức nhân dân về mặt linh hồn. Hầu hết những việc ma chay, cưới hỏi của nhân dân đều do nhà thờ quyết định. Để kìm hãm nhân dân trong ngu tối, nhà thờ tích cực hoạt động ngăn trở sự phát triển của khoa học, của triết học duy vật, nói tóm lại, của tiến bộ xã hội. Vì vậy mà từ trước đến nay, những nhà tư tưởng, những văn nghệ sĩ tiền tiến của các thời đại đều đã lên tiếng phản đối những học thuyết ngu dân của nhà thờ. Từ thời Phục hưng, Boccaccio, nhà văn Ý, trong các truyện của mình, cũng như viết hài kịch Pháp Molière ở thế kỷ XVIII, trong các vở Trường học làm vợ, Tartuffe, Don Juan đều đã vạch trần tính chất giả nhân giả nghĩa và những sự tàn bạo của nhà thờ.
Viết Nữ tu sĩ, Diderot đã tiếp tục truyền thống chống những sự hà lạm của nhà thờ trong văn học Pháp và châu Âu. Qua sự mô tả cuộc đời của cô gái Suzanne ở các tu viện, ông lên án sự cuồng tín của tôn giáo, cuộc sống khổ hạnh cùng tất cả những biện pháp thô bạo được áp dụng trong nhà tu nhằm đàn áp lý trí, hủy hoại nhân cách con người. Đồng thời ông gián tiếp lên án chế độ đương thời đã làm chỗ dựa cho những hoạt động tôn giáo phản động như vậy. Cuốn truyện cho ta thấy nhà tu kín quả là địa ngục trần gian, ở đó hàng ngày diễn ra những cảnh tu nữ bị nhục hình, những cảnh điên loạn ghê rợn. Những kẻ được sủng ái thì hành hạ kẻ khác, những người bị ruồng bỏ thì trở thành nạn nhân của mọi sự hành hạ. Diderot cho ta thấy do một sự giáo dục khổ hạnh trái với tự nhiên, con người không còn giữ được bản chất tốt đẹp của mình, đúng như lời bà nhất Moni đã có lần nói với Suzanne: “Con ạ! Trong tất cả những người ở xung quanh chúng ta, những người rất mực ngoan ngoãn, trong trắng, dịu dàng, hầu như không có một người nào, phải, không có một người nào mà mẹ không thể làm cho họ trở thành con thú dữ”.
Nhưng Nữ tu sĩ còn bao hàm một chủ đề tư tưởng khác: quyền lợi người phụ nữ trong xã hội. Diderot, cũng như các nhà Bách khoa khác, trong khi đấu tranh cho tự do, cho sự giải phóng của con người, đã nhiều lần lên tiếng bênh vực quyền lợi và địa vị của phụ nữ. Suzanne không chỉ là một cô gái hiền lành, mộ đạo, cô còn là một tâm hồn thiết tha yêu sự sống, một con người biết đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Bao nhiêu đe dọa, bao nhiêu nhục hình vẫn không làm cô ngã lòng. Cô đã chiến thắng những tư tưởng bi quan, đầu hàng, và đã tìm mọi cách thoát ra khỏi tu viện hắc ám, tuy cuộc sống trước mắt còn dành cho cô sự hãi hùng. Hình ảnh Suzanne là hình ảnh người phụ nữ Pháp có nghị lực và can đảm, ngày mai đây sẽ cùng toàn dân xông vào phá ngục Bastille để giải phóng cho mình và giải phóng cho dân tộc. Cũng vì ý nghĩa cách mạng đó của tác phẩm mà Nữ tu sĩ, viết xong năm 1760, mãi đến năm 1796, sau cuộc cách mạng tư sản Pháp và sau khi nhà văn từ trần, mới được xuất bản.
Truyện này được viết theo thể loại triết lý, một thể loại được sử dụng rộng rãi ở thế kỷ XVIII. Nhằm mục đích phổ biến rộng rãi các tư tưởng chính trị, triết học đến quảng đại quần chúng, các nhà văn Ánh sáng đã dùng những loại truyện này để làm cho người đọc dễ tiếp thụ những quan điểm của mình. Chúng ta đều biết Voltaire rất sở trường về loại văn này và đã để lại nhiều kiệt tác như Candide, Người chất phác… Các truyện khác của Diderot như Người cháu của Rameau, Jacques, anh chàng định mệnh chủ nghĩa đều là những truyện triết lý. Nhân vật Suzanne làm ta nghĩ đến hình ảnh những “con người tự nhiên” mà ta thường thấy trong nền văn học thế kỷ XVIII. Đó là những con người trong trắng, ngây thơ, chưa hề bị những ảnh hưởng xấu xa của các quan hệ tư sản làm hư hỏng. Suzanne không phải là một người vô thần, trái lại, cô hết lòng kính Chúa, mộ đạo. Nhưng lương tri sáng suốt của “con người tự nhiên” không thể chấp nhận những tội ác hàng ngày diễn ra trong tu viện, những nghi lễ vô lý người ta bày ra ở đấy để mê hoặc các nữ tu sĩ đáng thương Suzanne, do những điều chứng kiến ở tu viện, đã nhìn nhận được những lừa bịp trắng trợn của những kẻ mạo danh Chúa để làm những điều bỉ ổi.
Đây là điểm là cho Nữ tu sĩ khác với truyện triết lý của nhiều nhà văn khác. Thường thường trong các truyện triết lý, nhà văn quan tâm đến sự minh họa tư tưởng của mình hơn là mô tả tâm lý nhân vật. Ngược lại, Suzanne có một đời sống nội tâm khá tế nhị, phong phú. Với một ngòi bút mang nhiều tính chất hiện thực sâu sắc, Diderot mô tả một cách tỉ mỉ những diễn biến phức tạp trong tâm hồn Suzanne. Từ lòng tin Chúa ngây thơ, Suzanne đã dần dần đi tới chỗ hoài nghi, và từ đó đến chỗ phản kháng, phẫn nộ; cô gái hiền lành quen sống nhẫn nhục trong gia đình mà ở đó cô bị khinh bỉ đã dần dần trở nên một người dám nổi loạn chống áp bức, chống giả dối, chống thành kiến, chống tàn bạo. Ngoài Suzanne, các nhân vật như bà nhất và các tu nữ khác, cùng với những cơn điên loạn của họ, cũng đều có một đời sống tâm lý rõ rệt.
Mời các bạn đón đọc Nữ Tu Sĩ của tác giả Denis Diderot.