Trong truyện Một đứa con đã khôn ngoan, nhà văn giáo dục trẻ em đức tính yêu lấy tiếng Việt. "Ta có tiếng nói riêng. Bổn phận ta là phải giữ lấy tiếng ta, vì tiếng ta tức là tinh thần nước ta". Cậu bé Chỉ trong truyện này chỉ mê tiếng Pháp và cho rằng tiếng Việt không đủ để diễn tả hết mọi suy nghĩ và sự vật. Ngay cả lúc viết thư cho bạn, cậu cũng phải dùng thêm tiếng Pháp. Cậu (bố) của cậu bé Chỉ không đồng ý và phân tích cho cậu rằng: "Con thấy thiếu chứ tiếng ta không thiếu. Nếu thiếu chăng, thì nó thiếu ở ý mới, vật mới xưa kia không có. Còn những ý cũ vật cũ thì tiếng nước ta vẫn đủ như thường. Xem ngay như về gia đình, ta có biết bao nhiêu tiếng: kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, chắt, chút, bác, cậu, mợ, dì, cô, thím, âu yếm, thân, hiếu, đễ, từ và biết bao nhiêu tiếng nữa. Lại nói như cách mang đồ đạc, ta có đội, gánh, xách, vác, cầm, khênh, ôm, cõng, bẽ, tải, cắp, khuân, bế, mỗi tiếng một nghĩa riêng" và "Cậu dám đánh cược với ông cử, ông nghè Tây dùng tiếng Pháp mà dịch nổi tiếng "lôi thôi" của ta đấy". Dù được phân tích thấu đáo như thế nhưng cậu bé Chỉ vẫn không tin. Và cậu chỉ thật sự tin khi mợ (mẹ) của cậu bị ốm và nhờ cậu đọc giùm tiểu thuyết tiếng Việt. Cậu bất ngờ là không ngờ nó lại hay đến thế! "Truyện Tây cũng đến thế là cùng". Thật bùi ngùi khi đọc lại những lời của người mẹ nói với con: "Mợ mua sách Quốc văn, được sách hay đã đành, dù phải sách dở mợ cũng vui lòng. Mình không có tài làm cho Quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy".
***
Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là tỉnh Hải Hưng, trong một gia đình Nho học. Chính nơi sinh cũng là quê hương ông.
Ông bắt đầu viết văn rất sớm, ngay từ khi còn đương học ở trường Bưởi. Tập truyện ngắn đầu tiên của ông là Kiếp hồng nhan xuất hiện năm 1923, khi ông tròn hai mươi tuổi. Từ đó ông viết nhiều truyện ngắn và truyện dài đăng trên các báo đương thời. Năm 1932 ông bắt đầu được bạn đọc chú ý khi cuốn truyện dài Những cảnh khốn nạn ra đời và nổi tiếng sau khi ra tập Kép Tư Bền (1935).
Ông viết văn vừa dạy học cho đến Cách mạng tháng Tám. Do tham gia hoạt động trong phong trào Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học rồi Đảng xã hội Pháp, và bắt liên lạc được với những người cộng sản Đông Dương, ông luôn luôn bị Sở mật thám theo dõi. Hai lần ông bị bắt giữ rồi lại được thả vì không đủ chứng cớ kết tội. Lần cuối cùng, ông bị Nhật bắt giam cho đến ngày khởi nghĩa tháng Tám.
***
Một buổi sáng, Tâm vừa ngủ dậy, chợt có hai người bịt mặt, lại gần Tâm. Một người giơ lưỡi dao sáng quắc, nói:
— Hễ nói, ta đâm chết.
Tâm sợ hết hồn, không dám nhúc nhích.
Tức thì một người lại ôm lấy Tâm, lấy khăn buộc ngang mắt. Thế là Tâm không trông thấy gì nữa. Tâm hiểu biết rằng lần này ông Bẩy sai đem Tâm đi một nơi khác, mà không muốn cho Tâm biết đường. Tâm im lặng, thì thấy một người lấy cái gậy, gõ vào đầu Tâm, nghiến răng nói:
— Bé mà bé hạt tiêu, liệu hồn!
Đau nhưng Tâm không dám kêu. Một lát, Tâm ra dáng hiền lành, hỏi:
— Các ông định đưa cháu đi đâu?
Khốn nạn, Tâm chẳng được một câu trả lời; trái lại, một cái tay có năm ngón như năm quả chuối ngự đã tát mạnh vào má Tâm, khiến Tâm điếng người đi. Một người đắc chí, cười khanh khách, nói:
— Rồi cháu đi đâu, cháu khắc biết. Cháu định đưa các ông đi chỗ nào, thì các ông cũng đưa cháu đi chỗ ấy.
Tâm vơ vẩn nghĩ mãi câu ấy mà không hiểu. Nào Tâm có định đưa đảng Rổ Bẫy đi đâu đâu. Một người nói:
— Kẻo rồi lại hiện làm ma về kêu oán nhé.
Tâm giật nẩy mình. Rồi họ nói chuyện cùng nhau:
— Tôi đã bảo cứ bẻ cổ nó đi có hơn là dìm xuống sông không?
Tâm hết hồn. Đích là họ giết Tâm rồi. Tâm sực nhớ lại ngày trước ông Bẩy có giao hẹn với Tâm. Thì ra nay ông định cho Tâm chết, chứ không phải ông chỉ cho Tâm đi chỗ khác mà thôi.
Bỗng Tâm rớt nước mắt, thút thít khóc, thì thình lình một cái bạt tai thật mạnh làm Tâm ngã dúi dụi. Nhưng may quá, Tâm đã nghe rõ ràng tiếng ông Bẩy quát:
— Không được thế.
Rồi ông Bẩy lại, nắm lấy tay Tâm, dắt đến ghế ngựa, bảo Tâm ngồi đó, rồi hỏi:
— Con có oán gì thày không?
Tâm không đáp, vì cho là đáp cũng vô ích.
— Bất đắc dĩ thày mới xử con tàn nhẫn, con đừng oán thày nhé.
Tâm cũng chẳng đáp, bởi vì Tâm cho rằng đến nông nỗi này thì còn mong gì sống nữa. Tâm có mỗi một mình, lại là trẻ con. Đảng Rổ Bẫy làm gì chẳng nổi. Thôi đành vậy, biết làm thế nào?
Một lát, Tâm ngửi thấy mùi đồ ăn thơm ngào ngạt. Rồi dễ đến năm bảy người kéo nhau tới. Họ mời nhau ăn uống no say.
…
Mời các bạn đón đọc Một Đứa Con Đã Khôn Ngoan của tác giả Nguyễn Công Hoan.