Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Người Cùng Thời - Lê Thanh Minh

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết một điều gì đó về Lưu Quang Vũ. Mặc dù quen biết và qua lại gia đình anh từ đầu những năm 80 (lúc đó tôi vừa đi qua cuộc chiến, chiếc áo “Đại cán” khoác trên người đã sờn nhiều chỗ và ngả sang màu trắng đục) nhưng tôi gặp anh chỉ vỏn vẹn có ba lần. Anh rất bận, tôi biết, nhưng đấy không phải là lý do. Thời gian lùi xa, tôi nhận ra một điều, chúng tôi không có duyên… Anh có công việc khác và mối quan tâm khác. Tôi cũng vậy. Ngày ấy tôi đang học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân cùng lớp với Lưu Quang Định (em ruột anh). Những lúc rảnh rỗi (mà rảnh rỗi cũng rất hiếm) hai anh em thường rủ nhau lang thang trên phố, qua nhà mấy người bạn cùng học…

Lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất tôi đứng đủ gần để cảm nhận được áp lực của cuộc sống đang đè nặng lên anh, lên tất cả chúng tôi. Đó là hôm tôi bảo Lưu Quang Định dẫn lên phòng anh chơi. Sau câu giới thiệu khách của cậu em, Lưu Quang Vũ nở một nụ cười thật hiền, hai tay anh như thừa không biết nên làm gì… anh có vẻ gượng gạo hết nhìn khách lại nhìn căn phòng nhỏ chật chội, bừa bộn của mình. Có lẽ chúng tôi đến không đúng lúc. Anh đang làm việc.

Trong căn gác nhỏ âm u tối, ánh sáng lọt qua khung cửa sổ khép hờ, đủ giúp tôi nhận ra mấy bức tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái treo trên tường, gác trên bậu cửa sổ. Cái bàn bé tẹo kê gần cửa sổ ngổn ngang đầy những trang bản thảo. Nhìn chúng tôi ái ngại, anh giải thích nhà mặt phố vì sợ tiếng ồn làm ảnh hưởng đến mạch suy nghĩ nên cửa sổ chả mấy khi mở…

Tôi chả biết nhìn anh, người ta nghĩ và liên tưởng đến điều gì. Còn tôi thì thấy rõ lòng quyết tâm, cái nhìn cương nghị của một người lính trong anh. Cái cách giao tiếp, cử chỉ vụng về khi gặp người lạ, đến cái nhìn đầy dấu hỏi, và đến cả nụ cười thật hiền mà như không phải cười…

Có lẽ tạo hoá sắp đặt sẵn để tôi gặp anh hơn một lần, chưa đủ để trở thành bạn và người quen của anh, nhưng đủ để tôi nhận ra anh trong một biển người cùng thời. Thú thật, cho đến lúc đó tôi chưa đọc một bài thơ nào của anh, chưa xem một vở kịch nào của anh. Mặc dù anh đã khá nổi tiếng và thành công trên con đường nghệ thuật. Nhưng cái dáng của anh tiếp tôi trên căn gác 3 nhà 96 Phố Huế hôm ấy đã luôn ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Và không hiểu sao tôi cứ nghĩ mình nợ anh một cái gì đó, đất nước này nợ anh một cái gì đó.

Tôi biết Lưu Quang Vũ từ rất lâu, cũng như biết cụ thân sinh ra anh, nhà thơ, nhà viết Kịch Lưu Quang Thuận, từ trước khi biết và chơi với Lưu Quang Định. Và một điều rất buồn cười là người tôi biết đầu tiên trong gia đình anh lại là em gái anh Lưu Khánh Thơ… Họ không biết tôi. Tôi biết. Những người không biết tôi nhiều lắm, tôi chỉ tình cờ theo một cách nào đó đi ngang qua họ trong dòng đời đang mải miết trôi.

Xuân Quỳnh, người bạn đời của anh cũng vậy, tôi nhận ra chị trong vô vàn khuôn mặt hiện ra trên phố, và chỉ vậy thôi. Chúng tôi chưa một lần đối thoại, chưa một lần đủ gần để quan sát kỹ về nhau. Thơ của chị tôi thuộc nhiều bài, tôi hiểu cái tôi của chị, cái cảm nhận cuộc sống của chị qua những bài thơ in rải rác trên báo. Và không dưới một lần tôi bình thơ chị cho đồng đội, cho bạn bè để họ hiểu về thơ của chị hơn, hoặc giả chỉ mình tôi nghĩ như vậy.

Lần cuối cùng tôi gặp Xuân Quỳnh tại Trường Viết văn Makxim Gorky cùng với nhiều nhà văn Việt Nam khác sang Nga thực tập. Những câu chuyện lan man nhiều chủ đề, chủ yếu là về Nga và Việt Nam. Thú thật nó chả có ấn tượng gì đối với tôi. Vì thân với Lưu Quang Định nên tôi có chú ý đến Xuân Quỳnh hơn những nhà văn khác. Xuân Quỳnh ngồi đó, ngay trong căn phòng đông người mà tôi ngỡ chị đang ngồi một mình, bận rộn với những suy nghĩ riêng tư. Da mặt chị hơi xanh như thiếu máu, những nếp nhăn của tuổi tác và lo toan đã xuất hiện lờ mờ quanh đuôi mắt chị. Dưới mắt tôi chị đúng là mẫu người đàn bà của những lo toan, bận rộn. Chắc có lẽ chị dành thời gian nghỉ ngơi cho mình trong thơ. Đó là thế giới riêng, là khoảng trời tự do riêng mà những nhọc nhằn của cuộc đời không mò tới được. Nếu thoạt gặp Xuân Quỳnh ngoài phố chắc bạn sẽ không hình dung được bên trong khuôn hình nhỏ nhắn là một tâm hồn bay bổng, chan chứa yêu thương nhưng cũng rất quyết liệt, đầy cá tính.

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể…

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng vỗ

Con nào chẳng tới bờ…”

(Sóng-Xuân Quỳnh)

Lúc nghe tin gia đình nhỏ của anh chị gặp tai nạn bất giờ, chúng tôi thực sự rất bàng hoàng và, không ai tin đấy là sự thật. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi có cảm giác như mình vừa bị mất mát một cái gì đó vô cùng quý giá.

Tôi biết có rất nhiều người giống như tôi tiếc thương cái gia đình nhỏ ấy, tiếc thương cặp đôi tài hoa ấy, Và tôi cũng biết, tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo cách, mỗi người đều bày tỏ lòng mến mộ của mình cho Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh…

Thế là họ đã dắt tay nhau rời xa chúng ta, rời xa phố phường ồn ào, bụi bặm, rời xa cuộc sống còn đầy những bất công, phi lý, đầy những mồ hôi và nước mắt gần 30 năm. Cuộc sống giờ đây vắng bóng họ. Những vần thơ đầy xúc động dừng lại trên trang sách. Những vở kịch đã thôi diễn, nhưng tinh thần của họ vẫn ở lại mãi trong lòng độc giả. Thi thoảng đây đó le lói những tiếng cười, những niềm vui nho nhỏ của những con người nhỏ bé. Những tiếng khóc chào đời, những tiếng bi bô của con trẻ kéo những tâm hồn già cỗi, giả dối xích lại gần hơn với sự trong trắng, thánh thiện…

Tôi làm quyển sách này như một cách bày tỏ lòng mình với Lưu Quang Vũ, và như là cách tôi trả nợ anh. Tôi cũng muốn tặng quyển sách này cho gia đình anh, những người tôi thực lòng yêu quý. Tôi tặng quyển sách này cho bạn bè, những người yêu quý anh, yêu quý những trang viết anh để lại cho đời. Tôi xin tặng cho các bạn độc giả xa, gần yêu thơ như một món quà ngõ hầu giúp các bạn biết thêm một diện mạo, một cá tính, một cách biểu đạt cảm xúc về cuộc sống qua những vần thơ chan chứa tình người, tình đời. Một phong cách LƯU QUANG VŨ.

Hanoi, 15-8-2016

***

Tập tản văn Người Cùng Thời gồm có:

  • NGƯỜI CŨ CHUYỆN MỚI
  • VUI CÙNG THỜI GIAN
  • VƯƠNG TRÍ NHÀN-vừa quen, vừa lạ
  • NGUYỄN ÁNH-Người đi không ngoái lại
  • NHẬT KÝ ĐI ĐƯỜNG
  • NHẬT KÝ NGÀY THỨ BẢY
  • TẬP MỜ
  • NGỘ ĐỘC VĂN
  • DẤU HỎI
  • "PHÂY BÚC"-FB.
  • CHÁN
  • YÊU và GHÉT!
  • HỌA SĨ BẬC THẦY VỀ BIỂN
  • TÔI ỐM RỒI
  • TÔI VẪN ỐM
  • ỐM CHAY
  • RĂNG RỤNG-Chủ nghĩa thực dân kiểu mới
  • VỘI VÃ - CẢM NHẬN NGÀY MƯA
  • DỰ BÁO
  • CƯỚI
  • NGƯỢC
  • CƠ VÀ SỐ
  • THẬT GIẢ
  • SAO NHỈ
  • LÃNG QUÊN
  • BÌNH CÁI ẢNH “TRIỆU ĐÔ”
  • CÂU CHUYỆN NHỎ VỀ MỘT DÒNG SÔNG LỚN
  • LỜI NÓI DỐI ĐẦU NĂM
  • NẪU
  • NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA
  • RÁC THẢI
  • LỠ HẸN
  • ĐÌNH LÀNG – nét văn hóa thuần Việt
  • TẠI SAO?!
  • SỰ THẬT
  • SAY
  • MÙA XUÂN
  • HỘI THƠ
  • CHƠI XUÂN
  • CHỖ ĐỨNG, CHỖ NGỒI
  • LỜI THỀ CỎ MAY
  • BIẾT
  • NGƯỜI VIỆT
  • TÂM SỰ CÙNG BẠN
  • "NGỤY VĂN CHƯƠNG" - HAY NGỤY BIỆN?!
  • VĂN HOÁ-GIÁO DỤC
  • BỐ ƠI! BỐ ĐÃ ĐI RỒI
  • GIỖ MẸ
  • "VIỆT NAM TRONG TRÁI TIM TÔI"
  • BÀI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
  • EURO 2004 - TỪ MỘT GÓC NHÌN KHÁC
  • THỜI GIAN
  • CHÂN DUNG
  • CÒN TÌNH YÊU Ở LẠI
  • HOÀNG HÔN NHỚ
  • LẠI HOÀNG HÔN NHỚ
  • HƯƠNG THẦM
  • VĂN SĨ
  • CÂM, MÙ, ĐIẾC
  • ALBERT LIKHANOV
  • VĂN HOÁ ĐỌC THỜI CÁCH MẠNG 4.0
  • NHỚ CHỊ ĐIỀN
  • BẨM SINH
  • SÁCH GỐI ĐẦU GIƯỜNG
  • LỖ TẤN
  • GIẤY THÔNG HÀNH
  • NGƯỜI NỔI TIẾNG
  • CHUYỆN KHÔNG MỚI NHƯNG CŨNG KHÔNG CŨ
  • TÔI ĐÃ ĐI XA ĐẾN MỨC NÀO?!
  • HOÀNG ĐÌNH TÀI
  • THÔNG BÁO
  • TRƯỚC GIỜ THAM LUẬN "TỰ DO"
  • PHÊ BÌNH
  • TIẾNG TA
  • DƯƠNG TƯỜNG
  • LỜI CẢM ƠN
  • YASUNARI KAWABATA
  • THÔNG BÁO
  • NHỮNG BÀI HỌC TỪ NƯỚC NGA
  • BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ
  • ÔI MÌNH PHỤC MÌNH QUÁ
  • THÔNG BÁO
  • HỌC ĐỂ LÀM QUAN
  • CON ĐƯỜNG VẮNG BÓNG NGƯỜI QUA LẠI
  • TIẾNG NGA Mời các bạn đón đọc Người Cùng Thời của tác giả Lê Thanh Minh.