Tác phẩm là bức tranh toàn cảnh về thực tế khắc nghiệt của thế kỉ XXI cũng như hành trình tìm cách thoát khỏi khổ đau thông qua Bari, nhân vật chính của một câu chuyện cổ dân gian Hàn Quốc.
Trong truyện cổ, cô gái trẻ Bari (công chúa) sau nhiều lao khổ đã lấy được nước trường sinh để cứu cha mình (thế giới).
Nhân vật trùng tên với cô trong tác phẩm của nhà văn Hwang Sok-Yong sống trong những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI có khả năng đặc biệt biết về tiền kiếp của mọi người và đi lại giữa thế giới này và thế giới khác.
Sinh ra tại Bắc Hàn, Bari đã rời khỏi đất nước của mình sau khi mất cả gia đình trong cảnh đói khổ vào cuối những năm 1990. Trong một lần tìm cách trốn khỏi Trung Quốc trên một chuyến tàu, cuối cùng Bari cũng đến được London và trở thành một người lao động nhập cư bất hợp pháp.
Là trung tâm của Đế quốc Anh cũ, London là điểm nóng của các vụ xung đột sắc tộc, tôn giáo, giới tính và đồng thời cũng là nơi mọi người luôn nỗ lực chống lại các mâu thuẫn đó bằng tinh thần đoàn kết và tình thương yêu.
Bari đã kết hôn với một người Hồi giáo, có con và rồi nhận được tin chồng mình bị mất tích trong một cuộc chiến. Không chỉ dừng lại ở đó, con cô cũng chết trong một tai nạn. Trong đỉnh điểm đau đớn, Bari lên đường vượt ra khỏi thế giới thực để tìm nước trường sinh không chỉ để cứu bản thân cô mà còn cho cả nhân loại trong thế giới đầy rẫy những muộn phiền và đau khổ.
***
“Công chúa Bari” chính là tác phẩm văn học đầu tiên tôi được tiếp xúc khi bước chân sang Hàn Quốc bắt đầu cuộc sống mới của mình.
Ở một nơi không phải là nơi chôn nhau cắt rốn, không gia đình, bạn bè, người thân đồng thời là điểm tựa duy nhất của tôi trong môi trường hoàn toàn xa lạ chính là người chồng bản địa, dùng chung ngôn ngữ nhưng không cùng điểm xuất phát, phong tục tập quán. Nói rộng hơn là không cùng chung nền tảng văn hóa, đó là cả một thử thách vô cùng gian nan. Trong hoàn cảnh ấy, nếu không có lòng can đảm, ý chí tự vươn lên cùng với sự giúp đỡ của chồng, gia đình chồng và người bản địa thì tôi khó lòng vượt qua được.
Thời điểm đó, như một nhân duyên, “Công chúa Bari” đã đến với tôi và tuồng như có một sức hút rất lớn khiến tôi hồi hộp theo dõi hành trình đầy gian nan và đau thương của cô từ Jeong Jin Bắc Hàn tới Trung Quốc, từ Trung Quốc tới nước Anh với một sự đồng cảm sâu sắc. Mỗi miền đất cô neo lại đều được thể hiện rất rõ dưới nét bút tài hoa của nhà văn Hwang Sok-Yong, được miêu tả vô cùng sinh động và phong phú bằng chính trải nghiệm thực tế của tác giả.
Bạn sẽ không thể tưởng tượng được bên cạnh sự phát triển nhảy vọt bằng “Kì tích sông Hàn” của Hàn Quốc những năm 1980, 1990 với những vòng hào quang sáng chói, đem lại cho người dân Hàn Quốc một cuộc sống ấm no viên mãn sánh ngang tầm với những cường quốc, thoát khỏi nỗi ám ảnh của thời kì huynh đệ tương tàn những năm 1950 thì Bắc Hàn - người anh em ruột thịt của Hàn Quốc - lại lâm vào cảnh cháy rừng, lũ lụt và nạn đói triền miên, khiến thây người chất đầy đường và những cái xác trôi sông không còn ai đủ sức vớt lên chôn cất. Số phận người dân trở nên mong manh như ngọn đèn trước gió, không biết tai họa ập xuống khi nào và không hề có bất kì một sự hỗ trợ, bảo hộ nào.
Lưu lạc sang Trung Quốc, số phận của Bari một lần nữa lại xoay vần với những bất an, nguy hiểm của một cuộc đời lưu vong nơi đất khách quê người. Tuy nhiên nơi đó cũng không thể bảo vệ và che chở cho cô để rồi cô lại phải vượt biển, trải qua một cuộc hành trình kinh hoàng đến bên kia bán cầu và bắt đầu những chuỗi ngày gian nan không dứt.
Tác giả đã mượn tác phẩm thần thoại “Công chúa Bari” với thủ pháp nghệ thuật đan xen giữa hiện thực và hư ảo để thể hiện hiện thực một cách sống động và vô cùng phong phú. Tác phẩm mở ra một chương sử thi mới vượt lên trên tất cả chiến tranh và ranh giới, nhân chủng và tôn giáo, thế giới hiện tại và thế giới tâm linh, văn hóa và hệ thống tư tưởng để mổ xẻ bóng tối của chủ nghĩa tân tự do, để tha thứ, cứu rỗi cho những linh hồn và con người chịu nhiều đau thương, bất hạnh.
Như đã đề cập ở phần đầu, cuốn sách đến với tôi như một nhân duyên, giúp tôi có thêm nhiều can đảm, mạnh mẽ để hòa nhập với đời sống mới, nền văn hóa mới vốn không ít những định kiến, và cái nhìn thiếu thiện cảm dành cho các cô dâu đến từ đất nước khác. Và chồng tôi chính là người đã hỗ trợ tôi một cách đắc lực trong suốt quá trình tôi dịch cuốn sách này. Anh giúp tôi hiểu thêm về văn hóa, cuộc sống của con người Hàn Quốc không chỉ trong đời sống thường ngày mà còn trong cả những trang sách tràn đầy tính nhân văn của tác giả Hwang Sok-Yong.
ĐINH THỊ KIỀU OANH
(Cựu Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc 2010-2013)
Mời các bạn đón đọc Công Chúa Bari của tác giả Hwang Sok-Yong.