La Tiểu Thông là một cậu bé luôn miệng nói dối, một đứa trẻ ba hoa nói khoác, một đứa trẻ đạt được thỏa mãn trong khi nói chuyện. Trong dòng chữ lưu hỗn loạn ấy, câu chuyện vừa là thể chuyển tải của ngôn ngữ, vừa là sản phẩm phụ của ngôn ngữ…
Câu chuyện mà cậu ta kể khi mới bắt đầu còn có một chút "chân thực", nhưng càng về sau càng là một sáng tác vừa thực vừa hư…
Khi La Tiểu Thông kể chuyện về chính mình, nếu xét về tuổi tác thì cậu ta không như một đứa trẻ, nhưng thực ra lại là một đứa trẻ. Cậu ta là thủ lĩnh của những nhi đồng trong nhiều truyện "Góc nhìn nhi đồng" của tôi…
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách "Chuyện Của Cậu Bé Hay Nói Khoác" để hiểu rõ hơn về nhân vật này.
***
Buổi sáng sớm cách đây mười năm trước. À, mà khi ấy là năm nào ấy nhỉ? Khi ấy cậu bao nhiêu tuổi? Lan Đại hòa thượng, một người đã từng đi nhiều nơi, hành tung bí hiểm, tạm thời tá túc tại ngôi miếu bỏ hoang mở to mắt, hỏi tôi bằng một giọng âm trầm nghe như vọng về từ một nơi rất xa. Giữa ngày tháng bảy nóng như nung mà tôi bất chợt rùng mình.
Đó là năm 1990, khi ấy tôi mười tuổi, thưa đại hòa thượng. Tôi lẩm bẩm trả lời hòa thượng bằng một giọng khác hẳn. Đây là ngôi miếu nhỏ có tên là thần Ngũ Thông nằm giữa hai dãy phố sầm uất, đông đúc, nghe nói tổ tiên của Lão Lan trưởng thôn của thôn tôi đã bỏ tiền ra xây ngôi miếu này. Tuy ngôi miếu nằm kề ngay bên đường nhưng hương khói quanh năm lạnh lẽo, luôn tỏa ra một mùi cũ kỹ ẩm mốc. Chỗ khe tường đổ do người ta trèo vào đã thành lối đi, một người phụ nữ mặc chiếc áo màu xanh, xung quanh viền hoa màu đỏ đang gần như phủ phục ở đó. Tôi chỉ nhìn thấy khuôn mặt to, đầy, trắng như phấn và một cánh tay trần trắng muốt đang chống cằm của người ấy. Chiếc nhẫn trên ngón tay của bà ta ánh lên dưới ánh nắng mặt trời. Người phụ nữ này khiến tôi nhớ đến ngôi nhà ngói lớn được cải tạo thành trường học của nhà đại địa chủ Lan trong thôn tôi trước thời kỳ giải phóng. Trong nhiều truyền thuyết và nhiều sự tưởng tượng bắt nguồn từ truyền thuyết, người phụ nữ như thế này thường xuyên ra vào ngôi nhà nhiều năm thiếu sự chăm sóc tu sửa và phát ra những tiếng kêu nghe rợn cả tóc gáy vào nửa đêm gà gáy.
Hòa thường ngồi ngay ngắn trên chiếc bồ đoàn cũ kỹ trước bức tượng thần Ngũ Thông bị người đời lãng quên từ lâu, vẻ mặt bình thản, như một con ngựa đang chìm trong giấc mộng. Tay của hòa thượng lần theo tràng hạt màu tím đỏ, trên mình hòa thượng là bộ quần áo dường như được dệt bằng giấy bị nước mưa thấm ướt, chỉ cần chạm khẽ vào nó sẽ tan thành mảnh vụn. Đôi tai của hòa thượng bu đầy ruồi, chỉ duy cái đầu trọc lóc và khuôn mặt trơn nhẫy là không có con nào.
Phía trước sân là một cây ngân hạnh sum suê, trên cây ríu rít tiếng chim, trong tiếng chim hình như còn xen lẫn cả tiếng của một đôi mèo. Đôi mèo này ngủ trong hốc cây và rình bắt những chú chim trên cành. Tiếp theo tiếng kêu vui sướng của con mèo là tiếng kêu thảm thiết của con chim bị bắt và tiếng kêu kinh hoàng hoảng hốt của bầy chim. Tôi ngửi thấy mùi máu tanh, không, chính xác hơn là tôi nghĩ tới mùi máu tanh, nghĩ tới cảnh tượng kinh hoàng sặc mùi máu. Lúc này con mèo đực đang dùng đôi móng giữ chặt con mồi đầy máu, quay sang phía con mèo cái như muốn khoe chiến công. Con mèo cái bị mất chiếc đuôi trông rất giống một con thỏ.
***
Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 tại Cao Mật tỉnh Sơn Đông. Là tác giả tạo nên cơn sốt văn học Trung Quốc tại Việt Nam thông qua một loạt các tiểu thuyết được chuyển ngữ và xuất bản từ thập kỷ trước như Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận… Mạc Ngôn đã để lại dấn ấn sâu đậm trong lòng độc giả bởi tài năng văn chương không thể phủ nhận. Giải thưởng Nobel Văn học năm 2012 một lần nữa khẳng định địa vị quan trọng của Mạc Ngôn trong nền văn học thế kỷ 20 của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Tác phẩm chính
Khác
Ma chiến hữu, nguyên tác: Chiến hữu trùng phùng (战友重逢), (2004), một tác phẩm đề cập đến lính Trung Quốc hy sinh trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979. Giải thưởng
Giải nhất về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc, tháng 12/1995 cho truyện "Báu vật của đời".
Giải Mao Thuẫn cho tác phẩm Đàn hương hình
Giải Nobel Văn học năm 2012.
Mời các bạn đón đọc Chuyện của Cậu Bé Hay Nói Khoác của tác giả Mạc Ngôn.