“Nàng Lika” là phần cuối (phần V) của bộ tự truyện Cuộc đời Arxênhép, tác phẩm chủ yếu mà nhờ đó Bunhin đã được tặng giải thưởng Nôben (1933). Sinh thời Bunhin cũng như sau này ở Liên Xô nhiều lần phần này của bộ tự truyện đã được in riêng như một tác phẩm độc lập bởi sự hoàn chỉnh về hình thức cũng như chủ đề. Gọi là “tự truyện” cũng chỉ là tương đối, vì ở đây cái thật cái hư xen lẫn nhau. Địa danh, tên người phần lớn đều được thay đổi. Hình mẫu của nàng Lika Vácvara Pasencô, người mà Bunhin đã cùng chung sống suốt mấy năm, khi ông mới bước vào đời. Trong truyện của Bunhin, so với Vácvara, Lika đẹp lên rất nhiều cả về nội tâm cũng như ngoại hình. Lika mất ngay sau khi chia tay, còn ngoài đời thật thì Vácvara đã kịp đi lấy Bibicốp, con một nhà buôn giàu có và sống với y hơn 20 năm.
Lika của Bunhin là hiện thân của vẻ đẹp cổ điển Nga, – yếu đuối, chân thành, cả tin, hồn hậu mà cũng rất bạo liệt vào những khúc rẽ ngoặt của cuộc đời. Còn nhân vật “tôi” thì đã phải trả giá cho cách sống quá phóng đãng của mình. Anh yêu Lika, yêu tận cuối lòng, nhưng lại nhân danh “chất nghệ sĩ” tự cho mình cái quyền đón nhận mọi cảm giác mới lạ của những chuyến phiêu du. Lika không chấp nhận được bất cứ sự san xẻ tình cảm nào, nàng đã tự chọn con đường ra đi… Nhưng có lẽ cái kết thúc ấy đã giữ cho tình yêu của nàng trọn vẹn…”
***
Ivan Bunin sinh ngày 22/10/1870 tại Voronezh, tốt nghiệp trường Đại học Moskva. Sau đó ông là một nhà báo, và thư ký. Ông xuất bản tập thơ đầu tiên của mình vào năm 1891. Đến năm 1903, ông được nhận giải thưởng Pushkin của học viện Nga về các tác phẩm thơ dịch của Anh và Mỹ. Sau khi cuộc cách mạng bolshevik nổ ra vào năm 1917, ông sang Paris sinh sống.
Các tác phẩm chính của ông bao gồm, các tuyển tập truyện ngắn Gospodin iz San Frantsisko – Quý ngài đến từ San Francisco và Tyomnye Alley – Con đường u ám, các tiểu thuyết Derevnya – Ngôi làng và Mitina lyubov – Tình yêu của Mitia.
Truyện ngắn của I.Bunin phần lớn thuộc loại truyện không có cốt truyện. Các truyện viết chủ yếu là thông qua sự hoài niệm, nhớ lại của tác giả về những gì đã qua. Vì thế, tính chất tự truyện cũng là một đặc điểm nghệ thuật của văn xuôi Bunin.
Có thể là ký ức của chính tác giả, hoặc của nhân vật “tôi” trong truyện. Chính hình thức nhớ lại này đã giúp cho tác giả bộc lộ cảm xúc trữ tình của mình đối với con người và cảnh vật được mô tả.
Trong các truyện ngắn của ông, chúng ta thường thấy các cụm từ "ngày ấy", “vào thời gian đó” hay "hình như ngày đó"… diễn tả khoảng thời gian xảy ra chuyện nhưng cũng chính là hoài niệm của tác giả. Với lối kết cấu này, mặc dù đang sống thời hiện tại nhưng nhà văn có thể trở lại với quá khứ một cách dễ dàng thông qua những hồi ức, kỷ niệm.
Chính sự đam mê hội hoạ và âm nhạc từ nhỏ của nhà văn là yếu tố quan trọng tạo nên chất tạo hình và khắc họa chân dung trong sáng tác của ông. Nhân vật hầu như không có sự xung đột hoặc cãi cọ nhau ồn ã. Sự thất vọng được thể hiện thông qua tiếng thở dài (Lần gặp gỡ cuối cùng); cái lắc đầu và nhắm mắt thay cho sự day dứt, luyến tiếc (Những lối đi dưới hàng cây tăm tối).
Nhà văn dành những năm cuối đời để viết quyển sách về Chekhov, nhưng không kịp hoàn thành. Đêm 8/11/1953, Ivan Bunin qua đời trong tay người vợ của mình. Ông được mai táng tại Sainte-Geneviève-des-Bois, nghĩa trang "người Nga" ở Paris.
***
Về chiều nắng nực giảm đi. Mặt trời đã khuất phía sau nhà. Chúng tôi ngồi uống trà trong phòng kính, bên cạnh cửa sổ mở ra sân. Lúc này nàng đọc rất nhiề những giờ ấy nàng hay đặt nhiều câu hỏi với anh tôi, và anh tôi thích thú chỉ dẫn cho nàng cặn kẽ. Chiều thật yên ắng, lặng gió, – chỉ có mấy chú nhạn thoáng bay qua sân rồi bỗng vút lên cao, mất hút trong thinh không xa thẳm. Họ nói chuyện với nhau, còn tôi thì lắng nghe tiếng ai đang hát. Bài ca hát về mấy người dân quê đang gặt lúa trên mấy cánh đồng cao cao. Âm điệu bài ca phẳng lặng, ngân dài, thấm đượm nỗi buồn ly biệt, tiếp đó là những âm thanh rắn rỏi, hùng dũng về những đoàn quân.
Bài ca như buồn bã dõi theo đoàn quân kazắc đang chầm chậm tiến qua thung lũng, dẫn đầu là vị tướng Đôrôsencô vinh quang…
Tôi lắng nghe tiếng bài hát, trong lòng cảm thấy buồn buồn pha chút ghen tỵ ngọt ngào.
Vào lúc hoàng hôn chúng tôi di dạo chơi, thỉnh thoảng đi lên phố, có lúc tới vườn hoa nhỏ trên bờ đất thoai thoải gần nhà thờ, có khi ra cánh đồng ngoài thành phố. Trong thành phố có vài đường phố lát đá, – đó là khu buôn bán của người Do Thái với một số lượng nhiều đến khó hiểu những hiệu đồng hồ, thuốc tân dược và hiệu thuốc lá. Những đường phố này còn giữ nguyên cái nóng sau một ngày mặt trời thiêu đốt, trên những ngã tư có quầy giải khát, ở đó khách bộ hành có thể uống những cốc xirô đủ màu sắc. Điều này nhắc tôi nhớ tới niềm Nam, thúc giục tôi đi xa hơn về phía Nam, – tôi vẫn còn nhớ dạo ấy không hiểu sao tôi rất hay nghĩ tới miền Kerơsơ. Nhìn từ trên nhà thờ xuống thung lũng, tôi mường tượng ra mình đang đi đến Krêmemtrúc, đến Nhicôlép. Ra cánh đồng ngoài thành phố chúng tôi thường đi qua vùng đầu ô phía tây trông hệt như thôn quê. Những ngôi nhà, vườn cây, ruộng dưa hấu nằm sát bên con đường thẳng tắp dẫn đến Mirơgôrốt. Tít tận đằng xa trên con đường dọc theo hàng cột dây thép có chiếc xe do hai con bò kéo đang chầm chậm lăn bánh rồi dần dần mất hút đi trên biển thảo nguyên như hàng cột điện cũng dần dần trở nên bé như cái que rồi không còn thấy nữa. Đó là đường tới Ianốpsina, Iarexca, Sisaki…
Nhiều khi chúng tôi dạo chơi buổi tối trong công viên thành phố. Ở đấy có dàn nhạc chơi, hàng hiên sáng ánh đèn của nhà hàng nổi bật lên từ xa như một cái sân khấu. Anh tôi đi thẳng vào nhà hàng, còn tôi và nàng thỉnh thoảng đi về phía vườn giáp với bờ sông cao cao. Đêm tối đen, ấm áp. Trong bóng đêm phía dưới, đây đó thấp thoáng ánh đèn, những bài ca khi bổng khi trầm nghiêm trang vọng lại – đó là những đám thanh niên vùng ngoại ô đang hát. Bài ca như hoà lẫn vào bóng đêm yên tĩnh. Đoàn tàu với những ô cửa sáng rầm rập chạy qua, tiếng động của nó nhỏ dần, nhỏ dần – lúc đó tôi cảm thấy thật rõ cái thung lũng này xa, sâu đến thế nào, vệt sáng đoàn tàu dần mất hút trong đó như thể nó chui sâu xuống đất. Tiếng hát lại nghe rõ, cả vòng cung chân trời bên thung lũng như chìm trong tiếng ếch kêu mơ hồ không dứt.
Khi chúng tôi bước lên hàng hiên đông đúc người ở nhà hàng, ánh sáng ở đấy khiến chúng tôi ngỡ ngàng lóa mắt. Anh tôi lúc này đã ngà ngà say, vẻ mặt hiền hoà, ngay lập tức vẫy tay gọi chúng tôi lại bàn, nơi anh ngồi cùng Vaghin, Lêôntêvích, Xulima. Mọi người hồ hởi xếp chỗ ngồi cho chúng tôi, cho gọi thêm rượu vang trắng, đưa thêm cốc và đá. Lát sau tiếng nhạc đã ngừng, vườn cây quanh hiên đã vắng vẻ chìm trong bóng tối, thỉnh thoảng có làn gió nhẹ từ đâu thổi tới, mấy ngọn nến đặt trong chụp thủy tinh bám đầy côn trùng bé lấm tấm; nhưng mọi người vẫn tiếp tục nói chuyện, thời gian còn sớm sủa. Cuối cùng thì mọi người đều thấy rằng đã đến lúc phải ra về. Tuy nhiên chúng tôi cũng không chia tay ngay – chúng tôi kéo cả đoàn đi về nhà, vừa đi vừa nói to, nện gót giầy cồm cộp. Vườn cây đã yên lặng như tờ, che phủ một màn đen bí ẩn, trăng muộn màng nhô lên trên đường chân trời tỏa ánh sáng vàng mờ nhạt, ấm áp. Khi chỉ còn anh em tôi cùng nàng đi vào sân nhà mình, ánh trăng đã rọi xuống đấy, soi sáng gian nhà kính; có tiếng con chim chích chốn nào kêu khe khẽ; mỗi một cái lá cây dạ hợp mọc gần ngôi nhà nhỏ, mỗi cành cây đều in bóng rõ ràng mềm mại lên bức tường màu trắng.
…
Mời các bạn đón đọc Nàng Lika của tác giả Ivan Bunin.