Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Kinh Thánh Của Một Người - Cao Hành Kiện

Cao Hành Kiện trò chuyện tại New York City:

Hỏi: Vì sao cuốn tiểu thuyết có tên gọi là "Kinh Thánh Của Một Người", vì sao trong hồi ức khủng khiếp về những đau khổ, buồn bã và bạo tàn xuyên suốt ba thập niên đầu của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa này ông lại dùng phụ nữ, nhất là những chuyện tình dục với phụ nữ, làm cách lấy lại ký ức đã mất, thu góp lại những kinh nghiệm đã mất?

Trả lời: Câu hỏi rất hay và rất đáng chú ý, và tác giả phải nói rằng đó tất nhiên là kinh thánh của một người. Nhưng mặt khác, nó không giới hạn ở kinh thánh của một người. Đó còn là nói về một cá nhân, một dân tộc nói chung, về cách nhân dân đã sống qua được những khủng hoảng và sống qua được những tai hoạ và bạo tàn. Điều tác giả quan tâm hơn nhiều là họ không phải là những anh hùng, như vậy câu hỏi là: làm thế nào sống qua được các thảm hoạ và khủng hoảng lại là anh hùng được, bởi vì đây là cách phát hiện chỗ yếu của con người? Nếu ai cũng là anh hùng thì các thảm hoạ mà loài người phải đương đầu mới có ý nghĩa được. Vì thế một mặt tác giả trần thuật, mô tả các cuộc khủng hoảng chính trị và tình hình chính trị, và mô tả nó thật chi tiết và cẩn trọng. Mặt khác, tác giả cũng mô tả các đặc điểm và chỗ yếu của cá nhân, và cũng muốn nắm bắt chúng thật cặn kẽ. Và khi đó vấn đề đặt ra là anh dùng tiêu chuẩn nào để phán xét những con người này, dùng loại tiêu chuẩn đạo đức hay luân lý nào để phán xét họ.

"Không phải anh không nhớ rằng mình đã từng có một cuộc đời khác, giống như vài tấm ảnh của gia đình chưa bị tiêu huỷ nay đã ố vàng, nghĩ lại khiến người ta ít nhiều âu sầu thương cảm, nhưng vời vợi quá và tựa hồ cách xa nhau cả kiếp sống. Tất cả đã mãi mãi tiêu vong. Nhà anh ở Bắc Kinh bị cảnh sát lục soát niêm phong, nơi ấy đã lưu giữ một tấm ảnh chụp chung cả gia đình mà người cha quá cố còn để lại, đó là tấm hình đầy đủ nhất các thành viên trong đại tộc. Lúc ấy ông nội anh còn sống, đầu bạc phơ, vì bị trúng gió không thể nói năng gì nữa, nằm trên một chiếc ghế xoay. Anh là con cả, cháu đích tôn, là đứa trẻ duy nhất trong tấm ảnh, đứng chen giữa ông bà nội, mặc quần hở đáy, bày cả chim ra ngoài, nhưng trên đầu lại đội mũ calô kiểu Mỹ. Đó là cái thời kháng chiến tám năm vừa chấm dứt và một cuộc nội chiến khác sắp bắt đầu, nở rộ cúc vàng hoàng kim và mào gà đỏ tím, ánh nắng một ngày cuối hạ còn vô cùng rực rỡ chiếu rọi khắp thế gian. Những gì gọi là kí ức của anh về hoa viên là như vậy, tấm ảnh bị dính nước đã ngả sang màu vàng xám. Cảnh phông của tấm ảnh là toà lầu hai tầng kiểu Anh quốc nằm phía sau cổng tròn, dưới có hành lang vòng, trên có lan can và cả đại gia đình anh đã sống ở nơi ấy. Anh nhớ số người trong tấm ảnh là mười ba, một con số không lấy gì làm may mắn cho lắm, có cha mẹ anh, đầy đủ các cô, chú và một người thím. Ngoại trừ cô cả đang ở Mỹ và anh ra, toàn bộ những người trong ảnh, cùng toà lầu phía sau cổng tròn ấy đều đã bị xoá hết dấu vết trên thế gian này…

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh

***

Cao Hành Kiện (4/1/1940) là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Trung Quốc đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được trao Giải Nobel Văn học trong suốt 100 năm qua. Ông cũng còn được biết đến với tư cách là một dịch giả, đạo diễn sân khấu và họa sĩ.

Ông sinh ra và lớn lên ở Cống/Cám Châu, Giang Tây, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962 ngành tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp ông được phân công đến Cục xuất bản ngoại văn làm phiên dịch. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ông đã bị đưa vào trại học tập cải tạo và phải âm thầm thiêu hủy cả một va-li đầy bản thảo tác phẩm của mình, trong đó có một vài cuốn tiểu thuyết chỉ chờ ngày xuất bản và 15 vở kịch. Sau đó, ông bị gửi vào trại cải tạo giáo dục mất 7 năm. Năm 1975 ông trở về Bắc Kinh, làm việc tại Cục xuất bản Ngoại văn. Đến năm 1978 ông nhận chức phiên dịch cho Hiệp hội tác gia Trung Quốc. Năm 1980 ông về làm công tác biên kịch tại Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh. Cao Hành Kiện là một trong những văn nghệ sĩ tiền phong của Trung Quốc đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Chính phủ Trung Quốc đã từng coi ông là một phần tử chống đối và các tác phẩm của ông đã bị cấm lưu hành từ năm 1986. Ông đã bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn.

Năm 1988, ông sang Pháp sinh sống và nhập quốc tịch Pháp từ 1998, hiện cư ngụ tại ngoại ô Paris, khu Bagnolet. Mười chín năm sống ở Pháp, ông đã tập trung vào viết sách, soạn kịch và triển lãm nghệ thuật. Vào năm 1992 ông đã giành được giải Chevalier de l'Ordre des Arts et des Lettres (Huân chương về Văn học và Nghệ thuật) của Chính phủ Pháp. Sau khi ông đoạt giải Nobel năm 2000, báo chí Trung Quốc không rầm rộ về việc này, nhưng tờ báo ra hằng ngày Tin tức buổi chiều Dương Thành, vào năm 2001, trong một cuộc chỉ trích về Linh Sơn đã gọi ông là một "nhà văn dở tệ" và nói rằng việc ông đoạt giải Nobel thật là lố bịch.

Linh Sơn là một tác phẩm nổi tiếng của ông, tổng hợp nhiều hình thái và thể loại văn chương gồm hồi ký, chuyện tình, phóng sự xã hội, thực tế, hư cấu, triết lý, đối thoại, độc thoại… hoà quyện vào nhau. Giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh (Soul Mountain) đã nhận định: "Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong".

Cao Hành Kiện còn là một họa sĩ vẽ tranh thủy mặc độc đáo. Ông đã cho tổ chức khoảng 30 cuộc triển lãm tranh khắp nơi trên thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi.

***

Một mùa đông nữa lại đến.

Đêm đã về khuya, anh vặn nhỏ đèn bàn, chui vào chăn thì nghe tiếng gõ nhẹ lên kính cửa.

- Ai ngoài đó?

- Dạ em.

Anh đoán không ra giọng người con gái ấy là ai, vẫn quần đùi, chân trần anh vội mở cửa, rồi để mặc cho cô ta khép lại, gài then, còn mình thì lao vào ổ chăn vì lạnh và xấu hổ. Cô gái đó là Tiêu Tiêu, nữ sinh trung học. Tiêu Tiêu tháo khăn len trùm kín đầu làm lộ rõ khuôn mặt trắng bạch, giá lạnh. Anh hốt hoảng hỏi gấp:

- Có chuyện gì phải không, Tiêu Tiêu?

- Dạ không - Tiêu Tiêu ngẩng đầu nhìn anh, lúc này anh vẫn ngồi trên giường và đôi chân giấu kín trong chăn.

- Mở lò sưởi đi, chết cóng rồi kìa.

Tiêu Tiêu cùng một toán học sinh trung học tự nguyện đến cơ quan anh đi thực tế tham gia phong trào, và nhanh chóng cũng phân chia thành hai phái. Cô bé này và một vài bạn nữa ngã về phe anh, nhưng rồi như gió thổi, dao động không kiên định, ồn ào được mấy hôm là chuồn thẳng, chỉ mỗi Tiêu Tiêu còn ở lại. Khác với bạn học của mình hung hăng sôi nổi, Tiêu Tiêu rất tĩnh lặng ngồi nghe, xem báo, hoặc sao chép đại tự báo; cô gái viết bút lông cũng khá, và nhẫn nại, chịu khó. Lần ấy chép xong loạt bài đại tự báo, căng dán đây đó hoàn tất thì đã chín giờ đêm, Tiêu Tiêu bảo nhà cô ta ở Cổ Lâu, thuận đường về anh đã đèo Tiêu Tiêu luôn một thể, anh bảo Tiêu Tiêu cùng vào phòng mình nấu tí mì lót dạ. Anh tiếp tục đèo Tiêu Tiêu đến một con hẻm thì cô ta nhảy xuống, chưa kịp nghe hai chữ “đến rồi”, anh chẳng còn thấy Tiêu Tiêu đâu nữa.

- Em ăn uống gì chưa?

Tiêu Tiều gật đầu, lửa lò sưởi làm ấm căn phòng và làm đôi má cô ta ửng đỏ. Cũng đã lâu anh và Tiêu Tiêu không có dịp gặp nhau nên rất nóng lòng muốn biết lí do vì sao giữa đêm hôm khuya khoắt thế này mà cô bé phải đường đột xuất hiện.

- Dạo này đang làm việc gì?

- Dạ không làm gì cả.

- Thế ở nhà trường cũng không nốt hay sao?

- Tất cả các cánh cửa kính đều bị đập vỡ tan tành, gió lùa vào lạnh ngắt, chẳng ai buồn đến lớp; chỉ chạy lung tung đây đó, không còn biết làm gì.

- Như vậy lại càng tốt, được nghỉ học, không thích à?

Tiêu Tiêu im lặng, anh rướn lên kéo cái quần dài định mặc vào để xuống giường thì cô gái ngăn anh:

- Anh cứ nằm thế, chẳng có việc gì đâu, đến nói chuyện với anh cho đỡ buồn.

Mời các bạn đón đọc Kinh Thánh Của Một Người của tác giả Cao Hành Kiện.