Chủ đề của vở kịch này là ác mộng, đương nhiên là phải tránh mô phỏng cảnh huống của đời sống hiện thực hay cách trình bày tự nhiên, nhưng mà cũng tuyệt nhiên đừng cố làm ra vẻ quái đản. Sự truy cầu thực tại tâm lý và việc nhấn mạnh hình thức trình diễn kịch tính, phải nói là có thể đi đôi chứ không tương phản nhau. Trái lại, cái cường độ của vở kịch nằm ở chỗ đối ứng của hai bên. Diễn viên cần phải thiết lập trung tính của vai trò diễn viên trên sân khấu, sau đó mới lắng nghe, tường thuật và đóng vai của mình. Cái trung tính của vai trò diễn viên này giúp cho diễn viên thể nghiệm được nội tâm của các nhân vật cũng như bảo trì được cái quân bình của cảm giác trình diễn.
Các đồ vật trong kịch cũng là những đồng diễn giao lưu của các nhân vật, một khi diễn viên đã làm sống động được chiếc giầy, va-li, hộp giấy, đầu người và cánh cửa lớn, là có thể làm vở kịch sống động ra, cũng tránh làm cho những đoạn độc thoại khá dài biến thành tuyên đọc. Người dàn cảnh sân khấu cần phải làm nổi bật các đồ vật này, đừng để chúng bị chìm mất trong bối cảnh.
Vở kịch này dùng một số thủ pháp ảo thuật, cái chế tạo biến hóa kỳ dị của ảo thuật làm thành hiệu quả của vở kịch, đồng thời cũng dễ thích dụng với cách thiết kế bối cảnh và ánh sáng. Lúc sử dụng các biện pháp này cần phải linh lợi trong sáng, không cần phải quan tâm là khán giả có thấy hợp lý hay không.
Vở kịch này dùng hình thức kịch diễn nhắm thử giải thích một số chủ đề cổ xưa như Thượng Đế và ma quỉ, đàn ông và đàn bà, thiện và ác, cứu thế và thụ nạn, cũng như ưu tâm của người hiện đại về tha nhân và tự ngã, ý thức và ngôn ngữ. Nếu diễn kịch bằng Hoa ngữ, Lãng Tử trong vở kịch bất tất phải tương tự với hình ảnh Thượng Đế trong văn hóa truyền thống Tây phương, mà có thể tham chiếu Phật Sống Tế Công trong văn hóa dân gian Trung Quốc. Các nhân vật khác cũng thế: Chúa Trùm có thể là Lão Đại của một bang hội, Du Côn có thể trở thành sát thủ, nhưng mà Gái Điếm thì đừng bao giờ mặc "kỳ bào," Người Mộng Du cũng như các nhân vật tương tự, đều mặc y phục thông thường của người hiện đại, chỉ đừng cần đeo cà-vạt hay nơ. Nếu diễn băng ngôn ngữ Tây phương, cách thiết kế y phục có thể tùy tiện.
***
Cao Hành Kiện (4/1/1940) là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Trung Quốc đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được trao Giải Nobel Văn học trong suốt 100 năm qua. Ông cũng còn được biết đến với tư cách là một dịch giả, đạo diễn sân khấu và họa sĩ.
Ông sinh ra và lớn lên ở Cống/Cám Châu, Giang Tây, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962 ngành tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp ông được phân công đến Cục xuất bản ngoại văn làm phiên dịch. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ông đã bị đưa vào trại học tập cải tạo và phải âm thầm thiêu hủy cả một va-li đầy bản thảo tác phẩm của mình, trong đó có một vài cuốn tiểu thuyết chỉ chờ ngày xuất bản và 15 vở kịch. Sau đó, ông bị gửi vào trại cải tạo giáo dục mất 7 năm. Năm 1975 ông trở về Bắc Kinh, làm việc tại Cục xuất bản Ngoại văn. Đến năm 1978 ông nhận chức phiên dịch cho Hiệp hội tác gia Trung Quốc. Năm 1980 ông về làm công tác biên kịch tại Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh. Cao Hành Kiện là một trong những văn nghệ sĩ tiền phong của Trung Quốc đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Chính phủ Trung Quốc đã từng coi ông là một phần tử chống đối và các tác phẩm của ông đã bị cấm lưu hành từ năm 1986. Ông đã bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
Năm 1988, ông sang Pháp sinh sống và nhập quốc tịch Pháp từ 1998, hiện cư ngụ tại ngoại ô Paris, khu Bagnolet. Mười chín năm sống ở Pháp, ông đã tập trung vào viết sách, soạn kịch và triển lãm nghệ thuật. Vào năm 1992 ông đã giành được giải Chevalier de l'Ordre des Arts et des Lettres (Huân chương về Văn học và Nghệ thuật) của Chính phủ Pháp. Sau khi ông đoạt giải Nobel năm 2000, báo chí Trung Quốc không rầm rộ về việc này, nhưng tờ báo ra hằng ngày Tin tức buổi chiều Dương Thành, vào năm 2001, trong một cuộc chỉ trích về Linh Sơn đã gọi ông là một "nhà văn dở tệ" và nói rằng việc ông đoạt giải Nobel thật là lố bịch.
Linh Sơn là một tác phẩm nổi tiếng của ông, tổng hợp nhiều hình thái và thể loại văn chương gồm hồi ký, chuyện tình, phóng sự xã hội, thực tế, hư cấu, triết lý, đối thoại, độc thoại… hoà quyện vào nhau. Giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh (Soul Mountain) đã nhận định: "Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong".
Cao Hành Kiện còn là một họa sĩ vẽ tranh thủy mặc độc đáo. Ông đã cho tổ chức khoảng 30 cuộc triển lãm tranh khắp nơi trên thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi.
***
(Người Mộng Du đứng sững giữa sân khấu, ánh sáng chiếu thẳng tập trung trên anh ta, khung cảnh chung quanh chìm vào bóng tối, chỉ có chiếc va-li kia là còn trong vòng ánh sáng.)
Người Mộng Du: Mi không tìm ra được con đường đưa mi đến đây.
Quên mất đến như thế nào, làm sao còn trở lại được?
Mi vốn vô tội, nhưng mà có thật sự vô tội hay không, mi đương nhiên cũng không nói rõ được.
Nói tóm lại, mi ở giữa tội ác, càng vùng vẫy, càng chìm đắm, không cách chi tự cứu mình. Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu, chỗ nào cũng có những con mắt rình rập, mi trở thành con thú bị săn, bốn chung quanh đều là bẫy rập, mi không còn đường để thoát thân nữa.
Thà là đợi phán quyết còn hơn là trốn chạy, mi lại đang chờ đợi một tiếng súng từ trong bóng tối kia, vào bất cứ lúc nào, không rõ phương hướng---đó chính là một thủ đoạn, như lưỡi kiếm treo trên đầu. (Cúi đầu, đứng lại trước cái va-li.) Đây có phải là một bẫy rập khéo bày? (Ngẩng đầu.) Kể từ thuở bé mi đã có cái sở thích này, chỉ thích mở những cái không được phép mở: hộp, tủ, cửa, rình mò những bí mật không nên xem không được phép xem. Một khi mở ra, kỳ thực, thường thì chẳng là cái gì cả. Cái sở dĩ là thần bí, chính là khoảng giữa thời gian chưa mở và đã mở, cái hồi hộp trong lòng, cái thần bí không ở trong hộp mà là ở trong lòng mi.
(Dè dặt bước chung quanh, rồi lại dừng chân không ngớt quay đầu lại.) Không phải là mi chưa từng rình qua khe cửa hay đằng sau màn, lén nhìn bí mật của đàn bà, một cô gái bừng tỉnh theo dục vọng, cái dục vọng cũng đày đọa mi không kém…. sau đó, càng dần mi càng thầy nhàm đi, thỏa mãn dục vọng, cùng lắm chỉ giống như ăn một bữa cơm ngon. Hiện giờ, chỉ khi giáp mặt với tội ác, cái tội ác trong lòng mi, mới đủ kích thích, mi ở biên giới của tử vong, chơi đùa với tử vong. Mi cũng biết rõ, bên kia của tử vong, không có gì cà, mi chỉ bất quá chơi đùa với tử vong, ở biên giới của tử vong không ít thì nhiều có gì đó làm lòng mi sợ hãi… (Trở lại cạnh va-li, hết sức dè dặt, mở ra.)
…
Mời các bạn đón đọc Người đi đêm của tác giả Cao Hành Kiện.