Không cần phải đợi đến một trăm năm sau mới có thể khám phá được những phép lạ của thiên tài. Với một tác phẩm của Solzhenitsyn như “Ngôi nhà của Matriona” hay “Vì đại cuộc”, ta phải gật đầu nhìn nhận là ông rất xứng đáng với ngôi vị mà người ta đã dành cho ông trên diễn đàn quốc tế, mà cụ thể là Giải Nobel văn chương năm 1970.
Solzhenitsyn là một nhân chứng đã kể lại một cách trung thực những gì ông đã thấy, nghe, sống trong môi trường của một xã hội được mệnh danh là thiên đường cộng sản.
Ông không chỉ trích, phê bình, nhưng khi đọc truyện của ông, ta sẽ phát giác ra là những lời lẽ đượm vẻ khách quan của ông còn bén nhọn, hùng hồn gấp mười, gấp trăm lần những lời phê bình, chỉ trích trực tiếp.
Solzhenitsyn không đưa ta đến những thế giới xa lạ, Solzhenitsyn đem ta trở về với đời sống thường ngày, trong đó bao nhiêu vấn đề tế nhị luôn luôn âm ỉ, gây ra xung đột giữa nhiều ý thức hệ mâu thuẫn. Phải chăng chỉ ở làng Talnovo mới có một Matriona, một Faddéi? Hay chỉ ở một thành phố nào đó của nước Nga mới có một Lydia Guéorguievna hay một Fédor Mikhéévitch?
Qua hai câu chuyện này, người dịch chỉ mong sao có thể mang lại cho độc giả một cơ hội để nghiền ngẫm, để thấm thía cái số phận làm người mà chỉ trong sự thống khổ, trên bước gian nan mới có thể bật lên được thành tiếng thổn thức gây niềm thông cảm.
Khi đặt bút xuống để làm công việc này, người dịch đã có cảm tưởng là mình đang dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, mà hậu quả tệ hại nhất là có thể mình sẽ phản bội một tác giả mà mình yêu thích cho đến độ muốn cho mọi người cũng yêu thích như mình.
Tuy nhiên, chính trong tinh thần của Solzhenitsyn mà người dịch đã mạnh dạn cầm bút, tương tự như đám học trò của Fédor Mikhéévitch đã hăng hái bưng từng viên đá để xây ngôi trường của họ trong “Vì đại cuộc”.
Một nhà văn trẻ lỗi lạc Nga đã có lần tâm sự với dịch giả Léon Robel như sau: “Sau Solzhenitsyn, ta sẽ không còn có thể viết như ta đã từng viết trước đây”. Người dịch xin nhường cho độc giả quyền thẩm định câu nói đó.
Sài Gòn, ngày 24 tháng 5 năm 1974
Nguyễn Văn Sơn
***
Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn là nhà văn, nhà viết kịch của Liên Bang Xô Viết và Liên Bang Nga đoạt giải Nobel Văn học năm 1970.
Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn sinh ở Kislovodsk, vùng bắc Kavkaz. Bố mất khi Solzhenitsyn chưa sinh, mẹ đi làm nghề đánh máy để nuôi con. Năm 1925 hai mẹ con chuyển về thành phố Rostov-trên-sông-Đông (Rostov-na-Donu). Từ năm 1926 đến 1936 học ở trường phổ thông thường bị bạn bè chế diễu vì đeo thập tự và không muốn vào Đội thiếu niên Lenin. Sau đó, nghe theo lời khuyên của các thầy cô giáo, Solzhenitsyn đã tiếp nhận lý tưởng cách mạng, năm 1936 vào Đoàn thanh niên cộng sản Komsomol. Từ nhỏ Solzhenitsyn đã muốn trở thành nhà văn nhưng có năng khiếu toán học nên năm 1936 ông theo học khoa Toán trường Đại học Rostov để sau này dễ kiếm việc làm. Những năm học ở Đại học Rostov, Solzhenitsyn luôn là sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng Stalin.
Năm 1970, Alekxandr Solzhenisyn được tặng giải Nobel nhưng ông không đến Thụy Điển nhận lễ trao giải vì sợ sau đó không trở về nước được; hai năm sau ông mới đến nhận giải và đọc Diễn từ. Năm 1974, sau khi công bố bản tuyên ngôn Không sống bằng dối trá (Жить не по лжи) và cho in tác phẩm Quần đảo GULag (Архипелаг ГУЛаг) ở Paris, Solzenitsyn bị bắt, bị nhà nước Liên Xô tước quyền công dân và bị trục xuất sang Cộng hòa Liên bang Đức, sau đó ông định cư ở Hoa Kỳ.
Bản tuyên ngôn Không sống bằng dối trá được viết ngay trước khi ông bị trục xuất khỏi nước Liên Xô đã thể hiện tâm tư của ông, có đoạn viết Chúng ta đã bị phi nhân tính một cách tuyệt vọng tới mức chỉ vì một khẩu phần ăn khiêm tốn hàng ngày cũng sẵn lòng đánh đổi mọi nguyên tắc của mình, tâm hồn của mình, những nỗ lực của tiền nhân và cơ hội dành cho hậu thế - cốt sao sự tồn tại mong manh của mình không bị phá vỡ. Chúng ta chẳng còn lấy một chút vững vàng, một chút tự hào và một bầu nhiệt huyết. Chúng ta thậm chí còn chẳng sợ cái chết vì vũ khí hạt nhân, không sợ thế chiến thứ ba (còn có thể trú ẩn trong những kẽ hầm mà!), thế nhưng lại sợ những hành động can đảm của công dân! Bài viết này được các báo chí trên thế giới đăng lại hoặc nhắc đến, gồm The Washington Post, NewYork Times
***
Không ai thông báo cho sinh viên biết gì hết, tuy nhiên sáng hôm sau tất cả đều biết chuyện.
Sáng hôm ấy, trời ảm đạm, gió thổi như sắp mưa.
Những đứa đi học tụ tập ở bên ngoài, nhưng ở đó rất lạnh. Tất cả các lớp đều cấm vào, các sinh viên làm tạp dịch đang chùi rửa, các phòng thí nghiệm tuyệt nhiên không được ai lai vãng vì người ta đang trang bị các phòng đó, và các sinh viên, một lần nữa, tụ họp, chen chúc nhau ở cầu thang.
Tiếng nói chuyện càng lúc càng ồn ào. Mấy cô gái cứ thở dài và than vãn không ngớt. Chỉ nghe toàn chuyện ngôi trường mới, học xá, phòng cho thuê. Michka Zimine, một sinh viên thấp người, nhưng nở nang, nổi tiếng nhờ những kỷ lục đào đất, cứ la hét không ngừng.
"Thế nào, các bạn nghĩ sao? Bộ làm mọi không công hả? Đúng là không công rồi! Đúng không Gior? Anh cắt nghĩa thế nào bây giờ đây?"
Gior, nhân viên của ban chấp hành, cậu bé da đen sạm mặc áo sơ-mi ô vuông nâu đỏ đã thiết lập danh sách các nhóm phụ trách việc dọn các phòng thí nghiệm, đang đứng trên đầu cầu thang, dáng điệu đầy vẻ hối hận.
"Anh hãy đợi một chút đi, để hỏi lại xem đã…"
"Ai hỏi?"
"Thì tụi tôi chớ ai… Có lẽ phải gởi thơ hỏi ở đâu đó xem".
"Ý kiến đó được đó mấy chị", một cô bé nói với giọng cương quyết. "Chúng ta hãy gởi một đơn khiếu nại lên Moscou đi. Các chị có nghĩ là chúng ta sẽ được thỏa mãn không?"
Mọi khi đó là một cô bé ngoan ngoãn, hiền từ, nhưng giờ đây cô hết chịu đựng nổi nữa, cô sẵn sàng bỏ học: cô không thể tiếp tục lấy ra bảy chục rúp từ số tiền học bổng để thuê một chiếc giường xếp.
"Phải viết một cái thơ mới được!" Một cô bạn của cô ta nói, tay vỗ vỗ lên thành cầu thang, một cô bé rất xinh có mái tóc đen tuyền mặc một chiếc áo nỉ ngắn, rộng, kiểu thể thao. "Và tất cả chín trăm người chúng ta sẽ ký tên vào".
"Hay!…"
"Rất đúng!"
"Trước hết các bạn hỏi kỹ xem mình có thể thu được bao nhiêu chữ ký". Từ góc bên kia vọng sang một giọng nói muốn hãm bớt sự cuồng nhiệt của họ.
Valia Rogozkine, người giỏi nhất về môn điền kinh, vô địch một trăm và bốn trăm thước, vô địch nhảy cao, vua la lối, đang nằm dài trên thành cầu thang: một chân đặt lên một bậc thang, một chân bỏ qua phía bên kia thành cầu thang nơi cậu ta áp ngực lên, hai cánh tay cũng bám chặt vào thành, cằm đặt trên hai bàn tay, và không thèm đếm xỉa đến những tiếng "suỵt" của mấy cô gái, nằm nguyên trong tư thế đó, hai chân dang ra, cậu ta hướng mắt nhìn lên Gior, trong khi Valia Gougouev, một nam sinh rất trầm tĩnh, nước da sạm nắng, có đôi vai rộng, đang đứng ngay góc thành cầu thang một cách hết sức dạn dĩ và xem thường sáu thước trống không đàng sau lưng.
"Các bạn nghe đây!" Valia Rogozkine nói lớn giọng lanh lảnh. "Tất cả những chuyện đó là đồ giỡn chơi hết. Tốt hơn là ngày mai mình đừng đi học, muôn người như một đi!"
"Mình ra sân vận động đi!" Nhiều giọng cùng la lên.
"Ai cho phép các anh?" Gior hỏi, dè dặt.
…
Mời các bạn đón đọc Ngôi Nhà Của Matriona của tác giả Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn.