Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Tầng Đầu Địa Ngục

Bản dịch khác:

Vòng Đầu
Tác giả: Aleksandr Solzhenitsyn
NXB Ngàn Khơi, 1971
Dịch giả: Vũ Minh Thiều
Nguyên tác: В круге первом (1968)

Tác phẩm Tầng đầu địa ngục do Nhà xuất bản Đất Mới chúng tôi gửi tới tay bạn đọc được dịch theo bản Anh văn The First Circle do Nhà Bantam Books ấn hành. Quyển này dày 674 trang và gồm 87 chương.

Như các bạn đã thấy, tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục của Aleksandr I. Solzhenitsyn diễn tả cuộc sống mất tự do trong tù ngục của những chính trị phạm Nga trên Liên bang Xô Viết. Chính tác giả từng sống trong những ngục tù này nên những gì ông viết lại đều rất trung thực, rất sống, làm rung động tâm hồn người đọc. Trong truyện, ông viết lại cuộc đời của rất nhiều tù nhân, mỗi tù nhân là một trường hợp đặc biệt, một cảnh ngộ riêng. Vì muốn diễn tả thật nhiều trường hợp bị tù đày nên trong The First Circle có quá nhiều nhân vật không liên lạc gì đến cốt truyện.

Với mục đích làm cho cốt truyện được đúc kết hơn, có liên lạc hơn, chúng tôi đã lược bỏ một số trang khi dịch The First Circle sang Tầng đầu địa ngục. Việc lược bỏ của chúng tôi chỉ làm cho tác phẩm thêm trong sáng, chặt chẽ, cốt truyện vẫn còn nguyên, những nhân vật chính vẫn có đủ mặt. Giá trị văn chương của The First Circle, qua bản dịch của chúng tôi, theo chúng tôi nghĩ, chỉ có tăng chứ không giảm.
Chúng tôi mong bạn đọc nhận xét, so sánh, nhận biết sự cố gắng của chúng tôi và đồng ý với chúng tôi rằng khi chuyển ngữ một tác phẩm tiểu thuyết ngoại ngữ sang tiếng Việt, đôi khi việc lược bỏ vài đoạn không liên hệ đến cốt truyện là việc làm cần thiết và hợp lý.
Trân trọng cám ơn bạn đọc.
Nhà xuất bản Đất Mới.

***

Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn là nhà văn, nhà viết kịch của Liên Bang Xô Viết và Liên Bang Nga đoạt giải Nobel Văn học năm 1970.

Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn sinh ở Kislovodsk, vùng bắc Kavkaz. Bố mất khi Solzhenitsyn chưa sinh, mẹ đi làm nghề đánh máy để nuôi con. Năm 1925 hai mẹ con chuyển về thành phố Rostov-trên-sông-Đông (Rostov-na-Donu). Từ năm 1926 đến 1936 học ở trường phổ thông thường bị bạn bè chế diễu vì đeo thập tự và không muốn vào Đội thiếu niên Lenin. Sau đó, nghe theo lời khuyên của các thầy cô giáo, Solzhenitsyn đã tiếp nhận lý tưởng cách mạng, năm 1936 vào Đoàn thanh niên cộng sản Komsomol. Từ nhỏ Solzhenitsyn đã muốn trở thành nhà văn nhưng có năng khiếu toán học nên năm 1936 ông theo học khoa Toán trường Đại học Rostov để sau này dễ kiếm việc làm. Những năm học ở Đại học Rostov, Solzhenitsyn luôn là sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng Stalin.

Năm 1970, Alekxandr Solzhenisyn được tặng giải Nobel nhưng ông không đến Thụy Điển nhận lễ trao giải vì sợ sau đó không trở về nước được; hai năm sau ông mới đến nhận giải và đọc Diễn từ. Năm 1974, sau khi công bố bản tuyên ngôn Không sống bằng dối trá (Жить не по лжи) và cho in tác phẩm Quần đảo GULag (Архипелаг ГУЛаг) ở Paris, Solzenitsyn bị bắt, bị nhà nước Liên Xô tước quyền công dân và bị trục xuất sang Cộng hòa Liên bang Đức, sau đó ông định cư ở Hoa Kỳ.

Bản tuyên ngôn Không sống bằng dối trá được viết ngay trước khi ông bị trục xuất khỏi nước Liên Xô đã thể hiện tâm tư của ông, có đoạn viết Chúng ta đã bị phi nhân tính một cách tuyệt vọng tới mức chỉ vì một khẩu phần ăn khiêm tốn hàng ngày cũng sẵn lòng đánh đổi mọi nguyên tắc của mình, tâm hồn của mình, những nỗ lực của tiền nhân và cơ hội dành cho hậu thế - cốt sao sự tồn tại mong manh của mình không bị phá vỡ. Chúng ta chẳng còn lấy một chút vững vàng, một chút tự hào và một bầu nhiệt huyết. Chúng ta thậm chí còn chẳng sợ cái chết vì vũ khí hạt nhân, không sợ thế chiến thứ ba (còn có thể trú ẩn trong những kẽ hầm mà!), thế nhưng lại sợ những hành động can đảm của công dân! Bài viết này được các báo chí trên thế giới đăng lại hoặc nhắc đến, gồm The Washington Post [2], Time [3]. NewYork Times [4]

***

Đôi kim đồng hồ chỉ bốn giờ năm phút.

Trong ánh sáng hấp hối của một ngày tháng Chạp, mặt đồng của chiếc đồng hồ đặt trên giá trông như có màu đen.
Hai cánh cửa kiếng của khung cửa sổ cao nhìn xuống dãy phố đông đảo, nhộn nhịp bên dưới, nơi những người gác cửa đang dồn những mảnh tuyết nâu lại thành từng đống, tuyết tuy mới rơi nhưng đã ướt và dơ bẩn, những cây cào gỗ đẩy tuyết ngay dưới chân những người qua đường.

Innokenty Volodin, cố vấn Quốc gia đệ nhị, nhìn ngây xuống cảnh đó nhưng không ghi nhận gì hết, chàng đứng dựa vài vào thành cửa sổ, miệng khẽ huýt gió một điệu nhạc mệt mỏi. Những ngón tay chàng lật mở từng từ giấy trắng bóng, in sặc sỡ nhiều màu của một tập san ngoại quốc. Nhưng mắt chàng cũng không nhìn thấy những hình ảnh in trên những trang báo đó.

Cố vấn Quốc gia đệ nhị hạng Innokenty Volodin, chức vụ này của chàng trong ngành ngoại giao tương đương với cấp Trung tá trong quân đội, là một thanh niên cao và mảnh mai. Không bận đồng phục và bận bộ y phục may bằng một thứ hàng len dệt, trông chàng có vẻ là một công tử hào hoa hơn là một viên chức trung cấp trong Bộ Ngoại giao.

Bây giờ đã đến lúc chàng phải bật đèn trong văn phòng nếu chàng muốn ở lại làm việc ngoài giờ, nhưng chàng không bật đèn, hoặc rời văn phòng để về nhà. Chàng cũng không để lộ vẻ gì là sửa soạn ra về.

Bốn giờ chiều không có nghĩa là giờ làm việc trong ngày đã hết, bốn giờ chiều chỉ có nghĩa là ánh sáng của một ngày đã tắt, hoặc mờ đi, vào giờ nay tất cả mọi người đều về nhà ăn bữa tối để rồi bắt đầu từ mười giờ đêm, cả ngàn khung cửa sổ của sáu mươi nhăm cơ quan chính phủ ở Mạc Tư Khoa lại sáng đèn. Chỉ có một người, một người mà thôi, sống ở giữa khoảng một tá tường thành ở Mạc Tư Khoa, không ngủ được ban đêm, và người này đã làm cho tất cả những viên chức chính phủ lớn nhỏ ở Mạc Tư Khoa cũng phải thức với y cho tới ba, bốn giờ sáng. Vì đã biết rõ thói quen thức đêm của Vị Chúa Tể, đêm nào cũng vậy, khoảng ba mươi ông Tổng trưởng ngồi như những chú học trò được gọi đến tên. Để cho khỏi buồn ngủ, những ông Tổng trưởng này hành hạ những ông phụ tá, những ông phụ tá hành hạ những ông trưởng phòng và những nhân viên phụ trách lưu trữ hồ sơ vất vả leo lên những bậc thang mở những ô kéo tìm những tấm phiếu lý lịch hồ sơ, trong hành lang có những viên thư ký hấp tấp đi lại và trong văn phòng có những viên thư ký hồi hộp làm gãy những ngọn viết chì.

Mời các bạn đón đọc Tầng Đầu Địa Ngục của tác giả Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn.