Trang, một bé gái mồ côi người Trung Hoa được một gia đình người Do Thái mua về để bầu bạn học hành với David, cậu con trai của chủ nhà. Tình yêu trong sáng đã nảy sinh và phát triển cùng với tuổi ấu thơ và thời hoa niên của họ. Do trở ngại bởi tôn giáo, bởi đẳng cấp và thành kiến dân tộc, mối tình giữa Trang và David trở thành vô vọng. Nàng bèn tìm mọi cách để bảo vệ tình yêu ban đầu của mình, quyết đấu tranh để được sống chung dưới một mái nhà với chàng, dù chỉ với tư cách là một tì nữ.
***
Sau khi được trao tặng giải thưởng Nobel năm 1938, tên tuổi nữ văn hào Mỹ Pearl S. Buck đã trở nên quen thuộc và thân thiết với bạn đọc trên khắp thế giới.
Pearl S. Buck (1892 – 1973) là một nhà nhân văn lớn. Bà sống và gắn bó với đất nước Trung Hoa nói riêng và phương Đông nói chung gần như suốt cuộc đời. Với trí tuệ sắc sảo và trái tim nhạy cảm, bà đã miêu tả xã hội Trung Quốc ở nhiều thời đại và bình diện khác nhau qua các tiểu thuyết nổi tiếng, trong đó có Bà Vua – hay còn gọi là Người cung nữ (Imperial Woman) và Trang (Peony)…
Nhân vật chính trong tiểu thuyết không phải là một bà hoàng đầy quyền uy và tham vọng như Từ Hi Thái hậu; cũng không phải là một tiểu thư khuê các, diễm kiều chốn Hoàng cung mà chỉ là một nữ tì Trung Hoa trong gia đình thương gia Do Thái giàu có.
Tình yêu trong sáng giữa Trang và Đavít (con trai ông chủ) nảy sinh và phát triển cùng với tuổi thơ ấu và hoa niên của họ. Song mộng mơ của tuổi trẻ đã vấp phải những trở lực vô hình mà vô cùng nghiệt ngã của tôn giáo, đẳng cấp và thành kiến dân tộc. Bao đau đớn, dằt vặt đã vò xé cõi lòng người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Nàng tìm mọi cách để bảo vệ tình yêu ban đầu và duy nhất của mình. Nàng luôn phải đối phó với những hoàn cảnh éo le, ngang trái, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để được sống chung với chàng dưới một mái nhà - dù chỉ với tư cách là một nữ tì.
Suốt đời, Trang âm thầm hy sinh cho quyền lợi của mọi người. Còn nàng, nàng đã tìm cho mình một nơi ẩn thân yên tĩnh, thâm nghiêm: nhà chùa, để gìn giữ trọn vẹn những kỷ niệm sâu sắc về mối tình đầu thiêng liêng - kho báu vô giá của nàng.
Mối tình âm thầm mà thiết tha, cháy bỏng và thanh khiết tuyệt vời giữa Trang và Đavít là bài học bổ ích cho mỗi chúng ta. Qua mỗi trang viết, tác giả dẫn dắt người đọc đi sâu vào thế giới phong phú, đa dạng đầy hương vị ngọt ngào cùng cay đắng của tình yêu.
Tác giả khiến chúng ta rung động thực sự trước tâm hồn cao quí của Trang. Qua nhân vật này, bà khẳng định chắc chắn rằng: nhân cách con người không phải do địa vị xã hội và tiền tài quyết định.
Với những cống hiến to lớn trong lãnh vực văn chương, Pearl S. Buck đã góp phần giúp nhân loại ngày càng hiểu và xích lại gần nhau trong tinh thần Hòa Bình và Nhân Bản.
Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Kỷ Tỵ
Giáo sư Lê Trí Viễn
***
Pearl Buck (tên thật là Pearl Comfort Sydenstricker, có tên Trung Quốc là Trại Chân Châu) là con một nhà truyền giáo người Mỹ. Sau khi ra đời chưa đầy 5 tháng, bà đã được cha mẹ đưa sang Trung Quốc sinh sống. Từ nhỏ và suốt cả cuộc đời bà yêu mến và thích tìm hiểu cuộc sống của người dân Trung Quốc, cảm thông với những người dân địa phương bị nhiều tầng áp bức.
Năm 15 tuổi, bà được gửi trọ học tại một trường dạy Anh văn ở Thượng Hải. Năm 17 tuổi, cha mẹ cho Pearl Buck về Mỹ, học tại Trường Đại học Randolph Macon (tiểu bang Virginia). Năm 1917 bà kết hôn với một mục sư và theo chồng đi truyền giáo tại miền Bắc Trung Hoa. Từ năm 1922, bà dạy ở Đại học Nam Kinh và Kim Lăng.
Năm 1925, Pearl Buck bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Gió Đông, Gió Tây (do chạy loạn Quốc dân đảng, năm 1930 mới xuất bản được). Sau đó hàng loạt tiểu thuyết nổi tiếng khác về đề tài Trung Quốc ra đời, như Đất Lành, Những Người Con Trai, Một Nhà Chia Rẽ, Người Mẹ, Những Đứa Trẻ Chậm Lớn… trong đó tiểu thuyết Đất Lành được nhận giải Pulitzer năm 1931. Năm 1933, bà được Đại học Yale tặng bằng Cử nhân Văn chương Danh dự. Năm 1938, bà được Đại học West Virginia và Đại học St. Lawrence trao tặng bằng Tiến sĩ Văn chương Danh dự.
Năm 1938 Pearl Buck nhận giải thưởng Nobel vì các tác phẩm mô tả đời sống nông thôn Trung Hoa một cách phong phú và xác thực (chủ yếu với tiểu thuyết Đất Lành và hai cuốn tự truyện Người Tha Hương (1936) viết về người mẹ và Thiên Thần Chiến Đấu (1936) viết về cha của bà). Sau khi nhận giải, Pearl Buck tiếp tục sáng tác rất nhiều, ngoài văn xuôi bà còn viết kịch, kịch bản phim, tiểu luận và sách cho thiếu nhi. Bà cũng là người đã dịch Thủy Hử (All men are brothers) và một số tác phẩm văn học Trung Quốc sang tiếng Anh.
Trong Thế chiến II, Pearl Buck viết nhiều sách báo chính luận chống chủ nghĩa phát xít. Những năm 50, bà xuất bản một số tác phẩm về đề tài gia đình và xã hội Mỹ, kí bút danh I. Sedge. Năm 1951, Pearl Buck được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ. Năm 1955, bà li dị chồng và tục huyền với giám đốc một hãng quảng cáo.
Cuối đời, bà quan tâm đến đề tài các nhà bác học nguyên tử buộc phải chế tạo vũ khí giết người hàng loạt. Đồng thời, bà tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội như: sáng lập ra tổ chức không vụ lợi Hiệp hội Đông Tây (The East and West Association, 1941) nhằm truyền bá những hiểu biết giữa các dân tộc trên thế giới; cùng chồng lập nên tổ chức Căn nhà tình nghĩa (Welcome Home, 1949) giúp trẻ mồ côi; lập ra Quỹ Pearl S. Buck (The Pearl S. Buck Foundation, 1963) và tặng cho quỹ này 7 triệu đôla.
• Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
***
Như vậy, ông Era đã chết. Người ta chôn cất ông bên cạnh mộ phần thân phụ ông và bên dưới là nơi mà thân xác bà Era đã hòa lẫn cùng đất cát Trung Hoa.
Đavít xúc động nghĩ đến điều đó khi chàng đứng trên miệng huyệt cha chàng. Chàng nghĩ đến mẹ chàng, một người đàn bà có cá tính đặc biệt, đã tạo nhiều ảnh hưởng trong đời chàng và đến nay những ảnh hưởng ấy vẫn còn tồn tại.
Cuộc chiến đấu mà bà theo đuổi suốt đời để tách rời chính mình và gia đình mình sống riêng rẽ như những người Do Thái chân chính, bây giờ đã chấm dứt. Sự chết đã thắng bà.
Chiều nay trên đồi, không khí mát dịu, Đavít không thể dửng dưng với đoàn người đông đảo đã đưa cha chàng ra đến mộ phần. Đavít thầm tiếc không có mặt mẹ chàng để bà nhìn thấy lòng tốt của đám bạn hữu cha chàng, họ đi đưa đông đến nỗi đám tang chẳng khác nào đám tang của một vị thượng quan người Trung Hoa; thật không có chút gì có vẻ là Do Thái cả. Chỉ có một mình Đavít là còn giữ nguyên trong lòng những ý niệm về nguồn gốc, dòng giống. Lần đầu tiên trong đời chàng, Đavít hiểu tại sao mẹ chàng đã ao ước đến cuồng nhiệt được trở về cố quốc và được chôn cất ở đấy. Chắc chắn bà đã biết rõ, như bà đã biết rõ nhiều điều mà không nói ra, rằng nếu bà chết ở đây, tro bụi của thân xác bà sẽ trộn lẫn cùng đất cát của xứ ngoại quốc này.
Năm thành phố chồng chất lên nhau dưới lòng đất nơi Đavít đang đứng. Nhiều thế hệ kế tiếp, đã xây dựng các thành phố ấy, cái này chồng lên cái kia; tại miền đất cổ xưa này, người ta không thể đào quá sâu mà không gặp các người xưa đã chết. Cha mẹ chàng hẳn đã bị buộc chặt vào mảnh đất này cùng với các người khác, và không bao giờ họ còn có thể thuộc về một dân tộc riêng biệt.
Tiếng tụng niệm ê a của các sư sãi đã làm cho Đavít đau nhói trong lòng. Quả thật Đavít muốn từ chối khi vị sư già chùa Kim Phật đến nghiêng mình trước vong linh người chết; chàng đã hết lòng giải thích rằng Phật giáo không phải là tôn giáo của cha chàng. Với tất cả sự nhã nhặn, chàng cố nói cho sư cụ hiểu rằng, không nên tụng kinh Phật trước mộ huyệt của cha chàng.
Mời các bạn đón đọc Trang của tác giả Pearl S. Buck.