Kể từ khi Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) lãnh giải Nobel văn chương (12/10/2000) cho đến nay [2003] cũng đã gần ba năm. Cao Hành Kiện là một nhà văn Trung Hoa lưu vong, việc ông được trao giải Nobel văn chương dĩ nhiên cũng gây nên một số chấn động chính trị. Chính quyền Trung Quốc đã từng đưa ra lập luận rằng giá trị văn chương của Cao Hành Kiện đích thực cũng chẳng có gì; có nhiều nhà văn Trung Hoa khác xứng đáng hơn ông; trao giải Nobel văn chương cho Cao Hành Kiện chẳng qua cũng có một ẩn ý chính trị nào đó.
Muốn thẩm định giá trị văn chương của Cao Hành Kiện là một viêc làm đòi hỏi nhiều thì giờ và khảo cứu nghiêm túc. Cho đến nay chỉ mới có một tác phẩm của ông được dịch ra Việt ngữ là cuốn Linh Sơn (Trần Đĩnh dịch, Nxb Phụ Nữ, 2002). [* xem chú thích của Tiền Vệ]. Điều đáng tiếc là bản dịch Việt ngữ này lại được dịch từ bản dịch Pháp ngữ chứ không phải là từ nguyên tác Hoa ngữ. Dĩ nhiên một bản dịch từ một bản dịch khó có thể nào giữ được văn phong (style) của nguyên tác. Đây lại là một phương diện mà Cao Hành Kiện hết sức đặt nặng--điều này bất cứ ai chỉ cần có chút quen thuộc với tác phẩm của ông cũng nhận ra.
Tuy thế, Cao Hành Kiện cũng còn "may mắn" hơn nhiều nhà văn được giải Nobel gần đây: Một lề thói mà chúng ta nhận thấy trên các tạp chí ở hải ngoại--kể cả các tạp chí chuyên về văn học--là sau khi một tác giả được trao giải Nobel văn chương, chúng ta chỉ thấy một số bài dịch loáng thoáng vội vã có lẽ từ vài nhật báo ngoại quốc hay từ trên internet về tác giả đó. Thế là tác giả đó kể như là đã được "giải quyết" xong. "Một trang sử đã xếp lại." Hiện nay hầu như không thấy có bình luận hay nghiên cứu nào về Toni Morrison, Octavio Paz, V. S. Naipaul, v.v. Cũng không thấy một tác phẩm nào của những nhà văn nhà thơ này được dịch ra Việt ngữ cả.
Trong sự nghiệp của ông, Cao Hành Kiện viết khá nhiều kịch và ông cũng đặc biệt nổi tiếng về kịch. Kịch của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và diễn tại nhiều nơi ở Âu Châu. Để hiểu được nghệ thuật kịch của Cao Hành Kiện, điều cần ghi nhận là ông không viết kịch chỉ thuần để đọc mà chính là để diễn. Sau mỗi vở kịch ông thường viết một bài thuyết minh nói lên phần nào cấu tạo của vở kịch và đề nghị cách diễn. Ngoài ra người đọc cần phải được trang bị bởi một kiến thức căn bản về nghệ thuật hí kịch hiện đại của Trung Quốc cũng như quan điểm về kịch của Cao Hành Kiện mà chính ông đã trình bày trong rất nhiều bài viết.
Xa Trạm là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Cao Hành Kiện. Vở kịch này được viết vào năm 1982. Năm 1983 Xa Trạm được diễn bởi Bắc Kinh Nhân Dân Nghệ Thuật Viện gây nhiều chấn động và sau đó bị cấm diễn luôn. Tác giả bị phê phán nặng nề và bị cấm không được đăng tác phẩm gần một năm. Xa Trạm đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ Tây phương (kể cả Hung Gia Lợi) và Nhật ngữ cũng như được trình diễn ở khắp Âu châu và Nhật Bản. Năm 1989, sau biến cố Thiên An Môn, Cao Hành Kiện tuyên bố rời bỏ Trung Quốc sang định cư ở Pháp Quốc.
-------------------------
* Chú thích của Tiền Vệ: Như Hạnh viết lời giới thiệu này vào đầu năm 2003. Sau đó, ở Việt Nam đã có thêm hai bản dịch cuốn Linh sơn trực tiếp từ nguyên tác Hoa ngữ: bản của Hồ Quang Du (Nxb Văn Học, 2003); và bản của Ông Văn Tùng [lấy nhan đề là Núi thiêng] (Nxb Văn Nghệ TP HCM, 2003).
Dịch giả Như Hạnh tốt nghiệp Ph.D. về ngành Đông Phương Học tại Đại Học Harvard, Cambridge, Massachusetts, chuyên về tôn giáo và Triết Học Ấn Độ. Hiện ông đang giảng dạy về Phật Giáo, Tôn Giáo Nam Á (South Asia), và Phạn Văn (Sanskrit) tại Đại Học George Mason ở Fairfax, Virginia.
***
Cao Hành Kiện (4/1/1940) là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Trung Quốc đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được trao Giải Nobel Văn học trong suốt 100 năm qua. Ông cũng còn được biết đến với tư cách là một dịch giả, đạo diễn sân khấu và họa sĩ.
Ông sinh ra và lớn lên ở Cống/Cám Châu, Giang Tây, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962 ngành tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp ông được phân công đến Cục xuất bản ngoại văn làm phiên dịch. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ông đã bị đưa vào trại học tập cải tạo và phải âm thầm thiêu hủy cả một va-li đầy bản thảo tác phẩm của mình, trong đó có một vài cuốn tiểu thuyết chỉ chờ ngày xuất bản và 15 vở kịch. Sau đó, ông bị gửi vào trại cải tạo giáo dục mất 7 năm. Năm 1975 ông trở về Bắc Kinh, làm việc tại Cục xuất bản Ngoại văn. Đến năm 1978 ông nhận chức phiên dịch cho Hiệp hội tác gia Trung Quốc. Năm 1980 ông về làm công tác biên kịch tại Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh. Cao Hành Kiện là một trong những văn nghệ sĩ tiền phong của Trung Quốc đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Chính phủ Trung Quốc đã từng coi ông là một phần tử chống đối và các tác phẩm của ông đã bị cấm lưu hành từ năm 1986. Ông đã bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
Năm 1988, ông sang Pháp sinh sống và nhập quốc tịch Pháp từ 1998, hiện cư ngụ tại ngoại ô Paris, khu Bagnolet. Mười chín năm sống ở Pháp, ông đã tập trung vào viết sách, soạn kịch và triển lãm nghệ thuật. Vào năm 1992 ông đã giành được giải Chevalier de l'Ordre des Arts et des Lettres (Huân chương về Văn học và Nghệ thuật) của Chính phủ Pháp. Sau khi ông đoạt giải Nobel năm 2000, báo chí Trung Quốc không rầm rộ về việc này, nhưng tờ báo ra hằng ngày Tin tức buổi chiều Dương Thành, vào năm 2001, trong một cuộc chỉ trích về Linh Sơn đã gọi ông là một "nhà văn dở tệ" và nói rằng việc ông đoạt giải Nobel thật là lố bịch.
Linh Sơn là một tác phẩm nổi tiếng của ông, tổng hợp nhiều hình thái và thể loại văn chương gồm hồi ký, chuyện tình, phóng sự xã hội, thực tế, hư cấu, triết lý, đối thoại, độc thoại… hoà quyện vào nhau. Giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh (Soul Mountain) đã nhận định: "Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong".
Cao Hành Kiện còn là một họa sĩ vẽ tranh thủy mặc độc đáo. Ông đã cho tổ chức khoảng 30 cuộc triển lãm tranh khắp nơi trên thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi.
***
Người trầm mặc: tuổi trung niên
Ông già: ngoài sáu mươi
Cô gái: hai mươi tám tuổi
Thằng lỗ mãng: mười chín tuổi
Người đeo kính: ba mươi tuổi
Bà mẹ: bốn mươi tuổi
Sư phó: bốn mươi lăm tuổi
Mã chủ nhiệm: năm mươi tuổi
(Tuổi tác của nhân vật đều là tuổi vào lúc xuất hiện)
ĐỊA ĐIỂM
Một trạm xe buýt ở ngoại ô thành phố
(Một bảng trạm xe buýt được đặt ngay giữa sân khấu. Bởi vì dạn dày sương gió lâu ngày, vết chữ trên bảng đã không còn rõ ràng nữa. Cạnh trạm xe có một dãy lan can sắt, hành khách đợi xe đứng xếp hàng bên trong lan can. Lan can sắt có hình thập tự, đông tây nam bắc mỗi đầu dài ngắn không đều nhau, mang một ý nghĩa tượng trưng, biểu thị một ngã tư đường, cũng có thể là một điểm giao thoa mà cũng có thể là một điểm trên đường đời của các nhân vật. Các nhân vật có thể lên sân khấu từ bất cứ phía nào.
Người trầm mặc xách bao bước lên sân khấu. Ông đứng lại đợi xe. Ông già tay không bước lên.)
Ông già: Xe vừa qua à?
(Người trầm mặc khẽ gật đầu.)
Ông già: Bác vào thành phố à?
(Người trầm mặc gật đầu.)
Ông già: Trưa thứ bảy mà vào thành phố thì phải đi sớm, còn mà đợi tan sở rồi mới đón xe thì không bắt kịp đâu.
(Người trầm mặc mỉm cười.)
Ông già: (Quay đầu nhìn) Chẳng thấy bóng dáng xe đâu cả. Vào trưa thứ bảy ai cũng muốn vào thành phố, xe lại càng thưa chuyến. Mình chỉ cần trễ một bước, là gặp ngay giờ "cao điểm", thành ngữ mới lạ! Đúng lúc mọi người tan sở là ồn ào đông đúc ngay, phải ra sức mà chen lấn, nhưng mà cỡ ông thì còn sức, còn cỡ như vào tuổi tôi thì vô phương! Cũng may mà tôi kể như sớm được một bước, những người tan sở lượt đầu vẫn còn chưa động ổ! Ngay cả ngủ trưa tôi cũng không dám. (Thở phào nhẹ nhõm, ngáp.) Nếu như chiều này mà không có công chuyện trong thành phố, không thể không đi, không đời nào tôi lại xông pha vào cái "cao điểm" này. (Rút thuốc lá ra.) Ông có hút thuốc không? (Người trầm mặc lắc đầu.) Không hút mà hay. Đã tốn tiền mà còn nám cả cổ họng. Muốn hút thuốc ngon cũng mua không nổi. Vừa nghe có thuốc đến "Đại Tiền Môn", người đứng xếp hàng đã đến tận ngoài lộ, còn quanh co mấy vòng, y như thể con giun dài. Mỗi người chỉ được giới hạn mua hai hộp. Mình vừa xếp hàng đến nơi, anh bán hàng đã đanh mặt bỏ đi. Mình có hỏi, anh ta cũng chẳng thèm đếm xỉa đến mình. Như thế là "phục vụ khách hàng" đó sao? Chỉ được cái giả bộ bề ngoài. Thuốc lá "Đại Tiền Môn" thật ra lèn theo cửa sau ra hết! Cũng y như đáp xe buýt vậy. Mình theo qui củ đứng xếp hàng, thế nào cũng có một anh lẻn ngay vào trước mặt mình, vẫy tay với tài xế, thế là cửa xe mở. Họ là những hành khách "quan hệ tay trong." Hừ, mấy cái chữ nghe dễ giận. Đến lúc mình vừa xông lên, cửa xe đã đóng sập lại rồi. Đó gọi là "phục vụ hành khách" đấy, mình không trừng mắt thì còn biết làm gì? Ai cũng trông thấy nhưng mà chả biết phải làm sao! (Nhìn về bên hông khán đài.) A, có ai đến kìa, bác đứng ngay đầu, tôi xếp hàng sau lưng bác, chứ lát nữa xe đến là loạn cả lên ngay. Ai có sức mạnh là chiếm trước một chỗ ngồi. Điều ấy đã trở thành lề thói rồi.
(Người trầm mặc mỉm cười.)
(Cô gái cầm ví bước vào sân khấu, đứng lại ở một chỗ cách họ hơi xa. Thằng lỗ mãng bước vào, nhảy phắt lên lan can sắt ngồi, móc trong túi áo ra một điếu thuốc có đầu lọc rồi bật lửa lên châm.)
…
Mời các bạn đón đọc Trạm Xe của tác giả Cao Hành Kiện.