Giải Nobel Văn học (tiếng Thụy Điển: Nobelpriset i litteratur) là một trong sáu nhóm giải thưởng của Giải Nobel, giải được trao hàng năm cho một tác giả từ bất cứ quốc gia nào có, theo cách dùng từ trong di chúc của Alfred Nobel, tác phẩm xuất sắc nhất theo khuynh hướng duy tâm (nguyên văn tiếng Thụy Điển: "den som inom litteraturen har producerat det utmärktaste i idealisk riktning"). "Tác phẩm" ở đây có thể là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của người được trao giải hoặc là một số tác phẩm riêng biệt được nêu trong phần lý do trao tặng. Cơ quan quyết định người được nhận Giải Nobel Văn học là Viện Hàn lâm Thụy Điển, quyết định này được công bố vào đầu tháng 10 hàng năm.
Câu trích dẫn trong di chúc của Nobel về giải thưởng này đã dẫn đến nhiều tranh cãi. Trong tiếng Thụy Điển, từ idealisk vừa có thể hiểu là duy tâm (idealistic), vừa có thể hiểu là lý tưởng (ideal). Vì vậy trong giai đoạn đầu của Giải Nobel Văn học, Ủy ban Nobel đã gặp nhiều lúng túng trong việc lựa chọn người xứng đáng và đã bỏ qua nhiều nhà văn nổi tiếng Thế giới như Lev Tolstoy hay Henrik Ibsen, với lý do là tác phẩm của các tác giả nhà chưa đủ "duy tâm". Tuy nhiên giai đoạn sau, nguyên tắc cứng nhắc này đã được nới lỏng và người được nhận giải thưởng thường đều là những tác giả được Thế giới công nhận.
Truyện Ngắn Đặc Sắc Của Tác Giả Được Giải Thưởng Nobel gồm có:
***
Tôi còn nhớ một buổi chiều chủ nhật khi tôi mới khoảng mười tuổi, bố dắt tay tôi và chúng tôi đi dạo vào rừng để nghe chim hót. Chúng tôi vẫy tay chào mẹ tôi, bà phải ở nhà làm bữa ăn chiều nên không thể đi cùng chúng tôi. Chúng tôi không quan tâm lắm đến vụ chim hót, tuy rằng đấy là một điều gì đặc biệt và khác thường. Bố và tôi, đều là những người nhạy cảm. Chúng tôi, quen thuộc với khu rừng và các loài thú trong đó nên cũng chẳng quan trọng hoá gì về điều đó. Có điều chỉ vì hôm ấy là chủ nhật và bố được nghỉ. Chúng tôi thả bộ dọc đường ray xe lửa vốn là chỗ người ta không được phép đi, nhưng bố thì làm ở nhà xe lửa nên được cái quyền đó. Đi đường này chúng tôi vào thẳng khu rừng không cần phải đánh một đường vòng xa hơn.
Rồi tiếng chim hót và mọi chuyện khác bắt đầu ngay lập tức Chúng ríu rít trong các bụi cây; Lũ chim chích, chim hét, chim sáo; chúng tôi còn nghe cả tiếng của đủ mọi sinh vật bé nhỏ khác khi vào tới rừng. Mặt đất mọc đầy những cỏ chân ngỗng. Bên cây phong đã mọc lá mới, thông cũng đầy những chồi non xanh. Chỗ nào cũng có một mùi dễ chịu.
Mặt đất đầy rêu tỏa hơi sương vì nắng chiếu. Mọi nơi là cuộc sống và tiếng động; những con ong nghệ bay khỏi tổ, ruồi nhuế bu quanh những chỗ ẩm.
Những con chim trong bụi vụt ra bắt chúng rồi bay trở vào. Đột nhiên một con tàu lao tới và chúng tôi phải lui xuống mé dốc đường tàu. Bố chào người tài công bằng cách đưa hai ngón tay chạm vào vành mũ: ông ta chào lại và vẫy tay. Mọi thứ như đều chuyển động. Chúng tôi đi dọc con đường, những thanh tà vẹt nằm đó rỉ nhựa đường trong ánh nắng, có một cái mùi của đủ mọi thứ, mùi dầu máy và cây hạnh trổ hoa, mùi nhựa đường và cây thạch nam, tất cả quyện vào nhau. Chúng tôi bước dài để đặt chân đúng vào những thanh tà vẹt, khỏi phải bước trúng lớp đá rải gồ ghề, khó đi, lại làm mòn giầy nữa. Đường ray chói trong nắng. Hai bên đường là những cột điện thoại cứ kêu lên u u khi chúng tôi đi qua. Vâng ! Đó là một ngày đẹp trời. Bầu trời rất trong, chẳng thấy có đám mây nào. Bố nói là khó có một ngày nào như thế này. Một lát sau, chúng tôi tới một cánh đồng lúa mạch ở mé phải đường ray, ở đó có những người nông dân chúng tôi quen đang dọn đất. Lúa mạch mọc dầy và đều; bố nhìn cảnh đó với vẻ hiểu biết và tôi có thể cảm thấy bố hài lòng. Tôi không hiểu việc nhà nông lắm vì tôi sinh ra ở thành phố. Khi chúng tôi đến một cây cầu bắc ngang một con suối vốn chẳng có mấy tí nước, nhưng hôm nay nước cũng lên đầy. Chúng tôi nắm tay nhau để khỏi bị lọt giữa hai thanh tà vẹt. Từ đây đến chỗ của người gác cổng xe lửa cũng chẳng còn xa là mấy, nơi đó chỉ thấy xanh um vì những cây táo và lý gai mọc đầy đến sát bên nhà.
…
Mời các bạn đón đọc Truyện Ngắn Đặc Sắc Của Tác Giả Được Giải Thưởng Nobel.