Linh Sơn là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Trung Quốc đoạt Giải Nobel Văn học năm 2000: Cao Hành Kiện - con người đa tài trên nhiều lĩnh vực như viết kịch, làm thơ, vẽ, viết lý luận và viết tiểu thuyết.
Linh Sơn không có truyện đủ đầu đuôi phát triển cùng xung đột, mâu thuẫn tới cao trào theo như chuẩn định. Linh Sơn cũng không có nhân vật (theo chuẩn mực thông thường) với đầy đủ diện mạo, hình hài, cốt cách, cảnh ngộ. Linh Sơn tựa như một gallery những gương mặt thấp thoáng, le lói, vừa thực vừa ảo. Nó như một bức tranh thuỷ mặc đẹp thăm thẳm nhờ những nét chấm phá điêu luyện của người hoạ sĩ.
Linh Sơn rất hiện đại ở bút pháp, bố cục nhưng cũng đầy khí cốt, hồn phách Trung Hoa. Vừa dân tộc tính, vừa hiện đại, cả hai đều ở mức cao, đó có lẽ là lý do mà tác phẩm này đã được Uỷ ban Giải thưởng Nobel lựa chọn để trao giải.
***
Cao Hành Kiện (4/1/1940) là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Trung Quốc đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được trao Giải Nobel Văn học trong suốt 100 năm qua. Ông cũng còn được biết đến với tư cách là một dịch giả, đạo diễn sân khấu và họa sĩ.
Ông sinh ra và lớn lên ở Cống/Cám Châu, Giang Tây, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962 ngành tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp ông được phân công đến Cục xuất bản ngoại văn làm phiên dịch. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ông đã bị đưa vào trại học tập cải tạo và phải âm thầm thiêu hủy cả một va-li đầy bản thảo tác phẩm của mình, trong đó có một vài cuốn tiểu thuyết chỉ chờ ngày xuất bản và 15 vở kịch. Sau đó, ông bị gửi vào trại cải tạo giáo dục mất 7 năm. Năm 1975 ông trở về Bắc Kinh, làm việc tại Cục xuất bản Ngoại văn. Đến năm 1978 ông nhận chức phiên dịch cho Hiệp hội tác gia Trung Quốc. Năm 1980 ông về làm công tác biên kịch tại Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh. Cao Hành Kiện là một trong những văn nghệ sĩ tiền phong của Trung Quốc đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Chính phủ Trung Quốc đã từng coi ông là một phần tử chống đối và các tác phẩm của ông đã bị cấm lưu hành từ năm 1986. Ông đã bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
Năm 1988, ông sang Pháp sinh sống và nhập quốc tịch Pháp từ 1998, hiện cư ngụ tại ngoại ô Paris, khu Bagnolet. Mười chín năm sống ở Pháp, ông đã tập trung vào viết sách, soạn kịch và triển lãm nghệ thuật. Vào năm 1992 ông đã giành được giải Chevalier de l'Ordre des Arts et des Lettres (Huân chương về Văn học và Nghệ thuật) của Chính phủ Pháp. Sau khi ông đoạt giải Nobel năm 2000, báo chí Trung Quốc không rầm rộ về việc này, nhưng tờ báo ra hằng ngày Tin tức buổi chiều Dương Thành, vào năm 2001, trong một cuộc chỉ trích về Linh Sơn đã gọi ông là một "nhà văn dở tệ" và nói rằng việc ông đoạt giải Nobel thật là lố bịch.
Linh Sơn là một tác phẩm nổi tiếng của ông, tổng hợp nhiều hình thái và thể loại văn chương gồm hồi ký, chuyện tình, phóng sự xã hội, thực tế, hư cấu, triết lý, đối thoại, độc thoại… hoà quyện vào nhau. Giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh (Soul Mountain) đã nhận định: "Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong".
Cao Hành Kiện còn là một họa sĩ vẽ tranh thủy mặc độc đáo. Ông đã cho tổ chức khoảng 30 cuộc triển lãm tranh khắp nơi trên thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi.
***
Mi muốn kể cho nàng một chuyện có từ đời nhà Tấn. Chuyện ni cô đến xin bố thí ở cửa một đại tướng quân nổi tiếng vì ngạo mạn. Theo lệ, người ta báo với quản gia và quản gia cho ni cô một xâu nghìn đồng chinh. Ni cô từ chối, muốn gặp thí chủ, người ban tiền cho mình. Quản gia đành chuyển đạt lời thỉnh cầu này lên tổng quản gia, tổng quản gia muốn rũ gạt nhà sư nên đã ra lệnh cho gia nhân mang đưa cho ni cô một lượng bạc. Ai dám nói ni cô lại một lần nữa từ chối, lại yêu cầu gặp đích thân đại tướng quân, khẳng định chắc chắn rằng ông ta đang lâm nạn và ni cô đến đây để đặc biệt cầu kinh hóa giải cho ông ta. Tổng quản gia chỉ còn có thể trình lên và viên tướng ra lệnh đưa ni cô vào.
Khi nhìn thấy khuôn mặt của nhà sư mặc dù đầy bụi nhưng rất thanh tú và thoát tục, vị tướng nghĩ ngay ni cô không có chút nào là kẻ lừa bịp hay một mụ đàn bà chuyên trò dâm tà, ông bèn hỏi nhà sư muốn gì. Ni cô tiến lên, chắp tay chào rồi lùi lại nói đinh ninh rằng từ lâu đã nghe thấy đại tướng quân hào hiệp và khoan dung. Ni cô từ xa đặc biệt đến đây để thực hành bảy bảy bốn chín ngày chay giới vì vong linh của mẹ tướng quân đã chết. Đồng thời ni cô cầu xin Phật A Di Đà giáng phúc cho viên tướng, phù hộ độ trì cho ông tai qua nạn khỏi. Cuối cùng, viên tướng ra lệnh cho quản gia xếp đặt một gian phòng ở sân trong và cho gia nhân sửa soạn bàn hương ở đại sảnh.
Từ hôm ấy, tiếng tụng kinh gõ mõ cứ vang lên từ sáng đến chiều trong tướng phủ. Thời gian trôi đi, viên tướng cảm thấy ngày một nguôi dịu trong lòng và sự kính trọng của ông đối với vị sư nữ không ngừng tăng lên. Nhưng mỗi chiều vị sư nữ trẻ lại bỏ ra một giờ tắm táp. Viên tướng ngạc nhiên: nhà sư không tóc thì việc gì phải bận đến đầu tóc cùng trang điểm như một người đàn bà bình thường. Vậy tại sao tắm, nghi lễ đơn giản để thanh tẩy tâm can trước khi thay hương, lại kéo dài đến như thế? Hơn nữa, vào lúc ấy, người ta nghe thấy nước chảy không ngừng. Ni cô dội nước lên mình liên tục hay sao? Tướng quân bắt đầu bị sự tò mò ám ảnh.
…
Mời các bạn đón đọc Linh Sơn của tác giả Cao Hành Kiện.